Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201501/lang-o-nhiem-chi-thay-ma-so-583355/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201501/lang-o-nhiem-chi-thay-ma-so-583355/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Làng ô nhiễm chì, thấy mà sợ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 29/01/2015, 14:44 [GMT+7]

Làng ô nhiễm chì, thấy mà sợ

Thôn Đông Mai thuộc xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên từ ngày được khoác lên cái danh "làng ô nhiễm chì" trở nên trầm lắng hẳn. Qua xét nghiệm, 100% số trẻ nhỏ trong làng có nồng độ chì trong máu vượt ngưỡng khiến 2.500 con người nơi đây rất hoang mang. Chuyện làng tái chế chì bị ô nhiễm như một sự thật hiển hiện theo kiểu "hai năm rõ mười". Thế nhưng, cũng từ ngày sự thật ấy được công bố, người dân bỗng… ngại tiếp xúc với người lạ. Họ sợ bất kỳ vị khách vãng lai nào hỏi đến nghề sơ chế chì hay đụng chạm đến cụm từ "ô nhiễm".
 
Tương lai đốt cháy bên lò chì
 
Nghiệp nấu chì phát triển ở Đông Mai vào khoảng năm 1987. Thời điểm thịnh nhất mỗi ngày làng "xử lý" hàng chục tấn nguyên liệu chì (bình ắc quy, pin - PV) mang lại thu nhập từ 90.000 - 350.000 đồng/người/ngày. Nếu so lời lãi 200.000 đồng/sào/vụ lúa thì lợi lộc mang lại từ nghề phụ này cao gấp cả chục lần. Và chính nguồn thu nhập "khủng" ấy khiến Đông Mai, nghề đập phá ắc quy phát triển thịnh hành chưa từng có.
 
Chì ở Đông Mai có giá và quan trọng với người dân như một thứ của cải quý hiếm. Nó quan trọng tới mức hễ sơ chế xong là họ phải cất giấu gọn ghẽ ngay kẻo gặp trộm cắp thì uổng. Thế nên, dù chẳng ai xui nhưng từng thỏi chì to cỡ bàn tay người lớn (giá 2 triệu/thỏi - PV) sau khi "chui" ra khỏi các khuôn đúc sẽ lập tức được xếp ngăn nắp dưới… gầm giường.
 
Thời điểm đó hàng trăm con người trong vùng đều "ăn chì, ngủ chì" và chưa từng một lần nghĩ thứ lộc nghề ấy lại độc hại đến như vậy. Ngay như trưởng thôn Lê Huy Gương cũng thật thà kể: "Bản thân tôi cũng một thời làm nghề, tất cả mọi người khi phá các bình ắc quy đều sử dụng tay trần, không dụng cụ bảo hiểm gì hết. Cứ thế phá ắc quy ra rồi dùng tay phân loại chúng thôi, chả thấy ảnh hưởng sức khỏe gì cả".
 
Thế nhưng, năm 2012 Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) kết hợp cùng trường ĐH Washington tiến hành chọn ngẫu nhiên 109 trẻ em dưới 10 tuổi ở Đông Mai để tiến hành xét nghiệm sàng lọc lượng chì trong máu. Kết quả đáng chú ý là 109/109 trẻ được chọn đều có hàm lượng chì trong máu vượt quá giới hạn cho phép (>10 µg/dl), thậm chí hàng chục bé có độ phơi nhiễm cao gấp 7 - 8 lần. Những gia đình tiêu biểu có trẻ nhỏ nhiễm chì vượt giới hạn phải kể đến như: chị Bùi Thị Thủy, anh Lê Trung Hưng…
 
Làng Đông Mai hiện giờ vẫn nhộn nhịp với hoạt động tái chế phế liệu
Làng Đông Mai hiện giờ vẫn nhộn nhịp với hoạt động tái chế phế liệu
 
Chưa dừng lại ở đó, theo kết quả nghiên cứu này tại những điểm gần lò nấu, hàm lượng chì ngấm trong đất dao động trong khoảng 659,83 mg/kg đến 96,456 mg/kg đất, đặc biệt mẫu trầm tích lên đến 196,362 mg/kg. Sự ô nhiễm của thứ kim loại nặng này tồn dư trong môi trường sẽ dẫn đến sự tích tụ hàm lượng ngày một nhiều, ảnh hưởng trực tiếp lên các thực vật sống lân cận, gây nguy cơ khuếch đại sinh học theo các mắt xích của chuỗi dinh dưỡng, làm tổn hại sức khoẻ con người.
 
Biết là độc hại nhưng…
 
Ruộng ít, người dân không có nghề phụ gì ngoài nấu chì. Nghề nuôi sống họ nhưng chính nó cũng đẩy họ vào con đường tử. Chẳng biết từ khi nào, trong tâm trí những người dân làng Đông Mai lại hình thành nên một nỗi sợ. Họ bỗng dưng… ngại tiếp xúc với người lạ. Họ sợ bất kỳ vị khách vãng lai nào hỏi đến nghề sơ chế chì hay đụng chạm đến cụm từ "ô nhiễm".
 
Chẳng phải quá khó để nhận ra sự e dè, khép kín này, khi biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về nghề, hầu hết chủ các cơ sở thu gom phế liệu trên địa bàn đều kêu "bận" kèm theo thái độ không mấy thân thiện. Lý giải điều này, ông trưởng thôn Lê Huy Gương than thở: "Nghề tái chế chì nuôi sống dân chúng tôi, môi trường bị ô nhiễm dân chúng tôi chịu. Báo chí vào cuộc, các cơ quan bên môi trường về khảo sát, tất cả nói ra rả suốt ngày. Ấy thế nhưng, để bắt tay khắc phục vạch ra hướng làm ăn, hướng xử lý ô nhiễm môi trường thì cả chục năm nay vẫn vậy".
 
Như để vơi đi nỗi bức xúc khó giải, vị cán bộ thôn nói tiếp: "Trẻ nhỏ trong làng có cỡ khoảng 700 cháu, chúng bị nhiễm chì đến thời điểm này vẫn chưa cháu nào được đưa đi viện tẩy. Theo tôi biết tẩy chì trong máu phải làm 3 tháng một lần, mỗi lần đi mất trên dưới 5 triệu đồng, ở quê nghèo toàn làm ruộng lấy đâu ra số tiền ấy trong khi đó ở trên không có bất kỳ hỗ trợ nào. Chừng ấy năm từ ngày kêu chúng tôi bị ô nhiễm, bị ảnh hưởng nhưng cũng từng ấy năm chúng tôi như bị lãng quên, thế nên có bệnh thì cũng đành chịu".
 
Không có tiền, người dân không đưa trẻ nhỏ đi tẩy chì và cái nghiệp tái chế kim loại nặng vẫn được xem như phao cứu sinh không thể bỏ - người làng Đông Mai vẫn nô nức gắn với nghiệp sơ chế chì thủ công. Có nhiều lời bao biện rằng các khu tái chế chì đóng trên địa bàn giờ đây đã bớt độc hại vì được trang bị những thiết bị hiện đại. Thế nhưng, nó hiện đại và giảm thiểu khí độc như thế nào thì người dân lý giải quanh co, "trước kia các cụ hẩy chì thì khói nhiều chứ giờ việc hẩy chì không còn khói nữa".
 
Hướng cứu vãn làng nghề
 
Trạm y tế xã Chỉ Đạo mỗi tháng tiếp nhận không dưới 300 lượt bệnh nhân khám chữa, trong đó chủ yếu mắc các chứng liên quan đến viêm đường hô hấp. Và hỏi bất kỳ ai trong vùng họ vẫn giữ nguyên cái lập luận "không khói thì không độc hại".
 
Dân trong vùng mơ hồ là vậy, thế nhưng ngay cả bà trưởng trạm y tế Đặng Thị Lý cũng bất ngờ khẳng định: "Những năm 90 việc ô nhiễm mới nhiều, mới nặng chứ giờ không còn". Tuy nhiên, cũng chính bà trạm trưởng lại là người bác quan điểm trên, bà cho hay: "Hệ lụy từ ô nhiễm chì vẫn còn tồn tại, chúng gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người. Máu nhiễm chì nếu không được đem đi tẩy ở các bệnh viện sẽ rất nguy hiểm".
 
Theo Ths. bác sĩ Lỗ Văn Tùng, xử lý toàn bộ diện tích đất nhiễm chì ở Đông Mai rất khó vì tốn kém
Theo Ths. bác sĩ Lỗ Văn Tùng, xử lý toàn bộ diện tích đất nhiễm chì ở Đông Mai rất khó vì tốn kém
 
Ô nhiễm nghiêm trọng là vậy nhưng quá trình khắc phục, xử lý tại địa phương lại khá ì ạch. Về mặt chủ trương, theo Quyết định số 64 2003/QĐ  TTg của Thủ tướng, đến hết năm 2007 thôn Đông Mai phải hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường, thực hiện di dời các hộ, cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Thế nhưng, mãi đến năm 2011 Đông Mai mới được tỉnh Hưng Yên phê duyệt "Dự án xây dựng cụm công nghiệp Đông Mai", rộng 21 héc ta để tập trung các hộ tái chế kim loại độc hại, sử dụng mô hình sản xuất hiện đại khép kín. Dự án đã có nhưng tới 2 năm sau nó vẫn phải… đợi chờ vì thiếu vốn.
 
Nước và các phế phẩm tái chế chì vẫn xả trực tiếp ra nguồn nước
Nước và các phế phẩm tái chế chì vẫn xả trực tiếp ra nguồn nước
 
Hiện tại, Cụm công nghiệp Đông Mai bước đầu đã tách các cơ sở sản xuất ra khỏi cụm dân cư. Tuy nhiên, vấn đề "gốc" là xử lý những hệ lụy, do tái chế chì suốt nhiều năm trên địa bàn Đông Mai vẫn chưa thực sự được chính quyền sở tại quan tâm. Lượng kim loại nặng tồn lưu trong đất vẫn rất lớn. Những diện tích đất tưởng chừng đã "chết" vì nhiễm chì nặng ấy nếu không áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý sẽ là môi trường trung gian thúc đẩy quá trình xâm nhập chì vào cơ thể người. Trong khi người dân Đông Mai đang bí bách với môi trường sống ô nhiễm thì niềm hy vọng hồi sinh lại những vùng đất chết của làng được thắp lên.
 
Theo đó, "Dự án khắc phục ô nhiễm chì tại làng nghề tái chế chì thôn Đông Mai" của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, phối hợp với Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam), Đại học Washington, Viện Blacksmith (Mỹ) đã tiến hành những biện pháp như bóc đất, lọc chì... góp phần giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của chì trong môi trường. Cụ thể, dự án diễn ra từ tháng 11-2013 đến đầu năm 2014, thông qua phương pháp xử lý đất nhiễm chì tại 38 hộ gia đình với tổng diện tích 1.953 m2. Qua mô tả của Ths, bác  sĩ Lỗ Văn Tùng, người trực tiếp tham gia dự án, sau khi bóc đi một lớp đất mỏng trên bề mặt, diện tích đất ô nhiễm sẽ được trải lên một lớp vải địa kỹ thuật.
 
Trưởng trạm y tế Đặng Thị Lý cho rằng, việc ô nhiễm chì ở Đông Mai giờ không còn...
Trưởng trạm y tế Đặng Thị Lý cho rằng, việc ô nhiễm chì ở Đông Mai giờ không còn...
 
Dự án tẩy chì ở 38 hộ dân Đông Mai bước đầu đã thấy hiệu quả, song đó chỉ là hướng gợi mở giúp giảm thiểu ô nhiễm. Để có thể xử lý toàn bộ diện tích đất nhiễm chì ở Đông Mai, theo ông Lỗ Văn Tùng nhận định là nó khá tốn kém. Riêng đối với các khu vực vẫn đang diễn ra các hoạt động tái chế chì thì việc thanh tẩy thứ kim loại trên hoàn toàn không có hiệu quả.
 
Chưa biết dự án trên sẽ giúp thủ phủ tái chế chì hồi sinh đến đâu, nhưng hiện tại việc đẩy mạnh tuyên truyền những tác hại nghiêm trọng của ô nhiễm kim loại nặng tới sức khỏe con người, đối với người dân Đông Mai là hết sức cần thiết.
 
.

Nguồn: cstc.cand.com.vn