Chỉ vì một lỗi đánh máy nhầm của Tòa án, quyết định của một bản án đã bị phủ quyết bởi cơ quan thi hành án. Điều trớ trêu là mặc dù đã có quyết định đính chính của tòa sơ thẩm và cả tòa phúc thẩm, cơ quan thi hành án vẫn cố tình "lơ" đi. Điều hy hữu, có phần ngược đời này diễn ra tại Nghệ An.
Gửi đơn tố cáo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An (Cục THADS) đến Báo Công an nhân dân, bà Hoàng Thị Tâm (trú tại xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) hết sức bức xúc và khổ sở khi suốt 12 năm qua gõ cửa các cơ quan chức năng để tìm lại quyền lợi của mình mà đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Bắt nguồn từ lỗi đánh máy
Quyền lợi của bà Tâm đáng lẽ được nhận sau bản án hình sự, xét xử Nguyễn Đức Lượng cùng đồng bọn phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy" vào 12/2001 chính là mảnh đất 900m2 có giấy chứng nhận quyền sở hữu mang tên mình. Điều đó được ghi trong Bản án số 01/HSST ngày 18/1/2002 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Nghệ An và Bản án số 789/HSPT ngày 21/6/2002 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội ở phần quyết định xử lý vật chứng cũng như tài sản thu giữ được của Nguyễn Đức Lượng. Nội dung như sau: "Trả lại cho Nguyễn Đức Lượng và gia đình Lượng 1 giấy khai hải quan, 3 CMTND, 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Nguyễn Thị Tâm".
Tuy nhiên, theo lời ông Hòa, em rể của bà Tâm cũng là người được bà Tâm ủy thác tất cả mọi công việc liên quan cho biết ở tài sản tuyên trả, chỉ có Hoàng Thị Tâm chứ không có ai là Nguyễn Thị Tâm cả. Trước giờ ai cũng biết mảnh đất có diện tích 900m2, ở thôn Yên Xuân, xã Diễn Phúc, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 523315 mang tên bà Hoàng Thị Tâm và ông Nguyễn Văn Cư (nay đã chết) do UBND huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cấp ngày 2/3/1998. Điều này có thể chứng thực tại UBND xã Diễn Phúc.
Tuy nhiên, tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm đã ghi sai họ Hoàng sang họ Nguyễn. Vậy nên Cục THADS tỉnh Nghệ An không chịu thi hành. Khi gia đình đến hỏi và thắc mắc về phần tài sản này thì họ bắt gia đình phải có quyết định đính chính từ tòa án. Đến khi có quyết định đính chính từ TAND tỉnh Nghệ An do ông Ngô Xuân Thanh, Phó Chánh án, Chủ tọa phiên tòa ký, là do lỗi đánh máy rồi, ông Hòa mới photo gửi 1 bản qua đường bưu điện, đồng thời đến trực tiếp Cục THADS để trao đổi.
Ông Thiệu, Cục phó THADS, trả lời rằng ''trả bìa thì trả bìa nhưng không có đất''. Người ta tuyên trả bìa thì chúng tôi trả bìa''. Sau ông Thiện còn bảo quyết định đính chính của TAND tỉnh vẫn chưa đủ, phải có lời của tòa phúc thẩm nữa. Gia đình bà Tâm lại lóc cóc ra Hà Nội để xin đính chính. Sau khi trình bản đính chính hợp lệ của cả 2 cơ quan tòa án, các vị ấy bảo gia đình cứ về đi, chờ xem xét...
Ông Hòa chỉ tay ra mảnh đất 900m2 trong bản án |
Kể đến đây, ông Hòa chua chát: "Miệng thì họ bảo gia đình chờ xem xét nhưng sau lưng, họ lại tổ chức đấu thầu thửa đất. Tôi viết đơn xin họ ngừng phiên đấu giá lại nhưng họ không nghe. Thửa đất thuộc về sở hữu của người khác kể từ năm 2004. Rồi từ đó đến nay, gia đình gửi đi không biết bao nhiêu lá đơn để đòi công bằng nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa được giải quyết".
Bản đính chính không được thực thi
Vào 2/8/2012, Cục THADS tỉnh có gửi quyết định 789 giải quyết đơn thư khiếu nại của bà Hoàng Thị Tâm. Trong đó có viết: "Do có sự sai lệch giữa các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà THADS tỉnh nhận chuyển giao với quyết định của bản án (không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Nguyễn Thị Tâm).
Để có cơ sở xử lý tài sản, THADS tỉnh đã có công văn số 124 ngày 18/10/2002 gửi Tòa phúc thẩm TAND Tối cao yêu cầu giải thích cụ thể 4 lô đất do người khác đứng tên mua hộ cho Nguyễn Đức Lượng mà án tuyên sung công". Phúc đáp công văn này, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao có công văn 2158 ngày 21/11/2002 do thẩm phán Nguyễn Hữu Lô, thay mặt Hội đồng xét xử phúc thẩm trực tiếp ký.
Với phần tài sản của bị cáo Nguyễn Đức Lượng, công văn nêu rõ: Tịch thu sung công quỹ nhà nước 4 lô đất do người khác đứng tên mua hộ cho Nguyễn Đức Lượng, trong đó có mảnh đất 900m2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Hoàng Thị Tâm và ông Nguyễn Văn Cư.
Thế nhưng, ngày 22/4/2005 (3 năm sau đó), cũng chính ông Lô là người trực tiếp ký quyết định đính chính bản án số 2205. Nội dung quyết định lại trái ngược hoàn toàn với công văn 2158 ở trên: "Trả lại cho Nguyễn Đức Lượng và gia đình Lượng: 1 giấy khai hải quan, 3 CMND, 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Hoàng Thị Tâm".
Đó là chưa kể, sau khi kiểm tra lại các tài liệu có trong vụ án, 15/7/2005, công văn số 602 của TAND Tối cao do ông Trần Quốc Tú, Phó Chánh tòa Tòa hình sự ký, trả lời đơn thư của bà Hoàng Thị Tâm đồng nhất với quyết định đính chính số 2205 và ngày 14/9/2005, công văn số 3492 trả lời THADS tỉnh Nghệ An của TAND Tối cao cũng nêu rõ "giấy 0327 đứng tên Hoàng Thị Tâm và Nguyễn Văn Cư, Tòa án sơ thẩm đã tuyên trả lại cho chị Tâm".
Các quyết định phủ quyết nhau của TAND Tối cao và TAND tỉnh Nghệ An |
Như vậy, rõ ràng giữa các cơ quan thực thi pháp luật này đưa ra những luận điểm mâu thuẫn với nhau trong cùng 1 bản án. Và ngay cả 1 cơ quan (mà Tòa phúc thẩm do ông Lô ký là một ví dụ) cũng đưa ra những quyết định ngược chiều nhau, thậm chí cái sau phủ quyết cái trước.
Vậy mà trong Quyết định 789 vào năm 2012 (7 năm sau), sau khi đối chiếu giữa các quyết định, công văn, cả đơn thư và quyết định đính chính, Cục THADS tỉnh Nghệ An vẫn khẳng định mình làm đúng? Lý do mà THADS tỉnh đưa ra: Nội dung công văn 3492 hoàn toàn trái ngược với công văn 2158 mà trước đó TAND Tối cao đã giải thích theo yêu cầu của THADS tỉnh Nghệ An. Các quyết định đính chính là "không phù hợp với các quyết định của bản án, không phù hợp với thực tế các tài sản mà cơ quan thi hành án được chuyển giao. Vì, THADS tỉnh nhận được 5 giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, trong đó có 1 giấy mang tên Nguyễn Đức Lượng, 4 giấy còn lại mang tên người khác; trong khi bản án tuyên rõ ''tịch thu sung công quỹ Nhà nước 4 lô đất do người khác đứng tên mua hộ cho Nguyễn Đức Lượng''.
Cứ cho lý do trên là đúng thì khi mà các quyết định phủ quyết nhau như thế, đứng trên phương diện là một đơn vị có trách nhiệm thực thi các quyết định bản án, lẽ ra, THADS tỉnh Nghệ An cần "hoãn" lại việc đấu thầu đất sung công quỹ trước (vì mảnh đất đó nếu không đấu thầu thì nó vẫn cứ ở đó). Điều cần làm lúc đó, chẳng phải là làm rõ sự mâu thuẫn hoặc chưa rõ ấy ư? Ở đây, phải chăng, thiếu mất một sự lưu tâm và cẩn trọng của những người thực thi pháp luật?
"Mảnh đất đó để dưỡng già"
Đó là nỗi niềm của bà Hoàng Thị Tâm trong buổi nói chuyện với PV chuyên đề CSTC. Bà kể: "Trước đây, tôi đi làm công nhân ở Hà Nội. Không ở quê. Bao nhiêu tiền lương hằng tháng tôi gom góp gửi về quê cho em gái (là vợ ông Hòa) để mua 1 mảnh đất, sau về già còn có chỗ nương thân. Mảnh đất này tôi bỏ tiền ra mua vào những năm 90 của thế kỷ trước. Cho tới khi dượng Hòa cho thằng Lượng vay mượn, rồi vướng vào vụ án của nó, thành ra mảnh đất của tôi cứ "long đong" mãi.
Vì mượn bìa đất của tôi rồi cho mượn lung tung, tôi giận lắm nhưng biết làm răng được. Lúc đó, tôi vẫn chưa được nghỉ hưu nên cứ thấp thỏm gọi điện đi đi về về mãi. Ở Hà Nội, các chú Công an cũng gọi tôi lên để truy vấn bìa đất ở trong nhà thằng Lượng. Nhưng rồi họ cũng điều tra xong, nếu có gì khuất tất thì tôi cũng chẳng được yên thân đến giờ. Giờ khổ lắm, một thân một mình, không chồng không con, không có nhà có cửa, phải ăn nhờ ở đậu nhà chú Hòa. Mà đi kiện tụng mười mấy năm nay rồi, mệt lắm, mà không mô vào mô hết".
Vừa kể chuyện, bà Tâm vừa thở dài. Còn ông Hòa, nhìn sang chị, lại giận mình. Ông bảo hồi trước, lúc Nguyễn Đức Lượng mới bắt đầu làm ăn, buồn bán, lúc chưa dính dáng tới ma túy, cần rất nhiều vốn nên có đi mượn bìa đất của một số hộ trong làng để vay ngân hàng. Vì nhà gần đó nên ông Hòa đã mang bìa đất (mang tên bà Tâm) cho Lượng mượn. "Sau đó, Lượng có tiền rồi trả lại bằng thửa đất số 523315 này. Tuy nhiên, chưa kịp đưa cho tôi thì bị bắt. Giờ Lượng chết rồi, cũng không có ai chứng minh được. Tôi cũng không biết nói sao", ông phân trần.
Ông cũng bảo vì việc này mà thỉnh thoảng bà Tâm lại trách móc ông, không khí gia đình nhiều khi căng thẳng cũng vì thế. Bao nhiêu năm qua, là người được chị ủy quyền đi "rải" đơn khắp nơi, cửa nào ông cũng đã đến. Tính đến nay đã 12 năm tròn. Thế mà, chưa có cơ quan nào giải thích thích đáng với gia đình ông. Còn mảnh đất thì nay đã thuộc sở hữu của một người khác.
Những phán quyết, quyết định của các cơ sở thực thi pháp luật còn tồn tại những điều chưa rõ - vẫn còn đó. Người đàn bà đợi chờ vô vọng suốt 12 năm qua - vẫn ở đó. Còn mảnh đất đã được trao tên đổi chủ gần 10 năm nay - giờ bà vẫn đi qua đi lại mỗi ngày. Qua bài viết này, chúng tôi xin gửi những thắc mắc của bà Tâm đến Cục THADS tỉnh Nghệ An cũng như TAND Tối cao để làm rõ.
.