Nói về những nữ sinh trung học, bạn cũng như tôi, chúng ta thường nghĩ tới những hình ảnh rất đẹp về sự nhẹ nhàng, duyên dáng, nết na, thùy mị, ý tứ trong lời ăn tiếng nói.
Tất nhiên, từ bao đời nay, giới tính dường như đã "quy định" như vậy. Còn nếu bạn nữ nào mạnh mẽ một chút, nóng nảy một chút chắc chỉ là thiểu số.
Cũng vì mang nặng tư tưởng truyền thống như vậy nên tôi đặc biệt dị ứng với những clip lan truyền trên mạng ghi lại cảnh các nữ sinh đánh nhau.
Minh họa của Lê Tâm. |
Thú thật, tôi không thể xem hết một clip nào trọn vẹn bởi chỉ được vài giây là tôi đã thấy tức ngực, bức xúc và không thể tưởng tượng được vì sao học sinh nữ giờ lại ngổ ngáo, thích bạo lực và sẵn sàng đánh bạn một cách dã man đến thế.
Nhiều lắm, hầu như tuần nào cũng có một clip tung lên mạng ghi lại cảnh các nữ sinh đánh nhau. Cho phép tôi không miêu tả tỉ mỉ từng clip, chỉ biết rằng, khi đã tràn ngập trên mạng, người ta sẽ nhanh chóng tìm ra nhân thân của những người trong clip, rồi nhà trường và các cơ quan chức năng vào cuộc để đưa ra các biện pháp xử lý.
Học sinh nữ đánh nhau ở ngoài đường, trong lớp học với sự chứng kiến của rất nhiều người. Có vụ đánh nhau bằng tay không, có vụ sử dụng hung khí, có vụ đánh tay đôi, vụ khác đánh hội đồng, cá biệt có những vụ không chỉ xô xát mà còn có hành vi làm nhục người khác…
Đánh nhau rồi tung clip lên mạng, nhiều nữ sinh còn coi đó như một trò tiêu khiển và để "chứng minh" cho mọi người biết được "bản lĩnh" của mình. Điều khiến tôi buồn nhất là trong những vụ đó, nhiều người chứng kiến, ghi lại cảnh xô xát, thậm chí cổ vũ hào hứng mà không hề có sự ngăn cản để các bên chấm dứt hành vi thô bạo.
Tôi không biết cha mẹ, thầy cô giáo các em học sinh sẽ có cảm giác như thế nào khi xem lại những hình ảnh đáng xấu hổ đó, nhưng tôi có thể biết là họ rất buồn bởi điều họ không bao giờ muốn xảy ra đã xảy ra, trước sự chứng kiến của khá đông người.
Những vụ xô xát trên có những nguyên nhân rất đơn giản: Do nói xấu nhau trên facebook, do ghen tuông, do nhìn đểu… Có thể nói, tình trạng bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng, không chỉ ở học sinh nam mà xuất hiện ngày càng nhiều ở học sinh nữ.
Trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm có từ 2.000 - 3.000 vụ học sinh đánh nhau trong trường học. Đây là con số đáng báo động khiến những bậc làm cha, làm mẹ hết sức đau lòng.
Sự lệnh chuẩn với các em ngay từ nhỏ nhưng không được uốn nắn kịp thời cùng với sự tắc trách của người lớn chính là "chất xúc tác" khiến tâm hồn các em chai sạn để rồi dẫn tới những hành động ngang ngược, làm tổn thương người khác.
Rất nhiều giải pháp đưa ra để ngăn chặn tình trạng này. Lãnh đạo một cơ quan bảo vệ pháp luật cho rằng, cần tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, giữa nhà trường và các cơ quan chức năng trong việc quản lý, giáo dục các em học sinh, sinh viên.
Đưa chương trình pháp luật vào giảng dạy trong các nhà trường ngay từ bậc tiểu học và coi đây là một môn học chính với những nội dung cơ bản, phù hợp với từng bậc học. Từ đó định hướng cho bản thân những chuẩn mực phù hợp và cam kết không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Cùng quan điểm, một nhà nghiên cứu xã hội học lại đi sâu vào góc độ vai trò của gia đình và nhà trường.
Cụ thể, cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái trong mọi vấn đề, nhất là đạo đức. Sự gương mẫu trong cách ứng xử, lối sống, việc làm… của cha mẹ chính là phương pháp giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất tới con cái.
Nhà trường được xem là thiết chế giáo dục chính thống, có vai trò quan trọng trong giáo dục học sinh về kiến thức cũng như đạo đức bên cạnh thiết chế gia đình.
Mỗi giải pháp dù là mạnh hay nhẹ chỉ có ý nghĩa tương đối. Riêng tôi thì cho rằng, chúng ta, những người lớn hãy luôn là một tấm gương cho trẻ. Cách cư xử đúng mực, có văn hóa, phù hợp với đạo đức truyền thống của những người cha, người mẹ luôn mang một ý nghĩa to lớn để dung dưỡng tâm hồn con trẻ. Sống trong môi trường đó, chắc chắn con trẻ sẽ hoàn thiện về nhân cách và luôn chọn cách xử sự tích cực với mọi người.