Từng nhiều lần được tặng Huân chương vì những thành tích khi tham gia kháng chiến chống Mỹ, từng ở ngay ranh giới giữa sự sống và cái chết…, trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, người đàn ông ấy vẫn giữ cho mình cốt cách nghệ sĩ phong lưu đậm chất xứ Nghệ.
Cũng như bao người thanh niên cùng thời, năm 1964, ông Đặng Văn Bình (SN 1945) bắt đầu tham gia vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Do chưa đủ tuổi để vào dân quân tự vệ nên ông được phân công vào đội xung kích trực chiến của khu phố 4 (nay là phường Lê Mao). Ngày thì trực giữ an ninh, đêm thì cùng đồng đội bốc vác.
Việc bốc vác không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cách để các thành viên duy trì hoạt động của Đội. Được mọi người tin tưởng nên sau một thời gian ngắn, ông được bầu làm Chỉ huy. Quãng thời gian này cũng là cơ hội để ông Bình gặp và làm quen với người bạn đời sau này của mình - bà Trịnh Thị Hiệp. “Vui nhất là trong Đội lúc đó, có đến 4 đôi nên vợ nên chồng và đến giờ vẫn sống rất hạnh phúc”, ông Bình bùi ngùi chia sẻ về những tháng ngày đó.
Ông Đặng Văn Bình
Đến tháng 2/1968, ông nhập ngũ vào chiến trường miền Nam, trực thuộc đơn vị F5033, Binh chủng đặc công ở địa bàn Bình Trị Thiên, một trong những cơ sở phức tạp và ác liệt nhất lúc bấy giờ. Trong suốt quá trình ở đây, từng tham gia nhiều trận đánh, nhưng kí ức về những trận chiến khói lửa vẫn “quấn riết” mỗi khi ông nhớ lại.
Tháng 6/1969, ông cùng đồng đội tham gia trận Quán Ngang. Lúc đó, Mặt trận B5 đã tăng cường cho tiểu đoàn ông một cán bộ đặc công kỳ cựu từ thời kháng chiến chống Pháp, anh Nguyễn Thọ. Khi đang chỉ huy trận chiến, đồng chí Thọ bị thương nặng. Biết mình không thể qua khỏi, đồng chí đã đề nghị cho cả tiểu đoàn rút lui, một mình mình ở lại gắng gượng và dặn: “Nhờ báo cáo với Đảng là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, rồi để lại hai quả lựu đạn, một cho địch, một cho tôi”.
Tâm niệm 2 quả lựu đạn, một cho địch, một cho mình luôn được các chiến sĩ đặc công giữ vững trong mình, như một lời thề sắt son thời kỳ kháng chiến. Đây cũng là trận chiến tiểu đoàn của ông bị thiệt hại khá nặng nề, với số lượng thương vong lớn.
3 tháng sau Quán Ngang ác liệt, tiểu đoàn của ông được phân công tấn công vào cứ điểm của địch ở Tây Đầu Mầu. Nhiệm vụ lúc này là phải vượt qua sông, luồn sâu vào lòng địch. Qua sông Cam Lộ, đơn vị chia làm 2 mũi với hơn 20 cán bộ chiến sĩ. Do tấn công bất ngờ nên lần này, cứ điểm của địch bị rã khá nhanh.
Trung bình, mỗi chiến sĩ tiêu diệt từ 7 - 10 lính Mỹ. Tuy nhiên, khi vừa hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm thì quân địch được chi viện, tăng cường và áp sát vào quân ta. Lãnh đạo đơn vị đã buộc toàn bộ cán bộ cắt hết thông tin liên lạc. 7 ngày, 7 đêm mọi người phải nhịn đói nằm ở Khe Cạn.
Chiến lợi phẩm rồi cũng hết, trong khi số lượng thương binh lại cần được ưu tiên chăm sóc. Các chiến sĩ trong tiểu đoàn phải tìm ngọn cây muồng để ăn qua ngày. Mãi sau, khi truy tìm không thành, địch mới không truy kích nữa. Trận này ta chiến thắng hoàn toàn. Ông Đặng Văn Bình được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.
Chiến tranh qua đi, trở về với đời thường, người lính bộ đội Cụ Hồ vẫn không thôi bồi hồi, nhớ thương về những năm tháng đã đi qua, về những đồng đội đã ngã xuống. Xúc động trước sự ra đi của bạn bè, ông đã bắt đầu sáng tác thơ và nhạc.
Những vần thơ, những nốt nhạc vẫn được ngân lên mỗi khi các cựu chiến binh gặp mặt, mỗi lần hội thơ Đường của ông tổ chức giao lưu… Với ông đó cũng là sự tri ân đối với các đồng đội đã ngã xuống, là những phút giây ông được sống lại quá khứ hào hùng đã đi qua.
Mai Hậu
.