Thứ Hai, 01/07/2019, 08:16 [GMT+7]

Thế giới tuần qua: Lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên

Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp nhau tại biên giới liên Triều, Mỹ và Trung Quốc nhất trí nối lại đàm phán thương mại, quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục căng thẳng, Venezuela phá vỡ âm mưu đảo chính mới... Đó là một số tin tức quốc tế được dư luận quan tâm trong tuần qua.

"Cuộc gặp lịch sử" giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên tại biên giới liên Triều

Tổng thống Mỹ Donald Trump có chuyến thăm Hàn Quốc hai ngày 29 và 30/6 sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka (Nhật Bản). Chuyến thăm của ông Trump tới Seoul lần này thu hút sự chú ý của thế giới khi ông đăng dòng thông báo trên Twitter bày tỏ mong muốn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Khu phi quân sự (DMZ)  để "bắt tay và gửi lời chào".

Chiều 30/6, ông Donald Trump và ông Kim Jong-un đã gặp nhau tại DMZ giữa hai miền Triều Tiên và có cuộc họp kín kéo dài gần 1 giờ tại đây. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh đàm phán hạt nhân bị rơi vào bế tắc kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội vào tháng 2 vừa qua. Trong khi đó, các cuộc đối thoại liên Triều cũng bị chững lại trong nhiều tháng do quan điểm cứng rắn của Washington về việc duy trì trừng phạt cho tới khi Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại Khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên, ngày 30/6/2019 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại Khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên, ngày 30/6/2019 (Ảnh: Reuters)

Đây là cuộc gặp lần thứ ba giữa ông Trump và ông Kim sau cuộc gặp đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6/2018 và cuộc gặp thứ hai tại Việt Nam hồi tháng 2/2019. Ông Donald Trump đã trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên, sau khi từ phần lãnh thổ Hàn Quốc bước chân qua đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên tại DMZ.

Sau cuộc gặp, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã nhất trí với ông Kim Jong-un tái khởi động cuộc đàm phán hạt nhân vốn rơi vào bế tắc hồi đầu năm nay sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai không đạt được thỏa thuận cụ thể.

Tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố "sẽ là một vinh dự lớn" nếu Tổng thống Mỹ thăm Bình Nhưỡng trong thời gian tới. Ông Donald Trump đã mời nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ cũng cảm ơn ông Kim Jong-un về cuộc gặp tại DMZ và gọi đây là "thời khắc đặc biệt".

Nhiều chuyên gia nhận định cuộc gặp lịch sử này sẽ mang lại sức bật cần thiết không chỉ cho các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên vốn đang bị đình trệ, mà còn cả với quan hệ liên Triều.

Mỹ và Trung Quốc nhất trí nối lại đàm phán thương mại

Ngày 29/6, các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí nối lại đàm phán thương mại song phương. Thỏa thuận này đạt được tại cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka (Nhật Bản). Theo thỏa thuận, các đoàn đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục thảo luận về các vấn đề cụ thể.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 29/6/2019 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 29/6/2019 (Ảnh: Reuters)

Đàm phán “trở lại đúng hướng” là cụm từ Tổng thống Trump đã nhấn mạnh sau cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo đó, hai bên đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại vừa bị gián đoạn hồi tháng trước trên cơ sở công bằng và tôn trọng lẫn nhau. Và như một cử chỉ thiện chí nhằm tạo thuận lợi cho việc tái khởi động đàm phán, nhà lãnh đạo Mỹ đã thông báo sẽ không áp thuế bổ sung đối với hơn 300 tỷ USD hàng hoá còn lại của Trung Quốc.

Đây là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc kể từ sau khi cuộc đàm phán thương mại song phương kết thúc hồi tháng 5 vừa qua mà không đạt thỏa thuận. Cuộc gặp này được xem là một trong những nỗ lực quan trọng nhằm tìm kiếm một thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc chiến thuế hàng trăm tỷ USD giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bất chấp những kết quả tích cực đạt được sau cuộc gặp trên, một số chuyên gia kinh tế nhận định rằng bầu không khí căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc chỉ tạm dịu bớt trong thời gian ngắn hạn và những bất đồng sẽ tiếp tục kéo dài và khó có thể giải quyết được trong thời gian ngắn bởi đây không chỉ là vấn đề thương mại. Chuyên gia Guillermo Santa Cruz từ Phòng thương mại Trung Quốc - Argentina cho biết đằng sau những bất đồng về thương mại chính là sự nổi lên của Trung Quốc là một quốc gia có tiềm năng thực sự thách thức quyền lực tối cao của Mỹ. Chính vì vậy, việc làm thế nào để những căng thẳng lâu nay giữa hai nước được kiểm soát có thể được xác định trong những thập kỷ tới.

G20 sẽ thúc đẩy thương mại “tự do, công bằng và không phân biệt đối xử”

Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka (Nhật Bản) đã không đạt được cam kết chống chế độ bảo hộ, trong bối cảnh năm thứ hai thế giới phải chật vật với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản (Ảnh: Reuters)
Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản (Ảnh: Reuters)

Kết thúc 2 ngày thảo luận, ngày 29/6, G20 đã ra tuyên bố chung nêu rõ, họ sẽ thúc đẩy thương mại "tự do, công bằng và không phân biệt đối xử" cũng như cam kết sử dụng "tất cả các công cụ chính sách" để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu giữa lúc có nhiều rủi ro tiêu cực. Tuyên bố có đoạn viết: "Những căng thẳng thương mại và địa chính trị đã gia tăng".

Ngoài ra, 19 thành viên G20, ngoại trừ Mỹ, đã nhất trí "không thể đảo ngược" thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và cam kết thực thi đầy đủ thỏa thuận này.

Phát biểu tại phiên họp về khí hậu - môi trường của Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển - đại dương và tiến tới Khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa biển vì các đại dương xanh.

Quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục căng thẳng

Ngày 24/6, Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht-e Ravanchi nêu rõ, việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào các nhà lãnh đạo tối cao của Iran đã cho thấy Washington không tôn trọng luật pháp quốc tế.

Tuyên bố trên được đại diện ngoại giao Iran đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ D.Trump, ngày 24/6 đã ký sắc lệnh hành pháp, công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào một số lãnh đạo cấp cao Iran. Theo lập luận của người đứng đầu Nhà Trắng thì các biện pháp gia tăng sức ép này sẽ giúp ngăn cản các nhà lãnh đạo Iran tiếp cận được với các nguồn lực và sự hỗ trợ về tài chính.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Ảnh: AFP/TTXVN)

Gói trừng phạt mới nhằm vào các nhà lãnh đạo tối cao Iran được Mỹ đưa ra trong bối cảnh “ngòi nổ” trong quan hệ căng thẳng Mỹ - Iran vẫn chưa được tháo gỡ, làm dấy lên mối lo ngại về kịch bản bùng phát một cuộc xung đột quân sự trong khu vực.

Trong cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron, ngày 25/6, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo này không tìm kiếm chiến tranh với Mỹ, tuy nhiên, nếu Mỹ còn xâm phạm không phận của Iran một lần nữa, tương tự như vụ máy bay không người lái của Mỹ vào tuần trước, thì các lực lượng vũ trang của Iran sẽ có nhiệm vụ ứng phó.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Mỹ D.Trump đã phát biểu trên trang Twitter cá nhân rằng, việc Iran phát động bất cứ cuộc tấn công nào “nhằm vào bất cứ thứ gì của Mỹ” cũng sẽ bị đáp trả bởi một lực lượng “áp đảo và hùng hậu”.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi tất cả các bên “kiềm chế tối đa” và thực hiện các hành động cũng như các biện pháp cần thiết để hạ nhiệt và chấm dứt căng thẳng tại khu vực vùng Vịnh.

Venezuela phá vỡ âm mưu đảo chính mới

Ngày 27/6, Bộ trưởng Truyền thông Venezuela Jorge Rodriguez cho biết, cơ quan chức năng nước này đã bắt giữ 13 đối tượng liên quan tới âm mưu đảo chính bất thành của các nhóm đối lập cực đoan bị lực lượng tình báo Venezuela triệt phá mới đây.

Bộ trưởng Truyền thông Venezuela Jorge Rodriguez (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Truyền thông Venezuela Jorge Rodriguez (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo ông Rodriguez, các đối tượng bị bắt giữ chủ yếu là các sỹ quan và cựu sỹ quan quân đội, trong đó có Thiếu tướng Miguel Sisco Moro, người được cho là “tư lệnh tác chiến” của kế hoạch ám sát các lãnh đạo cấp cao, đánh phá các căn cứ quân sự và trụ sở chính phủ nhằm thiết lập một chính quyền mới. Ngoài ra, cơ quan an ninh cũng đã phát lệnh truy nã đối với khoảng hơn 10 đối tượng quân nhân và dân sự khác có liên quan tới âm mưu này.

Cùng ngày, Tổng chưởng lý Tarek William Saab cho biết, cơ quan công tố đã mở một cuộc điều tra hình sự đối với 14 đối tượng là dân sự và sỹ quan quân đội về hưu với các cao buộc âm mưu lật đổ chính quyền, khủng bố và phản bội tổ quốc.

Trước đó, ngày 26/6, Chính phủ Venezuela thông báo vừa phá vỡ một âm mưu đảo chính mới của phe đối lập với sự hậu thuẫn từ bên ngoài, trong đó có cả kế hoạch giết hại các quan chức cấp cao của chính phủ như Tổng thống Nicolas Maduro và phu nhân, Chủ tịch Quốc hội lập hiến Diosdado Cabello. Theo Chính phủ Venezuela, một nhóm cựu sỹ quan lực lượng vũ trang âm mưu đảo chính với một kế hoạch được chuẩn bị trong suốt 14 tháng và dự định triển khai trong khoảng các ngày 23-24/6 vừa qua.

UNICEF nỗ lực đẩy lùi những thông tin sai lệch về vaccine

Phát biểu tại một cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc ngày 28/6, Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Henrietta Fore cho biết: “Thông tin sai lệch về vaccine nguy hiểm như một dịch bệnh vậy. Nó lây lan nhanh chóng và tạo ra mối đe họa đối với sức khỏe cộng đồng”.

Nhân viên y tế  tiêm phòng cho trẻ em trong chiến dịch phòng chống bệnh sởi và rubella ở Aden, Yemen (Ảnh: UNICEF)
Nhân viên y tế tiêm phòng cho trẻ em trong chiến dịch phòng chống bệnh sởi và rubella ở Aden, Yemen (Ảnh: UNICEF)

Theo UNICEF, hơn ba thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến những tiến bộ vượt bậc về sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em, trong đó việc tiêm chủng đã góp phần làm giảm đáng kể những trường hợp tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

Tuy nhiên hiện nay, trên bờ vực loại trừ những dịch bệnh chết người có thể làm ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em, thì hàng loạt thách thức lại nổi lên. Bất chấp bằng chứng rõ ràng về sức mạnh của vaccine trong việc cứu sống con người và kiểm soát dịch bệnh, hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới vẫn bị bỏ lỡ cơ hội tiêm vaccine, đặt các em và cộng đồng nơi các em sinh sống trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Các nguyên nhân lý giải tình trạng trên được đưa ra là do hệ thống y tế yếu kém, nghèo đói, xung đột,… đã cản trở việc tiếp cận dịch vụ y tế ban đầu, trong đó có việc tiêm chủng. Hơn thế, sự hoài nghi và tự mãn về tính an toàn và hiệu quả của vaccine đã khiến cho thông tin sai lệch về vaccine bị lan truyền.

UNICEF nhấn mạnh rằng các quốc gia cần đầu tư vào các nguồn lực trong nước và cam kết chính trị về tiêm chủng như là điểm khởi đầu để tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, cũng là góp phần để đảm bảo y tế toàn cầu./.

.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

.