Ít ai biết rằng, trong khu vực Thái Bình Dương đa dạng về các loài cua, chỉ có hai quốc gia sở hữu loại cua bùn khổng lồ với trọng lượng lên tới 2-3kg: Australia và Việt Nam. Để tận mắt chứng kiến loài cua khổng lồ ấy, và nghe những câu chuyện kỳ thú xung quanh chúng, PV chuyên đề ANTG đã tìm đến quê hương của loài “thủy quái”. Hành trình bắt đầu từ Singapore, nơi món cua bùn sốt cay được cả thế giới biết đến, sang đến tận Australia và trở về Việt Nam với địa danh nổi tiếng: đầm Ô Loan.
1. Nhà hàng hải sản có cái tên rất "khiêu khích" No Signboard (Không biển hiệu) tại khu Geylang cứ đến sẩm tối là đông nghẹt khách ngồi san sát, lưng chạm lưng nhau hồ hởi ăn nhậu. Hầu hết, trên bàn của thực khách, đều xuất hiện món cua sốt cay (chilli crab) nổi tiếng.
Với cái giá không hề rẻ, khoảng trên dưới 100 đôla Singapore cho 2 người ăn uống, những con cua bùn được nấu với thứ nước sốt sền sệt nồng vị cay của nhà hàng được thành lập từ những năm 70 thế kỷ trước đã mê hoặc không biết bao nhiêu thực khách trên thế giới.
Từ năm 1981, khi biển hiệu No Signboard chính thức ra đời, món cua sốt cay thậm chí đã được mệnh danh một cách không chính thức là "quốc yến" của Singapore, đủ để thấy mức độ nổi tiếng của nó. Chuyên trang về ẩm thực của CNN cũng đã từng tôn vinh đây là 1 trong 50 món ăn ngon nhất thế giới.
Ngoài bí quyết là cách chế biến nước sốt bí truyền, những con cua bùn với kích cỡ lớn từ 4-5 lạng trở lên cũng là điểm nhấn khó quên của nhà hàng này.
Vị thổ địa người Singapore gốc Malaysia đã có một thời khởi nghiệp từ cái nghề buôn cua bùn, trước khi trở thành một ông chủ xây dựng có trong tay bạc triệu, cho biết: Singapore không khai thác cua bùn, mà chủ yếu nhập từ Malaysia. Về sau này, khi nguồn cung không đủ với nhu cầu khổng lồ, cua chủ yếu được nhập về từ Sri Lanka.
Những con cua nằm tràn nguyên cả một đĩa lớn, có xuất xứ từ Ấn Độ Dương, mà chúng tôi đang ăn đây chưa phải là những con to nhất. Khi có những đơn hàng đặc biệt, khách hàng có thể yêu cầu món cua sốt cay được chế biến từ những con cua có trọng lượng lên tới 1-2kg.
Cá biệt, có những con cua bùn khổng lồ nặng tới 3kg được đưa ra phục vụ cho những vị khách đặc biệt. "Những con cua này rất hiếm, họa hoằn lắm mới có, và chủ yếu đến từ những quốc gia ven Ấn Độ Dương, có đường biển thuận lợi để vận chuyển đến Singapore mà cua vẫn sống", vị thổ địa dễ mến cho biết.
Tôi hỏi ông rằng liệu có quốc gia nào ở khu vực Đông Nam Á quanh đây, hay khu vực Thái Bình Dương này, có loài cua khổng lồ như vậy và có thể tận mắt chứng kiến chúng không. Ngay lập tức, ông trả lời như đã có sẵn từ trong đầu: vùng Cairns của tiểu bang Queensland và Broome của Tây Australia có thể có, còn Darwin của Bắc Australia thì chắc chắn có.
2. Từ Sydney, PV chuyên đề ANTG hăm hở bay xuống thành phố nghỉ mát nổi tiếng Cairns của tiểu bang Queensland. Từ đây, chúng tôi thuê xe tự lái vượt quãng đường 124km để đến khu rừng nhiệt đới Daintree, nơi được cho là nơi trú ngụ của loài cua bùn khổng lồ.
Bắt đầu tiến vào Vườn Quốc gia Daintree, một khung cảnh rừng ngập mặn giống hệt Việt Nam từ từ hiện ra. Những rừng tràm, rừng đước xanh rì, ôm trọn những bãi bùn và đầm lầy, cắm rễ sâu xuống nền đất bùn, bộ rễ vồng lên tạo thành hang ổ tự nhiên cho loài cua bùn.
Kỷ lục về cua sen ở đầm ô loan vẫn thuộc về con cua 2,7kg bắt hồi tháng 10/2010. |
Dave, một cư dân trong vùng, cho biết, ở đây bắt cua bùn là một việc rất… dễ dàng. Người ta chỉ việc lấy một cái que dài, chọc chọc vào hốc cây. Cua cư ngụ trong đó thấy động lấy càng cắp vào que, chỉ việc lôi ra.
Ở những vùng cửa sông hay nước ngập sâu, người dân thường bắt cua bằng rọ. Họ đi thuyền, sử dụng những rọ lưới hình tròn, bên trong có vài con cá chết thả xuống đáy nước để cua tự bò vào ăn mồi. Người bắt cua căn giờ rồi đi kéo rọ, vớt cua đem về.
Nhưng luật pháp của Australia cũng quy định hạn chế rất nghiêm ngặt để bảo vệ sự phát triển lâu dài của cua bùn. Mỗi người đi đánh bắt chỉ được mang tối đa 5 rọ lưới. Mỗi rọ không được dài quá 1m và thể tích không được quá 0,5m3. Cua cái có bề ngang mai từ 14cm trở lên, cua đực có bề ngang mai từ 13cm trở lên mới được phép đánh bắt. Bắt cua cái đang mang trứng dưới bụng tuyệt đối không được phép.
Số lượng cua bùn được đánh bắt cũng khống chế cụ thể: mỗi người không được bắt quá 10 con; nếu đi theo nhóm từ 3 người trở lên trên 1 thuyền thì cả thuyền đó chỉ được bắt tối đa 30 con. Ai vi phạm sẽ bị phạt tiền rất nặng.
Dave cho biết cua bùn ở khu vực này rất nhiều, nhưng bắt được những con lớn thì ông chưa được chứng kiến bao giờ, và ở chợ cũng không thấy bán. Dave giải thích cua "khổng lồ" thường rất khó bắt vì chúng ẩn sâu trong các hang dưới thân cây tràm. Nếu ở vùng ngập nước nhiều, chúng thường to đến mức chui không lọt các miệng rọ. Nếu có chui vào, thì với chiếc càng sắc như kéo, những kẻ khổng lồ đó có thể cắt đứt lưới mà thoát ra dễ dàng.
3. Thất bại ở Cairns, nhưng chúng tôi không nản chí. Chỉ còn duy nhất một địa danh có cua bùn Thái Bình Dương khổng lồ là Darwin (địa chỉ còn lại là Broome thì đã thuộc phần châu lục chìa ra Ấn Độ Dương). Tại những chợ hải sản ở tiểu bang New South Wales và Victoria, khi chúng tôi dò hỏi những người bán hàng, họ đều khẳng định chắc như đinh đóng cột là có.
Darwin dễ gây cho người ta cảm giác sững sờ vì hình như bạn đang sống ở Nha Trang hay Phukhet (Thái Lan), với khí hậu nóng ẩm, với những hàng dừa soi bóng bên bờ biển, với những du khách vận quần áo sặc sỡ tụ tập đông đảo bên những quầy bar nằm khắp con phố trung tâm.
Thật là đen đủi cho chúng tôi khi đặt chân tới Darwin đúng thời điểm thành phố đang được nghỉ để tổ chức lễ hội bang. Toàn bộ các chợ đầu mối, các đại lý thu mua và bán hải sản, và ngay cả chợ chuyên bán hải sản lớn nhất trung tâm Darwin đều đóng cửa để đi chơi lễ hội. Hệ quả là toàn bộ những người đi bắt cua bùn cũng đều dừng công việc lại chờ qua lễ.