Để thực hiện nhiệm vụ trên, hàng loạt các hệ thống ngụy trang và trận địa giả được quân và dân ta tổ chức xây dựng nhanh chóng. Mỗi trận địa giả là một cái mồi nhử máy bay địch. Các trạm ra đa đứng chân trên địa bàn miền núi đều đã chuyển xuống vùng đồng bằng để bám sát địch hơn. Vì vậy lũ “giặc trời” bay vào Hà Nội đều đã được phát hiện từ xa.
Đầu năm 1971, để đảm bảo các tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện vũ khí, lương thực từ miền Bắc vào miền Nam, Bộ Tư lệnh phòng không - Không quân quyết định chuyển Trung đoàn 291 về Nghệ An. Đây là Trung đoàn ra đa đầu tiên của quân đội ta, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô từ vòng ngoài.
Mới đầu chuyển về, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, nhưng luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền và bà con địa phương. Trước khi bước vào chiến dịch lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã tổ chức gặp mặt động viên cán bộ, chiến sỹ của trung đoàn, hạ quyết tâm phát hiện máy bay địch “xa, nhanh, đúng đủ, không sai sót, lọt, chậm”.
Các trạm ra đa của Trung đoàn thường đóng trên đỉnh các đồi trọc để tầm quan sát tốt hơn. Thế nhưng khu vực đồi trọc thì máy bay Mỹ rất dễ phát hiện nên phải ngụy trang rất công phu. Tất cả học sinh, dân quân tự vệ khu vực quanh đó ngày nào cũng dậy từ 3, 4 giờ sáng giúp các đại đội ngụy trang đài ra đa như một rừng cây.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sỹ Quế đã thống nhất với Trung đoàn 291 kế hoạch “Tiếng kẻng đồi Si”. Mỗi khi trạm Ra-đa 45 phát hiện máy bay sẽ đánh kẻng báo hiệu, các khu vực tiếp giáp nghe tiếng kẻng đồi Si cũng đánh kẻng tạo sự lan tỏa tín hiệu để cho nhân dân nhanh chóng xuống hầm ẩn nấp, các đơn vị bộ đội địa phương lên kế hoạch tác chiến.
Đại đội C45 đang triển khai kế hoạch tác chiến
Nhờ có sự bao bọc, giúp đỡ của cán bộ và nhân dân địa phương, Trung đoàn 291 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, là đơn vị có công đầu đối với chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Trước khi B52 tiến đánh Hà Nội, chúng gây nhiễu bầu trời miền Bắc bằng các loại sóng tiêu cực và tích cực.
Toàn bộ hệ thống ra đa của ta gần như bị tê liệt, không phát hiện ra mục tiêu. Bằng kinh nghiệm và sự nhạy bén, trạm ra đa C16 đóng ở Diễn Châu là đơn vị đầu tiên phát hiện sóng B52. Trạm ra đa C45 đóng ở đồi Si, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương là đơn vị đầu tiên phát hiện máy bay B52 của Mỹ bay vào Hà Nội trước 35 phút.
Đây là 35 phút lịch sử, góp phần giúp quân ta chủ động đối phó với địch, di dời toàn bộ dân cư và kho vũ khí về nơi an toàn. Đại tá Nghiêm Đình Tích - Ban viết Sử - Cục Phòng không - Không quân Việt Nam, nguyên trưởng đài trạm ra đa C45 bồi hồi cho biết: “Vốn có kinh nghiệm phát hiện máy bay B52 hoạt động ở phía nam Quân khu 4 từ năm 1969, đã từng tham gia dẫn đường cho phi công Vũ Đình Rạng bắn trúng máy bay B52 trong đêm 20/11/1971, trực tiếp bảo đảm cho Trung đoàn tên lửa 263 bắn rơi máy bay B52 trong đêm 22/11/1972 và kinh nghiệm chống nhiễu phát hiện máy bay B52 vào đánh Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng trước đó, tôi cùng các trắc thủ Phạm Hoàng Cầu, Nguyễn Văn Xích đã xác định ngay những dải nhiễu B52 ở hướng Tây Nam Đô Lương. Được lệnh của Đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần, cả kíp ban đã thao tác xử trí quy trình chống nhiễu B52 bằng kinh nghiệm sở trường của đơn vị. Chỉ trong một thời gian ngắn, trắc thủ số 1 Phạm Hoàng Cầu đã thông báo tình hình các tốp máy bay B52 lên sở chỉ huy Trung đoàn và thông báo vượt cấp về Tổng trạm Ra đa tại Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ, mở đầu chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.
Chiến thắng “Hà Nội - 12 ngày đêm” đã thể hiện khí phách hiên ngang của một dân tộc anh hùng, biết đánh và biết thắng mọi kẻ thù xâm lược dù trong hoàn cảnh nào. Trận “Điện biên phủ trên không, quân dân ta đã làm cho con át chủ bài B52, sức mạnh không lực Hoa Kỳ bị vô hiệu hóa, đế quốc Mỹ không còn cách nào khác là phải đặt bút ký Hiệp định Pari, rút quân ra khỏi miền Nam nước ta.
Chiến thắng hào hùng, vẻ vang này có sự đóng góp không nhỏ của quân dân Nghệ An với tinh thần “Nghệ An chia lửa cùng thủ đô”.
Trần Đức Thắng
.