Việc ông Chu Hảo bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng đã diễn ra một tháng nay, song trên mạng internet, các trang báo của các thế lực thù địch, phản động nước ngoài được sự tiếp tay của không ít đối tượng bất mãn, chống đối trong nước tung ra các bài viết, lan truyền nhằm bảo vệ hành vi sai trái của ông Chu Hảo, quay sang chống phá, miệt thị chế độ.
Trang RFA tung vấn đề “Đảng viên suy thoái, hiện tượng hay bản chất” rồi mặc nhiên quy kết: “điều đó cho thấy sự suy thoái đạo đức và lối sống của đảng viên là vấn đề… bản chất”! Trang VOA còn liệt kê những nhân vật chống đối rồi tự huyễn hoặc rằng, có ít nhất 13 trí thức, đảng viên kỳ cựu từ bỏ đảng sau “hiệu ứng Chu Hảo”.
Trong khi đó, hồi tháng 4-2018, trang BBC nói rằng, nhận diện suy thoái trong Đảng là “chưa rõ địa chỉ” thì nay, sau sự việc nói trên lại trích dẫn những ý kiến của các đối tượng chống đối rồi quy chụp chuyện đảng viên suy thoái, “bỏ đảng”.
Điều đáng nói là, không ít cá nhân khi đọc những bài viết có nội dung sai trái nói trên lại share bài viết lên trang facebook, có những bình luận mang tính cổ suý, hùa theo. Qua các bài viết, có thể thấy số tổ chức, cá nhân này đã phụ hoạ chính những cuốn sách mà Nhà xuất bản Tri thức đã ấn hành dưới thời ông Chu Hảo làm Giám đốc, Tổng Biên tập như sách “Triết học Khai sáng” hay từ hoạt động của các tổ chức mà ông Hảo đã tham gia sáng lập như nhóm “Diễn đàn Xã hội Dân sự”, nhóm “Tinh thần Khai minh”…
Số chống đối tập trung đưa tin thổi phồng, sai sự thật hòng tạo dư luận hiểu sai việc UBKTTW kỷ luật ông Hảo, dẫn dắt dư luận theo hướng kỷ luật một cá nhân sai phạm thành “tuyên chiến với giới trí thức Việt Nam”.
Qua theo dõi cho thấy có những nhóm đang tìm cách tuyên truyền, cổ suý vấn đề này. Thứ nhất, đó là số chống đối “có tuổi” có quan hệ với ông Chu Hảo, gồm những cá nhân từng có đóng góp nhất định khi đảm đương các chức trách trước đây trong bộ máy Nhà nước, doanh nghiệp, đoàn thể, nay biến thái, số này tham gia các tổ chức như Viện IDS, Diễn đàn Xã hội Dân sự…
Nhóm thứ hai là những người có tư tưởng dân chủ, nhân quyền kiểu phương Tây, từng có hành vi vi phạm, bị cơ quan chức năng xử lý. Nhóm thứ ba là một số thanh niên, trí thức, sinh viên bị dẫn dắt bởi “xã hội dân sự”, thường xuyên tham gia “nói ngược”, chỉ trích đất nước trên mạng xã hội.
Về phương thức tuyên truyền, các đối tượng dùng nhiều chiêu trò. Một là viết “thư ngỏ” rồi tung lên mạng, gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nội dung phản đối việc “xử lý tri thức”. Hai là tổ chức một chuỗi hoạt động “quyền tự do biểu đạt” với phần thưởng là các cuốn sách sai phạm của NXB Tri thức. Ba là tổ chức viết bài, lập fanpage để tôn ông Chu Hảo thành biểu tượng của trào lưu “triết học Khai sáng” ở Việt Nam, của mẫu “trí thức phản biện”.
Mục đích của số này là “suy tôn anh hùng” để tạo “tượng đài” kêu gọi đả kích chế độ. Một dạng nữa là giở trò “tuyên bố bỏ đảng”, dù thực tế họ không đủ tư cách đứng trong hàng ngũ của Đảng, đã bị kỷ luật hoặc có nguy cơ bị kỷ luật, khai trừ. Trong các dạng thức trên thì dạng thức dựng “tượng đài” để cổ suý tư tưởng chống phá, miệt thị chế độ là rất nguy hiểm vì họ cố tình lái vấn đề sang hướng khác để khiến người sử dụng mạng xã hội nếu thiếu hiểu biết sẽ rơi vào trận địa do chúng cài đặt, nhầm tưởng là Đảng, Nhà nước ta “kỳ thị với tri thức”.
Chiêu trò này chúng đang gia tăng cường độ khi đã thu hút được số người nhất định tham gia vào nhóm, hội của chúng hay tiếp tay theo kiểu share bài viết, bình luận vào bài viết với quan điểm ủng hộ, a dua…
Về nội dung, các đối tượng tập trung đưa ra 3 vấn đề. Thứ nhất là công kích, miệt thị chế độ, nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam, bôi nhọ chủ nghĩa xã hội, và nền tảng tư tưởng Mác-Lê nin. Phê phán nhân cách, đạo đức của các đảng viên, phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ hai là chúng ca ngợi hình mẫu những người mà chúng gọi là “dũng cảm, dám nói thẳng, nhìn thẳng”, coi số này là “trí thức phản biện tiêu biểu”, làm điểm tựa để kích động đám đông chống đối, cổ suý trào lưu “triết học Khai sáng” của phương Tây. Chẳng hạn, H.Q.V, H.T.C viết rằng, đã là trí thức, có hiểu biết thì phải dám “mở miệng”, phải “phản biện” và phải đấu tranh cho “khát vọng tự do dân chủ”. Vấn đề thứ ba, đó là chỉ trích rằng, việc xử lý “trí thức” là “điển hình của vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt”, từ đó tố cáo vi phạm nhân quyền.
Trong chiêu trò này, các đối tượng đã đưa ra một số thông tin sai sự thật, lập lờ đánh lừa người đọc. Chẳng hạn, khi tổ chức 10 mini game về “quyền tự do biểu đạt”, nhóm Hate Change treo phần thưởng là 10 cuốn sách “Bàn về tự do”, trong khi cuốn sách “Bàn về tự do” của J.S.Mill đã được NXB Tri thức tái bản và cuốn này không nằm trong danh mục cấm. Và cũng từ một cá nhân cụ thể như vậy, chúng suy diễn thành “hiện còn bao nhiêu tri thức tương tự”, từ đó kêu gọi chống đối.
Qua diễn biến trên cho thấy rằng, các đối tượng đang cố tình tìm cách cổ suý cho tư tưởng chống phá đất nước dưới cái mũ “triết học Khai sáng”, “phong trào Khai sáng”, “tinh thần Khai minh”. Thực tế, thời kỳ Khai minh hay thời kỳ Khai sáng (tiếng Anh: Age of Enlightenment; tiếng Pháp: Siècle des Lumières), còn gọi là thế kỷ Ánh sáng, là giai đoạn XVIII của triết học phương Tây, hay thời kỳ dài hơn gồm cả thời đại Lý tính (Age of Reason).
Từ này có thể được dùng với nghĩa hẹp hơn để chỉ phong trào của trí thức trong lịch sử, phong trào Khai sáng, phong trào ủng hộ lý tính với vai trò nền tảng căn bản của quyền lực. Song, cách hành xử của những người hùa theo, núp dưới trướng ông Chu Hảo để chống phá cho thấy họ đang bóp méo hoặc không hiểu gì về tư tưởng của triết học Khai sáng.
Trái với hiểu lầm của nhiều nhà chống Cộng, trong thực tế, thời Khai sáng phát sinh từ một quan điểm cuối thời Phục Hưng – rằng nếu áp dụng các phương pháp nghiên cứu đúng thì con người có thể tìm ra sự thật bằng lý tính của mình. Khi những kẻ chống phá chế độ tung ra một loạt các thông tin sai sự thật để tâng bốc, cổ suý ông Hảo, công kích Đảng Cộng sản Việt Nam thì thực tế, chính họ đã phản bội tinh thần nền tảng của thời Khai sáng, chứ chưa nói là không đủ tư cách đại diện cho trường phái đó.
Điểm nữa, những người suốt ngày mở miệng là nói đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền thì thực tế chính họ đang vi phạm dân chủ, nhân quyền khi ra rả nói xấu cá nhân, tổ chức, cộng đồng bằng những chiêu trò hèn hạ, kể cả đê tiện nhất. Trí thức muốn “khai sáng” thì phải làm gì?
Điều cốt lõi nhất, nếu danh trí thức, lại theo trường phái “triết học Khai sáng” thì phải có đóng góp, tìm tòi, sử dụng tri thức của mình vào những việc có ích cho xã hội, để “khai sáng” xã hội chứ không phải là chống phá, đẩy lùi xã hội bằng cái mũ giả dối. Và khi cố tình vi phạm Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, vi phạm pháp luật thì người đó phải chịu trách nhiệm với các hình thức xử lý tương ứng.
Ông Chu Hảo vi phạm kéo dài, lại tỏ ra thách thức (như kết luận của UBKTTW đã nêu) thì làm sao đủ tư cách để “khai sáng” cho chính mình, nói gì với cộng đồng. Vậy thì những cá nhân đang bị mạng phản động, thù địch dụ dỗ, lôi kéo cũng cần phải sớm tỉnh ngộ, chớ ảo tưởng vì những cái áo giả danh dân chủ, nhân quyền, miệng nói cách tân, đổi mới, khai sáng văn minh cho xã hội song kỳ thực là số này đang hướng người cả tin lạc đường, lạc lối vào tăm tối.
Làm bất cứ điều gì, khi cái tâm mình không sáng, cái đức mình không sáng, bị nhuốm bởi động cơ cá nhân, hẹp hòi, dơ bẩn thì không có tư cách nào để đòi “làm sáng” thiên hạ, đừng có ảo tưởng chụp mũ dân chủ, nhân quyền, trí thức nào để ngụy biện.
Phải tỉnh táo, điều đó càng cần thiết trong xã hội số hôm nay!
.