Chính phủ Mỹ khẳng định, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra miễn là Bình Nhưỡng cho thấy thiện chí trong giải quyết chương trình hạt nhân của nước này, cũng như một số vấn đề gây căng thẳng khác với Washington. Hiện có 2 luồng ý kiến về cuộc gặp lịch sử này.
Một số thì coi đây là “quãng nghỉ được chào đón” sau những căng thẳng leo thang. Số khác thì đang đánh cược rằng, liệu nó có mang lại bất cứ tiến triển nào về việc hạn chế năng lực hạt nhân của Triều Tiên hay không.
Giới chuyên gia chỉ ra rằng, sẽ có 3 vấn đề chính quyết định hướng đi trong thời gian tới của Bán đảo Triều Tiên. Thứ nhất, liệu Trung Quốc có bị gạt ra bên lề bán đảo?
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, một thông tin được lan truyền nhanh chóng: Mỹ không có ý định để Trung Quốc tham gia phối hợp với Mỹ và Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên vì vấn đề này là việc giữa Washington và Bình Nhưỡng. Ngoài ra, nhiều nguồn tin cho biết, ít khả năng Trung Quốc được lựa chọn là một trong những địa điểm của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chốt thời gian và địa điểm gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: CNN. |
Bề ngoài, vấn đề hạt nhân Triều Tiên chính là vấn đề an ninh khu vực. Nhưng về bản chất, đó là vấn đề giữa Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) và Triều Tiên, không phải vấn đề của bất cứ mối quan hệ song phương nào vì bất kỳ quốc gia đơn lẻ hoặc nhóm các nước nào tuyên bố Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân bất hợp pháp đều không có hiệu lực pháp lý rộng rãi. Chỉ các nghị quyết của HĐBA LHQ mới thực sự có ý nghĩa pháp lý phổ quát, mang tính áp đặt.
Cũng tương tự như vậy, mọi hình thức trừng phạt đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên phải được tiến hành trong khuôn khổ HĐBA LHQ mới hợp pháp và chính đáng, có ý nghĩa pháp luật quốc tế. Do đó, giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, về mặt pháp lý, là vấn đề giữa HĐBA LHQ và Triều Tiên, không phải là vấn đề giữa Triều Tiên và Mỹ. Bất kỳ cuộc bàn bạc nào giữa hai nước này về vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng như giải pháp cuối cùng cho vấn đề này không thể vượt qua khuôn khổ các nghị quyết trừng phạt của HĐBA LHQ, nếu không là bất hợp pháp và không hợp lệ.
Ở cấp độ thực hiện thực tế, Trung Quốc về khách quan là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho việc thực hiện các nghị quyết của HĐBA LHQ. Không có sự thực hiện nghiêm túc của Bắc Kinh đối với các nghị quyết của HĐBA LHQ thì chắc chắn giờ đây Bình Nhưỡng sẽ không bày tỏ sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, cũng như sẽ không có cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Là nước láng giềng thân thiết của Bán đảo Triều Tiên, nếu bị gạt ra bên lề trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên có nghĩa là Trung Quốc hoàn toàn để mất sự kiểm soát đối với môi trường an ninh trên bán đảo này và kết quả cuối cùng chắc chắn không có lợi cho Bắc Kinh. Khi đó, hai miền Triều Tiên sẽ hợp lực với Mỹ, một mặt chia sẻ thành quả kinh tế của Trung Quốc, mặt khác sẽ phối hợp với Mỹ kiềm chế Trung Quốc ở Đông Bắc Á.
Trong bối cảnh này, Trung Quốc rất có thể tuyên bố công khai: Vấn đề hạt nhân Triều Tiên là vấn đề giữa Triều Tiên và HĐBA LHQ, Trung Quốc hoan nghênh việc Triều Tiên và Mỹ gặp nhau và bàn bạc nhằm chấm dứt mối quan hệ thù địch, nhưng vấn đề hạt nhân cần được giải quyết trong khuôn khổ của HĐBA LHQ. Đồng thời, tất cả các giải pháp mà Washington và Bình Nhưỡng cùng bàn bạc về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân cũng phải được HĐBA LHQ phê chuẩn.
Vấn đề thứ hai là liệu Triều Tiên có dựa vào Mỹ để kiềm chế Trung Quốc? Tư duy của Triều Tiên trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân vẫn là chiến lược tìm kiếm sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, hay đúng hơn là dựa và Washington để kiềm chế Bắc Kinh.
Trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông PyeongChang, 2 trong số 3 ý kiến đầu tiên của đoàn đặc phái viên Triều Tiên là: Triều Tiên không yêu cầu dừng các cuộc tập trận Mỹ - Hàn; không yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Bán đảo Triều Tiên. Điều này rõ ràng là để đối phó với Trung Quốc.
Hiện nay, Triều Tiên và Mỹ muốn bàn về vấn đề hạt nhân song họ lại không có nhiều quân bài trong tay. Chừng nào các lệnh trừng phạt quốc tế chưa được nới lỏng, Mỹ chưa từ bỏ ý định sử dụng biện pháp quân sự tấn công Triều Tiên, khả năng Bình Nhưỡng phải tuân theo sự chi phối và điều khiển của Washington là rất lớn. Do đó, Trung Quốc không nên ngần ngại sử dụng tất cả các biện pháp chính trị, kinh tế và văn hóa, kết hợp các biện pháp cứng và mềm, buộc nội bộ Triều Tiên phải thay đổi, làm cho Triều Tiên phải cam kết cải cách mở cửa và phát triển kinh tế.
Đồng thời, trong điều kiện nhất định, Trung Quốc cũng có thể tùy theo tình hình, hỗ trợ Hàn Quốc giữ vai trò chủ đạo trong tiến trình thống nhất Bán đảo Triều Tiên, làm cho bán đảo trong tương lai trở thành một quốc gia tương đối ổn định và thịnh vượng.
Vấn đề nan giải cuối cùng là, với việc Bán đảo Triều Tiên có nhiều diễn biến nhanh chóng, các bước thống nhất bán đảo sẽ được đẩy nhanh. Và dường như hai miền Triều Tiên đều có nhu cầu này. Đối với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, triển vọng cuộc gặp Mỹ - Triều không rõ ràng, rất có khả năng con đường phía trước sẽ nguy hiểm. Hàn Quốc trở thành cơ hội duy nhất để nhà lãnh đạo này mở ra lối thoát và ông sẽ không bao giờ từ bỏ bất cứ cơ hội nào để xích lại gần quan hệ với Seoul.
Điều này cũng đúng với Tổng thống Hàn Quốc. Vì tình thân và quan niệm giá trị của mình, ông cũng sẽ không từ chối bất kỳ động thái và phương án nào nhằm tô đậm bầu không khí hữu nghị giữa hai miền, làm cho hai miền xích lại gần nhau, sẽ cố gắng tìm ra phương án và thực thi.
Điều gì khiến Mỹ dành sự “quan tâm đặc biệt” cho Bán đảo Triều Tiên?
Với vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương được thiết lập từ đống tro tàn của Hiroshima và Nagasaki, và dựa trên vị thế của Mỹ là cường quốc nguyên tử đầu tiên, sau đó vũ khí hạt nhân đã định hình rõ địa chính trị châu Á. Ngày nay, trên Bán đảo Triều Tiên, công nghệ hạt nhân một lần nữa được cho là điểm đặc trưng của một sự dịch chuyển mạnh mẽ trên cán cân quyền lực của châu Á.
Có ý kiến cho rằng, tên lửa đạn đạo được trang bị hạt nhân của Triền Tiên là ngòi nổ sẽ phá bỏ vai trò lãnh đạo chiến lược của Mỹ tại khu vực này. Để giải thích tại sao, cần kết nối chặt chẽ 2 phần của câu chuyện về châu Á hiện đại. Thứ nhất là sự phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhất là thực tế rằng, nếu Bình Nhưỡng chưa triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), thì nước này cũng đã đến ngưỡng làm vậy. ICBM của Triều Tiên là một vấn đề vô cùng khó đối với Mỹ bởi nó có tiềm năng chia rẽ Mỹ với các đồng minh của nước này. Phần thứ hai của câu chuyện này là Trung Quốc và việc Bắc Kinh vươn lên vị thế siêu cường khu vực.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm một cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. |
Về phần thứ nhất, các chuyên gia vẫn bất đồng về khả năng Triều Tiên có thể phóng được một tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân có tầm bắn tới các thành phố ở lục địa Mỹ hay không. Bình Nhưỡng mới chỉ tiến hành 3 vụ thử ICBM và không thể chắc chắn rằng nước này có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân cho vừa với phần mũi nhọn của một tên lửa như vậy, hoặc đầu đạn này có thể quay trở lại bầu khí quyển hay không. Nhưng Triều Tiên đang gần đạt được điều đó, nó không còn là vấn đề đối với họ.
Vấn đề duy nhất là khả năng ICBM của Bình Nhưỡng giờ đây lớn đến mức Mỹ phải hành xử như thể đó là một thực tế mà ai cũng biết. ICBM là vũ khí đã khiến Tổng thống Trump phải đe dọa Triều Tiên bằng vũ lực và hiện nhà lãnh đạo này phải chấp nhận đề nghị tham gia một cuộc gặp thượng đỉnh.
Bên cạnh đó, ý nghĩa thực sự của ICBM là nó tạo ra một hiện tượng giữa các đồng minh châu Á của Mỹ mà các nhà chiến lược gọi là “sự chia tách”. Khi việc Triều Tiên đe dọa giết hàng trăm triệu người Mỹ ngay tức khắc trở nên đáng tin, thì các đồng minh của Mỹ bắt đầu lo lắng rằng, việc Washington cam đoan bảo vệ họ trong trường hợp Bình Nhưỡng gây hấn đột nhiên có vẻ ít đáng tin hơn. Đó chính là lý do đặt các lực lượng vũ trang của Mỹ trong tình trạng nguy hiểm bằng việc đặt căn cứ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và những nơi khác nằm trong phạm vi của các vũ khí có tầm bắn ngắn hơn của Triều Tiên.
Nhưng liệu Mỹ có thật sự sẵn lòng đặt Los Angeles vào tình trạng nguy hiểm để cứu Seoul? Đúng là Mỹ đã phải đối mặt với vấn đề chia tách trước đây, hồi thập niên những năm 1960 trước Liên Xô, và đã vượt qua nó. Nhưng liệu họ có làm được điều tương tự vào thời điểm hiện tại hay không?
Ở phần thứ hai của câu chuyện, Mỹ hiện đang đối mặt với một đối thủ ngang hàng thực sự ở châu Á. Theo Sách Trắng về chính sách đối ngoại của Australia năm 2017, đến năm 2030, nền kinh tế của Trung Quốc có thể đạt 42.000 tỉ USD so với 24.000 tỉ USD của nền kinh tế Mỹ. Và Bắc Kinh sẽ muốn nâng vị thế chiến lược của mình cho tương xứng với vị thế kinh tế.
Trung Quốc dường như trước mắt không có tham vọng thách thức vị thế quân sự toàn cầu ưu việt của Mỹ, nhưng Chủ tịch nước này Tập Cận Bình đã nói rõ rằng, ông coi Trung Quốc là một mô hình quản trị và phát triển toàn cầu để cạnh tranh với mô hình của Mỹ. Ít nhất, thì điều thận trọng là giả định rằng, Trung Quốc sẽ không còn chấp nhận ở vị trí số 2 sau Mỹ trong chính khu vực của mình nữa.
Cũng như Washington đã từ chối cho phép các cường quốc nước ngoài thống trị môi trường ngay sát sườn mình khi nước này vươn lên vị thế nước lớn, Trung Quốc sẽ muốn điều tương tự ở châu Á – Thái Bình Dương.
Vì vậy, trong suy nghĩ về tương lai của mình ở châu Á, Mỹ đang đối mặt với 2 vấn đề được đặt ra cạnh nhau: Một mặt, nếu không có việc Chiến tranh Lạnh đem lại một sự biện minh lớn hơn cho sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Bán đảo Triều Tiên, thì Triều Tiên thật sự nhỏ đến mức không thể là một mối quan ngại an ninh cốt lõi đối với Mỹ; nhưng mặt khác, Trung Quốc to lớn và quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, và mơ hồ về mặt ý thức hệ đối với Mỹ đến mức không thể thách thức nước này theo cách tương tự mà Mỹ đã đánh bại Liên Xô.
Hai vấn đề này đặc biệt như nhau, chúng chỉ ra giải pháp giống nhau: Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc. Để hiểu lý do tại sao, cần xem xét cách mà vấn đề lớn của Mỹ (Trung Quốc) được liên kết với vấn đề nhỏ của nước này (Triều Tiên).