Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201409/tra-lai-400-trieu-cho-nguoi-mat-tim-duoc-dong-doi-sau-38-nam-532841/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201409/tra-lai-400-trieu-cho-nguoi-mat-tim-duoc-dong-doi-sau-38-nam-532841/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Trả lại 400 triệu cho người mất, tìm được đồng đội sau 38 năm - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 15/09/2014, 09:01 [GMT+7]

Trả lại 400 triệu cho người mất, tìm được đồng đội sau 38 năm

Đó là một câu chuyện hy hữu xảy ra tại Hải Phòng khi ông Đinh Xuân Nhật (62 tuổi), đang công tác tại Công ty Luật 1/5, Đoàn Luật sư Hải Phòng nhặt được túi tiền trị giá 400 triệu đồng. Thay vì giữ làm của riêng, ông Nhật đã ráo riết đi tìm người bị mất. Và như một cơ duyên, sau khi trao trả số tiền cho người mất, ông đã có một cuộc hội ngộ cảm động với người đồng đội đã 38 năm xa cách…
Ông Đinh Xuân Nhật
Ông Đinh Xuân Nhật
 
Bọc tiền bên cầu thang
 
Theo như những gì ông Nhật kể lại, vụ việc xảy ra vào khoảng 11 giờ rưỡi trưa 4/8, khi đang đi cầu thang bộ trong khu văn phòng cho thuê của Công ty Hải Thành, Bộ Tư lệnh Hải Quân, đến chiếu nghỉ giữa tầng 3 với tầng 4 thì ông thấy một túi nilon đen đặt ở cách chiếu nghỉ một bậc. Ban đầu tưởng là túi rác của ai vô ý vứt ở cầu thang nên ông Nhật nhặt lên để đem xuống dưới vứt. Nhưng khi xách túi lên thấy nặng tay, lại nghĩ rằng túi rác thì không thể ngay ngắn như vậy nên ông mở ra xem thì thấy bên trong có 3 cọc tiền có đóng cọc dán niêm phong của ngân hàng trị giá 400 triệu đồng.
 
"Ở khu văn phòng này, để di chuyển giữa các tầng thì hầu như mọi người đều dùng thang máy. Riêng tôi thì chỉ dùng thang bộ thôi nên ngày hôm ấy mới nhặt được số tiền đó. Nếu mà rơi ở chỗ khác thì chưa chắc đã còn…", ông Nhật cho biết.
 
Sau khi nhặt được số tiền lớn như vậy, ông Nhật đi ngay xuống tầng 1 là một phòng giao dịch của ngân hàng để hỏi tổ bảo vệ xem có ai báo mất tiền không nhưng mọi người đều lắc đầu. Thấy vậy, ông liền thông báo công khai cho những người có mặt ở đó rằng ông nhặt được một túi tiền, bên trong có 400 triệu, nếu ai bị mất thì tìm ông để nhận lại.
 
Khi đặt câu hỏi rằng, làm cách nào để biết ai là người mất, biết đâu có kẻ nào giả mạo để lấy số tiền đó thì ông Nhật cười và cho biết: "Tôi làm luật sư thì tôi phải có cách của tôi chứ, người nào tìm tôi để nhận lại số tiền đó thì phải trả lời được 4 câu hỏi của tôi. Đó là thời gian, địa điểm và mất tiền thế nào? Vì sao lại có tiền? Mang tiền đến đây làm gì? Đặc điểm của những cọc tiền ra sao? Nếu người nào có thể trả lời hợp lý thì tôi sẽ xem xét để trả lại số tiền này…". Đúng như ông dự đoán, sau khi công khai thông tin nhặt được số tiền lớn, có nhiều kẻ giả mạo gọi điện cho ông, nói rằng mình bị mất tiền, nếu cho nhận lại thì sẽ "hậu tạ". Sau khi hỏi vài câu, người này tỏ ra rất lúng túng khi trả lời nên ông Nhật biết rằng đó là kẻ giả mạo.
 
Buổi gặp mặt và trao lại số tiền cho Nam
Buổi gặp mặt và trao lại số tiền cho Nam
 
Quay trở lại với câu chuyện tìm kiếm chủ nhân túi tiền, đầu giờ chiều cùng ngày hôm đó, anh Lương Quốc Nam (24 tuổi, trú tại tổ 2, phố Lũng Đông, phường Đằng Hải, Hải An, Hải Phòng) có đến gặp ông Nhật và trình bày về việc mình làm mất một túi nilon có chứa 400 triệu đồng. Theo đó, Nam là nhân viên tại Công ty TNHH MTV Kim Anh, chuyên xuất nhập khẩu hàng đông lạnh. Số tiền bị mất là tiền đặt cọc của công ty anh với Hãng tàu CMA có văn phòng ở tầng 5 tòa nhà.
 
Trưa hôm ấy vào gần 11 giờ, do vội vàng mang tiền lên trước giờ nghỉ nên Nam chạy lên thang bộ, khi đi đến chiếu nghỉ giữa tầng 3 và tầng 4 thì đánh rơi tập giấy tờ nên để cọc tiền ở bậc cầu thang rồi cúi xuống nhặt. Đúng lúc đó, điện thoại của Nam lại có người gọi đến, vừa nhặt giấy tờ vừa nghe điện thoại sau đó cứ thế mà đi, bỏ quên túi tiền ở bậc cầu thang.
 
Khi nói chuyện với ông Nhật, Nam trả lời rành rọt ba câu đầu nhưng đến câu cuối cùng thì Nam cho biết, do mình nhận tiền từ tay giám đốc, chỉ biết trong đó có 400 triệu tiền mặt rút từ ngân hàng chứ không rõ những cọc tiền có đặc điểm gì. Nhận thấy Nam là người thật thà, qua những câu hỏi cũng tỏ ra chân thật chứ không nói vòng vo, ông Nhật cũng một phần tin tưởng, nhưng để chắc chắn, ông yêu cầu Nam mời giám đốc công ty đến.
 
Nhưng khi vị giám đốc này đến, bà này cho biết cọc tiền là của Ngân hàng Techcombank, sau khi rút 620 triệu thì đưa cho Nam 400 triệu để đi đặt cọc. Camera của tòa nhà Hải Thành cũng ghi lại được hình ảnh Nam đi vào tòa nhà có mang túi nilon đen nhưng đi ra lại không có.
 
Tuy nhiên, giám đốc công ty Nam miêu tả đặc điểm của cọc tiền thì lại không đúng, nên ông Nhật vẫn chưa cho nhận lại và bảo rằng, ông sẽ giữ số tiền vài ngày nữa để xem có ai đến tìm không. Nếu không ông sẽ mời thêm người làm chứng để trao trả số tiền đó cho Nam.
 
Tìm lại đồng đội sau 38 năm
 
Thế nhưng, những ngày sau đó, vẫn chưa có ai trả lời được cả bốn câu hỏi của vị luật sư một cách hoàn hảo. Về phần Nam do bị mất số tiền lớn như vậy nên cậu không dám về nhà. Ông Lương Quốc Việt, bố của Nam kể rằng hôm đó, vợ chồng ông như có linh tính, gọi điện liên tục cho con nhưng Nam không nghe máy.
 
 Mãi đến tối cùng ngày Nam về nhà, kể lại chuyện mất tiền, hai vợ chồng ông cũng lo lắng, suy nghĩ rất nhiều, không hiểu làm sao mà con mình lại làm mất số tiền lớn như vậy chỉ vì một vài phút bất cẩn, liệu con trai mình có cờ bạc gì mà tiêu mất không. Ông Việt cho biết thêm: "Đấy là tiền hàng của công ty, thằng Nam đánh mất thì gia đình tôi chỉ còn nước phải bán nhà, bán đất hoặc cầm cắm sổ đỏ mới có đủ tiền trả hộ con được".
 
Lo lắng cho con nên bố Nam bắt cậu phải đi đến tận nhà ông Nhật để gặp mặt, câu chuyện mất 400 triệu nhanh chóng bị quên đi bởi sự hồ hởi của hai cựu binh khi kể về quá khứ. Và sau vài câu chuyện, cả hai bỗng phát hiện mình từng là đồng đội của nhau cách đây 38 năm.
 
Theo như lời kể của ông Nhật, năm 1976, binh nhất Lương Quốc Việt huấn luyện tại Tiểu đoàn 19 Công an vũ trang, còn ông Nhật là trung sĩ huấn luyện tân binh và kiêm luôn y tá Đại đội cùng tiểu đoàn nên nhiều người biết mặt. Ông Nhật chia sẻ, với ông thì những người đồng đội trong khóa năm đó luôn tạo cho ông rất nhiều ấn tượng bởi những kỉ niệm cùng trải qua.
 
Sau khi hết 4 tháng huấn luyện, ông Nhật cùng hơn 100 đồng đội, chủ yếu là con em người Hải Phòng được điều động vào Đắk Lắk để bảo vệ an ninh khu vực, còn ông Việt về công tác tại biên giới Tây Nam Bộ và họ mất liên lạc từ đó. Ông Nhật bùi ngùi tâm sự: "Khóa năm đó để lại nhiều ấn tượng vì những đồng đội năm ấy họ cũng hy sinh gần hết, chỉ còn vài người trở về. Mỗi khi có dịp trở lại Đắk Lắk, tôi lại ghé qua nghĩa trang liệt sĩ thăm lại mộ một vài anh em…".
 
Nhà hàng của gia đình cũng là nơi ông Nhật sinh sống
Nhà hàng của gia đình cũng là nơi ông Nhật sinh sống
 
Trong buổi nói chuyện ngày hôm ấy, dù đã tìm được người đồng đội cũ sau bao năm xa cách, nhưng ông Nhật cho rằng, việc gì ra việc đó. Ông vẫn xin phép giữ số tiền một vài ngày nữa để nhỡ có ai đến tìm. Hai ngày sau, ông Nhật mời ông Việt và một số bạn bè đến nhà lần nữa, vừa để làm chứng cho việc trao lại số tiền 400 triệu cho Nam, vừa mừng ngày hội ngộ sau 38 năm biệt tích.
 
Trước mặt mọi người, ông Nhật cũng trả lời về câu hỏi cuối cùng về đặc điểm của cọc tiền, đó là 3 cọc tiền (1 cọc 200 triệu, 2 cọc 100 triệu) được buộc bằng bốn sợi dây, trên đầu có dán niêm phong của các ngân hàng khác nhau chứ không phải của Techombank, mỗi cọc đều có chữ kí của người kiểm tiền. Vị giám đốc công ty của Nam không trả lời chính xác nên ông chưa dám giao tiền, nhưng sau đó nghĩ lại thì ông cũng cho qua, vì có lẽ khi nhận tiền không để ý được việc này.
 
Còn đó những tấm lòng
 
Câu chuyện ông Nhật trả lại số tiền 400 triệu đã trở thành câu chuyện bàn tán của người dân nơi ông sinh sống và làm việc. Cũng có người nói ông "dại", tự dưng lại cho đi số tiền lớn như vậy nhưng hầu hết đều cảm phục trước nghĩa cử cao đẹp của ông. Chính ông Nhật cũng chia sẻ: "Tiền không phải của mình thì mãi không phải của mình. Tôi cứ đặt hoàn cảnh của mình vào đó, nếu mình bị mất 400 triệu thì sẽ lo lắng đến chừng nào nên tôi phải tìm bằng được chủ nhân của nó để hoàn lại. Như gia đình cháu Nam, nhà nghèo như vậy thì kiếm đâu ra 400 triệu mà đền cho công ty. Nếu mình rơi vào hoàn cảnh như vậy chẳng phải cũng phải bán nhà ra đường mà sống…".
 
Được biết, trước khi làm luật sư, ông Đinh Xuân Nhật từng công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng. Hiện nay, cả gia đình ông đang ở tạm trên phần đất mà ông thuê của chính quyền để mở một hàng ăn tại khu 2 Đồ Sơn. Mỗi ngày ông lại dậy sớm để bắt chuyến xe bus đầu tiên đi đến công ty trong thành phố, cách nhà hơn 20km để làm công việc ông yêu thích. Tối về lại phụ vợ con trông hàng, bê đồ ăn cho khách.
 
Đầu năm nay, để theo kịp sự phát triển của khu du lịch, ông Nhật đánh liều vay anh em bạn bè và cả vay lãi một số tiền lớn sửa sang lại quán ăn mái lá lụp xụp. Rất may vừa đến mùa du lịch, nhà hàng mang tên Nam Phong khang trang sạch đẹp, nằm sát khách sạn Bộ Xây dựng ấy cũng hoàn thành. Sau khi trả được một phần, ông vẫn còn nợ lại 150 triệu nhưng khi nhặt được bọc tiền, ông cũng không hề có ý định tư lợi. Nhất là khi gọi điện về kể lại cho vợ nghe thì bà cũng yêu cầu phải tìm đúng người để trả lại nên càng thôi thúc ông đi tìm chủ nhân của bọc tiền.
 
"Tôi chỉ mong giúp người, chứ không bao giờ nghĩ người phải giúp mình", đó là lời tâm sự chân thành của ông Đinh Xuân Nhật trước khi chúng tôi ra về.
 
.

Nguồn: cstc.cand.com.vn