Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201312/co-gai-da-cam-lam-tho-gui-tong-thong-my-obama-435273/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201312/co-gai-da-cam-lam-tho-gui-tong-thong-my-obama-435273/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cô gái da cam làm thơ gửi Tổng thống Mỹ Obama - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 31/12/2013, 08:57 [GMT+7]

Cô gái da cam làm thơ gửi Tổng thống Mỹ Obama

Chị đã trăn trở nhiều đêm liên tục và chị quyết định làm thơ gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tứ thơ chiết xuất ra từ chính hình hài cong cong, xiêu vẹo của tác giả. Biết yêu thương và căm giận, chị đã viết lời tựa cho bài thơ của mình: "Tôi làm thơ gửi ngài, vẫn biết rằng nó quá xa xôi, không chỉ về địa lý, mà còn về tầm vóc, nhưng tôi vẫn làm điều đó, bởi tôi tin vào sức mạnh của công lý…".
 
Tình yêu "nảy mầm trên hoang mạc"
 
Ý tưởng làm thơ gửi Tổng thống Mỹ, cho thấy chị là một người khuyết tật dũng cảm thật sự. Nhưng trước tiên, tôi muốn kể về chuyện tình "da cam" của chị, đó là bằng chứng sống sinh động về những thiệt thòi và bất hạnh mà nạn nhân dioxin Việt Nam phải gánh chịu. Ngay cả trong tình yêu, họ cũng bị tước bỏ.
 
Câu chuyện tình yêu của chị được bung ra sau những đêm dồn nén tưởng như vỡ tung. Đó là người đàn ông có cái tên thật đẹp, Trần Hồng Anh. Anh ấy hơn chị hai tuổi, bị khuyết tật chân, không thể đi được. Hồng Anh không có cha, mẹ bỏ anh vì không thể lo nổi cho đứa con tật nguyền. Anh bơ vơ, không nơi bấu víu thì được người phụ nữ tốt bụng nhặt về nuôi, anh lớn lên trong sự khó nhọc của thân hình dị dạng. Và rồi 18 năm sau, Hồng Anh quyết định ra đi trong cơn quay quắt thống khổ vì hiểu ra thân phận thật của chính mình.
 
Ba năm lang bạt kéo theo cái thân xác không lành lặn, Hồng Anh cố vẫy vùng trong biển người hỗn mang. Anh lại quay về với người mẹ nuôi, cùng bà tha phương xuống dải đất miền Tây sống bằng những đồng bạc lẻ trên một quán cà phê cóc vỉa hè.
 
Hai mẹ con chị Hoàng Loan
Hai mẹ con chị Hoàng Loan
Trong ngôi nhà chung của diễn đàn 18/4 (diễn đàn dành cho người khuyết tật), nơi mà những người khuyết tật tìm được sự đồng cảm để cùng sẻ chia yêu thương, cùng hướng đến những ước mơ bình đẳng về quyền sống. Tại đây, Hoàng Loan đã gặp Hồng Anh. Lần đầu tiên chạm vào cánh cửa tâm hồn cô gái nhiễm chất độc da cam, Hồng Anh đã xao xuyến khi nhận ra một trái tim giàu sức sống, hài hước dí dỏm, và đặc biệt là một hồn thơ tuyệt vời. Cảm giác ấm áp, dịu mát len lỏi vào tâm hồn anh, tưởng bấy lâu đã trơ lỳ giữa chát đắng nghiệt ngã của số phận. Họ bắt đầu rụt rè về một tổ ấm trong mơ.
 
Tình yêu nảy mầm trên hoang mạc từ lúc nào chẳng biết, Hoàng Loan nhóm đốm lửa tình bằng những vần thơ thê thiết, đượm buồn. Chị trút vào đó giận dỗi, hờn tủi và tràn ngập yêu đương. Diễn đàn 18/4 là nơi duy nhất hai người có thể hò hẹn. Họ yêu nhau bằng ngôn từ, bằng tin nhắn, bằng khúc xạ vệ tinh để luôn nhớ về nhau.
 
Hành trình đi tìm tình yêu được Hồng Anh thổn thức trong những dòng tin nhắn gửi cho chị: "Ta đã gặp biết bao cô gái/ ấy thế mà ta lại mến riêng em…". Đến một ngày, cô gái da cam Hoàng Loan bất ngờ nhận được bài hát "điều ước giản dị" trên đài với lời tựa ngắn ngủi: "HA gửi đến HL". Điều ước giản dị chính là một mái ấm gia đình, một tình yêu gửi đúng người mình yêu. Lời bài hát chính là lời tỏ tình của chàng trai khiếm khuyết Hồng Anh. Tuy không gặp nhau, nhưng ngày nào họ cũng hâm nóng tình yêu qua điện thoại hay những dòng tin nhắn. Vì biết người yêu hay bị đau nên trước mỗi bữa cơm, Hồng Anh luôn nhắn tin động viên, an ủi. Chẳng biết có ma lực nào từ những dòng tin ấy, mà Hoàng Loan nhộn nhịp hơn, tươi trẻ mỗi ngày.
 
Bạn bè, người thân biết chuyện đã động viên chị mạnh dạn giữ lấy, hãy cứ về bên nhau, cứ xây dựng với anh ấy đi. Tôi hiểu, bên trong thể xác cong queo tiều tụy kia là nỗi khát khao bỏng cháy một mái ấm gia đình. Chị không thể đứng, không thể đi, chị héo rũ, quằn quại trên chiếc xe lăn nhưng nhu cầu được ôm ấp, được yêu thương, được mặn nồng từ người đàn ông chị yêu có lẽ mãnh liệt lắm.
 
Lỗi nhịp vì… "da cam"
 
Mối tình của Hồng Anh, Hoàng Loan được bồi đắp tưởng như sẽ trổ hoa kết trái thật đẹp, nhưng nghịch cảnh một lần nữa kéo họ về hai hướng khác nhau. Để rồi cô gái Hoàng Loan ngụp lặn, vẫy vùng trong nỗi khắc khoải hằng đêm. Đột nhiên mẹ nuôi Hồng Anh mất. Giấc mơ tạm gác nhường chỗ cho nỗi đau tan đàn xẻ nghé.
 
Và những dòng thư tình nguệch ngoạc
Và những dòng thư tình nguệch ngoạc
 
Trong cơn túng quẫn người thương yêu duy nhất ra đi, bỏ lại anh một mình trên thế gian, phải gánh trên vai trăm nỗi lo toan. Hồng Anh quyết tâm thổ lộ chân thành với người yêu rằng, anh không thể đến với Loan được. Một phần là nỗi mặc cảm, nhưng phần nhiều, đó là căn bệnh nan y anh mắc phải. Giờ đây, anh đang phải đếm từng ngày để sống, anh không muốn làm gánh nặng cho chị, không muốn chị khổ thêm nữa. Trước kia, anh biết mình không có quyền yêu ai và đã đóng kín tâm hồn bấy lâu, nhưng khi gặp Loan, anh đã không hủy diệt được cảm xúc đang ngày một lớn lên. Khi còn mẹ, anh đã buôi xuôi suy nghĩ cực đoan của mình, anh đã từng chìm đắm trong niềm hạnh phúc khi nghĩ về Loan.
 
Cuộc đời Hồng Anh cay nghiệt quá, đắng và đen như ly cà phê không đường. Còn Loan vẫn có gia đình, còn sức khỏe, dù hình hài khiếm khuyết. Có lẽ những nghiệt ngã đổ lên đời anh nhiều đến mức anh không còn đủ niềm tin vào việc chính mình có thể mang lại niềm vui dù nhỏ cho một ai đó. Anh chua cay với thân phận mình, để rồi hai nửa khuyết không thể tròn một giấc mơ rất đỗi con người.
 
Loan đã cố gắng níu kéo, cố gắng giật người yêu về bên cô, dù chỉ một ngày thôi. Nhưng Hồng Anh nhất định từ chối, cộng với lời dè bỉu từ miệng lưỡi người đời "ốc không mang nổi mình ốc…". Chị biết anh cần chị và chị cũng cần anh, cần lắm! Nhưng đành lỗi hẹn kiếp sau, một kiếp nào tròn trịa hơn, chứ đừng khuyết như bây giờ. "Vầng trăng khuyết nửa ấy" đủ tinh tế, đủ nhạy cảm  để thấy mình đang lẻ loi, trơ trọi trong tình yêu. Khi những đứa em lấy chồng, những đứa cháu sinh ra, nhìn thấy gia đình hạnh phúc, chị lại tủi hờn cho số phận mình.
 
Tôi lặng thinh trước nỗi đau của chị. Thấy mình thật bất lực trước sự khát khao quá lớn của một thân phận cùng là nữ nhi, nhưng lại lỡ chìm nổi giữa một kiếp buồn long đong.
 
Lời buộc tội cái gọi là số phận chẳng dành cho ai, chẳng có phiên tòa nào xử công bằng cả. Nếu anh mạnh dạn, liều lĩnh với tình yêu của mình thì có thể họ đã trôi về cùng một bến. Suốt một thời gian dài, Hoàng Loan buồn ủ dột, chị gầy rạc, hanh hao. Đêm nào chị cũng khóc, khóc điên dại, khóc quay cuồng, nhưng đều phải lặng lẽ một mình. Chị nhốt mình vào tĩnh mịch, một mình thổn thức, chị sợ cha mẹ biết, họ buồn, chị lại có lỗi.
 
Bài thơ gửi Tổng thống Mỹ Obama
 
Đinh Thị Hoàng Loan là một bằng chứng hùng hồn tố cáo tội ác chiến tranh do người Mỹ gây ra trên đất nước Việt Nam. Chị đã làm một bài thơ gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama với những câu hỏi gai góc về chiến tranh và sự hủy diệt bằng chất độc dioxin, đồng thời khẳng định sự bất diệt của chân lý, của lẽ phải trong cuộc chiến đòi lại sự công bằng cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
 
Bài thơ gửi Tổng thống Mỹ được in trong tập
Bài thơ gửi Tổng thống Mỹ được in trong tập "Xe lăn - khát vọng" của chị đã được xuất bản
 
"Hỏi ngài Obama - Tổng thống Mỹ
Hỏi những quan chức tòa nước Mỹ tự do
Hỏi những lương tri còn thức hay đang ngủ
Có hay không nỗi đau ở Việt nam…?"
 
Bài thơ có tựa đề "Hỏi những lương tri" đã được dịch ra tiếng Anh, Hoàng Loan mong muốn, một ngày nào đó, bài thơ sẽ đến được tay ngài Tổng thống Mỹ ở bên kia bán cầu. Ông ấy sẽ hiểu được nỗi đau và những thiệt thòi mà những nạn nhân dioxin như chị đang phải gánh chịu. 
 
"…Nào ai muốn mang hình hài dị dạng
Không chân tay, không mắt mũi miệng cười…"
 
Cha chị là ông Đinh Nhung, một cán bộ cách mạng từng hoạt động tại chiến trường miền Nam từ năm 1966 đến ngày giải phóng. Sau hòa bình, gia đình ông chuyển vào Đồng Nai sinh sống, ông Nhung chuyển công tác sang ngành Công an. Sau khi vợ bị sảy thai ba lần liên tục, đến năm 1978 thì Đinh Thị Hoàng Loan chào đời, thể trạng con phát triển chậm, chân tay cong queo, yếu ớt, ông Đinh Nhung mới biết mình bị nhiễm chất độc dioxin trong thời điểm tham gia chiến tranh. Rất may là ba người con sau này của ông bà đều khỏe mạnh bình thường.
 
Hoàng Loan lớn lên trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà, 16 tuổi, chị vẫn phải nằm viện. Sự sống của chị được duy trì bằng những liều thuốc. Tuy nhiên, gia đình không ai biết, bộ não của chị phát triển bình thường và có trí nhớ hơn hẳn người khác. Năm lên 10, chị được đứa em gái dạy chữ, dạy tính toán ngay trên giường bệnh. Hoàng Loan tiếp thu nhanh, ghi nhớ ngay lập tức vào bộ não. 24 chữ cái, chị thuộc chỉ trong một đêm học. Một tháng sau thì chị đã hoàn tất việc ghép vần và bắt đầu đọc trôi chảy các tập sách truyện người lớn.
 
Hoàng Loan mê sách đến quên ăn quên ngủ, chị có thể thức trắng đêm để đọc sách và nghiên cứu vấn đề. Người chị cong lại, chân tay yếu ớt không thể cầm nắm vật gì, thậm chí cây bút, nó cũng trở nên nặng nhọc với chị. Chị viết chữ nguệch ngoạc, méo mó vì cơ tay quá mềm, chị không thể làm chủ được đường nét. Nhưng bù lại, chị dùng điện thoại và máy tính rất nhanh nhạy. Giờ thì Hoàng Loan sáng tác thơ, viết nhật ký bằng điện thoại và máy tính là chủ yếu.
 
Hai năm nay, chị đau đáu dõi theo cuộc hành trình đi đòi lại công lý của các nạn nhân da cam Việt Nam trên đất Mỹ xa xôi. Và ở đó, chị đã khóc thét lên khi nhìn thấy hình ảnh của những con người cùng cảnh ngộ với mình. Ông Len Adis, người Mỹ, ủng hộ Việt Nam đi đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam đã tới tận nhà chị, động viên và tỏ lòng khâm phục trước nghị lực mạnh mẽ của cô gái da cam Đinh Thị Hoàng Loan. Ông Len Adis sẽ làm hết sức mình để mang thông điệp từ bài thơ của chị gửi đến Tổng thống Mỹ.
.

CSTC