Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tầm quan trọng của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Chiều ngày 7/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng họp phiên đầu tiên thảo luận, cho ý kiến về việc xây dựng các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Tiểu ban Văn kiện chủ trì phiên họp.
Sau khi nghe ý kiến các thành viên Tiểu ban Văn kiện phát biểu, phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tầm quan trọng của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến được tổ chức vào quý 1/2021.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, đây là sự kiện chính trị rất quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2045 thành nước công nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng họp phiên đầu tiên, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện. |
Vì vậy, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, việc chuẩn bị các Văn kiện của Đại hội phải được thực hiện một cách khoa học, chu đáo, đặc biệt là Báo cáo chính trị - báo cáo trung tâm của Đại hội có ý nghĩa hết sức quan trọng để bảo đảm sự thành công của Đại hội.
Cho ý kiến về các quan điểm và phương pháp cần quán triệt trong quá trình xây dựng Báo cáo chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, việc xây dựng Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 không phải để tổng kết và sửa cương lĩnh, việc thực hiện Báo cáo này là cơ sở để thực hiện Báo cáo chính trị tốt hơn.
Về quan điểm khi xây dựng Báo cáo chính trị, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, tuy là Báo cáo Đại hội nhiệm kỳ 5 năm, nhưng việc đặt mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là cần thiết, vì việc có tầm nhìn chiến lược xa hơn sẽ giúp có cái nhìn rõ hơn về Việt Nam và thế giới đến thời điểm đó. Báo cáo chính trị cần có chủ đề, tiêu đề và phương châm. Vì đây là xác định định hướng lớn, là tư tưởng chỉ đạo, nêu các vấn đề về mục tiêu, động lực, biện pháp, có tính hiệu triệu, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu quán triệt tinh thần đổi mới nhưng có nguyên tắc. |
Nhấn mạnh cần thống nhất tư tưởng chỉ đạo về nội dung, vì đây là điều quan trọng nhất và chi phối tất cả, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, các báo cáo trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng phải thể hiện sự kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các báo cáo phải là kết quả của nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, quán triệt, vận dụng các phương pháp biện chứng duy vật trong đánh giá, phân tích, trình bày, nhất là các quan điểm khách quan; toàn diện; phát triển; thực tiễn và lịch sử - cụ thể, tránh cực đoan, phiến diện. Phải biết kế thừa và đổi mới, cập nhật sự biến đổi của tình hình quốc tế và trong nước, nhất là những thành tựu của văn minh nhân loại, những thành tựu của cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vận dụng có hiệu quả vào điều kiện nước ta, thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo các đột phá mới để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
“Phải kết hợp nhuần nhuyễn quan hệ giữa kiên định và đổi mới. Vậy thế nào là kiên định và thế nào là đổi mới? Cương lĩnh như vậy đã đổi mới chưa, một loạt nghị quyết Trung ương vừa rồi đã đổi mới chưa? Thực tế đã đổi mới rất nhiều. Nhưng vẫn phải kiên định, đó là kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, mục tiêu xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, văn minh. Tất cả những cái đó không thể thay đổi. Nhưng trong từng việc phải tìm những cái mới, những cái trong thực tiễn đã phát triển. Phải tổng kết để thấy rõ điều đó”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phát huy dân chủ, bình tĩnh lắng nghe, thu hút kết tinh tối đa trí tuệ của tập thể để tạo ra sự thống nhất cao. |
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, bên cạnh đó phải xử lý tốt quan hệ giữa kế thừa và phát triển, lý luận và thực tiễn. Tiếp tục từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
“Phải quán triệt tinh thần đổi mới có nguyên tắc, đổi mới nhưng không được xa rời các vấn đề có tính nguyên tắc, đổi mới mà không được chệch hướng, không được đổi mầu, hội nhập mà không được hòa tan. Cái này đã trở thành phương châm, triết lý từ lâu, trong tình hình hiện nay vẫn cần phải tiếp tục. Dứt khoát phải đổi mới, nếu không đổi mới, Việt Nam không có được như ngày hôm nay. Nhưng đổi mới không được chệch hướng, kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy điều đó. Tại sao nhiều nước ca ngợi đường lối và muốn học tập kinh nghiệm của Việt Nam? Phải thấy đúng để chúng ta yên tâm tiếp bước. Thực tế cho thấy, đổi mới có nguyên tắc trong thời gian qua đã mang lại lợi ích rất lớn cho đất nước”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.
Về phương pháp và cách làm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phát huy dân chủ, bình tĩnh lắng nghe, thu hút kết tinh tối đa trí tuệ của tập thể để tạo ra sự thống nhất cao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các thành viên Tiểu ban, Thường trực Tiểu ban nghiêm túc chấp hành chương trình làm việc; đề nghị thường trực Tổ Biên tập tiến hành các hoạt động khảo sát thực chất, hiệu quả, tránh nặng về hình thức, thu nhận tối đa thông tin bổ ích về lý luận và thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011./.