Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai (PCTT), nửa đêm ngày 19-7, tại khu vực làng Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh xảy ra trận lũ quét kinh hoàng đã cuốn trôi 3 căn nhà sàn, khiến 2 người chết, 2 người đang mất tích và 3 người bị thương.
Cụ thể 4 người bị cuốn trôi, gồm: bà Lê Thị Tắm (sinh năm 1930), anh Vi Văn Thiên (sinh năm 1968), chị Hà Thị Biển (sinh năm 1990) và cháu Vi Huyền Trang (sinh năm 2014). Đến sáng nay (20-7), lực lượng cứu nạn cứu hộ và nhân dân địa phương đã tìm thấy thi thể 2 nạn nhân (bà Lê Thị Tắm và anh Vi Văn Thiên), 2 nạn nhân còn lại vẫn chưa được tìm thấy. Ngoài ra, còn có 3 người khác bị thương hiện đang được điều trị tại bệnh viện.
Hiện nay, công tác cứu hộ, cứu nạn đang được chính quyền địa phương tập trung cao độ để khắc phục hậu quả trận lũ quét này. Huyện Lang Chánh đã phải di dời hàng chục hộ dân ở khu vực bản Trải, thị trấn Lang Chánh.
Tại thôn Bắc Nặm, xã Giao An, chính quyền địa phương cũng phải di dời 4 hộ dân đến nơi ở an toàn. Hiện tại, các tuyến tỉnh lộ 530, 530B đang có nhiều đoạn bị sạt lở nặng khiến giao thông bị chia cắt. Huyện đang huy động các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả đợt thiên tai này.
Mưa lũ kéo theo sạt lở đã vùi lấp nhiều hộ dân huyện Văn Chấn - Yên Bái. |
Còn tại Yên Bái, theo thông tin mới cập nhật từ Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, do ảnh hưởng của mưa lũ thống kê chưa đầy đủ đã có 4 người chết, 6 người mất tích, 7 người bị thương do mưa lũ.
Trong số 4 người chết có 1 người ở huyện Trấn Yên bị vùi lấp; 1 người ở huyện Mù Cang Chải bị vùi lấp; 1 người ở huyện Văn Yên bị lũ cuốn và 1 người ở huyện Văn Chấn; 6 người bị mất tích ở huyện Văn Chấn; 7 người bị thương đã được đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời.
Hiện nay, huyện Văn Chấn là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất của tỉnh. Mưa lũ đã làm sập và cuốn trôi hoàn toàn 30 ngôi nhà dân; gây ngập úng cục bộ 121 ha lúa. Đặc biệt, quốc lộ 32 bị sạt lở gây ách tắc đường vào hai 3 xã Cát Thịnh, Nậm Búng và Tú Lệ.
Đến thời điểm này, còn 7 xã bị chia cắt, cô lập từng khu vực gồm: Nậm Lành, Sùng Đô, Nậm Mười, An Lương, Sơn Lương, Bình Thuận, Suối Giàng.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, huyện Văn Chấn đã di dời khẩn cấp 73 hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. UBND huyện cũng
đã chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân di rời tài sản, dọn dẹp vật liệu đổ nát và bố trí nơi ăn, nghỉ cho các gia đình phải sơ tán sinh hoạt tạm thời.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, trong vài ngày tới tại các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục có mưa to đến rất to. |
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, trong ngày và đêm nay, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nên ở khu Đông Bắc, khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có giông. Trong cơn giông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.
Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cảnh báo, mưa lớn ở các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ có khả năng kéo dài nhiều ngày tới.
Trước tình hình mưa lũ phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, TP nằm trong vùng ảnh hưởng cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi; kiểm soát chặt chẽ việc giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường bị ngập sâu; sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa nhỏ xung yếu, đã tích đầy nước; tổ chức tính toán vận hành liên hồ chứa hệ thống sông Hồng, các hệ thống liên hồ chứa khu vực miền Trung phù hợp với diễn biến tình hình mưa lũ, đảm bảo an toàn chống lũ theo quy trình được duyệt; tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho các trạm bơm tiêu úng.