Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201204/19812-tu-thanh-co-den-sai-gon-397701/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201204/19812-tu-thanh-co-den-sai-gon-397701/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Từ Thành cổ đến Sài Gòn! - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 30/04/2012, 08:00 [GMT+7]
19812

Từ Thành cổ đến Sài Gòn!

Cứ mỗi năm đến dịp này, trong lòng hai vị tướng già lại bâng khuâng, xao xuyến khi nghĩ về thời khắc lịch sử.
 
Quảng Trị, 81 ngày đêm lịch sử
 
Những ngày này, khi cả nước đang háo hức trong không khí của ngày hội non sông, đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà thì người dân Quảng Trị cũng phấn chấn với 40 năm giải phóng Thành cổ. 81 ngày đêm anh dũng kiên cường bám trụ, quân và dân ta đã làm nên kỳ tích lịch sử.
 
Để hiểu thêm về thời khắc lịch sử ấy, tôi đã tìm đến căn nhà nhỏ của thiếu tướng Cao Xuân Khuông ở phường Trường Thi (TP Vinh), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4, một trong những chiến sĩ đã trực tiếp tham gia trấn giữ Thành cổ Quảng Trị trong suốt 81 ngày đêm của thời khắc 40 năm về trước.
 
Thiếu tướng Cao Xuân Khuông đã từng chiến đấu ở biên giới Kỳ Sơn, diệt thổ phỉ ở Noọng Hét và Nậm Vang là hai địa danh thuộc tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) trước khi được điều về làm Trợ lý Ban tác chiến Cơ quan tham mưu của Sư đoàn 324 rồi cùng với cả sư đoàn hành quân vào Nam, đóng ở Thành cổ Quảng Trị, chuẩn bị chống lại chiến dịch của Mỹ ở Đường 9 (Cam Lộ) và tại mảnh đất này, Cao Xuân Khuông cùng với các đồng đội đã sát cánh bên nhau, làm nên một Quảng Trị với “81 ngày đêm lịch sử”.
 
Nhớ lại những thời khắc thiêng liêng này, thiếu tướng Cao Xuân Khuông ngậm ngùi, những năm tháng ác liệt nhất ở chiến trường Quảng Trị, ông và các đồng đội đã gắn với hai trận đánh lịch sử ở Đường 9 Khe Sanh và 81 ngày đêm ở Thành cổ.
 
Khoảnh khắc hiếm hoi của Cao Xuân Khuông ở Thành cổ năm 1972
 
Trong đó, trận chiến Thành cổ diễn ra, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị, tham gia hoạt động chống phá bình định, diệt ác trừ gian, xây dựng cơ sở để tạo điều kiện mở rộng địa bàn, đồng thời tham gia các chiến dịch. Tháng 6/1972, Mỹ tái chiếm Quảng Trị, tất cả các đơn vị địa phương được lệnh bám trụ để giành lại thành cổ.
 
Thời điểm đầu tháng 7/1972, để tăng cường hỏa lực nhằm chiếm lại Quảng Trị, Mỹ - Ngụy đã sử dụng máy bay B52 ném bom rải thảm, hòng hủy diệt mọi sự sống ở đây. Lúc bấy giờ, với mục tiêu là chiếm được thành cổ để gây sức ép với ta tại Hội nghị Paris dự định họp lại vào ngày 13/7/1972 nên Mỹ đã sử dụng một lực lượng quân lính đông đảo, trong đó phần lớn là lính thủy đánh bộ mở rộng khu vực đánh chiếm ra vùng giải phóng.
 
Đến cuối tháng 7/1972, phần lớn diện tích Quảng Trị đã bị địch chiếm giữ, nhưng mục tiêu mà chúng hướng đến là thành cổ Quảng Trị thì vẫn không đạt được. Chúng càng đánh càng bị lòng kiên trì của quân và dân ta thử thách nên điên cuồng trút hàng vạn tấn bom đạn xuống thành cổ.
 
Thời điểm cao trào, có đến 20 ngàn quân tinh nhuệ bao vây, cùng với đó là việc huy động, tăng cường không quân, pháo binh, hải quân, kể cả máy bay chiến lược B52 đánh phá với cường độ lớn ở khắp nơi. Để trấn giữ thành cổ, cùng với nhiều đơn vị khác, lực lượng Bộ đội địa phương Quảng Trị do tướng Khuông làm Tiểu đoàn trưởng đã kiên cường bám trụ, chống đỡ lại với hàng ngàn tấn bom đạn địch.
 
Trong 81 ngày đêm đó, đã có lúc Quân lực Việt Nam Cộng hòa chiếm được làng Cổ Thành và áp sát Thành cổ từ phía Đông Nam, nhưng ngay sau đó đã phải rút lui trước sự chống trả quyết liệt của quân dân ta. 10 ngày cuối cùng của chiến dịch diễn ra cực kì khốc liệt, từ 7/9/1972, Mỹ - Ngụy đã sử dụng kế hoạch “phong lôi” bắn phá suốt 48 giờ dữ dội vào thị xã và Thành cổ, có lúc chúng đã vào sát Thành cổ nhưng đều bị đánh bật trở ra.
 
Tướng Dương Văn Minh (ngồi, phải) chuẩn bị tuyên bố đầu hàng tại Đài Phát thanh Sài Gòn 
trưa ngày 30/4/1975
 
Đến ngày 13/9, Lữ đoàn 258 đã chiếm được phía Nam thành, đến ngày 16/9 cuộc cận chiến trong Thành cổ, hai bên tranh nhau từng góc hào, mô đất, mảnh tường. Sau cùng, sự kiên cường của quân dân Quảng Trị đã khiến cho giặc Mỹ phải thoái lui trong hổ thẹn.
 
Trong 81 ngày đêm ấy, thị xã Quảng Trị bị đánh với 328 nghìn tấn bom đạn, 18.386.000 viên đạn pháo các loại, 2.240 lần oanh tạc của không quân, tổng số bom đạn trong 81 ngày đêm bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật và trong khoảng thời gian ấy đã có hơn 10.000 chiến sĩ quân Giải phóng đã hy sinh. Thiếu tướng Cao Xuân Khuông sau này là một trong ba cán bộ được ra Hà Nội báo cáo lãnh đạo Bộ Quốc phòng về kinh nghiệm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm.
 
Sài Gòn, ba mươi tháng Tư năm ấy
 
Chiến thắng vang dội ở Quảng Trị đã mở đầu cho các chiến dịch Thừa Thiên Huế, Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn đất nước sau này.
 
Cũng là người trực tiếp tham gia các chiến dịch này, nhưng với thiếu tướng Hoàng Trọng Tình, nguyên Phó Chính ủy Quân khu IV, đó là phút giây lịch sử chẳng bao giờ phôi phai bởi chính ông đã dẫn quân chiếm giữ Đài phát thanh và trực tiếp chứng kiến tổng thống Dương Văn Minh đọc bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
 
Từ năm 1973 đến năm 1975, Hoàng Trọng Tình, lúc ấy đang là Chính trị viên Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 của Quân đoàn 2 đã lập công lớn khi tham gia giải phóng Đà Nẵng, rồi từ đây, chỉ trong vòng 11 ngày đêm, đơn vị đã vượt qua chặng đường dài gần 1.000 km xuyên qua 3 quân khu, đi qua 11 tỉnh, 18 thị xã địch đang chiếm giữ để vào giải phóng thị xã Hàm Tân (Bình Thuận). Sau khi đập tan hệ thống phòng thủ Sài Gòn từ xa trên hướng Đông của Mỹ - ngụy, đơn vị đã tiến thẳng vào Sài Gòn.
 
Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, Quân đoàn 2 được lệnh tấn công. Sư đoàn 304 của Hoàng Trọng Tình đánh vào căn cứ Nước Trong, là điểm phòng ngự rắn nhất còn lại của địch trên hướng Đông Nam Sài Gòn. Ròng rã gần 3 ngày đêm giành giật quyết liệt, hai bên đều bị tổn thất lớn, đến 10 giờ sáng ngày 29/4/1975 chúng ta hoàn toàn làm chủ khu vực Nước Trong trước khi nhận lệnh tấn công vào nội thành, với mục tiêu chủ yếu là Dinh Độc Lập. Đến 11 giờ ngày 30/4/1975, lực lượng thọc sâu đã chiếm được Dinh Độc Lập, bắt gọn cả Tổng thống Dương Văn Minh lẫn một số thành viên nội các Sài Gòn.
 
Chính trị viên Hoàng Trọng Tình chỉ thị cho Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 nhanh chóng chiếm giữ Đài phát thanh rồi bảo vệ nghiêm ngặt để chuẩn bị cho Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Đại tướng Dương Văn Minh được áp giải đến và lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng miền Nam của viên tổng thống ngụy cuối cùng trong thời khắc ấy đã vang lên.
 
Thoắt cái đã gần 40 năm trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Những người anh hùng trên chiến tuyến năm xưa nay trở về đời thường vẫn luôn bận lòng với quá khứ oai hùng. Nặng nghĩa với đồng chí đồng đội, Thiếu tướng Cao Xuân Khuông sau khi về hưu tiếp tục cống hiến sức lực cho quê hương, làm chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh nhà trong thời gian dài, còn thiếu tướng Hoàng Trọng Tình tham gia nhiều hoạt động từ thiện tại địa bàn TP Hà Tĩnh quê hương.
 
Những ngày này, cả tướng Khuông và tướng Tình đều đang có mặt tại Thành cổ Quảng Trị, thăm lại chiến trường xưa, thắp cho đồng đội, đồng chí nằm lại với đất mẹ nén tâm nhang và cùng vui khúc ca khoải hoàn với nhân dân Quảng Trị nói riêng và đồng bào cả nước nói chung trong ngày vui thái bình.

Thành Thảo
.