Theo nhiều chuyên gia, nước Nga thoát khỏi suy thoái và đã có tăng trưởng trở lại trong bối cảnh bị phương Tây bao vây, cấm vận là do nền kinh tế nước này đã và đang có những phẩm chất mới.
Sau hàng loạt biến cố chính trị kể từ năm 2014 đến nay, mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây liên tiếp xuất hiện những trở ngại, căng thẳng và dường như đang quay trở lại thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Không những vậy, Mỹ và các đồng minh còn tung ra nhiều gói trừng phạt kinh tế khắc nghiệt nhất nhằm làm cho Nga nhanh chóng rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng.
Thực tế cũng cho thấy, cùng với các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các đồng minh, cộng với giá dầu lao dốc năm 2014, nền kinh tế Nga trong hai năm 2015 và 2016 đã phải trải qua đợt suy thoái kéo dài nhất kể từ năm 1999.
Nhưng càng đối mặt với những chính sách bao vậy cấm vận, người Nga với tinh thần “tự lực, tự cường” càng nỗ lực tìm mọi giải pháp thích ứng, từng bước đưa nền kinh tế đi vào quỹ đạo ổn định và tăng trưởng trở lại.
Theo số liệu được Cơ quan Thống kê nhà nước Rosstat của Nga công bố đến cuối năm 2016, nền kinh tế Nga đã có dấu hiệu phục hồi với tăng trưởng đạt 0,3% trong quý cuối cùng của năm 2016.
Đánh giá về sự kiện đó, nhà phân tích kinh tế Frankfurter Allgemeine Zeitung của tờ Capital Economics cho rằng: "Rõ ràng, nền kinh tế Nga đã ứng phó tốt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây cùng với việc giá dầu giảm. Kể từ cuối năm 2016, sau 7 quý giảm liên tục, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đã bắt đầu tăng trưởng trở lại".
Đây được xem là dấu mốc quan trọng để nền kinh tế Nga thoát khỏi suy thoái và bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển ổn định suốt từ năm 2017 đến nay.
Để làm được điều đó, Chính phủ Nga triển khai thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt, bao gồm các dự án phát triển các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế cũng như kế hoạch tăng cường hoạt động đầu tư và từng bước cải cách hưu trí …
Phát biểu tại Diễn đàn Tài chính Moscow ngày 6/9, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Oreshkin khẳng định các chỉ số kinh tế vĩ mô cao là chìa khóa tăng trưởng bền vững. Ngoài ngân sách thặng dư khoảng 1% GDP, Nga cũng có tài khoản vãng lai thặng dư hơn 2% GDP và nợ nước ngoài thấp hơn.
Bộ Tài chính Nga ước tính thặng dư ngân sách liên bang của Nga trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 1.380 tỷ ruble (tương đương 20 tỷ USD). Trong khi đó, chi tiêu ngân sách thấp hơn 5% so với dự toán, xuống chỉ còn hơn 7.600 tỷ ruble.
Đánh giá về mức thặng dư này tại một cuộc họp Chính phủ ngày 6/9, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev còn cho biết 55% nguồn thu của Nga trong 7 tháng đầu năm nay không liên quan đến việc bán dầu và khí. Đây là điều không dễ dàng làm được khi mà trước đó nguồn thu của Nga lại chủ yếu dựa vào “vàng đen”.
Trước đó, tại một cuộc họp với các bộ trưởng ngày 5/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng nền kinh tế Nga đang cho thấy những xu hướng tích cực và tiến lên phía trước, song ông cũng kêu gọi các cấp chính quyền có những giải pháp cụ thể để cải thiện chất lượng sống của người dân.
Tổng thống Putin đã đặt mục tiêu là giảm một nửa tỉ lệ người nghèo, nâng lương hưu và tăng tuổi thọ trung bình lên 78 tuổi vào năm 2024.
Theo nhiều nhà quan sát chính trị, chuyên gia kinh tế, kinh tế Nga thoát khỏi suy thoái và có tăng trưởng trở lại trong bối cảnh “tồi tệ” là do nền kinh tế Nga đã và đang có những phẩm chất mới. Đầu tiên, chính là sự phát triển sáng tạo, năng động dựa vào việc mở rộng nhu cầu trong nước, gia tăng cả về mặt tiêu dùng và đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất. Hai là, sự ổn định xã hội, xây dựng lòng tin của người dân vào các mục tiêu của chính quyền, và luôn hướng đến người dân để hành động. Ba là, uy tín của nước Nga trên trường quốc tế vẫn không hề suy giảm, mà hơn thế còn tạo ra những bước ngoặt ấn tượng, để nước Nga thật sự là một người bạn tin cậy, một cường quốc quân sự có trách nhiệm, một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và gắn kết.
Đó cũng chính là nhân tố để Nga tiếp tục vượt qua chính sách bao vây cấm vận của phương Tây, nhanh chóng đưa nền kinh tế của xứ sở Bạch Dương không ngừng phát triển mạnh mẽ.
.