Chủ Nhật, 15/03/2020, 10:17 [GMT+7]

Người dân cần cảnh giác trước những thông tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19

Thời gian qua, Bộ Công an đã chủ động, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 từ Bộ tới Công an các đơn vị, địa phương. Toàn lực lượng đã vào cuộc một cách quyết liệt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan trước dịch bệnh.

Các đối tượng gia tăng xuyên tạc, kích động người dân.


Những ngày qua, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra). Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Đảng, Nhà nước, toàn quân và dân ta đã luôn đồng lòng với một quyết tâm là đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, lực lượng Công an nhân dân với nỗ lực và quyết tâm cao nhất tham gia đóng góp tích cực trên mọi mặt của công tác phòng, chống dịch bệnh, là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân. 

Tuy nhiên, lợi dụng tình hình của dịch bệnh COVID-19, các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng bất mãn chính trị trong và ngoài nước đã lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh; kích động người dân đình công, ngừng buôn bán, tích trữ lương thực, thực phẩm... Mục đích của các đối tượng này là nhằm gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Ví dụ như việc các đối tượng phản động, chống đối đã xuyên tạc “bệnh nhân thứ 17 – Nguyễn Hồng Nhung chỉ là “con dê tế thần” để giúp Chính phủ Việt Nam nhận tiền tài trợ từ nước ngoài, hợp thức hóa cho việc bùng phát bệnh dịch không phải do người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam gây ra”. Tung tin bịa đặt số người bị nhiễm bệnh lên tới gần 500 người, ở 12 tỉnh, thành phố và hàng chục người đã tử vong vì nhiễm COVID-19 tại Việt Nam…
 
Bên cạnh đó, nhiều đối tượng cũng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để tung tin thất thiệt hoặc đưa những thông tin thiếu tính xác thực, chưa được kiểm chứng, phỏng đoán theo quan điểm, nhận thức cá nhân nhằm câu view, câu like, gây hoang mang trong dư luận xã hội. 
 
Ví dụ như việc, các đối tượng đã tung tin sai lệch việc bệnh nhân thứ 17 nhiễm dịch bệnh COVID-19 Nguyễn Hồng Nhung tham dự khai trương hãng thời trang Uniqlo tại phố Phạm Ngọc Thạch, TP Hà Nội (nhưng thực chất bệnh nhân đã được cách ly từ ngày hôm trước); xuyên tạc chính quyền đã chuẩn bị lò hỏa thiêu cho các địa phương; các tuyến phố ở Thành phố Hồ Chí Minh bị cách ly, cô lập hoàn toàn; hình ảnh chụp lại màn hình từ của một tài khoản Facebook được cho là của cô gái nhiễm bệnh với dòng trạng thái: “Bệnh tình rất yếu, suy kiệt sức khỏe và xin lỗi người dân cả nước”…
 
Theo thống kê của lực lượng Công an, từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19 đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ.
Các đối tượng xuyên tạc, lợi dụng tình hình dịch bệnh, kêu gọi người dân
không tin vào các kênh truyền thông chính thống của Việt Nam.

Tựu chung, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là: Thiết lập nhiều trang mạng, hội nhóm, tài khoản Facebook… để tán phát, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, kích động về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Bịa đặt các thông tin gây sốc về số người chết do nhiễm COVID-19 tại Việt Nam, hướng dẫn cách chữa trị tại nhà như uống rượu, tắm cây sả… từ đó kêu gọi tự chữa bệnh tại nhà, tẩy chay hướng dẫn của Bộ Y tế; lợi dụng “khoảng trống thông tin” trên các trang mạng chính thống để lồng ghép các thông tin xuyên tạc bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết đã góp nhặt, chia sẻ những thông tin sai sự thật, thậm chí là thông tin của các trang mạng phản động trên trang Facebook cá nhân, vô tình tiếp tay cho việc lan truyền thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Bên cạnh đó, còn có nhiều trường hợp đăng tin nhằm câu view, câu like, tăng sự tương tác, thể hiện cái tôi của mình và phục vụ mục đích bán hàng online…

Đáng chú ý, thông qua chính sách mua quảng cáo trên nền tảng công nghệ Facebook, nhiều tổ chức, cá nhân phản động ở nước ngoài đã chi hàng chục nghìn USD để chạy quảng cáo các nội dung xuyên tạc tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, cố tình đưa tin sai sự thật nhằm công kích Chính phủ Việt Nam “bưng bít thông tin”, yếu kém trong xử lý dịch bệnh…

Trước tình hình trên, lực lượng Công an đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, nhằm góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đến nay đã xác minh, làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 đối tượng. Các trường hợp sai phạm, sau khi được cơ quan Công an làm việc, phân tích đã nhận thức được hành vi vi phạm của bản thân, tự gỡ bỏ các thông tin sai sự thật và cam kết không tái phạm; trong đó có cả những KOL (người có ảnh hưởng lớn trong xã hội).
 
Để chung tay chống lại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, bên cạnh nỗ lực của lực lượng Công an nhân dân trong công tác đấu tranh xử lý các đối tượng vi phạm, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, lên án những hành vi tuyên truyền thông tin sai sự thật, góp phần loại bỏ thông tin tiêu cực, xây dựng một không gian mạng lành mạnh, hữu ích cho xã hội.

 

.

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an