Lực lượng phòng không dày kinh nghiệm
Một nhân vật có thế lực ở Mỹ là Nê-grô-pôn thú nhận sự thật: “Chúng ta ném bom Bắc Việt để rồi chính chúng ta chấp nhận nhượng bộ” và “Những điều khoản trong Hiệp định về thực chất vẫn giống như những điều cộng sản đề nghị vào tháng 5/1969”.
Còn với H. Kít-xinh-gơ, trong cuốn hồi ký của mình luôn lảng tránh và thanh minh rằng, ông ta không đóng vai trò gì trong những chuyện “tồi tệ” như vậy. Ông tỏ ra bất bình trước thái độ, hành động của Ních-xơn và các tay chân thân cận của Ních-xơn, cho đó là: “Một sự can thiệp bẩn thỉu và bất hợp pháp”.
Các cơ quan truyền thông, báo chí, các hãng thông tấn trên khắp thế giới đã dồn dập đưa tin về chiến thắng vang dội của ta và phơi bày sự thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ. Hãng UPI ngày 31/12/1972 đưa ra bình luận: “12 ngày trở lại ném bom vùng Hà Nội, Hải Phòng được coi là cuộc ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh đã làm cho Mỹ bị thiệt hại nặng nề nhất về người và trang bị”.
Hãng tin Pháp AFP cùng ngày cũng đưa tin: “Chưa bao giờ lực lượng B-52 của Mỹ lại vấp phải một hệ thống phòng không có hiệu lực đến như thế và bị thiệt hại nhiều máy bay đến như thế trong một khoảng thời gian ngắn như thế”.
Xác B52 giữa lòng thủ đô Hà Nội là minh chứng hào hùng cho chiến thắng lịch sử
của quân, dân Miền Bắc
Trong những trang Hồi ký kể về trận “Điện Biên Phủ trên không”, một số phi công tham gia chiến đấu như: Trung tướng Giêm R.Me Ca-thi (James R.Me Cathy), Đại tá Rô-bớt E.Ray Phi-đơ (Robert E.Ray Field) và Trung tá Gioóc-giơ A-li-xơn (George B.Allison) luôn ca ngợi sự trưởng thành nhanh chóng của quân đội Việt Nam: “Tổ hợp mục tiêu Hà Nội - Hải Phòng là một trong số các khu vực có lưới lửa phòng không khủng khiếp nhất thế giới. Tổng số các tên lửa đất đối không, máy bay chiến đấu và súng cao xạ bao quanh khu vực mục tiêu đã vượt quá mọi cái mà người ta đã từng trải qua”.
Còn theo Đại tá, cựu chiến binh Liên Xô N. Sơ-hơ-nép (N.Sherhnev), Giáo sư Đại học Không quân Kharkov, U-crai-na, bài đăng trên Báo Cựu chiến binh Hoa Kỳ, tham chiến ở Việt Nam, số ra ngày 7/8/2006 thì khẳng định: “Trong cuộc chiến tranh công nghệ cao đầu tiên của thế giới, sự trưởng thành rất nhanh chóng của bộ đội phòng không - không quân đã giúp Việt Nam chiến thắng”.
Khi thất bại, người Mỹ thường hay đổ lỗi cho nhau. Báo cáo lưu tại Trung tâm quân sự Hoa Kỳ về trận ném bom của Mỹ ở Bắc Việt Nam tháng 12/1972, đã chỉ ra nguyên nhân chính là phía Mỹ không lập ra được bộ máy các quan chức quân sự ở cấp cao có khả năng điều hành công việc. Bởi vậy, Bộ Quốc phòng, Cố vấn An ninh quốc gia và Chủ tịch Hội đồng liên quân, Giám đốc CIA không có sự theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời dẫn đến thất bại.
Cũng nói về nguyên nhân thất bại của cuộc tập kích, tướng E-đơ, Tham mưu phó Không quân Mỹ ở châu Âu đã nói: “Chúng tôi cho rằng, Bắc Việt Nam đã phát triển được các lực lượng phòng không dày kinh nghiệm hơn bất kỳ nước nào”. Cuối cùng, đế quốc Mỹ cũng phải thừa nhận những điểm yếu của mình và “sửng sốt vì thất bại tại Hà Nội, Hải Phòng nhưng lại rất khó tiên đoán và kiểm soát được kết quả của các cuộc tham chiến bằng quân sự với quy mô lớn”.
Con người - yếu tố quyết định
Về phía ta, để chiến thắng pháo đài bay B-52 của Mỹ, trước hết, ta có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và công phu, không lúng túng mà bình tĩnh đánh trả quyết liệt. Ngược lại, chính chiến thắng B-52 của ta trên bầu trời Hà Nội là một bất ngờ đối với Mỹ, bởi trong những “bộ óc điện tử” của người Mỹ thì việc sử dụng loại vũ khí chiến lược B-52 có thể đè bẹp được ý chí chiến đấu của quân và dân ta.
Điều này hoàn toàn trái ngược với nhận định của một học giả Nhật Bản, khi họ đi sâu nghiên cứu về chiến thắng của người Việt Nam trong 12 ngày đêm: “Không phải vũ khí mà là con người quyết định kết quả chiến đấu. Như thế, không có nghĩa xem nhẹ vũ khí. Người Việt Nam rất coi trọng vũ khí; họ đã độc lập sử dụng những vũ khí mới nhất. Kết quả cố gắng của họ thấy rõ trong việc bắn rơi máy bay hiện đại nhất, trong đó có máy bay B-52”.
Nguyên nhân thứ hai trực tiếp lý giải vì sao Việt Nam lại chiến thắng Mỹ trong cuộc đọ sức này, đó là chiến thắng B-52 không chỉ khẳng định sức mạnh thế trận chiến tranh nhân dân trong việc đối đầu với một loại vũ khí hiện đại nhất của Mỹ mà còn chứng tỏ tài nghệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam trong việc khai thác, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại; tinh thần đoàn kết chiến đấu chống lại kẻ thù, bên cạnh đó có sự ủng hộ rất to lớn của anh em, bè bạn quốc tế.
Đối với ta, chiến thắng cuộc tập kích chiến lược đường không tháng 12/1972 của đế quốc Mỹ đã đập tan âm mưu “đàm phán trên thế mạnh” của Ních-xơn, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang và trở lại Hội nghị Pa-ri, ký vào hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đó là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân trong chiến tranh hiện đại; thắng lợi của ý chí và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Trung tá, TS Trương Mai Hương
.