Thứ Bảy, 27/06/2020, 09:05 [GMT+7]

HRW lại ra thông cáo xuyên tạc, định kiến về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam

Ngày 19/6/2020, tổ chức “Theo dõi nhân quyền quốc tế” (HRW) đã phát đi một thông cáo báo chí cho rằng, chính quyền Việt Nam đang “gia tăng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền” trước Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây rõ ràng là một thông cáo có nội dung xuyên tạc sự thật, thể hiện rõ sự thiếu khách quan, mang nặng tính định kiến và thù địch của tổ chức núp bóng “nhân quyền” này.
 
Thông cáo báo chí ngày 19/6 của tổ chức HRW xuyên tạc rằng, từ cuối năm 2019 đến tháng 6-2020, chính phủ Việt Nam đã “bắt giữ và kết án nhiều người với các tội danh chính trị”. Trong số những người bị bắt và kết án có thành viên của “Hội Nhà báo độc lập”, “Hội anh em dân chủ” và một số nhà hoạt động, người cầm bút độc lập khác.
 
Đặc biệt, trong thông cáo báo chí trên, ông John Sifton - Giám đốc Vận động châu Á của HRW còn xuyên tạc rằng “năm nay Việt Nam đang trấn áp bất đồng chính kiến nặng nề và các quốc gia khác cần lên tiếng” và “Việt Nam về cơ bản đã hình sự hóa việc sử dụng Internet hay các nền tảng mạng xã hội để nói lên ý kiến hay tham gia tranh luận”.
 
Từ những nhận định vô căn cứ đó, ông John Sifton lớn tiếng kêu gọi các quốc gia, các đối tác thương mại của Việt Nam cần “nêu quan ngại về những vụ án mới này với Hà Nội và yêu cầu nhà cầm quyền phóng thích các tù nhân chính trị”.
 
Không những vậy, trong thông cáo báo chí của HRW còn ngang nhiên công bố số liệu mà họ tự thống kê, đó là: “Có ít nhất 150 người đã bị kết tội vì thực hiện các quyền tự do biểu đạt hay tự do lập hội hiện đang ở trong tù. Ít nhất có 15 người khác đã bị khởi tố nhưng chưa xét xử”. Đây rõ ràng là những thông tin xuyên tạc sự thật, những con số hoàn toàn sai lệch và mang tính định kiến, thù địch của HRW với Việt Nam.
 
Để “chứng minh” cho nhận định xuyên tạc, vô căn cứ trên, thông cáo báo chí của HRW đã lấy dẫn chứng về một số trường hợp mà họ cho là những nhà “bất đồng chính kiến” bị chính quyền Việt Nam gia tăng “đàn áp”, đó là Phạm Chí Dũng, Trần Đức Thạch, Phạm Chí Thành, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn… HRW cho rằng, những nhà “bất đồng chính kiến” trên đều bị bắt với các cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân hay tuyên truyền chống Nhà nước.
 
Để có một cái nhìn khách quan và toàn diện hơn, tác giả bài viết này xin được điểm qua một số trường hợp mà HRW lấy dẫn chứng là những “người bất đồng chính kiến” bị chính quyền gia tăng “đàn áp”, như Phạm Chí Dũng, Phạm Chí Thành, Nguyễn Tường Thụy, Trần Đức Thạch để thấy rõ bản chất vấn đề.
 
Ngày 21-11-2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Phạm Chí Dũng (SN 1966; quê quán: Tỉnh Đồng Tháp; thường trú tại đường Nguyễn Trọng Tuyển, phường 1, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
 
Ngày 4/7/2014, Phạm Chí Dũng ra tuyên bố thành lập cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam - IJAVN” do mình làm chủ tịch. Từ khi được thành lập, “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” đã sử dụng các trang mạng xã hội để đăng tải các thông tin, bài viết có nội dung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Bản thân Phạm Chí Dũng cũng thường xuyên ra các “thông báo”, “tuyên bố” của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, tham gia ký tên, vận động, kêu gọi các cá nhân, tổ chức tham gia ký tên các tuyên bố công khai chống đối chính quyền và đăng tải nhiều bài viết có nội dung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước trên Internet.
 
Nguyễn Tường Thụy sinh năm 1950 tại Nam Định, trú tại phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội. Từng là một cựu quân nhân, tuy nhiên do tư tưởng bất mãn Nguyễn Tường Thụy thường xuyên có những bài viết xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, tuyên truyền chống phá Nhà nước đăng tải trên Facebook cá nhân và trang mạng của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”.
 
Nguyễn Tường Thụy là “nòng cốt” của nhiều hội, nhóm trái pháp luật trên không gian mạng, như: Tham gia và giữ vai trò “Phó Ban điều hành” của cái gọi là “Hội Bầu bí tương thân”, “Phó Chủ tịch” của cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, thành viên của “Hội anh em dân chủ”…
 
Với vai trò là Phó Chủ tịch của cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, Nguyễn Tường Thụy thường xuyên thu thập tin tức về các sự kiện nhạy cảm, tiêu cực, các vấn đề xã hội đang được dư luận quan tâm, qua đó viết bài phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng; đả kích, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kêu gọi đa nguyên, đa đảng đăng tải trên trang blog cá nhân (ntuongthuy.blogspot.com), facebook cá nhân (Nguyễn Tường Thụy) và website của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” (vietnamthoibao.org).
 
Với những hành vi vi phạm pháp luật của mình, ngày 18/5/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Nguyễn Tường Thụy về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự. Ngày 23/5/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam và khám xét nơi ở đối với Nguyễn Tường Thụy.
 
Cùng với đó là Phạm Chí Thành (Phạm Thành) sinh năm 1952 tại Thanh Hóa; trú tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nguyên cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam nghỉ hưu; Trần Đức Thạch (đối tượng bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An khởi tố, bắt tạm giam ngày 23/4/2020 về hành vi “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”).
 
Có thể thấy rằng, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy hay Phạm Chí Thành, Trần Đức Thạch đều là những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật và việc cơ quan chức năng thi hành lệnh khởi tố, điều tra là việc làm cần thiết nhằm ngăn chặn những hành vi nguy hiểm của họ gây ra đối với xã hội. Ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác, những đối tượng vi phạm pháp luật đều phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hoàn toàn không có chuyện bắt, xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật lại bị coi là đàn áp những nhà “bất đồng chính kiến” hay giam giữ “tù nhân chính trị” như những luận điệu mà HRW đưa ra.
 
Qua theo dõi, đây không phải là lần đầu tiên HRW mượn những vụ án như thế để công khai chỉ trích Việt Nam, nhất là trước các sự kiện chính trị trọng đại, trong đó có các dịp Đại hội Đảng.
 
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam là một hoạt động chính trị quan trọng, là dịp để đánh giá lại các kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước và đề ra đường lối hoạt động, quyết sách lớn cho 5 năm tới và có thể dài hơn; đồng thời sẽ bầu ra đội ngũ lãnh đạo mới của đất nước.
 
Nếu nói rằng những vụ bắt xử lý nói trên là để “đảm bảo rằng đại hội diễn ra suôn sẻ và không bị các tiếng nói bất đồng hay chống đối” thì khi lật ngược vấn đề, chúng ta sẽ thấy ngay sự mâu thuẫn. Đó là tại sao, không phải thời gian gần Đại hội (như các năm 2017, 2018, 2019) thì những đối tượng vi phạm pháp luật hình sự, có hoạt động chống phá đất nước vẫn bị cơ quan bảo vệ pháp luật bắt, điều tra, xử lý.
 
Có thể kể đến như vụ cơ quan An ninh điều tra, Công an Nghệ An bắt, xử lý đối với Nguyễn Năng Tĩnh (sinh ngày 4/10/1976, quê quán xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” quy định tại khoản 1, Điều 117, Bộ luật Hình sự. Toà án nhân dân cấp cao đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Năng Tĩnh 11 năm tù và 5 năm quản chế.
 
Hay vụ Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiến hành bắt, xử lý hình sự đối với Châu Văn Khảm (70 tuổi, Việt kiều Australia) về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Điều 113 Bộ luật Hình sự 2015 vào năm 2019; mở rộng vụ án và tiến hành bắt thêm 2 đối tượng khác là Nguyễn Văn Viễn (48 tuổi, quê Quảng Nam, ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh) và Trần Văn Quyền (20 tuổi, quê Hà Tĩnh, ngụ tại thị xã Dĩ An, Bình Dương) cùng tội danh. 3 đối tượng cùng được xác định là thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân và lần lượt lãnh nhận các bản án 12, 11 và 10 năm tù giam.
 
Các vụ án như Nguyễn Năng Tĩnh, Châu Văn Khảm nói trên, HRW cũng đã liên tục xuyên tạc, chống phá, nhưng vụ việc đã xảy ra thời gian trước nên tổ chức này không gán vào “trước thềm Đại hội Đảng XIII”. Trong khi tính chất, mức độ các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia nói trên là rất nghiêm trọng. Điều đó cho thấy bản chất thật của thông cáo “gia tăng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền” mà HRW phát đi là gì. 
 
Việc chỉ vin vào tính thời điểm của các vụ việc mà HRW đã lên tiếng chỉ trích và cho đó là động thái của Đảng Cộng sản Việt Nam trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cho thấy sự tráo trở của tổ chức này trong các hoạt động chống phá Việt Nam.
 
Một lần nữa, HRW lại núp bóng nhân quyền đưa ra những luận điệu xuyên tạc, thiếu khách quan và định kiến, thù địch về Việt Nam. Việc đưa ra những tuyên bố sai sự thật trên của HRW cũng như cá nhân ông John Sifton không chỉ phản ánh sai lệch, thiếu chính xác, bôi nhọ bức tranh nhân quyền ở Việt Nam mà còn ngang nhiên lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
 
Hành động của HRW vi phạm nghiêm trọng công ước và nguyên tắc quốc tế về cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.
.

Nguồn: Nguyễn Sơn – Văn Phú/CAND

.