Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201301/25655-nhung-lan-dieu-dan-ca-dang-bi-mai-mot-393001/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201301/25655-nhung-lan-dieu-dan-ca-dang-bi-mai-mot-393001/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những làn điệu dân ca đang bị mai một - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 21/01/2013, 07:55 [GMT+7]
25655

Những làn điệu dân ca đang bị mai một

Các làn điệu lăm, khắp, xuối, nhuôn của người Thái cũng như các làn điệu dân ca của người Đan Lai, Khơ mú, H Mông... ở miền Tây Nam Nghệ An được đúc kết hàng ngàn năm nay và mang những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Tuy nhiên, hiện nay âm nhạc dân gian, nhất là các làn điệu dân ca các dân tộc thiểu số đang bị mai một và có nguy cơ biến mất.
 
Âm nhạc dân gian nói chung, âm nhạc miền núi nói riêng thường gắn liền với sinh hoạt văn hóa của vùng miền. Người miền núi được thiên nhiên ưu ái, ban tặng cho những cảnh vật rất phong phú để sáng tác âm nhạc như: cảnh vật hữu tình, núi non, sông suối kỳ vĩ; âm thanh đa dạng kỳ thú, tiếng chim kêu vượn hót líu lo, tiếng suối róc rách trong trẻo... Tất cả những cái đó đã làm nên những giai điệu, kết hợp với những ngôn từ được thế hệ này sang thế hệ khác sáng tạo, chắt lọc và hình thành nên một nền âm nhạc dân gian đặc sắc.
 
Thế nhưng, do sự du nhập của văn hoá ngoại, thế hệ trẻ hiện nay lại đang quay lưng với nền âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Điều này một mặt là do sự ảnh hưởng mạnh mẽ của các trào lưu âm nhạc nước ngoài, nhưng mặt khác là do âm nhạc dân gian truyền thống không theo kịp với nhịp sống hiện đại của lớp trẻ.
 
Ông Vi Văn Phúc (khối 2, thị trấn Con Cuông) bên những cổ vật dân tộc Thái
được ông sưu tầm và gìn giữ
 
Trao đổi với chúng tôi, nhạc sĩ Trần Vương Là một người có hàng chục ca khúc viết về miền núi cho rằng: “Xã hội bây giờ phát triển, nhịp sống hối hả hơn, gấp gáp hơn nên âm nhạc cũng đòi hỏi có tiết tấu nhanh, mạnh hơn. Điều này thì âm nhạc phương Tây đáp ứng được, nên lớp trẻ chạy theo. Trong khi đó, các làn điệu dân ca thì vẫn không đổi mới, giai điệu dàn trải, tiết tấu chậm, rề rà nên lớp trẻ không thích và cho là lạc hậu”.
 
Ông Lê Hoàng, một nhạc sĩ nghiệp dư người dân tộc Thái đã sáng tác rất nhiều ca khúc dựa trên nền các làn điệu dân ca các dân tộc thiểu số và rất đam mê nghiên cứu về văn hóa Thái trăn trở: “Dân ca của người Thái ở Nghệ An có nhiều điểm khác với người Thái vùng Tây Bắc. Ngoài điệu khắp phổ biến nhiều nơi, người Thái ở Nghệ An còn có lăm, xuối, nhuôn. Đây là những di sản văn hóa rất có giá trị được cha ông để lại, nhưng nó đang mất dần. Theo ông Lê Hoàng thì đã rất nhiều lần ông đề nghị phải có một đề án, chính sách bảo tồn âm nhạc của người Thái nói riêng và âm nhạc dân gian các dân tộc thiểu số nói chung, nhưng có vị lãnh đạo ngành Văn hóa nói: “Ý kiến của anh hay đấy, nhưng bây giờ lo cho đồng bào cơm no áo ấm đã anh ơi, chuyện múa hát thì… tính sau”!
 
Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân gian truyền thống là một phần trong chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về việc giữ gìn, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc theo Nghị quyết TW5 ( khoá VIII) là một Nghị quyết sát đúng.
 
Lâu nay ở các huyện miền núi như Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương,... những năm qua, trong các dịp lễ hội, ngành văn hóa đều tổ chức các cuộc thi văn nghệ nhằm khuyến khích người dân tham gia với các tiết mục tự biên tự diễn theo làn điệu dân ca của dân tộc mình.
 
Đặc biệt, các kỳ lễ hội văn hóa các dân tộc ở Quỳ Hợp và Con Cuông, các tiết mục lăm, khắp, xuối, nhuôn của người Thái và những tiết mục dân ca Thổ được nhiều đội văn nghệ chú trọng khai thác. Bà con dân bản còn đứng ra thành lập được hàng chục CLB dân ca, nhạc cụ Thái và tổ chức giao lưu biểu diễn ở nhiều nơi.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Chương - Trưởng phòng Văn hóa huyện Con Cuông cho biết: Hiện nay chúng tôi đang tham mưu với UBND huyện cho soạn thảo đề án khôi phục lại các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn, trong đó có âm nhạc. Một trong những điều cần phải làm là ban hành những chính sách khuyến khích đối với những nghệ nhân, hỗ trợ kinh phí để họ mở các lớp học truyền thụ lại cho con em tại địa phương. Về lâu dài, ngành giáo dục nên tổ chức cho các em học sinh học thêm về âm nhạc truyền thống, giúp các em hiểu hơn giá trị và cái hay, cái đẹp của các làn điệu dân ca của dân tộc mình, để từ đó tự bản thân các em yêu thích một cách tự nhiên chứ không phải tiếp thu một cách thụ động.
 
Có thể thấy, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân gian truyền thống hiện nay hết sức cần thiết. Nếu không có chính sách hợp lý và sớm triển khai, nguy cơ biến mất những làn điệu dân ca đặc sắc của các dân tộc thiểu số là rất hiện hữu.

Phùng Văn Mùi
.