Dù vậy do địa hình ngăn sông cách chợ nên nhiều hoạt động ở đây còn mang tính “tự cung tự cấp”, đặc biệt là khó khăn trong công tác dạy và học.
Bị ngăn cách bởi sông nước nên mọi hoạt động của dân làng đều phải nhờ cậy vào con đò nhỏ. Đối với mùa nắng chẳng có gì đáng nói nhưng vào mùa mưa lũ thì mọi hoạt động ở đây dường như ngưng trệ và cô lập. Với người lớn thì còn đỡ, còn các trẻ nhỏ, các em học sinh thì đành phải nghỉ học, có khi nghỉ học hàng tháng trời. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền xã, nhà trường đã thành lập điểm dạy lẻ ở đây cho các em lớp 1, lớp 2 và các em mầm non, nhưng còn nhiều bất cập.
Bị ngăn cách bởi sông nước nên mọi hoạt động của dân làng đều phải nhờ cậy vào con đò nhỏ. Đối với mùa nắng chẳng có gì đáng nói nhưng vào mùa mưa lũ thì mọi hoạt động ở đây dường như ngưng trệ và cô lập. Với người lớn thì còn đỡ, còn các trẻ nhỏ, các em học sinh thì đành phải nghỉ học, có khi nghỉ học hàng tháng trời. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền xã, nhà trường đã thành lập điểm dạy lẻ ở đây cho các em lớp 1, lớp 2 và các em mầm non, nhưng còn nhiều bất cập.
Hơn 60 học sinh con em của bản phải đợi đò đi học
Mang tiếng là trường học nhưng chỉ tập trung tại một khuôn viên nhỏ hẹp của nhà văn hóa thôn. Lớp 1, 2 với 21 em được học trong một khuôn viên khá rộng. Còn trẻ mầm non với 28 cháu, 1 cô giáo phụ trách chỉ được học và sinh hoạt trong một khuôn viên bé xíu khoảng 18m2. Với khuôn viên đó các trẻ chỉ có thể ngồi học và chơi các trò chơi đơn giản như vẽ tranh, xếp hình... mà thôi. Chưa kể ở đây vì không có lớp học nên 28 trẻ từ 4 - 5 tuổi (11 trẻ 5 tuổi và 17 trẻ 4 tuổi) phải học gộp với nhau cùng một chương trình chung.
Trao đổi vấn đề này với cô giáo Đặng Thị Hoa - Hiệu trưởng trường Mầm non Cẩm Sơn được cô giải thích: “Để thành lập được một lớp phải có 25 cháu, nhưng các em bên đó không đủ, lại không có phòng học nên bắt buộc chúng tôi phải dạy gộp theo một khung chung”.
Mọi sinh hoạt của cô và trò giới hạn trong khuôn viên nhỏ hẹp
Mang vấn đề này trao đổi với anh Lang Văn Chánh - trưởng thôn Cẩm Hòa, anh cho biết: “Người dân rất muốn đưa con mình đi sang trường trung tâm học nhưng đường xa lại phải đi đò nên rất khó. Trẻ ở bên này dù được quan tâm nhưng vẫn chịu nhiều thiệt thòi như thiếu không gian học tập, vui chơi, không được nghỉ bán trú... Biết vậy nhưng đành chấp nhận thôi cô ạ”.
Nhìn những ánh mắt thơ ngây ngơ ngác của các em, nghe những mong mỏi của những bà mẹ... khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Rất mong các nhà hảo tâm, các cấp ban ngành nhanh chóng tìm ra những giải pháp tích cực để “thế giới ngày mai” được thỏa thích vui chơi, học tập trong một không gian như bao đứa trẻ khác.
Ngọc Tuyết
.