Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201501/hoi-sinh-cuoc-doi-bang-tieng-dan-ghi-ta-582568/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201501/hoi-sinh-cuoc-doi-bang-tieng-dan-ghi-ta-582568/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hồi sinh cuộc đời bằng tiếng đàn ghi ta - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 27/01/2015, 07:53 [GMT+7]

Hồi sinh cuộc đời bằng tiếng đàn ghi ta

Nếu ai đó một lần được nghe, chắc hẳn sẽ sững sờ trước thanh âm trong vắt, mượt mà của cây đàn ghi ta 24 dây, hòa tấu được 48 âm thanh. "Nghệ nhân" duy nhất chơi được tuyệt phẩm này là một người đàn ông bại não, chỉ có một tay.
 
Vượt lên số phận
 
Ngô Hữu Huynh (35 tuổi) là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong khu chợ xã Lộc Châu (Bảo Lộc - Lâm Đồng). Ngôi nhà và cũng là xưởng gỗ nhỏ của người đàn ông tật nguyền có cái tên thật đẹp ấy nằm sâu trong con hẻm cách xa những âm thanh ồn ào, náo nhiệt ngoài quốc lộ. Xưởng gỗ rộng chưa đầy 10m2  nhưng là nơi Huynh tìm lại được niềm vui từ cuộc sống vốn không phẳng lặng của mình. Động tác tiện, đẽo của chủ nhân đã nhẹ nhàng, thư thả hơn.
 
Công việc hằng ngày của Huynh là tiện gỗ làm những con quay, chân đèn… những kỷ vật níu giữ thời thơ ấu ở một làng quê đang đô thị hóa chóng mặt. Bàn tay Huynh vịn cầu thang, đôi chân bước thấp bước cao, sự khó nhọc trên từng bước đi của anh được bù lại bằng hình hài những con quay điệu nghệ.
 
Những ông bố, bà mẹ chở con tìm đến mua đồ chơi, vẻ háo hức của trẻ nhỏ như tiếp thêm "lửa" cho Huynh cần mẫn đẽo, gọt. Ban đầu, phải mất cả tuần lễ anh mới tiện được một con quay. Con quay đối với Huynh là hình ảnh của những chuỗi ngày tuổi thơ khi đôi chân của anh còn chạy nhảy tung tăng trên đường. Biết bao hoài bão, ước mơ về một tương lai rạng rỡ bỗng chốc biến mất khi căn bệnh quái ác quật ngã anh.
 
Huynh sinh ra cũng như bao đứa trẻ bình thường khác. Cũng từng được cắp sách tới trường, từng có những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết. Nhưng mầm bệnh u não đã phát triển trong anh tự lúc nào không hay. 17 tuổi, cái tuổi đẹp nhất đời người thì Huynh lại phải gồng mình với thực tế phũ phàng của số phận. Mặc dù được gia đình đưa đi mổ khối u, tưởng rằng mọi việc sẽ như ý muốn nhưng sau khi mổ xong khối u quái ác đó thì cơ thể Huynh đã không còn như trước nữa. Đôi chân của Huynh không thể đứng vững và một cánh tay cũng vĩnh viễn mất khả năng hoạt động. Cuộc sống, công việc của Huynh bắt đầu làm bạn với chiếc xe lăn. Ở cái tuổi đó, một thanh niên tràn đầy sinh lực như Huynh đành chịu bó gối ở nhà, mặc cảm, tự ti với mọi người nên anh chẳng thiết ra ngoài.
 
Cây đàn như người bạn đời của Ngô Hữu Huynh
Cây đàn như người bạn đời của Ngô Hữu Huynh
 
Để đi lại bình thường, Huynh phải tập dần với đôi chân yếu ớt, lúc đầu do không quen, vấp ngã không biết bao nhiêu lần. Vết thương thể xác, tinh thần nhiều lúc đánh gục Huynh, Huynh đã gào lên tuyệt vọng, muốn buông xuôi tất cả. Cha mẹ Huynh ngày ngày phải còng lưng đi làm lo cho các con, họ ngậm đắng nuốt cay vào lòng để an ủi, động viên Huynh.
 
Bao nhiêu hoài bão, bao nhiêu dự định bỗng dưng bị khép lại. Những lúc tuyệt vọng nhất, Huynh lại tìm đến nghệ thuật để khẳng định bản thân. Sau nhiều năm kiên trì tập luyện, Huynh có thể đứng lên và đi lại được với chiếc nạng bên mình. Lúc trái gió trở trời, vết thương tái phát hành hạ Huynh đến tiều tụy, hốc hác. Bàn chân phải của Huynh ngồi xe lăn lâu năm không vận động nên bị yếu dần, sau nhiều năm dày công tập luyện vẫn không thể đi lại được. Còn một cánh tay phải, Huynh cố gắng giữ lấy nó, nâng niu nó để vực dậy cuộc đời.
 
Huynh tâm sự: "Chẳng ai muốn mình gặp khó khăn nhưng khó khăn và thử thách chính là cơ hội để rèn luyện ý chí, đánh thức khả năng tiềm ẩn trong chúng ta, là cơ hội để chúng ta tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Để làm được điều ấy, cần phải có đủ sức để kiên trì, chăm chỉ, tin vào sức mạnh của bản thân".
 
Tuyệt kỹ đàn ghi ta 24 dây
 
Đi lại bằng chiếc xe lăn cũ kỹ, mọi thứ cần thiết đều được Huynh bố trí ngay ngắn trong tầm tay của mình. Chiếc máy tiện gỗ cũng được anh tự thiết kế cho phù hợp với sức khỏe và khả năng của bàn tay. Chỉ bàn tay phải duy nhất còn cử động được, Huynh đã tận dụng nó để tạo ra những thớ gỗ nhẵn nhụi, vuông vắn, sản phẩm hoàn thiện của một khối óc. Không uống rượu bia, không hút thuốc lá và không nghiện cà phê,  Huynh chia sẻ: "Tôi giải trí bằng chính công việc tiện gỗ mỗi ngày, niềm vui không nhất thiết phải nạp cho mình những chất phản tác dụng cho cơ thể. Sức khỏe của tôi cũng không cho phép mình dung nạp chất kích thích nên cuộc sống của tôi rất thanh nhàn, êm dịu".
 
Biết Huynh mê đàn ghi ta, trẻ em hàng xóm và bạn bè thân hữu thường mang đàn hỏng đến nhờ Huynh xem giúp. Bàn tay Huynh nhuần nhuyễn với các phím đàn, các nốt nhạc. Huynh "thai nghén" sẽ tự sáng chế cây đàn cho riêng mình. Sau nhiều tháng mày mò, Huynh đã sáng chế ra cây đàn ghi ta có 24 giây và chỉ đánh bằng một tay.
 
Chiếc đàn 24 dây chỉ một mình Huynh chơi được
Chiếc đàn 24 dây chỉ một mình Huynh chơi được
 
Đặc điểm của đàn 24 dây là mỗi dây một nốt nhạc và mỗi khóa chỉnh một nốt. Vì nhiều dây quá không thể nhớ chính xác nên ở mỗi dây, Huynh ghi các kí tự A, B, C. Cây đàn có trọng lượng khoảng 7 đến 8 kg, nó to quá khổ so với thân hình khòng khoèo của Huynh. Mỗi lần đệm đàn, anh phải nhờ người đặt nó nằm ngang trước mặt và kê trên một cái ghế cao mới chơi được. Huynh nhớ lại: "Trong một lần đi biểu diễn cho anh em trong Hội Người khuyết tật, mọi người thấy cây đàn của tôi lạ quá xúm nhau vào xem, có người vặn lên, có người vặn xuống các khóa chỉnh nên khi tôi ra sân khấu chơi nhạc thì không ra giai điệu nào cả. Tôi bị một phen ngượng tím cả mặt. Sau lần đó, tôi không thể chơi được và mất cả tháng sau mới cân chỉnh lại các phím đàn như lúc đầu".
 
Điểm đặc biệt ở cây đàn 24 dây của Huynh là nó được chỉnh sửa khá nhiều lần. 24 dây đàn dài được ngăn đôi bởi một thanh nhôm ở giữa khiến cây đàn có thể chơi thành âm của 48 dây. Huynh tự hào về bản thân: "Khi thân thể không còn nguyên vẹn như bao người, thì tôi càng phải nỗ lực vươn lên, tự tìm niềm vui cho mình. Kể ra, tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác, vì đã tìm được một công việc để mưu sinh. Mặc dù thu nhập chẳng bao nhiêu, quan trọng là niềm vui cứ quấn mình đi để quên hết những nỗi buồn".
 
Giờ đây, ngoài công việc kiếm cơm hằng ngày, Huynh còn có niềm vui là tiếng đàn 24 dây thánh thót, âm thanh không lẫn vào đâu được. Huynh xem nó như là báu vật. Cây đàn được anh treo trang trọng ngay góc nhà khách. Từ ngày tiếng đàn 24 dây bay ra ngoài, đã có nhiều người đến hỏi mua, có người đã trả Huynh vài chục triệu đồng nhưng anh nhất định không bán. Huynh có thể bán tất cả những thứ do mình làm ra, bởi vốn dĩ nó giúp nuôi sống gia đình anh. Riêng chiếc đàn ấy, do khối óc anh sáng chế và chỉ có bàn tay của anh mới chơi được. Nó không chỉ là "bạn đời" của chàng trai tật nguyền mà âm thanh của tiếng đàn lúc nào cũng da diết, bay bổng níu giữ tình yêu và hạnh phúc gia đình.
 
.

Nguồn: sctc.cand.com.vn