Người dân thôn Thanh Cường, xã Bảo Cường (Định Hóa, Thái Nguyên) vẫn gọi trưởng thôn Đào Văn Tiến là “bác cả” bởi sự nhiệt tình của ông. Không chỉ quan tâm tìm hướng giúp bà con phát triển kinh tế, mà ông còn tích cực củng cố an ninh trật tự thôn xóm.
Ai cũng có thể bị sai lầm
Ông Tiến có khuôn mặt điển trai, phúc hậu, giống một diễn viên điện ảnh. Nếu chỉ nghe người khác nói thì tôi không thể tin ông Tiến từng là bưởng (chủ cai bãi vàng) và từng chìm đắm trong khói thuốc phiện suốt hơn 10 năm trời. Nhưng ông đã nhận ra sai lầm và thấy mình phải sống khác. Nhắc lại chuyện cũ, người đàn ông khỏe khoắn trước mặt tôi bỗng nhiên chùng xuống.
Ông Tiến từng là bộ đội, nhập ngũ năm 1974, sau thời gian huấn luyện ông được điều về Trung đoàn 144 (Bộ Tổng tham mưu). “Nếu tôi cứ ở trong quân ngũ, hoặc đi làm công việc gì đó thoát ly thì đã không xảy ra chuyện. Đằng này, năm 1980 tôi về làm công tác xã hội tại địa phương để được gần vợ con. Do cuộc sống nghèo túng quá, năm 1984 tôi nghỉ, đi buôn bán thịt lợn. Làm suốt 5 năm trời, cuộc sống khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Đến năm 1989, thấy anh em người ta đi đào vàng khá nhiều, tôi cũng bỏ vợ con ở nhà, lên đường nhập cuộc”, ông Tiến kể lại.
Nơi ông Tiến tìm đến là mỏ quặng ở Sơn Dương (Tuyên Quang). Sau hai năm chẳng “ăn nên làm ra”, ông cùng anh em chuyển sang bãi vàng Khau Âu (vùng giáp ranh giữa hai huyện Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn) và Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên). Nơi đây, không chỉ bị náo loạn bởi tình trạng khai thác vàng trái phép, mà các tệ nạn như đánh nhau, ma túy, mại dâm, cờ bạc… cũng hoành hành khủng khiếp. Với tố chất thông minh, lại giỏi võ nghệ, nên ông Tiến nhanh chóng nổi tiếng ở Khau Âu, thu nhận 16 đàn em tổ chức đào đãi vàng. Vàng, tiền kiếm được, nhưng ông Tiến cùng anh em dành phần nhiều cho ăn chơi hưởng lạc, chích hút ma túy. Nhắc đến chuyện này, ông nghẹn ngào: “Lẽ ra không nên có giai đoạn đó mới đúng. Tôi đã sai lầm. Tôi là người có khả năng trong anh em, đã dấn thân vào nghề đó rồi, không chích hút để tạo mối quan hệ cũng không được. Dù là kẻ chẳng vừa, đôi lúc tôi còn rùng mình vì tệ nạn xảy ra ở nơi rừng thiêng nước độc đó”.
Ông Tiến (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn về cách chăn nuôi mới |
Tiền, vàng kiếm được nhiều vô kể, song đội đào vàng của ông Tiến cũng ăn chơi vô đối. Ông chỉ gửi về để vợ xây được một ngôi nhà khang trang nơi quê nhà. Số tiền còn lại dành vào việc ăn chơi hưởng lạc và mua một ngôi nhà khá lớn ở Võ Nhai. Rồi chẳng bao lâu ngôi nhà đó cũng phải bán để lấy tiền tiêu xài. Món tiền kếch xù bay dần sau màn khói thuốc. Từ một người khỏe mạnh, nặng 65kg, sau những năm săn tìm vàng, chích hút nơi rừng thiêng nước độc, ông Tiến cùng đàn em “bật bãi”. Thất thểu, buồn chán trở về với hai bàn tay trắng, mang theo những cơn vật thuốc và thân hình bủng beo, ông chỉ còn 47 kg, chỉ còn da bọc xương. Cuộc sống tưởng chừng rồi sẽ êm đềm bởi ông có một người vợ đảm đang, nào ngờ, do một lần bà Nguyễn Thị Lân, vợ ông thổ lộ với chồng là còn giữ được hai cây vàng dành cho cô con gái học đại học, ông Tiến đã nảy sinh tà ý.
Tất cả cũng bởi bí tiền hút thuốc, hỏi thì vợ không cho nên bi kịch lại tiếp tục bùng lên. Một hôm, lúc vợ đi vắng, ông Tiến lần tìm khắp các hang hốc trong nhà, rồi lần xuống bếp thì tìm được bọc vàng bà vợ giấu dưới đống tro. Có vàng, ông chuyển thành tiền mặt rồi bắt xe lên Sơn La mua 8kg thuốc phiện về hút dần. Kể đến đây, ông Tiến nhả hết hơi thuốc lào, dừng lại một chút rồi tự nhiên nước mắt ông rơi lã chã, nhỏ cả vào những cốc nước trên bàn. “Mỗi lần nghĩ đến giai đoạn ấy, tôi cay lắm, tôi hận mình. Sao tôi lại có thể làm thế chứ. Cậu ạ, lúc vợ tôi biết tôi lấy vàng đi mua thuốc, bà ấy tủi thân, leo lên sân thượng nhảy xuống tự tử. May mà rơi vào luống rau, nên chỉ bị choáng, ngất, rồi được bà con làng xóm đưa đi cấp cứu”, ông Tiến vừa khóc vừa nói.
Đi viện về, bà Lân thi thoảng lên cơn mê sảng, cứ nhắc: “Còn mỗi tí cuối cùng thì chồng lại nẫng nốt!”. Lúc đó, ông Tiến chỉ còn biết tự đấm vào ngực mình mà nói với vợ: “Người đáng chết là tôi chứ không phải mình”. Đến lúc này, ông Tiến thấy không thể nào làm khổ vợ con thêm nữa, bèn quyết tâm cai nghiện. Sự quyết tâm của ông, theo bà Lân là một cuộc chiến đầy gian khổ. Bà kể: “Ông ấy tự xích chân trong buồng, trong gian phòng đó cũng đặt bàn đèn, có thuốc phiện đầy đủ. Ông ấy cứ tự nhủ: muốn chết thì phá xích mà tiến đến bàn đèn. Sau biết bao ngày, với những cơn vật vã tưởng chừng không thể nào cai nổi. Ông ấy khóc, tôi khóc. Thế rồi bằng quyết tâm cao độ ông ấy đã tự mình cắt cơn”.
Nghĩ khác để sống khác
Bản thân đã cắt được nghiện, song ông Tiến không thể an tâm khi có quá nhiều người trong thôn nghiện ngập mà nhiều trong số họ là do ông “đầu độc”, hoặc rủ rê đi đào vàng, hoặc bằng cách cho thử thuốc. “Đấu tranh với nghiện ngập là phải kiên trì, dù còm nhom đau khổ. Tôi đã đi đến tất cả những người anh em, hàng xóm để thuyết phục họ từ bỏ thuốc phiện. Tôi đã áp dụng cách tôi cai cho từng người. Và tất cả các bàn đèn đã được đập bỏ. Tôi đã sai, giờ phải sống khác, mọi người trong thôn cũng vậy”, ông Tiến tự hào khoe.
Tôi hỏi, vì sao mọi người đồng ý nghe theo ông? Ông Tiến lý giải: “Ạnh em vẫn tôn trọng tôi, coi tôi là bưởng trưởng. Và tất nhiên cũng phải có những biện pháp mạnh. Năm 2006 việc giúp thanh niên cai nghiện thành công, bà con bầu tôi làm trưởng thôn”. Nhận trách nhiệm ấy, với ông Tiến không phải để vui, để oai, mà phải giúp dân phát triển kinh tế. Từ đó, ông đã nỗ lực hết mình tham khảo các mô hình để áp dụng vào địa phương, nơi được cho là có thế mạnh này. Được sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân, rất nhiều hộ dân đã cùng ông học hỏi, bắt tay vào thực hiện. Đến nay, thôn Thanh Cường đã có khoảng 20 trang trại, đời sống kinh tế được nâng lên. An ninh, trật tự nhờ phối hợp nhịp nhàng với công an xã, nên đã được bảo đảm.
“Đời tôi đáng ra không bao giờ được phép trải qua giai đoạn nghiện ngập. Nhưng thôi, số phận mà. Quyết tâm phải khác thì tôi đã làm được rồi”, ông Tiến bùi ngùi.
.