Sau giải phóng miền Nam năm 1975, ông xuất ngũ, ở lại miền Nam lang thang kiếm sống bằng nghề đồng nát. Khi bước sang cái tuổi "thất thập cổ lai hi", không còn đủ sức lao động, ông mới trở về quê hương. Không tài sản, không vợ con, bố mẹ, anh chị em chỉ một người còn sống, ông sống cuộc đời nghèo khó, vất vưởng. Nhưng cuộc đời thật công bằng khi ở tuổi xế chiều, ông vẫn tìm được hạnh phúc bên người vợ trẻ và hai đứa con sinh đôi kháu khỉnh.
Năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông Ngô Văn Học, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, Hà Nam ngày ngày vẫn đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong vùng để nhặt nhạnh đồ đồng nát đem về bán kiếm tiền nuôi vợ con. Hoàn cảnh éo le của gia đình ông không ai là không biết.
Ông Học sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Sau khi nhập ngũ một thời gian, ông cùng đơn vị vào Nam chiến đấu. Kháng chiến chống Mỹ kết thúc, ông lại tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam đến năm 1979 thì xuất ngũ. Mặc dù đơn vị cấp giấy giới thiệu cho ông đi xin việc, nhưng lang thang cả mấy tháng trời, ông không kiếm được việc gì để làm.
Không xin được việc, ông khăn gói trở về quê, hi vọng sẽ thay đổi được cuộc đời. Nhưng khi quay trở về, nhìn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn, bố mất, chỉ còn mẹ già sống cùng em trai trong căn nhà tồi tàn, rách nát, ông lại quyết tâm quay trở lại miền Nam xin việc. Và một lần nữa ông thêm thất vọng khi không nơi nào nhận người không bằng cấp, không kinh nghiệm như ông. Từ đó, ông sống lang thang bằng nghề lượm lặt đồng nát, "tối đâu là nhà, ngã đâu là giường" .
Gia đình ông Học bên ngôi nhà xập xệ |
Năm 2012, khi không còn đủ sức để đi lang thang nữa, ông Học quyết định trở về quê sinh sống. Gia tài cha mẹ để lại chỉ là căn nhà lụp xụp, chẳng có gì đáng giá. Các anh chị của ông đều đã mất, chỉ còn duy nhất người em trai út sống gần đó, nhưng hoàn cảnh cũng hết sức khó khăn, chẳng giúp được gì cho anh trai. Không vợ con, không người chăm sóc, ông tiếp tục sống bằng nghề đồng nát, nay đây mai đó kiếm sống qua ngày.
Nhìn cảnh ông lão già nua, khắc khổ, lọm khọm bên những đống rác hôi thối, bới móc, nhặt nhạnh từng vỏ chai, mảnh giấy vụn khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng. Mỗi lần nhìn thấy ông, chị Nguyễn Thị Bích cùng thôn lại động lòng thương cảm.
Đã gần 30 tuổi, nhưng chị Bích vẫn chưa lập gia đình, chỉ bởi vì nhà chị nghèo khó, lại bị khuyết tật ở chân. Khi chị vừa chào đời, bố bỏ mẹ con chị mà đi chỉ vì mẹ chị sinh ra cô con gái tật nguyền. 3 tuổi chị mới chập chững bước đi một cách khó nhọc. Càng lớn, đôi chân càng đau nhức khiến chị không thể đi lại được nhiều hay làm việc gì nặng nhọc. Đi khám, bác sĩ kết luận chị bị bệnh thấp khớp nhưng vì nhà nghèo, không có tiền mua thuốc uống nên bệnh càng ngày càng nặng.
Cùng cảnh nghèo, cô độc, ông Học và chị Bích càng hiểu nhau và cảm thông cho nhau. Dù kém nhau hơn bốn chục tuổi, nhưng họ vẫn tìm được tiếng nói chung và quyết tâm đến với nhau dù gia đình hai bên phản đối và bà con làng xóm dị nghị, bàn tán. Cuối cùng, trước tình cảm chân thành của hai người, mọi người đều ủng hộ và một đám cưới đơn giản, hạnh phúc diễn ra. Với ông Học đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất mà cuối đời ông có được.
Ngỡ tưởng rằng về sống với nhau để có người bầu bạn, chăm sóc lúc trái gió trở trời, ông Học và chị Bích đều không nghĩ có thể sinh con. Vậy mà một năm sau, hai đứa trẻ sinh đôi ra đời trong niềm vui, hạnh phúc như vỡ oà của vợ chồng ông. Nhưng cũng từ đó là một chuỗi tháng ngày vất vả, gian nan của hai vợ chồng khi gánh cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai ông lão đầu đã bạc, răng đã long.
Chị Bích bệnh tật, vốn đã chẳng làm được việc gì, nay lại một lúc phải chăm lo cho hai đứa con nhỏ nên sức khoẻ càng yếu hơn, trong khi ông Học ngày một già yếu. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương từ thời chiến tranh đau nhức, khiến ông chẳng làm được gì. Cả gia đình bốn người bây giờ chỉ trông chờ vào hơn một triệu đồng tiền lương hưu ít ỏi của ông Học và tiền đồng nát mà ông Học kiếm được.
Dù tằn tiện nhưng vợ chồng ông nay ốm mai đau, lại thêm hai đứa con nhỏ, khiến cuộc sống càng thêm khó khăn bộn bề. Nhớ lúc vợ mang bầu, vì không có tiền bồi dưỡng nên hai đứa trẻ sinh ra đều còi và yếu, vợ cũng không đủ sữa cho con ăn, may nhờ các bác sĩ bệnh viện thương cảm mang sữa cho, ông Học lại rưng rưng nước mắt. Điều lo lắng lớn nhất của ông Học lúc này là tuổi cao, sức yếu, ông sợ không còn chăm sóc được vợ con bao lâu, sợ rằng khi ông mất đi, người vợ bệnh tật không thể lao động và hai đứa con thơ dại sẽ sống ra sao.
.