Theo Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường (Bộ Công an), thời gian gần đây, tình trạng vận chuyển, buôn bán, chế biến, tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) và sản phẩm của chúng vẫn diễn biến phức tạp.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam đã có những chính sách và hành động được thế giới đánh giá cao trong việc thực thi cam kết về bảo vệ các loài ÐVHD. Nhiều vụ vi phạm đã được xử lý, tuy vậy, nước ta vẫn là điểm nóng về buôn bán và sử dụng sản phẩm từ ĐVHD, do đó cần thực hiện các biện pháp kiên quyết, triệt để hơn nữa...
Nạn buôn bán động vật hoang dã vẫn diễn biến phức tạp
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong cuộc chiến chống nạn săn bắt và buôn bán trái phép ĐVHD. Nhiều nỗ lực đã được triển khai nhằm khắc phục những lỗ hổng pháp lý, nâng cao khung hình phạt để bảo vệ những loài nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên, với lợi nhuận được đánh giá ngang bằng với buôn lậu vũ khí, ma túy, vấn nạn buôn bán ĐVHD trái phép vẫn đang ngày càng diễn biến phức tạp.
Cá thể vượn phát hiện tại nhà dân ở quận 1. |
Theo Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, gần đây nổi lên hoạt động buôn bán, vận chuyển ĐVHD quý hiếm và sản phẩm của ĐVHD (ngà voi, sừng tê giác) từ nước ngoài vào Việt Nam qua các cảng hàng không (Nội Bài, Tân Sơn Nhất), cảng biển (Hải Phòng, Cát Lái) phục vụ nhu cầu trong nước hoặc trung chuyển sang nước thứ ba (chủ yếu là Trung Quốc); các đối tượng lợi dụng việc gây nuôi ĐVHD có nguồn gốc hợp pháp để hợp thức hóa hành vi mua bán vận chuyển ĐVHD trái phép.
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam đang trở thành địa bàn trung chuyển và cũng là một trong những điểm nóng về buôn bán và sử dụng sản phẩm từ ÐVHD. Nhiều vụ án xuyên quốc gia với khối lượng vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ lớn các sản phẩm từ động vật, thực vật hoang dã đã bị phát hiện. Tình trạng sử dụng các sản phẩm từ ÐVHD như ngà voi, sừng tê giác cũng xảy ra tại nhiều địa phương.
Mới đây, những số liệu do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) công bố khiến dư luận rất quan tâm. Theo đó, trong năm 2018, Trung tâm ENV đã ghi nhận 1.666 trường hợp vi phạm liên quan đến ĐVHD.
Trong số đó, 521 cá thể ĐVHD đã được giải cứu nhờ thông báo từ người dân, cũng như sự hành động nhanh chóng, quyết liệt của các cơ quan chức năng có liên quan trong việc bắt giữ các đối tượng và tịch thu các tang vật.
Đặc biệt, theo Trung tâm ENV, việc quảng cáo, buôn bán trái phép các loài ĐVHD và các sản phẩm, bộ phận từ chúng là hành vi vi phạm phổ biến, chiếm 64% tổng số trường hợp vi phạm.
Chỉ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong một thời gian ngắn, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện và bắt giữ 40 vụ vận chuyển, buôn bán ĐVHD. Mới đây nhất, ngày 19-1-2019, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt, xử lý đối tượng Phan Ngọc Huy (20 tuổi, trú tại phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột) vận chuyển trái phép 17 kg cá thể rắn mà không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Số tang vật này được Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường phối hợp cơ quan chức năng thả về rừng tự nhiên theo đúng quy định của pháp luật.
Hình ảnh cán bộ nhân viên của Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi chăm sóc ĐVHD. |
Đây là vụ vi phạm về ĐVHD thứ 40 tính từ đầu năm 2018 đến nay được Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện, xử lý. Trước đó, chiều 15-12-2018, Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Buôn Ma Thuột đã bắt quả tang Nguyễn Mạnh Hà (40 tuổi, trú tại phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột) có hành vi vận chuyển hai cá thể chồn sống không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Ông Hà khai nhận đã mua chúng từ nhà hàng Biển Rừng trên đường Nguyễn Thị Định, phường Tân Tiến. Từ đó, Công an TP Buôn Ma Thuột phối hợp với Kiểm lâm thành phố tiến hành kiểm tra nhà hàng này thì phát hiện 51 cá thể động vật rừng sống gồm: 12 cá thể chồn, 9 cá thể rắn, 27 cá thể dúi, 3 cá thể rùa. Chủ nhà hàng này cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số động vật rừng này…
Không chỉ bày bán và quảng cáo ngay tại cửa hàng, quán ăn, nhiều đối tượng đã lợi dụng Internet để thực hiện hành vi buôn bán ĐVHD nhằm thoát khỏi sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Trung tâm ENV đã ghi nhận gần 800 vụ vi phạm pháp luật về ĐVHD trên Internet với khoảng hơn 1.200 đường dẫn (link) có dấu hiệu vi phạm.
Một số cá thể ĐVHD được nuôi dưỡng tại Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi. |
Các sai phạm thường gặp chủ yếu là hành vi rao bán và quảng bá việc lưu giữ trái phép các loài hoặc bộ phận, chế xuất loài ÐVHD, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế như hổ, gấu, cu-li, rái cá…
Thời gian gần đây, nhiều hình ảnh giết hại các loài ÐVHD nguy cấp, quý hiếm rồi phát tán trên mạng xã hội để khoe "chiến tích" đã gây phẫn nộ cộng đồng mạng. Sau khi đăng tải, những hành vi này đã bị lên án mạnh mẽ.
Qua đó cho thấy, dư luận xã hội đã thể hiện thái độ quyết liệt trước những hành động gây tổn hại đến các loài ÐVHD, góp phần quan trọng trong nỗ lực đấu tranh với loại tội phạm này.
Thực tế đã có nhiều vụ án được khám phá, xử lý thông qua tố giác của người dân. Theo Trung tâm ENV, vào ngày 9-10-2018, Công an thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, đã bắt giữ đối tượng, đồng thời tịch thu 18 móng và răng hổ, móng gấu và báo gấm tại nhà đối tượng.
Hay vào tháng 8-2018, nhờ thông báo của người dân qua đường dây nóng Trung tâm ENV, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, Công an tỉnh Bình Dương, đã bắt giữ đối tượng quảng cáo các sản phẩm từ ĐVHD trên mạng Facebook và tịch thu một miếng da hổ, 5 đồng hồ làm từ da hổ, 19 móng hổ, 210 móng gấu và hơn 1kg sản phẩm từ ngà voi…
Tăng cường các giải pháp đấu tranh hiệu quả
Việc nuôi nhốt, tàng trữ trái phép các loài ĐVHD và các sản phẩm, bộ phận của chúng hiện cũng vẫn rất phổ biến, đặc biệt đối với các loài khỉ, rùa, tiêu bản các loài gấu, hổ, rùa biển hay rượu ngâm nhiều loài ĐVHD khác…
Có thể dẫn chứng như vào 15h ngày 25-6-2018, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an quận 1 phát hiện ông Phương Thanh Tùng đang nuôi nhốt trái phép một cá thể vượn tại địa chỉ số 115 - 117 đường Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, quận 1.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định cá thể vượn này là loài vượn đen má hung (Nomascus gabriellae) thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Tại buổi kiểm tra, ông Tùng cho biết đã nhặt được cá thể vượn và không biết hành vi nuôi nhốt ĐVHD là vi phạm pháp luật. Ngày 26-6-2018, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường đã bàn giao cá thể vượn trên cho Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên để nuôi dưỡng, phục hồi bản tính tự nhiên trước khi thả về rừng…
Theo đánh giá của nhiều cơ quan, ban ngành và từ thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc về động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Theo đại diện Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường và Phòng Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an TP Hồ Chí Minh, khó khăn chung hiện là việc xác định giá trị ĐVHD và sản phẩm ĐVHD để xác định cấu thành tội phạm và định khung xử phạt vi phạm hành chính; công tác giám định loài không kết luận được ĐVHD hay động vật gây nuôi để làm căn cứ xác định tội danh và hành vi vi phạm hành chính; không có cơ sở để định giá ĐVHD thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm, việc định giá trong thực tế thấp hơn so với giá trị của chúng trên thị trường.
Bên cạnh đó, dù danh mục loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã quy định chi tiết, cụ thể. Nhưng thực tế điều tra cho thấy một số vụ việc khi trưng cầu giám định mẫu vật là tang vật bị bắt giữ, kết quả loài động vật không có tên trong Danh mục loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nên không thể xử lý được.
Còn theo Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh, một số vụ án cơ quan điều tra chỉ khởi tố được vụ án mà không khởi tố được bị can. Vì sau khi được phát hiện không một đơn vị, cá nhân nào đứng ra nhận là chủ hàng hoặc có mở tờ khai nhưng cũng viện lý do chối bỏ lô hàng.
Ngoài ra, cũng không nên quy định giá trị tiền đối với các loài ĐVHD cũng như sản phẩm của chúng mà chỉ quy định theo hình thức cá thể, vì nhiều loài có giá trị rất lớn đối với bảo tồn nhưng lại có giá rất rẻ trong buôn bán…
Do đó, cần có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa lực lượng Công an với lực lượng Hải quan, Kiểm lâm, bởi lẽ khi các lực lượng này chưa thể gắn kết chặt chẽ với nhau thì nạn săn, bắt, vận chuyển, mua bán, tàng trữ ĐVHD quý, hiếm chưa thể ngăn chặn hiệu quả được.
Liên quan đến vấn đề này, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã có công văn giao các bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công thương chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tiếp tục tăng cường kiểm soát, điều tra, bắt giữ, xử lý triệt để đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 17-9-2016 về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật.
Một trong những bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo vệ ĐVHD đó là việc Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực từ đầu năm 2018, đã giúp xóa bỏ được nhiều lỗ hổng pháp lý trước đây, tăng mức phạt với những vi phạm nghiêm trọng và là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng xử lý nghiêm các tội phạm về ĐVHD.
Trong thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, các cơ quan bảo vệ và xây dựng pháp luật sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phù hợp để không bỏ sót tội phạm cũng như cần xử lý nghiêm khắc loại tội phạm này. Có như vậy, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ÐVHD mới thật sự phát huy hiệu quả.
.