Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày Báo cáo công tác PCTP và VPPL năm 2022 (từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022).
Theo đó, năm 2022, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có nhiều diễn biến mới, phức tạp. Bám sát sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các kế hoạch, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, chống tội phạm và VPPL; góp phần giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc của Quốc hội. |
Về tình hình, kết quả công tác PCTP và VPPL, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; trong đó tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là trọng tâm, then chốt. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 96 của Quốc hội về công tác PCTP và VPPL và các nghị quyết khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác PCTP, nhất là việc thực hiện các chỉ tiêu Quốc hội giao.
Công tác phòng ngừa tội phạm và VPPL tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Tội phạm về trật tự xã hội tuy giảm 6,69%, song còn diễn biến phức tạp, nhất là giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người, xâm phạm sở hữu, chống người thi hành công vụ… Đã điều tra, khám phá các vụ án đạt tỷ lệ 86,94%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,12%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,27%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Chính phủ đã tập trung điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện giảm 36,68%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ phát hiện tăng 40,97%.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác PCTP và VPPL năm 2022. |
Chính phủ tập trung chỉ đạo triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các phương án tăng cường đấu tranh với tội phạm về ma túy trên các tuyến trọng điểm; công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, nhất là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các mặt công tác. Tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm 4,56% về số vụ, giảm 9,44% về số người bị thương, nhưng tăng 7,57% về số người chết. Công tác phòng cháy, chữa cháy tiếp tục được tăng cường; tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao.
Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến đặc biệt phức tạp, số vụ cháy tuy giảm 25,11% song số người chết tăng 22,09%; đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản…
Đối với những vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội kiến nghị trong báo cáo PCTP các năm qua, về cơ bản Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Riêng vấn đề rà soát các vụ án đang tạm đình chỉ điều tra và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia theo dõi về việc xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm còn hạn chế. Qua đó, Bộ trưởng Tô Lâm cũng trình bày trước Quốc hội những chủ trương, giải pháp được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, góp phần hạn chế những tồn tại trong công tác PCTP và VPPL năm 2023.
Các đại biểu Quốc hội tại buổi làm việc. |
Trong đó, Chính phủ sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác PCTP và VPPL. Tăng cường xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác PCTP, VPPL. Chủ động nắm, phân tích, dự báo sát tình hình từ sớm, từ xa; kịp thời tham mưu với Đảng, Quốc hội các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, chủ động dự báo sớm và giải quyết các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và những vấn đề phức tạp về trật tự xã hội ngay từ cơ sở. Tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, vi phạm pháp luật; triển khai toàn diện công tác PCTN, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực…
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCTP và VPPL, Chính phủ báo cáo, đề xuất Quốc hội quan tâm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật liên quan đến công tác PCTP và VPPL. Tăng cường tổ chức giám sát tối cao các chuyên đề về PCTP và VPPL; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, cơ chế bảo vệ lực lượng Công an nhân dân; có lộ trình tăng cường nguồn lực xây dựng lực lượng Công an nhân dân góp phần thực hiện có hiệu quả công tác PCTP và VPPL, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
*Cùng ngày, Quốc hội cũng đã nghe Báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí; Báo cáo công tác năm 2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Báo cáo về công tác PCTN năm 2022 của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; Đồng thời, Quốc hội cũng nghe các Báo cáo thẩm tra của các Uỷ ban của Quốc hội có liên quan về các nội dung trên.
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTP và VPPL, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt để vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và VPPL.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra. |
Tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 40,97% cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt, đạt hiệu quả cao hơn, góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa. Về tổng thể, vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm 6,69%, trong đó tội phạm có tổ chức, tội hiếp dâm, tội phạm xâm phạm sở hữu cũng có chiều hướng giảm.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng chỉ ra một số loại tội phạm gia tăng như: giết người tăng 13,17%, cho vay lãi nặng tăng 41,95%. Một số loại tội phạm diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng như các tội phạm về ma túy, cướp, cướp giật. Việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để trục lợi đã xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương, có quy mô, phạm vi lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Kết quả phát hiện và xử lý tội phạm và VPPL trên một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Tội phạm và VPPL trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm xảy ra nhiều nhưng việc phát hiện, xử lý chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử lý hành chính; tội trộm cắp, cướp giật tài sản xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra, khám phá thấp…
Về công tác PCTN, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2022, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và có bước tiến mạnh, đột phá với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm. Kết quả công tác PCTN đã tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, được bạn bè quốc tế ghi nhận.
Các đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến vào các Báo cáo. |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, năm 2022, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN tiếp tục được đẩy mạnh… Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng trong năm 2022, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có bước đột phá mạnh mẽ; kết hợp giữa xử lý kỷ luật, hành chính của Đảng, Nhà nước với xử lý hình sự; cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra phát hiện, làm rõ nhiều sai phạm và thi hành kỷ luật đối với nhiều đảng viên vi phạm pháp luật về PCTN, tiêu cực; tổ chức bộ máy các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tiếp tục được kiện toàn, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; các cơ quan chức năng đã làm rõ, khởi tố mới nhiều vụ án, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai các đối tượng sai phạm, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương quản lý; nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài và những hành vi tham nhũng trước đây ít được phát hiện như nhận hối lộ, đưa hối lộ… đã được khám phá, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời…
Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp chính quyền, xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong PCTN, tiêu cực. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Cùng với đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục triệt để tình trạng cơ quan thanh tra, kiểm toán đã tiến hành thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện vi phạm, sau đó, cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện có vụ việc vi phạm về cùng một nội dung; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng...
Các đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến tham gia với các báo cáo, trong đó bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác tư pháp xét xử, thi hành án năm 2022. Đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan chức năng trong phòng, chống VPPL, PCTN thời gian qua.
Toàn cảnh buổi làm việc của Quốc hội. |
Cùng với đó, các đại biểu cũng cho rằng cần chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ hơn về công tác cai nghiện ma túy và biện pháp quản lý người nghiện ma túy ở địa phương, nhất là người nghiện ma túy ở ngoài cộng đồng, thực hiện hiệu quả chặt chẽ công tác theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tội phạm do người nghiện ma túy gây ra. Đề nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác PCTP và VPPL, để thực hiện hiệu quả hơn công tác đấu tranh PCTP ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
Các đại biểu cũng nêu rõ các vụ án kinh tế, tham nhũng, vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cũng đã được lực lượng Công an tập trung phát hiện, điều tra, xử lý thời gian qua, được nhân dân quan tâm. Những kết quả trong công tác đấu tranh PCTP của cơ quan Công an là rất đáng trân trọng, mang lại nhiều niềm tin của người dân đối với Ngành, đặc biệt là công tác PCTP tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời nêu lên một số giải pháp góp phần thực hiện tốt hơn công tác PCTP, VPPL, PCTP tham nhũng trong thời gian tới.