Giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế; tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng; lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ; phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 29/6-3/7/2020.
Giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế
Chính phủ vừa ra Nghị quyết về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được ký hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm là giáo viên và viên chức y tế trong tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp được cơ quan có thẩm quyền giao; đồng thời, đơn vị phải tăng mức trích lập vào quỹ phúc lợi đủ để giải quyết chế độ, chính sách cho số hợp đồng lao động này khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên và viên chức y tế trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế để kịp thời thay cho số giáo viên và viên chức y tế nghỉ thai sản và nghỉ hưu theo chế độ (chưa kịp tuyển dụng thay thế) và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với những cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày). Hằng năm, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải tổ chức tuyển dụng để thay thế cho số giáo viên và viên chức y tế còn thiếu, bảo đảm đủ số lượng người làm việc được cơ quan có thẩm quyền giao. Không để kéo dài hợp đồng lao động làm chuyên môn quá 12 tháng đối với vị trí việc làm là giáo viên và viên chức.
Tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng
Tại văn bản 5256/VPCP-NN ban hành ngày 30/6/2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chức năng nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo, cảnh báo cháy rừng, chế độ báo cáo, đảm bảo cập nhật, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng; duy trì nghiêm chế độ trực ban 24/24 vào mùa cao điểm; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng và triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, phát bản tin cảnh báo cháy rừng.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng và triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo phù hợp, sát thực tiễn, hiệu quả; rà soát, hoàn thiện quy chế chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, “phòng là chính”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng trên địa bàn tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn; có phương án và sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Ngày 28/06/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020.
Theo Nghị định, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện như sau: Từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương.
Từ ngày 1/1/2021 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương.
Lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS
Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo thực hiện từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030, chia làm 2 giai đoạn.
Cụ thể, đối với giáo viên mầm non: Giai đoạn 1: Từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm; Giai đoạn 2: Từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên mầm non hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.
Đối với giáo viên tiểu học: Giai đoạn 1: Từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 50% số giáo viên tiểu học đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân; Giai đoạn 2: Từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên tiểu học hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.
Đối với giáo viên trung học cơ sở: Giai đoạn 1: Từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên trung học cơ sở đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân; Giai đoạn 2: Từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên trung học cơ sở hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.
Chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ
Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
Theo Nghị định, phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:
- Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 357.600 đồng.
- Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội Dân quân tự vệ cơ động: 327.800 đồng.
- Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội Dân quân tự vệ cơ động: 312.900 đồng.
- Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 298.000 đồng.
- Thôn đội trưởng: 178.800 đồng và hưởng thêm 29.800 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ tiểu đội trưởng, hoặc 35.760 đồng khi kiêm nhiệm chức vụ trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn chỉ tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 29.800 đồng.
- Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 223.500 đồng.
- Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 178.800 đồng.
- Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 149.000 đồng.
Quy định xuất, nhập cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam
Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Nghị định này quy định về việc người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế (KKT) cửa khẩu, KKT ven biển được miễn thị thực quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có nhu cầu đến địa điểm khác của Việt Nam; việc cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng chưa có hiện diện thương mại hoặc đối tác tại Việt Nam; hình thức cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Quy định về việc cấp giấy thông hành
Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2020/NĐ-CP quy định chi tiết đối tượng, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, thu hồi, hủy giá trị sử dụng giấy thông hành.
Theo quy định, người đề nghị cấp giấy thông hành nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định.
Khi nộp hồ sơ, người đề nghị phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân còn giá trị sử dụng để đối chiếu.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được ủy quyền nộp hồ sơ và nhận kết quả thì người được cử đi nộp hồ sơ xuất trình giấy giới thiệu, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân còn giá trị sử dụng của bản thân và của người ủy quyền để kiểm tra, đối chiếu.
Người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy thông hành; kiểm tra, đối chiếu; thu lệ phí và cấp giấy hẹn trả kết quả.
Người đề nghị cấp giấy thông hành phải nộp lệ phí; nếu có yêu cầu nhận kết quả tại địa điểm khác với cơ quan quy định thì phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
Thủ tướng phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020
Theo Quyết định 908/QĐ-TTg ban hành ngày 29/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 (phụ lục 1): Doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 gồm 120 doanh nghiệp.
Ngoài ra, có 4 doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thoái vốn trước ngày 30/11/2020; không hoàn thành thoái vốn thì hoàn thành chuyển giao về SCIC trước 31/12/2020 gồm: Tcty CP Sông Hồng (Bộ Xây dựng), Tcty Xây dựng Hà Nội – Cty CP (Bộ Xây dựng), Tcty Xây dựng số 1 – Cty CP (Bộ Xây dựng); Tcty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) (Bộ Xây dựng).
Doanh nghiệp chuyển giao về SCIC để thực hiện thoái vốn, hoàn thành chuyển giao trước 31/8/2020 gồm 14 doanh nghiệp.
Quyết định cũng nêu rõ, có 18 doanh nghiệp thuộc Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện sắp xếp, thoái vốn theo phương án cụ thể (phụ lục 2).
Bên cạnh đó, Danh mục doanh nghiệp dừng thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 để rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, thoái vốn trong giai đoạn 2021-2025 gồm: 54 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp nước chưa thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 và 15 doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực khác (phụ lục 3).
Ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung lĩnh vực đường bộ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định phê duyệt Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ".
Mục tiêu cụ thể của Đề án đến 2025 hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành giao thông vận tải trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành giao thông vận tải đầy đủ, kịp thời, chính xác cho người ra quyết định.
100% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Giao thông vận tải được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử; 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS)…
.