Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201312/nguoi-giu-dieu-khen-mong-noi-mien-bien-vien-432212/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201312/nguoi-giu-dieu-khen-mong-noi-mien-bien-vien-432212/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người giữ điệu khèn Mông nơi miền biên viễn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 23/12/2013, 15:22 [GMT+7]

Người giữ điệu khèn Mông nơi miền biên viễn

(Congannghean.vn)-Trong chuyến công tác lên huyện miền núi Tương Dương, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình anh Và Bá Đùa ở bản Nhôn Mai, xã Nhôn Mai - Người có công sưu tầm và gìn giữ điệu khèn Mông trong suốt gần 20 năm qua. Với chiếc khèn truyền thống và âm thanh làm say đắm lòng người, anh Và Bá Đùa được xem là một trong những người lưu giữ và biểu diễn khèn Mông thành công nhất ở Nghệ An hiện nay.
 
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở bản Huồi Cọ, từ nhỏ, anh Và Bá Đùa đã được làm quen với tiếng khèn Mông qua những lần theo bố đi xem hội ở bản làng. Những thanh âm réo rắt đã chinh phục cậu bé nhỏ tuổi và làm say mê lúc nào chẳng biết. Năm lên 13 tuổi, Và Bá Đùa đã tự ý thức bản thân phải học thổi khèn để tiếp bước những người đi trước, gìn giữ nét đẹp phong tục tập quán của dân tộc mình.
 
Học qua bố và những người biết thổi khèn trong thôn bản, Và Bá Đùa đã thể hiện năng khiếu và niềm đam mê đối với loại nhạc cụ truyền thống này. Những năm tháng vào quân ngũ, chiếc khèn Mông luôn là vật bất ly thân, trở thành người bạn tâm tình, tri kỷ để anh sẻ chia nỗi nhớ người thân, nhớ bản mường. Và cũng chính tiếng khèn với những giai điệu ngọt ngào, thắm thiết của anh đã làm rung động trái tim của cô gái Thò Thị Duộc cùng bản. Để rồi trong một ngày Huồi Cọ ngập tràn sắc nắng, đôi uyên ương của núi rừng đã gắn kết với nhau dưới một mái ấm gia đình và lần lượt những đứa con bé bỏng thân yêu chào đời.
 
Tình yêu cháy bỏng đối với điệu khèn Mông đã được Và Bá Đùa thắp lên trong tâm hồn vợ con anh như là một sự sẻ chia về nét văn hóa thiêng liêng và gần gũi. Giữa bốn bề núi rừng hoang sơ, hàng ngày, người dân Huồi Cọ vẫn bắt gặp hình ảnh quen thuộc của gia đình anh Và Bá Đùa biểu diễn khèn Mông với những giai điệu đắm say, mê hoặc. Tiếng khèn, điệu múa của họ như phá tan cảnh tĩnh mịch của miền biên cương xa thẳm và chạm sâu trong tâm hồn của những người dân nơi đây để họ bồi hồi, xúc động nhớ về những tháng ngày đã qua.
 
Anh Và Bá Đùa với chiếc khèn quen thuộc
Anh Và Bá Đùa với chiếc khèn quen thuộc
 
Anh Và Bá Đùa cho biết: Người Mông thường hay dùng khèn để múa trên những bãi cỏ hay bãi đất bằng phẳng vào những ngày hội làng, lễ Tết hay ngày vui của gia đình, dòng họ. Chiếc khèn được xem là công cụ chính trong mỗi lần biểu diễn, nhưng để đánh giá việc thổi khèn hay, múa khèn đẹp thì chủ yếu phụ thuộc vào nghệ nhân tạo nên. Cái khó là vừa phải ngậm khèn để thổi, vừa thực hiện những điệu nhảy, điệu múa xoay vòng liên tục mà tiếng khèn vẫn không bị lạc nhịp. Động tác múa khèn của người Mông rất phong phú và đa dạng như: Nhảy đưa chân, nhảy lưới, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, quay di động, vờn khèn, quay cầu, quay gót, lăn hoặc có nhiều động tác diễn ra trong mỗi giai điệu khác nhau. Tất cả những bước nhún nhảy, quay người hoặc vừa ôm khèn thổi vừa lăn mình trên đất thể hiện kỹ thuật điêu luyện, sự tinh tế và tài tình của nghệ nhân thổi khèn Mông.
 
Biết, hiểu và cảm nhận được tất cả những nét đẹp gắn liền với loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc, trong một quãng thời gian dài, anh Và Bá Đùa đã lặn lội đến khắp các bản làng xa xôi - Nơi có đồng bào dân tộc Mông sinh sống để tiếp tục thỏa niềm đam mê làm khèn, học thổi và múa khèn sao cho hay, cho đẹp hơn nữa. Khi đưa gia đình về bản Nhôn Mai sinh sống, trong trái tim anh vẫn nguyên vẹn một tình yêu cháy bỏng đối với những giai điệu thân quen, gần gũi. Người vợ trẻ hiểu được đam mê của chồng nên cũng hết lòng ủng hộ. Có những thời điểm anh bận bịu đi biểu diễn khắp nơi, chị lại thay chồng lo chuyện con cái, nương rẫy. Những đứa con của anh chị lớn lên như được thừa hưởng tình yêu với khèn Mông, cũng đòi bố truyền dạy và lại say mê không thể rời xa.
 
Hôm về xuôi, chúng tôi có dịp đến dự Liên hoan tổ Tuyên truyền văn hóa các khu vực biên giới, bờ biển tỉnh Nghệ An năm 2013 và đã được trực tiếp thưởng thức tiết mục độc đáo với chủ đề “Mùa xuân biên cương” của hai em Và Y Thơ (14 tuổi) và Và Bá Chùa (13 tuổi) chính là con gái và con trai của anh Và Bá Đùa biểu diễn. Dù còn nhỏ tuổi nhưng sự chững chạc, tự tin của hai “nghệ nhân nhí” thể hiện rất rõ trong tiếng khèn và mỗi bước chân xoay vòng, nhún nhảy. Cậu bé Và Bá Chùa với đôi mắt sắc sảo, nụ cười duyên, lém lỉnh tâm sự với chúng tôi rằng, ước mơ của em là được trở thành một nghệ anhnhân thổi khèn Mông thực thụ như bố. Sau này lớn lên, nếu có cơ hội, chắc chắn em sẽ mang biểu tượng văn hóa của người Mông với đầy đủ những giá trị tinh thần, ý nghĩa để chia sẻ với những người có cùng niềm đam mê và sẽ giới thiệu, quảng bá nó như một niềm tự hào. Không chỉ truyền dạy cho con mình, anh Và Bá Đùa còn giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc bằng cách dày công luyện tập và chỉ bảo cho những thanh niên khác trong bản. Chính anh là người đã thổi vào họ tình yêu cháy bỏng đối với chiếc khèn truyền thống của cha ông.
 
Con gái và con trai của anh Và Bá Đùa biểu diễn tiết mục “Mùa xuân biên cương”  tại Liên hoan tổ Tuyên truyền văn hóa các khu vực biên giới, bờ biển tỉnh Nghệ An năm 2013
Con gái và con trai của anh Và Bá Đùa biểu diễn tiết mục “Mùa xuân biên cương” tại Liên hoan tổ Tuyên truyền văn hóa các khu vực biên giới, bờ biển tỉnh Nghệ An năm 2013
Trong suốt gần 20 năm gắn bó với chiếc khèn Mông, thành quả mang lại cho Và Bá Đùa chính là các giải thưởng cao quý trong những lần tham gia biểu diễn ở khắp mọi nơi. Gần đây nhất là vào năm 2010, tiết mục thổi, múa khèn Mông của anh và vợ con đã đạt giải Ba tại Hội diễn dân ca, dân vũ toàn quốc, khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
 
Năm 2011, anh Đùa đạt giải A tại Liên hoan nghệ thuật các dân tộc thiểu số Nghệ An tại huyện Quỳ Hợp. Ngoài ra, còn có rất nhiều giải thưởng khác mà chính anh cũng không thể nhớ nổi. Đó chính là động lực để anh tiếp tục hành trình lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc, dẫu cho bản làng vùng cao nay đã có nhiều sự đổi thay, khởi sắc…
.

Ngọc Anh

.