Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201402/bi-hai-ruou-ngam-bao-thai-ngua-451351/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201402/bi-hai-ruou-ngam-bao-thai-ngua-451351/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bi, hài rượu ngâm bào thai ngựa! - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 15/02/2014, 09:49 [GMT+7]

Bi, hài rượu ngâm bào thai ngựa!

Ngày Tết, nói về các loại rượu ngâm động vật làm thú ẩm thực trong ngày Tết thì chắc ai cũng biết, có đủ thứ nguyên liệu có thể ngâm rượu, nào là rượu (ngâm) rắn, rết, tắc kè, bìm bịp, cá ngựa, tay gấu, hổ con… Nhưng có lẽ loại rượu ngâm bào thai ngựa thì chắc ít ai biết và tận mắt thấy được… Chuyện các quý ông chuộng rượu ngâm động vật quả cũng lắm bi hài…
 
Bình rượu ngâm bào thai ngựa có một không hai!
 
Trong một lần đi viết bài về những người nuôi ngựa và chuyện ngựa đua đang ngày càng bị tàn lụi do trường đua Phú Thọ bị dừng hoạt động, tôi bất ngờ được ông Võ Bửu Trí (ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn) giới thiệu và mời uống một bình rượu ngâm "đặc biệt nhất quả đất"! Thấy vẻ mặt tò mò của tôi vì chưa biết loại rượu đó là gì và tỏ ý muốn tìm hiểu ngay, ông Trí liền vào buồng mang ra một bình rượu bằng nhựa dung tích khoảng 5 lít.
 
Vừa tỏ vẻ bí ẩn, ông Trí vừa mở nắp bình ra, tôi bỗng giật mình và kinh ngạc khi thấy hình hài nguyên một con ngựa con có lớp da màu trắng vàng nằm co quắp trong bình, có cảm giác mùi rượu xộc lên tới tận óc. Chứng kiến vẻ kinh ngạc của tôi, ông Trí cười ngất bảo rằng đây là bình rượu vô cùng quý và độc đáo mà có lẽ chỉ có ông mới có được, nhiều người muốn uống thử mà ông chưa chắc đã đồng ý…
 
Bình rượu ngâm bào thai ngựa của ông Trí
Bình rượu ngâm bào thai ngựa của ông Trí
Trước khi kể câu chuyện về bình rượu "có một không hai", ông Trí hồi tưởng về cuộc đời mấy chục năm qua gắn liền với những con ngựa đua. Có lẽ lâu rồi không ai gợi chuyện nên khi nhắc đến chủ đề ngựa đua là ông Trí nói như không có điểm dừng.
 
Theo đó, mới lên bảy tuổi, ông Trí đã gắn với nghiệp nuôi ngựa, lúc đầu ông theo ông ngoại và cậu ruột đi chăn ngựa, sau đó lúc 8-9 tuổi ông đã biết dắt ngựa đến trường đua… Năm nay 72 tuổi, có thể nói, cả đời ông chỉ có đam mê lớn nhất là dành cho ngựa đua, dù sau này có vợ con đàng hoàng nhưng tình cảm và thời gian ông dành phần lớn cho thú đam mê của mình. Ông bảo rằng hồi trẻ gần ngựa mà đến giờ già cũng theo ngựa nhiều hơn ở với gia đình, vợ con.
 
Ông chia sẻ: "Nói thẳng là hồi trước đây ở Việt Nam chắc chẳng có ai nhiều ngựa đua như tui đâu vì lúc nào nhà tui cũng có từ 20 con trở lên. Niềm đam mê với lũ ngựa đã chiếm trọn tâm trí của tui từ đó cho đến giờ. Hầu như không có lúc nào tui không nghĩ về những con ngựa của mình. Nhưng thực tế bao nhiêu năm nay, chơi ngựa đua là cái thú, cái nghiệp chứ ít ai giàu có khá giả nhờ thú chơi này".
 
Quả đúng như lời ông nói thì nhìn căn nhà cấp bốn nhỏ cũ kỹ hiện tại ông đang thuê tại Hóc Môn (gia đình ông hiện ở quận Gò Vấp, con cái đều đã có gia đình riêng) vừa để ở cùng với một đứa cháu 9 tuổi vừa làm nơi trông coi đàn ngựa ở một cánh đồng gần đó cũng có thể hiểu được tình cảnh của ông.
 
Với ông có lẽ niềm an ủi lớn nhất hiện tại là những giải thưởng, những chiếc huy chương, cúp vô địch mà ngựa của ông đã từng đoạt được, được ông treo và để trang trọng trong căn nhà thuê của mình. Mỗi khi có khách đến chơi là ông lại có dịp nhắc tới và đem khoe với khách như những kỷ niệm một thời liệt oanh.
 
Theo ông Trí, trước đây khi trường đua còn hoạt động, một tuần hai lần ông thuê xe chở ngựa đến trường đua từ ba - tám con. Mỗi tuần ông kiếm được từ ba đến bốn triệu đồng nhưng chẳng dư dả là bao vì phải trả chi phí thuê xe, thù lao cho nài ngựa, tiền thức ăn, thuốc men cho ngựa. Nhưng từ khi trường đua đóng cửa, ông không còn bất cứ thu nhập nào mà vẫn phải chăm sóc đàn ngựa hiện còn 11-12 con.
 
Hiện tại, ở TP. Hồ Chí Minh, huyện Hóc Môn là nơi vẫn còn tập trung nhiều người nuôi ngựa đua. Phần lớn những người này là theo nghề kiểu cha truyền con nối, ít người nào giàu có nhờ nuôi ngựa vì chi phí khá lớn, nhưng hầu như chẳng ai bỏ hẳn cái nghề vốn đã ăn vào máu thịt của họ, có chăng là phải giảm đi phần nào quy mô và số lượng ngựa so với thời trường đua Phú Thọ còn hoạt động…
 
Quay lại câu chuyện về cái bình rượu ngâm bào thai ngựa, thấy vẻ mặt ngạc nhiên vô cùng của tôi, ông Trí cười lớn rồi kể cho tôi nghe về lịch sử của bình rượu độc nhất vô nhị này. Theo lời ông thì đúng ra ông cũng không chủ động ngâm rượu con ngựa sơ sinh này nhưng nghe lời mách bảo và cả "đặt hàng" của một người bạn bảo rằng ông ráng kiếm cho anh ta một bào thai (hà nàm) ngựa vì biết ông đang nuôi từ 10-20 con ngựa.
 
Một số loại rượu ngâm động vật mà nhiều quý ông lùng tìm
Một số loại rượu ngâm động vật mà nhiều quý ông lùng tìm

Cách đây hai năm, trong một lần con ngựa cái trong đàn đến ngày sinh nở, tưởng rằng nó sẽ sinh con bình thường như những con ngựa khác nhưng không ngờ lúc sinh con ra thì con ngựa con đã không sống được dù nhìn bằng mắt thường ông Trí thấy con ngựa con hoàn toàn bình thường. Nhớ tới lời dặn của người bạn, ông liền lấy con ngựa con đó đem về bỏ vào bình rồi đổ rượu đế (loại ngon, có nồng độ cao) vào ngâm.

Bẵng đi một thời gian không thấy người bạn đó liên lạc nữa nên ông vẫn giữ bình rượu này. Lâu nay thỉnh thoảng có bạn nhậu đến chơi ông lại đem ra khoe, có người thích thú đòi uống thử, nhưng cũng có người kinh ngạc không dám uống. Bản thân ông thỉnh thoảng cũng uống vài hớp.
 
Công dụng "thần kỳ" chỉ là lời đồn đại không hơn không kém
 
Quả thật trong lĩnh vực rượu ngâm động vật, chắc chắn chẳng quý ông nào lại chưa một lần nếm thử hoặc uống cho tới say ngật ngưỡng một loại rượu ngâm nào đó như rượu ngâm nguyên con thì có rắn, cá ngựa, hải sâm, tắc kè, bìm bịp… Hay loại rượu ngâm từng phần tạng phủ động vật như tinh hoàn và dương vật (hải cẩu, hổ), tay gấu... Rồi cả rượu ngâm các loại cao động vật: rượu cao hổ cốt, rượu cao khỉ... "Đẳng cấp" nhất là việc ngâm bào thai của hổ hoặc những chú hổ con mới sinh… Chưa kể ngay cả bào thai của khỉ, của gấu, tê tê… cũng được dân nhậu lựa chọn để ngâm rượu. Gần đây nhiều quý ông còn rỉ tai nhau về một loại rượu giúp "cường dương" đạt hiệu quả cao đó là rượu ngâm chuột con sơ sinh… Chỉ mới nghe thôi nhiều người cũng đã cảm thấy… ớn!
 
Rượu ngâm động vật hay bào thai động vật chẳng biết có tác dụng, hiệu quả thực tế ra sao, có "mạnh" thật hay không. Nhưng với cánh mày râu, cứ nghe ai đó đồn đoán về một loại rượu ngâm nào đó là y như rằng "một đồn trăm, trăm đồn nghìn", cứ thế các quý ông phải lùng tìm cho bằng được để thử xem sao…
 
Có người đã tếu táo bảo rằng có lẽ trên thế giới, chẳng ai hơn nổi Việt Nam về cái khoản rượu ngâm. Ngâm đủ thứ, từ động vật đến thực vật, thậm chí cả bào thai động vật cũng không tha. Hiện nay, nhiều quý ông  quan niệm rượu ngâm nguyên liệu "càng độc, càng lạ" thì càng tăng cường sức khỏe, đương nhiên "chuyện ấy" cũng mạnh mẽ, sung sức hơn (?!).
 
Có thể thấy, việc ngâm rượu bào thai động vật nói chung và rượu ngâm bào thai ngựa nói riêng không phải quá hiếm, rất nhiều đại gia, dân chơi sẵn sàng "vung tiền qua cửa sổ" để có một món "độc, lạ" với mong muốn tăng cường khả năng sinh lý đàn ông. Tuy nhiên, công dụng "thần kỳ" của các loại rượu ngâm này vẫn chỉ là lời đồn đại không hơn không kém của các quý ông ham nhậu mà thôi!
 
Việc nam giới muốn bổ thận tráng dương tăng cường sinh lý thì có nhiều cách, có rất nhiều vị thuốc thay thế hiệu quả cao đã được khoa học chứng nhận. Theo lương y Đinh Công Bảy, cách tốt nhất để "khỏe, sung" hơn trong chuyện ấy không gì "hiệu nghiệm" hơn là ăn uống điều độ, chăm tập thể dục thể thao và... hạn chế tối đa việc uống nhiều rượu, kể cả rượu ngâm động vật quý hiếm.
 
Trao đổi xung quanh vấn đề này, lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh:
 
Việc sử dụng những loại bào thai động vật để ngâm rượu làm thuốc, trong các sách cổ của Đông y chưa hề được nhắc đến. "Rượu thuốc có hai loại: rượu thuốc bồi bổ (rượu ích khí kiện tỳ, rượu bổ gân cốt, rượu an thần, rượu bổ huyết, rượu bổ khí, rượu bổ dương, rượu bổ âm…) và rượu thuốc chữa bệnh (rượu khu phong trừ thấp, rượu thanh nhiệt lợi thấp, rượu giải cảm…). Cách dùng có thể chia ra làm hai loại: rượu thuốc dùng uống trong, và rượu thuốc dùng xoa bóp, bôi bên ngoài…
 
Vì rượu thuốc là dược phẩm nên khi dùng phải tuân thủ nguyên tắc: Dùng đúng bệnh, đúng người và đúng liều lượng, không được tùy tiện và thái quá. Nếu dùng rượu thuốc để chữa bệnh thì người bệnh cần phải được thầy thuốc chuyên khoa khám tỉ mỉ và chẩn đoán chính xác, sau đó mới chọn phương thuốc và bào chế cho phù hợp.
 
Nếu dùng rượu thuốc để bồi bổ với mục đích bảo vệ và nâng cao sức khỏe thì cũng phải căn cứ vào các đặc điểm của người dùng như tuổi tác, giới tính, thể chất… Tức là cũng phải được thầy thuốc chẩn đoán xác định được phần nào trong cơ thể bị hư yếu và tạng phủ nào cần bồi bổ. Từ đó chỉ định nên dùng loại rượu thuốc nào cho thích hợp và có lợi nhất. Nếu chẩn đoán bệnh sai thì khi dùng thuốc rượu sẽ không có tác dụng, thậm chí có thể gây hại.
 
Trong Đông y, có nhiều loại rượu thuốc với dược liệu là động vật, có loại không độc, có loại có độc. Tuy nhiên, việc bào chế, cách ngâm, cách sử dụng (được uống hoặc không được uống, chỉ được dùng ngoài) và liều lượng dùng, cần có hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc, không nên tùy tiện, để phòng tránh những hậu quả không có lợi cho sức khỏe.
 
Đặc biệt, việc sử dụng những loại bào thai động vật để ngâm rượu làm thuốc, trong các sách cổ của Đông y không thấy nói đến. Cho nên, với những cách dùng rượu thuốc theo dân gian, cần thận trọng để không bị tiền mất, tật mang hoặc bị những tai biến đáng tiếc xảy ra".
.

CSTC