Theo Reuters, tại Bỉ, người dân đã xuống đường tuần hành phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu 10 tỷ USD để cân đối ngân sách quốc gia vào năm 2018 và giảm nợ công của Chính phủ.
Hàng trăm người bị thương khi biểu tình bùng nổ thành bạo lực tại Bỉ - Ảnh: Reuters |
Khoảng 100.000 người, đa số là công chức, từ khắp đất nước đã dồn tới thủ đô Brussels biểu tình.
Tất cả các công đoàn đồng loạt kêu gọi khối công chức, viên chức và những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước xuống đường phản đối các chính sách mới, đặc biệt là các quyết định tạm ngưng tăng lương công chức, tăng độ tuổi về hưu của giáo viên và cảnh sát, huỷ bỏ hoặc giảm quy mô một số dự án đầu tư từ ngân sách công.
Cuộc biểu tình lớn diễn ra tại thủ đô Brussels làm tê liệt hoạt động của toàn thành phố. Các cơ quan hành chính đóng cửa, trường học không có giáo viên, xe bus và tàu điện ngầm không hoạt động, nhân viên vệ sinh không thu rác và bưu tá không đưa thư.
Nhưng không chỉ ở Brussels, tại các thành phố khác, mọi hoạt động cũng đều ngưng trệ do công chức đổ về thủ đô tham gia biểu tình.
Cảnh sát Brussels đã phải dùng hơi cay và vòi phun nước để giải tán đám đông biểu tình sau khi bạo lực xảy ra do nhiều người có hành vi quá khích.
Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã khiến gần 30 người bị thương, trong đó có hơn 10 cảnh sát. Người biểu tình mang theo gậy, đá, vỏ chai, rào chắn, đốt cháy và đập phá nhiều xe ô tô, kể cả ô tô và mô tô của cảnh sát.
Phát biểu trên kênh truyền hình RTL.TV tối cùng ngày, Thủ tướng Charles Michel lên án những hành động bạo lực mà người biểu tình quá khích gây ra. Ông cũng khẳng định công lý sẽ vào cuộc và bày tỏ mong muốn các bên tôn trọng lẫn nhau và giải quyết khúc mắc bằng đối thoại.
Kể từ khi đi vào hoạt động ngày 11/10, Chính phủ liên minh gồm bốn đảng do tân Thủ tướng Charles Michel đứng đầu đã phải đối mặt với một nền kinh tế trì trệ và nợ công cao nhất Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Để giải quyết tình trạng này, Thủ tướng tuyên bố sẽ áp dụng một loạt biện pháp như kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 67 tuổi, cắt giảm chi tiêu khoảng 10 tỷ USD để cân đối ngân sách quốc gia vào năm 2018 và giảm nợ công. Tuy nhiên, các biện pháp này không được tầng lớp lao động ủng hộ và đây là lý do khiến hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra.
Trong khi đó, ngày 5/11, nông dân Pháp đã xuống đường biểu tình phản đối sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu giá rẻ, yêu cầu Chính phủ hỗ trợ ngay ngành nông nghiệp đang bị ảnh hưởng của việc Nga cấm nhập khẩu nông sản từ Liên minh châu Âu (EU). Tại thủ đô Paris, người biểu tình đã đổ ra đường 60 tấn khoai tây cùng 20 tấn hành, táo và đào trồng trong nước, yêu cầu Chính phủ nới lỏng thủ tục hành chính và bãi bỏ các tiêu chuẩn khắt khe do EU quy định cho Pháp, nhằm giảm bớt thiệt hại cho nông dân.
Ở nhiều thành phố khác trên khắp nước Pháp, hàng chục nghìn nông dân và hàng trăm thợ lái máy kéo cũng đã mang các sản phẩm của mình xuống đường, phân phát miễn phí. Ở một số thành phố xa đô thị lớn, người nông dân thậm chí tìm đến biện pháp cực đoan như đổ chất bẩn trước trụ sở chính quyền để phản đối các quy định ngặt nghèo trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại Đức, cuộc đình công kéo dài 5 ngày của các công nhân lái tàu đang ảnh hưởng tới việc di chuyển của hàng triệu người dân. Nghiệp đoàn GDL thông báo kế hoạch đình công đối với các tàu chở khách từ ngày 6/11 nhằm phản đối thái độ cứng rắn của Công ty đường sắt quốc gia Đức trong các cuộc đàm phán nhằm giải quyết nguyện vọng tăng 5% lương và giảm giờ làm xuống 37 giờ/tuần cho công nhân.