Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơnevơ, đất nước ta tạm thời chia thành 02 miền. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Miền Nam tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ, thực hiện thống nhất nước nhà.
Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, lực lượng Công an đã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên toàn miền nên quân số ngày càng đông và nhiệm vụ ngày càng nặng nề. Trong những ngày đầu tiếp quản Hà Nội, tuy chưa có một lực lượng y tế độc lập, nhưng hoạt động y tế đã có mặt trong các đơn vị trực thuộc Văn phòng Bộ Công an hoặc Trường Công an Trung ương. Đến giữa năm 1958, công tác y tế và vệ sinh phòng bệnh do Phòng Tài vụ quản trị là đơn vị trực thuộc Văn phòng Bộ quản lý.
Từ ngày 14/9/1961, với Quyết định số 74/QĐ do Thiếu tướng Phạm Kiệt - Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Công an vũ trang ký, Y tế Công an có Bệnh xá 265 trực thuộc Cục Hậu cần. Biên chế quân số Bệnh xá 265 là 72 người. Từ tháng 9/1962, mạng lưới y tế của lực lượng Công an Sài Gòn - Gia Định (gọi là An ninh T.4) cũng được thành lập nhằm phục vụ, chăm lo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ. Đầu tiên là sự ra đời của Bệnh xá thuộc An ninh T.4 do y sĩ Nguyễn Đình Nghiêm phụ trách.
Ở miền Bắc, với Quyết định 552/CA/QĐ ngày 18/7/1963, Bộ Công an thành lập 02 Bệnh xá do Phòng Tài vụ quản trị chỉ đạo về nghiệp vụ y tế (Bệnh xá số 1 là Bệnh xá Cơ quan Bộ, Bệnh xá số 2 là Bệnh xá Trường Công an).
Sau khi một số Bệnh xá được thành lập, từ ngày 18/9/1963 với Quyết định số 723/CA/QĐ do Thứ trưởng Bộ Công an Ngô Ngọc Du ký, công tác bảo vệ sức khỏe cán bộ, chiến sĩ cơ quan Bộ do Vụ Tổ chức cán bộ quản lý.
Năm 1963, đội ngũ cán bộ y tế đã được bố trí ở hầu hết các đơn vị Công an các tỉnh miền Đông Nam Bộ, lúc đó chủ yếu chỉ do một đồng chí y tá thuộc Văn phòng Công an các tỉnh phụ trách.
Tháng 5/1964, Cơ quan An ninh Trung ương Cục miền Nam đã thành lập Bộ phận y tế với số lượng ban đầu là 506 người do Bác sĩ Dương Văn Hiếu (tức Hai Nhỏ) phụ trách.
Từ ngày 08/5/1967, khi Văn phòng Bộ Công an tách thành 03 đơn vị (trong đó Văn phòng Bộ là một đơn vị) thì trong tổ chức bộ máy của Văn phòng Bộ có Phòng Y tế và Bệnh xá cơ quan Bộ. Phòng Y tế có chức năng tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo mạng lưới y tế các đơn vị về chuyên môn nghiệp vụ.
Ngày 07/11/1967, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quyết ký Quyết định số 837/CA/QĐ thành lập Bệnh viện 367 (quy mô 50 giường bệnh) trực thuộc Văn phòng Bộ Công an. Đây là một thành quả lớn trong việc tổ chức mạng lưới y tế. Bệnh viện có thể đảm nhận được nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ trong ngành, tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ chuyên môn. Bệnh viện 367 là tuyến điều trị cao nhất trong lực lượng Công an, tuyến dưới có 05 Bệnh xá ở các đơn vị cơ sở với 80 giường bệnh và 51 đơn vị có y tế cơ quan.
Năm 1967, cơ quan Bộ có Phòng khám thuộc Văn phòng Bộ. Năm 1968, Trạm xá Ban An ninh miền Nam được nâng cấp lên thành Bệnh xá với số lượng 20 người, đóng tại căn cứ Trung ương Cục ở Tây Ninh. Ngày 20/6/1968, Bộ trưởng Bộ Công an ra Quyết định số 724/CA/QĐ thành lập Nhà điều dưỡng 368 trực thuộc Văn phòng Bộ. Như vậy, trong mạng lưới chăm sóc sức khỏe của Y tế Công an đã có thêm Nhà điều dưỡng.
Ở miền Nam, Phòng Y tế thuộc Tiểu ban Hậu cần của Ban An ninh Trung ương Cục được thành lập. Với biên chế 40-50 người, có bác sĩ, dược sĩ, dược tá. Phòng Y tế đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe cho Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.
Ngày 31/5/1969, Bộ Công an có quyết định thành lập Trường Đào tạo Y tá. Khi các loại Trường Phổ thông Công - Nông nghiệp ra đời ở các tỉnh Miền núi và Trung du, Bộ Công an quyết định thành lập 03 Bệnh xá ở các Trường với 10 giường bệnh nhằm kịp thời chăm sóc sức khỏe cho học sinh, cán bộ, công nhân viên của nhà trường.
Đầu năm 1971, lãnh đạo Bộ Công an đã quyết định thành lập Ban Bảo vệ sức khỏe trực thuộc Vụ Tổ chức cán bộ có nhiệm vụ tham mưu cho Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện các chủ trương, chính sách, chế độ do Bộ Y tế quy định cho lực lượng CAND.
Khi cuộc Tổng tiến công Mùa Xuân năm 1975 đang ở đỉnh cao, ngày 14/4/1975, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 704/BCA-QĐ thành lập Nhà điều dưỡng 375 với quy mô 30 giường.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 01/5/1975 lực lượng CAND đã tiếp quản Bệnh viện Cảnh sát quốc gia ngụy Sài Gòn. Bệnh viện có 450 giường nhanh chóng được đưa vào hoạt động.
Trong giai đoạn này song song với việc xây dựng hệ thống tổ chức mạng lưới y tế, lực lượng Y tế CAND còn chủ động đảm bảo thuốc phục vụ chiến đấu, cứu chữa thương bệnh binh.
Trong cuộc chiến đấu ác liệt ở miền Nam, với điều kiện ăn, ở, sinh hoạt vô cùng khó khăn, thiếu thốn, bệnh sốt rét dễ phát sinh, mạng lưới y tế phía Nam đã có nhiều thành tích đáng kể. Bệnh xá An ninh T.4 ra đời đã kịp thời cứu chữa thương, bệnh binh. Từ khi trong bộ phận Văn phòng của Công an các tỉnh miền Đông Nam Bộ có biên chế y tá, nuôi quân, thì việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe chung cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị có nhiều thuận lợi. Đặc biệt, số cán bộ, chiến sĩ ốm đau hoặc bị thương trong chiến đấu có điều kiện được chăm sóc kịp thời, chu đáo.
Tháng 5/1964, Bộ phận y tế thuộc cơ quan An ninh Trung ương Cục miền Nam được thành lập. Việc chăm sóc sức khỏe, chữa trị vết thương, bệnh tật cho cán bộ, chiến sĩ được thực hiện tại căn cứ của Trung ương Cục. Vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, bộ phận y tế Trung ương Cục miền Nam đã dựa vào sự giúp đỡ của đồng bào sống trong “ấp chiến lược” và cán bộ hoạt động nội thành mua thuốc điều trị gửi ra. Đồng bào, công nhân các đồn điền cao su giúp thuốc sốt rét, kháng sinh, bông băng.
Khi đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, Y tế Công an ở miền Bắc đã tổ chức và bảo vệ nhân dân đi sơ tán, cứu người bị sập hầm, góp phần hạn chế thiệt hại về người và của. Ở miền Nam, khi đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ, chiến trường miền Nam phải chịu một lượng chất độc hóa học có sức hủy diệt cao. Lực lượng Công an Bình Thuận, Ninh Thuận đã có nhiều sáng kiến, biện pháp tích cực như chặt các thân cây khoai, sắn vừa bị nhiễm chất độc, đảm bảo giữ cho củ an toàn. Đặc biệt, An ninh Bình Thuận đã phá thế khó khăn bằng cách mở cửa khẩu để giải quyết vấn đề thuốc chữa bệnh. Cán bộ, chiến sĩ đã khai thác cây, gỗ bán lấy tiền, rồi qua cơ sở của ta mua hiện vật như vải, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, hoặc trao đổi gỗ lấy thuốc.
Trong thời kỳ tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng, Y tế Công an 02 miền vừa hoạt động độc lập, vừa hỗ trợ nhau trong phục vụ chiến đấu. Từ khi ra đời (tháng 9/1969), Phòng Y tế thuộc Tiểu ban Hậu cần của Ban An ninh Trung ương cục miền Nam đóng giữa rừng núi Tây Ninh vẫn tự lo toan được thuốc chữa bệnh và bước đầu đáp ứng được nhu cầu của một Bệnh xá tiền phương. Điểm nổi bật trong việc sản xuất thuốc chữa bệnh ở Bệnh xá Trung ương Cục miền Nam là lấy việc kết hợp đông tây y làm phương châm hoạt động chính. Phòng Y tế đã tổ chức sản xuất các loại thuốc hoàn tán, dập viên thủ công, nấu thuốc nước dạng xiro, cao xoa, sản xuất viên Trường Sơn uống phòng, chống sốt rét. Thuốc viên Trường Sơn có hiệu quả cao, góp phần đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm đang rất phổ biến ở các căn cứ trong rừng của lực lượng vũ trang. Phòng Y tế cũng khắc phục được tình trạng thiếu thốn về bao bì đóng gói bằng cách tận dụng lọ Penicillin hoặc ống tiêm đã sử dụng, rửa sạch nhiều lần, sấy khô, hàn bịt đầu, tiệt trùng lại lần cuối để bảo quản, lưu cất thuốc khi pha chế.
Trong đợt bị đánh bom tháng 5/1970, Bệnh xá An ninh Trung ương Cục đã tự sơ cứu cho các thương binh, chữa trị cho khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ an ninh và bộ đội thuộc Sư đoàn 9, Sư đoàn 5, đồng bào khu vực bị địch tấn công, dân thường Campuchia bị thương.
Sau trận càn Đông Dương của Mỹ - Ngụy, Bệnh xá An ninh Trung ương Cục lại tập trung giải quyết vấn đề thuốc men và dụng cụ y tế. Trên cơ sở kinh nghiệm những năm trước đây khi sản xuất, pha chế các loại thuốc sử dụng lọ Penicillin, ống tiêm đã qua sử dụng, lần này, để có lò sấy tiệt khuẩn dụng cụ y tế và phục vụ sản suất, đội ngũ cán bộ y tế Bệnh xá phải dùng đến 100 ngọn đèn dầu thay nhau để duy trì nhiệt độ cần thiết. Đồng chí Hai Tấn đã có sáng kiến dùng cáctút, cacbin để làm khuôn dập viên thuốc dạng nén, dùng vỏ bom napan gò thuyền tán thuốc, đồng chí Tư Phánh đã cải tiến bình hút thai và bơm hút chân không để kéo thai thành dụng cụ cho thuốc vào ống thay cho việc phải làm bằng tay, vừa lâu vừa hao thuốc.
Bệnh xá đã nghiên cứu sản xuất thuốc Subtilus dạng viên và dạng tiêm dưới da, sản xuất thuốc Presnau lấy từ nguồn dược liệu trong rừng và cây khiêu liêu ở rừng Campuchia. Dược liệu được tán thành bột bằng một dụng cụ sáng tạo là thành xe M113, thuốc có tác dụng điều trị bệnh tiêu chảy. Từ dược liệu, Bệnh xá đã sản xuất các loại thuốc Stricnin, Vitamin B1, B6, B12 và Quinin để điều trị bệnh sốt rét ở dạng tiêm. Sản xuất được dụng cụ truyền thay thế Glucoza để truyền cho bệnh nhân sốt cao bằng cách dùng đường tinh chế kết hợp với Vitamin C.
Sau khi tiếp quản Bệnh viện Cảnh sát quốc gia ngụy Sài Gòn, cán bộ, chiến sĩ y tế bắt tay ngay vào việc điều trị và chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí bộ đội bị địch bắt, các chiến sĩ Công an vũ trang và một số tù chính trị bị địch giam.
Nhờ bước đầu phát triển hệ thống mạng lưới cũng như chủ động đảm bảo thuốc mà lực lượng Y tế CAND đã thu được nhiều kết quả tích cực trong công tác chăm sóc, điều dưỡng sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh.
Những năm đầu sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản, Bộ Nội vụ đã có Nghị định tạm thời về chế độ bồi dưỡng cho cán bộ, công nhân viên đau ốm nằm ở bệnh viện với các mức ăn khác nhau. Từ khi các Bệnh xá, Bệnh viện được thành lập, công tác phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức được tăng cường.
Từ mùa Hè năm 1970, cùng với thành tích trong công tác phòng, chữa bệnh, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, Y tế Công an đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phòng, chống dịch tả, lỵ, thương hàn. Tháng 6/1970, chấp hành chủ trương của Bộ Y tế, Y tế Công an đã tổ chức uống và tiêm phòng các loại vaccine phòng tả, lỵ, thương hàn cho 100% cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, không để sót một người nào, kể cả cháu nhỏ dưới 01 tuổi. Việc tiêm phòng cũng được thực hiện với những người trong quá trình tuyển dụng, hợp đồng, cán bộ nơi khác chuyển đến.
Đầu năm 1971, tình hình dịch bệnh có xu hướng trở lại, Y tế Công an đã kịp thời triển khai kế hoạch của Bộ Y tế, hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống các bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván cho các cháu nhỏ trong các Nhà trẻ mẫu giáo thuộc Bộ Công an quản lý, không để xảy ra tai biến.
Sau đợt lũ năm 1971, Y tế Công an cũng đạt được thành tích lớn trong việc phòng, chống dịch bệnh, đã hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vệ sinh môi trường trong và sau lũ lụt, vệ sinh nguồn nước, về sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo 100% số người tiêm nhắc lại vaccine phòng bệnh, tiêm đủ liều cơ bản cho những người chưa tiêm đủ, không để sót trường hợp nào. Thành tích này góp phần to lớn khắc phục hậu quả lũ lụt, tạo điều kiện nhanh chóng ổn định cuộc sống, không để xảy ra dịch bệnh.
Đầu năm 1972, Y tế Công an cũng đã triển khai công tác chống dịch cúm, dịch tả, tiêu chảy bằng việc thực hiện phong trào vệ sinh trong các nhà ăn tập thể, nhà ở. Các nhà ăn tập thể đã quán triệt tới từng người, nâng cao ý thức vệ sinh trong tất cả các khâu, đảm bảo vệ sinh đối với nhân viên phục vụ, phòng ăn, dụng cụ cấp dưỡng, vệ sinh môi trường, xử lý nước, rác thải, công trình vệ sinh... Nhờ nhiều biện pháp tích cực, Y tế Công an đã ngăn được các dịch bệnh, đảm bảo được sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng.
Tóm lại, với một mạng lưới Bệnh xá, Bệnh viện, Nhà điều dưỡng từng bước được hoàn thiện, Y tế CAND đã thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh cho lực lượng Công an, qua đó gián tiếp đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Kỳ IV: Công tác y tế đảm bảo cho lực lượng CAND thực hiện nhiệm vụ chiến lược thời kì đầu xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc (1975-1986)
Kỳ trước (Kỳ II): Y tế CAND trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)