Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201301/25555-bieu-tuong-cua-chien-thang-393092/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201301/25555-bieu-tuong-cua-chien-thang-393092/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Biểu tượng của chiến thắng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 16/01/2013, 08:01 [GMT+7]
25555

Biểu tượng của chiến thắng

Tại Bảo tàng Quân khu 4, hiện nay còn lưu giữ 21 lá cờ, là di vật còn sót lại từ thời chiến tranh, cũng là kỷ vật lưu dấu những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh của dân tộc. Điều đáng nói ở đây, theo cán bộ bảo tàng thì mỗi lá cờ có một chất liệu, màu sắc nhất định chứ không đồng nhất, nhưng tất cả cùng có một ý nghĩa giống nhau, ấy là biểu tượng của sự chiến thắng.
 
Xuất phát từ yêu cầu gấp rút và nhiệm vụ chính trị trong từng thời điểm diễn ra cuộc chiến, một khi ta giành bất cứ trận thắng nào thì đều phải có cờ vẫy, còn gọi là cờ chỉ huy, đây chính là biểu tượng của chiến thắng. Vậy nên, giành thắng lợi sau một trận đánh, dù thiếu thốn đến đâu cũng phải tìm ra lá cờ, hoặc chí ít thì có biểu tượng tượng trưng cho lá cờ.
 
 
Bộ sưu tập những lá cờ mang biểu tượng của chiến thắng
 
Rất nhiều trận đánh, anh em chiến sỹ phải tạo ra lá cờ từ bất cứ cái gì có thể, đó là mảnh dù, vải áo, chiếc khăn, thậm chí là có lá cờ được xé ra từ quần đùi, áo lót của chiến sỹ. Hơn 20 lá cờ chiến thắng đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 4 hiện nay, mỗi lá cờ có một kích thước khác nhau, chất liệu không giống nhau nhưng đều tượng trưng cho niềm kiêu hãnh, tự hào của dân tộc trước mỗi thắng lợi mang tinh thần thép, tinh thần đoàn kết.
 
Lá cờ hình tam giác, đã bạc màu, có số hiệu đăng ký 826, chất liệu làm bằng vải pin, được may máy viền xung quanh hình tam giác, là của đồng chí Nguyễn Phú Tâm, chỉ huy pháo cao xạ thuộc Trung đoàn 214 Quân khu 4. Ngày 4/8/1966, đơn vị của Nguyễn Phú Tâm đang trên đường cơ động vào Quảng Bình chiến đấu thì bị hai chiếc máy bay F105 của địch bất ngờ bắn vào đội hình của đơn vị.
 
Lá cờ chiến thắng của Đại đội 2 , Trung đoàn 233 Pháo cao xạ QK4
 
Nguyễn Phú Tâm đã dũng cảm chỉ huy bắn rơi một chiếc, khi hy sinh đồng chí vẫn nắm chặt lá cờ này trong tay. Chiến công này đã góp phần cùng đơn vị Trung đoàn 214 bắn rơi 162 chiếc máy bay của Mỹ, để đến ngày 12/9/1969, đơn vị đã được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
 
Một lá cờ khác có số hồ sơ 927, là lá cờ của Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 233 Pháo cao xạ. Đầu năm 1972, các đơn vị C2, E3, C233 được giao nhiệm vụ lập trận địa, chốt giữa phà Bến Thủy, sẵn sàng đánh trả các đợt ném bom của đế quốc Mỹ. Việc kéo pháo lên đỉnh núi Quyết gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng Khẩu đội 2 thuộc Đại đội 2 vẫn bền lòng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
 
Ngày 25/5/1972, đồng chí Hồi, Đại đội trưởng Đại đội 2 đã chỉ huy đơn vị bắn rơi một máy bay A4 tại cột cờ Xô Viết, dưới chân núi Quyết. Ngày 26/10 năm đó, đơn vị tiếp tục lập chiến công khi bắn rơi máy bay A6A, nâng tổng số máy bay bắn hạ trong năm là 4 chiếc và truyền thống của Tiểu đoàn 2 là 91 chiếc. Lá cờ này chính là biểu tượng chiến thắng trong cả 4 lần bắn hạ máy bay của đồng chí Hồi trong năm 1972.
 
Một lá cờ khác được may thủ công, bằng vải pin, đã rách viền nhưng vẫn nổi bật dòng chữ được viết bằng máu trên nền vải xanh: “Quyết tâm phải trả bằng máu”! Đây là di vật của liệt sĩ Đỗ Lương Bằng, người con đất học Nam Định đã hy sinh trong khi bảo vệ vùng trời Quỳnh Lưu trong trận chiến sinh tử ngày 10/7/1966.
 
Ngày hôm ấy, 8 máy bay phản lực của đế quốc Mỹ thay nhau bắn phá khu vực Hoàng Mai. Trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, Đỗ Lương Bằng đã kịp thời chỉ huy khẩu đội đánh trả, anh đã bị mảnh bom làm nát chân trái. Mặc dù bị thương nặng, mất nhiều máu nhưng anh vẫn kiên cường bám trận địa, cùng anh em chiến đấu đến cùng.
 
Đây là lá cờ mà đồng chí Đỗ Lương Bằng (Khẩu đội trưởng Khẩu đội 3, D20, E32, F341) viết gửi lại đồng đội như một quyết tâm thư trước lúc hy sinh. Trong số những lá cờ đang được lưu giữ, chúng tôi đặc biệt chú ý đến một lá cờ màu đỏ, hình nhữ nhật, đã bị thủng nhiều chỗ và vá chằng vá đụp.
 
Theo thuyết minh thì đây là lá cờ của đồng chí Thông, thuộc Đại đội 22, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 222 đã dùng để chiến đấu và chiến thắng hàng trăm trận đánh. Cứ sau mỗi trận đấu, lá cờ bị rách, bị trúng đạn nhưng anh em vẫn may vá lại để sử dụng tiếp. Đặc biệt, ngày 17/5/1967, đồng chí Thông đã dùng để chỉ huy đơn vị bắn rơi một chiếc máy bay F8U tại cầu Om, huyện Đô Lương. Đây là chiếc máy bay thứ 1.900 bị bắn rơi ở miền Bắc, cũng là thành tích để mừng thọ Bác Hồ tròn 77 tuổi.
 
Chị Nguyễn Thị Kim Khánh, cán bộ bảo tàng cho biết thêm, bên cạnh những hiện vật chiến tranh còn được lưu giữ, bộ sưu tập những lá cờ chiến thắng là một kho tàng vô giá, độc đáo và có ý nghĩa lịch sử.
 
Quá trình sưu tập, đã có thêm nhiều câu chuyện xúc động, nhiều khoảnh khắc lịch sử gắn với từng thời điểm, từng sự kiện lần đầu được hé lộ. Hiện nay, Bảo tàng Quân khu 4 đang tiếp tục tìm kiếm để đưa về nhiều hơn những hiện vật lịch sử, trong đó có những lá cờ mang biểu tượng của chiến thắng.

Thiên Thảo
.