Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/quoc-te/201610/quan-he-my-philippines-trung-quoc-dien-bien-kho-luong-703001/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/quoc-te/201610/quan-he-my-philippines-trung-quoc-dien-bien-kho-luong-703001/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Quan hệ Mỹ-Philippines-Trung Quốc diễn biến khó lường - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 09/10/2016, 08:24 [GMT+7]

Quan hệ Mỹ-Philippines-Trung Quốc diễn biến khó lường

Trong khi những bất đồng giữa Mỹ và Philippines ngày càng khó hóa giải, thì dường như Philippines lại có động thái xích lại gần Trung Quốc.

1. Trong động thái mới đây, ngày 7/10 Philippines tuyên bố họ đã ngừng các cuộc tuần tra hải quân chung với Mỹ ở Biển Đông. Động thái này diễn ra trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này ngày càng xa rời Mỹ và xích lại gần Trung Quốc.  

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nói rằng ông muốn chấm dứt các hoạt động tuần tra chung này để tránh chọc giận Trung Quốc – quốc gia ngang nhiên ra tuyên bố chủ quyền (phi pháp) đối với hầu hết Biển Đông.

Tổng thống Philippines Duterte. (Ảnh: AFP).
Tổng thống Philippines Duterte. (Ảnh: AFP).

Trước đó, ông Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cũng cho biết, quân đội nước này có thể tồn tại mà không cần sự hỗ trợ của Mỹ. Hiện Philippines và Mỹ đang có nhiều bất đồng nặng nề về cuộc chiến dịch chống ma túy đang diễn ra ở Philippines. Tổng thống Duterte từng nói rằng, Liên minh châu Âu và Mỹ có thể rút lại sự hỗ trợ quân sự cho Philippines nếu họ không hài lòng với cuộc chiến chống ma túy mà ông đang thực hiện.  

Thậm chí, ngày 4/10, ông Duterte đã rủa ông Obama “go to hell” (đi xuống địa ngục đi) và nói rằng ông không cần mua vũ khí của Mỹ. Theo Reuters, những lời lẽ gay gắt trên được ông Duterte đưa ra sau khi ông biết Mỹ đã từ chối bán vũ khí cho Philippines. Tổng thống Duterte khẳng định, ông không mấy bận tâm đến chuyện này vì Nga và Trung Quốc đang rất sẵn lòng làm nhà cung cấp vũ khí cho Philippines.

Chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy của ông Duterte dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, nhưng kết quả thăm dò ý kiến dư luận mới đây lại cho thấy sự ủng hộ của người dân Philippines đối với chính sách của ông Duterte. Chỉ có 11% trong số 1.200 người được hỏi nói họ không hài lòng với cách xử lý công việc của Tổng thống Philippines, trong khi có đến 64% số người được hỏi nói hài lòng. 

2. Lò lửa Syria trong tuần qua vẫn tiếp tục “nóng bỏng”, đi cùng với đó là sự leo thăng căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ.

Ngày 5/10, chiến sự tiếp tục diễn ra ác liệt giữa quân đội Syria được không quân Nga yểm trợ và phe đối lập ở Aleppo. Theo Aljazeera, không quân Syria và máy bay chiến đấu của Nga đã oanh tạc hàng chục mục tiêu khác nhau tại các quận phía đông Aleppo, khu vực vẫn nằm dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy.  

 Chiến sự ở Syria có chiều hướng gia tăng trong những ngày qua. (Ảnh: Reuters).
Chiến sự ở Syria có chiều hướng gia tăng trong những ngày qua. (Ảnh: Reuters).

Ngoài Aleppo, chiến sự ác liệt cũng đã diễn ra tại nhiều khu vực khác của Syria như Damascus hay thị trấn Douma, khu vực Đông Ghouta. Trong một diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Nga hôm 4/10 xác nhận đã triển khai một hệ thống tên lửa phòng không S-300 đến căn cứ hải quân Tartus của mình tại Syria. Bộ Quốc phòng Nga đồng thời cảnh báo Mỹ rằng nên tính toán kỹ lưỡng những hậu quả có thể xảy ra nếu quyết định tấn công lực lượng quân đội Chính phủ Syria.  

Để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 8/10 đã tiến hành bỏ phiếu đối với 2 nghị quyết khác nhau về Syria. Trong 2 nghị quyết này, một do Pháp soạn thảo kêu gọi chấm dứt các cuộc không kích tại thành phố Aleppo, miền bắc Syria và một do Nga soạn thảo  kêu gọi áp đặt lệnh ngừng bắn ở Aleppo, tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo nhưng không đề cập chấm dứt các chuyến bay quân sự trên thành phố này.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cho biết nghị quyết của Pháp do Anh và Mỹ hậu thuẫn là “khá vội vàng” và tuyên bố Nga sẽ dùng quyền phủ quyết của mình để bác bỏ.

Trong khi đó, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Matthew Rycroft lên tiếng bác bỏ nghị quyết của Nga, coi đây là một “âm mưu chính trị” nhằm đánh lạc hướng sự chú ý về việc chấm dứt các cuộc không kích tại Aleppo.  

3. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến giai đoạn căng thẳng khi cuộc tranh luận trực tiếp thứ 2 sắp diễn ra vào ngày 10/9 tại trường Đại học Washington thuộc bang Missouri.

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump và bà Hillary Clinton (Ảnh: ABC News).
Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump và bà Hillary Clinton (Ảnh: ABC News).

Trong bối cảnh còn tròn một tháng nữa là tới ngày bầu cử chính thức và để chuẩn bị cho cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai, ứng viên đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đang nỗ lực nới rộng khoảng cách với đối thủ đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump nhân lúc ông này vừa có phát ngôn gây mất lòng cử tri.

Cuộc tranh luận thứ hai có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump bởi ông bị cho là đã thất bại trong lần tranh luận thứ nhất trước bà Hillary Clinton, một ứng viên bình tĩnh và tự tin nhờ sự dày dặn kinh nghiệm chính trường. Các ứng viên Tổng thống Mỹ chỉ có 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình trước thềm cuộc bỏ phiếu và nếu thất bại trong 2 cuộc đầu tiên thì cơ hội chiến thắng của ông Trump sẽ trở nên mong manh hơn.  

Thế nhưng, ngay trước thềm cuộc tranh luận này, một đoạn băng ghi hình ông Trump từ năm 2005, trong đó vị tỷ phú này, khi đó với tư cách là ngôi sao truyền hình thực tế đã có những lời lẽ thô tục về việc quan hệ với phụ nữ và quyến rũ phụ nữ đã có chồng.

Nhiều chính trị gia cùng đảng Cộng hòa với ông Trump đã chỉ trích ứng cử viên này gay gắt. Tuy nhiên, ông Donald Trump đã đăng 1 đoạn clip thanh minh và nói rằng những lời đó không phản ánh bản chất con người mình.

Bất chấp sóng gió từ đoạn băng ghi hình, cuộc khảo sát trực tuyến và qua điện thoại của Nhà Trắng hôm 6/10 cho thấy Tỷ phú Donald Trump đạt 42 điểm, cao hơn Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton 2 điểm.  

4. Số người thiệt mạng do bão Matthew  gây ra tại Haiti đã lên tới 877 người. Những nước bị bão quét qua như Haiti, Cuba, Bahamas đang tích cực khắc phục hậu quả trong khi siêu bão tiếp tục hoành hành ở khu vực bờ Đông nước Mỹ.

Hiện có nhiều mối lo ngại dịch tả có thể bùng phát tại Haiti sau cơn bão. Hiện nước và thực phẩm đang rất khan hiếm tại các trung tâm tị nạn. Những thiệt hại sau cơn bão tại Haiti đã buộc chính quyền nước này phải hoãn cuộc bầu cử Tổng thống, dự kiến diễn ra vào cuối tuần này.  

Bão Matthew tấn công nước Mỹ. (Ảnh: ABC News).
Bão Matthew tấn công nước Mỹ. (Ảnh: ABC News).

Địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do bão Matthew ở Haiti là thành phố miền Nam Les Cayes. Chính phủ Haiti chưa xác định được chính xác mức độ thiệt hại, đồng thời cảnh báo số người chết có thể còn tăng trong bối cảnh lực lượng cứu hộ đang tiếp tục tới những khu vực bị cắt đứt liên lạc.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 6/10 tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại bang Florida khi bão Matthew được dự báo tràn vào bang này. Các công ty điện lực tại bang Florida của Mỹ thông báo hơn 600.000 hộ gia đình và các doanh nghiệp tại bang này đã bị cắt điện do bão Matthew.

Trước khi bão Matthew đổ bộ, các công ty điện lực tại Florida đã chuẩn bị biện pháp đối phó để giảm thiểu thiệt hại do trận bão gây ra. Trong đó, Tập đoàn Năng lượng NextEra Energy Inc's FPL dự báo có tới 2,5 triệu hộ gia đình và các doanh nghiệp bị cắt điện. Matthew là trận bão mạnh nhất đổ bộ trực tiếp vào Mỹ trong hơn 10 năm qua, mang theo mưa lớn và gió giật mạnh tới Florida.  

5. Ngày 6/10, một nhóm giám sát có trụ sở tại Mỹ dẫn các hình ảnh vệ tinh vừa thu thập được cho biết, Triều Tiên đang gia tăng hoạt động tại bãi thử hạt nhân của nước này - một động thái có thể được cho là nhằm chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân mới.

Hình ảnh vệ tinh chụp được gần đây tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở Đông Bắc Triều Tiên. (Ảnh: 38 North).
Hình ảnh vệ tinh chụp được gần đây tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở Đông Bắc Triều Tiên. (Ảnh: 38 North).

Nhóm “Vĩ tuyến 38 độ Bắc” của Viện Nghiên cứu Mỹ-Triều thuộc Đại học Johns Hopkins, Mỹ thông báo, những hình ảnh vệ tinh chụp được gần đây tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở Đông Bắc Triều Tiên cho thấy các hoạt động tiếp tục diễn ra ở cả 3 tổ hợp đường hầm tại bãi thử này, với sự tham gia của một lượng lớn phương tiện và nhân sự. Triều Tiên được tin rằng đã sẵn sàng cho một vụ thử hạt nhân nữa vào bất cứ lúc nào.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 7/10 thông báo, Hàn Quốc đang theo dõi sát sao các động thái quân sự của Triều Tiên, trong bối cảnh nước này được cho là sẽ có hành động khiêu khích tiếp theo nhân các sự kiện kỷ niệm diễn ra trong tuần tới.

Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản đều đang trong tình trạng cảnh giác cao độ và sẵn sàng ứng phó trước các mối đe dọa từ Triêu Tiên.

6. Hội đồng Bảo an ngày 6/10 đã đề nghị Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc xem xét đề cử cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres làm Tổng Thư ký.

Nếu được phê chuẩn, ông Guterres, 67 tuổi, sẽ thay thế Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc hiện nay là ông Ban Ki-moon- 72 tuổi, người Hàn Quốc sau khi ông Ban Ki-moon mãn nhiệm vào cuối năm 2016.

Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres sẽ làm Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc từ năm 2017. (ảnh: AP).
Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres sẽ làm Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc từ năm 2017. (ảnh: AP).

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng đã mô tả ông Guterres là “sự lựa chọn tuyệt vời” để thay thế mình: “Tôi chắc chắn rằng, ông ấy sẽ tiếp tục đảm trách việc mang “ngọn đuốc” tiên phong trong việc giải quyết các thách thức lớn hiện nay trên thế giới, từ việc củng cố các chiến dịch gìn giữ hòa bình, đạt được sự phát triển bền vững, bảo đảm nhân quyền đến việc xoa dịu nỗi đau của con người”.

Ông Guterres từng là Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995-2002 và là Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người Tị nạn từ năm 2005-2015.  

7. Tuần vừa qua, hàng loạt các giải Nobel Y học, Hóa học, Hòa bình, Vật lý 2016 đã được trao cho các cá nhân hoặc các tập thể có cống hiến đặc biệt cho nhân loại trên toàn cầu. Giải Nobel hòa bình 2016 được trao cho Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos vì các nỗ lực kiến tạo hòa bình với nhóm nổi dậy FARC. Ông Santos đã đặt bút ký thỏa thuận hòa bình với FARC vào tháng 9/2016 sau 4 năm đàm phán nhưng đã bị người dân Colombia bác bỏ một cách sít sao trong cuộc trưng cầu dân ý vào cuối tuần qua. 

 Tổng thống Santos. (Ảnh: telemedellin.tv).
Tổng thống Santos. (Ảnh: telemedellin.tv).

Giải Nobel Vật lý 2016 đã được trao cho ba nhà khoa học người Anh với công trình nghiên cứu trạng thái khác thường của vật chất. Uỷ ban Nobel cho biết, các nhà khoa học này đã phát hiện ra bí mật của các “vật chất lạ...mở cánh cửa bí mật về thế giới mà vật chất có thể chuyển sang các trạng thái khác thường.

Nhà khoa học Yoshinori Ohsumi, người Nhật Bản vừa đoạt giải Nobel Y học năm 2016 nhờ khám phá các cơ chế phân tách và tái tạo tế bào. Hội đồng xét duyệt cho biết, phát hiện của ông Ohsumi giúp con người hiểu thêm về quá trình sinh lý học, trao đổi chất của cơ thể như cách thích nghi với việc thiếu ăn hoặc ứng phó với những viêm nhiễm. 

Hội đồng giải thưởng Nobel cũng đã công bố giải Nobel Hóa học năm 2016 thuộc về ba nhà khoa học Jean-Pierre Sauvage thuộc trường Đại học Tổng hợp Strasbourg của Pháp, J. Fraser Stoddart sinh ra ở Scotland và đang làm việc tại trường Đại học Northwestern của Mỹ và Bernard L. Feringa thuộc trường Đại học Tổng hợp Groningen của Hà Lan nhờ thiết kế và chế tạo ra máy phân tử./. 

.

Nguồn: Phương Chi/VOV.VN

.