Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/quoc-te/201805/hoa-giai-nguy-co-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-795537/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/quoc-te/201805/hoa-giai-nguy-co-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-795537/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hóa giải nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 22/05/2018, 08:11 [GMT+7]

Hóa giải nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Cam đoan không tiến hành một cuộc chiến thương mại và đình chỉ việc áp thuế lẫn nhau được cho là thành tựu đáng kể nhất trong vòng đàm phán thứ 2 về thương mại Mỹ-Trung vừa kết thúc ở Washington.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin - Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin - Ảnh: Reuters

Mỹ và Trung Quốc đã thực sự có những “trái ngọt” đầu tiên sau nỗ lực đàm phán cam go nhằm hóa giải những bất đồng thương mại đang tồn tại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này. Hai bên thống nhất sẽ tránh đẩy tình trạng căng thẳng leo thang bằng cách tạm gác lại chuyện thuế quan, đồng thời nhất trí giải quyết những mối lo ngại về thương mại “một cách chủ động”.

Khẳng định các cuộc đàm phán thương mại cấp cao Mỹ- Trung vừa qua đạt kết quả tốt, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 20/5 vui mừng thông báo nguy cơ chiến tranh thương mại giữa hai bên xem như đã được hóa giải. Cũng theo vị quan chức này, Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng xây dựng và thực thi khuôn khổ mới với việc soạn thảo một thoả thuận thương mại rộng lớn hơn hướng đến giải quyết sự mất cân bằng thương mại trong tương lai.

Về phía Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người dẫn đầu đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc tại Washington cũng vừa xác nhận hai bên đã đạt được sự đồng thuận, trong đó cam kết sẽ không lao vào một cuộc chiến thương mại và sẽ ngừng áp đặt thuế lẫn nhau. Tuy nhiên, vị quan chức này lưu ý, việc phá vỡ tình trạng đóng băng hiện nay không thể hoàn thành chỉ trong một ngày, cần thời gian để giải quyết các vấn đề về cấu trúc của nền kinh tế và quan hệ thương mại giữa hai nước.

Ông Lưu Hạc cho biết thêm: “Chúng tôi vừa xóa bỏ một số hiểu lầm trong quá khứ. Các cuộc đàm phán vừa qua sẽ không chỉ giúp thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế và thương mại song phương đồng thời xây dựng mối quan hệ tổng thể. Điều này là tốt cho người dân của cả hai nước, đồng thời gửi đi một tín hiệu tích cực đến toàn thế giới”.

Trước mắt có thể thấy thiện chí bước đầu của Trung Quốc và Mỹ sẽ khép lại các biện pháp trả đũa lẫn nhau mà nếu được thực thi, các nhà sản xuất và người tiêu dùng của cả hai nước sẽ là bên hứng chịu nhiều tổn thất nhất.

Hồi tháng trước, Tổng thống Donald Trump mở màn trận so găng khi tuyên bố áp mức thuế 25% đối với hơn 1.000 sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có các mặt hàng chủ chốt như robot, phụ tùng máy bay và máy rửa bát... Ngay lập tức, Trung Quốc cũng tung đòn đáp trả khi công bố danh sách 106 mặt hàng xuất khẩu của Mỹ có thể phải chịu mức áp thuế tương đương như đậu nành, ô tô và các sản phẩm hóa chất. Các động thái "dằn mặt" nhau giữa hai cường quốc kinh tế thế giới đã khiến các thị trường toàn cầu lao đao và giới đầu tư lo ngại về những tác động được đánh giá là sẽ gây ra những cú sốc tài chính trong những năm tới.

Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc hiện đang là những đối tác quan trọng, là thị trường chủ chốt của nhau và đóng góp hơn 40% tổng GDP toàn cầu. Bởi vậy, điều cốt yếu trong quan hệ kinh tế, thương mại Mỹ-Trung là "hợp tác cùng thắng".

Một thực tế không thể phủ nhận là thời gian qua, nhiều nhà phân tích vẫn nghiêng về nhận định viễn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ- Trung là điều khó có thể xảy ra bất chấp việc hai siêu cường này vẫn liên tục đưa ra những động thái và các lời cảnh báo lẫn nhau. Bởi lẽ, Mỹ- Trung Quốc- 2 cỗ máy kinh tế hàng đầu thế giới có sự phụ thuộc quá lớn vào nhau. Nên bản thân mỗi bên đều phải tự ý thức được lợi ích hay hậu quả khi lựa chọn hợp tác hay đối đầu.

Nhìn lại "lịch sử", giới chuyên gia đánh giá căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, dù do bên nào khơi mào, cũng chừa lại "một không gian để thỏa hiệp". Như việc Mỹ tuyên bố thực hiện đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lần này, mục đích của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như là gây áp lực để Trung Quốc có những nhượng bộ nhất định trên bàn đàm phán, nhiều hơn là khơi mào chiến tranh thương mại với kết quả bất lợi cho cả hai.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump về áp thuế, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã chủ động điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và hai bên đạt được nhận thức chung về duy trì trao đổi thông tin liên quan.

Hay việc ngay trước vòng đàm phán thương mại thứ hai này, Mỹ thông báo cân nhắc "các giải pháp thay thế" đối với những biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt đối với hãng sản xuất thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc, khiến hãng ngừng hoạt động và đang đứng trước nguy cơ phá sản, cũng được xem là động thái  giúp làm dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Về phía Trung Quốc, rõ ràng Bắc Kinh cũng không muốn tình hình leo thang. Điều này có thể thấy được từ mức thuế “trả đũa” mà Trung Quốc đưa ra không quá lớn, chỉ khoảng 3 tỷ USD, với mục đích rõ ràng là để lại không gian cho đàm phán.

Những vấn đề kinh tế và thương mại vẫn đang là một trong những thách thức lớn trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp và toàn diện Mỹ - Trung. Việc giải quyết triệt để những vấn đề này giữ vai trò định hướng trong các mối quan hệ giữa hai nước. Nếu hai nước hợp tác với nhau để duy trì các mối quan hệ thương mại ổn định, thì quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ trở nên mạnh hơn nhiều và cả hai bên đều có thể được hưởng lợi từ cơ chế hợp tác cùng thắng này.

.

Nguồn: Chinhphu.vn

.