Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201312/kham-pha-van-hoa-ruou-can-cua-nguoi-thai-427840/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201312/kham-pha-van-hoa-ruou-can-cua-nguoi-thai-427840/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khám phá văn hóa rượu cần của người Thái - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 13/12/2013, 13:22 [GMT+7]

Khám phá văn hóa rượu cần của người Thái

(Congannghean.vn)-Mỗi khi có khách quý tới nhà, mỗi khi có lễ hội, người dân tộc Thái luôn đưa rượu cần ra thết đãi. Rượu cần ngon không chỉ được chưng cất từ những tinh túy của nương rẫy, núi đồi, nó còn ngon ở văn hóa thưởng thức.
 
Không biết tự bao giờ, đồng bào Thái đã biết làm rượu trấu, biết cách chế biến men rượu. Bí quyết làm men rượu ngon đều được mẹ truyền cho con gái. Men được làm từ bột gạo nếp hoặc gạo tẻ, trộn với các loại lá cây như đu đủ, quế, lá đào và một số lá khác tạo hương thơm, độ đắng ngọt của rượu, nhưng thành phần chủ yếu vẫn là gạo.
 
Gạo sau khi ngâm khoảng 1 tiếng được vớt lên cho ráo nước và đem giã nhỏ. Làm men rượu trấu không thể dùng máy xay mà phải đâm bằng tay mới ngon. Vừa đâm, vừa cho các thứ lá đã chuẩn bị sẵn vào giã đều. Bột men không giã nhỏ quá, cũng không to quá, sau đó đem trộn đều với nước và vắt bánh. Khi vắt, người ta vắt theo hình tròn và hình bầu dục, gọi là bánh đực và bánh cái. Nhưng đặc biệt ở chỗ, trong nhiều viên men chỉ có duy nhất một viên men đực. Bánh đực tượng trưng cho quyền uy của người đàn ông Thái. Đây là tín ngưỡng phồn thực trong dân gian, mong muốn duy trì nòi giống ngày càng phát triển. Đó cũng là quan niệm trời đất, giống nòi mà tạo hoá ban tặng cho con người. Đây là nét đặc trưng tinh tuý của rượu cần. Việc chọn trấu để ủ rượu cũng quan trọng không kém, trấu phải là trấu của lúa nếp trên rẫy mới sạch và thơm. Trấu được giã bằng cối gỗ, sau đó lấy trấu và rửa sạch, loại bỏ trấu lép nổi trên mặt nước, phần còn lại đem phơi khô. Sau đó, trộn đều với gạo hoặc sắn đã được giã nhỏ và bắc lên bếp hông, giống như hông xôi. Khi chín, họ đổ ra và quạt nguội, rắc men trộn đều. Cuối cùng cho nguyên liệu vào vò nén chặt và bịt kín miệng. Vò nhỏ từ 15 - 20 ngày là dùng được, còn vò to từ 1 tháng đến 6 tháng mới uống được. Rượu để càng lâu càng ngon.
 
Có rất nhiều loại vò rượu, 4 cần, 6 cần, 8 cần, 12 cần, tuỳ theo vò to hay vò nhỏ mà quy định cắm cần rượu cho hợp lý. Các dụng cụ dùng để uống rượu không thể thiếu được là phong rượu được làm bằng sừng trâu hoặc sừng bò tót. Xe rượu hay còn gọi là cần rượu được làm bằng cây trúc trên rừng hoặc cây mây. Gáo múc nước làm bằng tre, lùng hoặc nứa già. Những thứ này do đàn ông làm, đàn ông siêng năng thì có bộ gáo, phong, cần rượu đẹp và thông nước. Những dụng cụ khác cũng phải có trong tiệc rượu như nồi đồng đựng nước, vò to thì sử dụng nồi 4 quai, vò nhỏ thì sử dung nồi 2 quai. Chủ nhà bao giờ cũng có đệm vải bông lau cho khách đàn ông ngồi, ghế mây, ghế gỗ cho khách phụ nữ ngồi.
 
Một buổi giao lưu rượu cần của người Thái Nghệ An
Một buổi giao lưu rượu cần của người Thái Nghệ An
Người uống rượu đầu tiên bao giờ cũng là khách quý cao tuổi và người phụ nữ chủ nhà. Sau đó mới đến những người cao tuổi khác, được sắp xếp tuần tự, vừa có sự đan xen giữa chủ và khách, vừa có nam, có nữ, có người khoẻ, người yếu. Đảm bảo ai cũng được uống và đạt quy định về số lượng nước thêm vào vò trong một thời gian nhất định được đo bằng lượng nước chảy từ trong phong rượu ra.
 
Người Thái cũng như người Kinh, bao giờ lời chào cũng rất quan trọng. "Lời chào cao hơn mâm cỗ", ở đây, lời chào của chủ nhà và sự đối đáp của khách rất tinh tế, họ nói rằng, gia đình xem chúng tôi như vàng, quý chúng tôi như bạc, nay rượu đã đổ đầy nước, chúng tôi xin cảm ơn và chúc cho gia đình an khang, thịnh vượng.  Lời cúng mở rượu là nghi lễ không thể bỏ qua ở bất cứ cuộc uống rượu cần nào, còn gọi là "xé hình lầu". Cầu mong thần linh phù hộ độ trì cho con cháu sống lâu trăm tuổi, mơ gì cũng có, lo gì cũng được…, có sức khoẻ như con voi, con hổ trong rừng… Khác với cách uống rượu của người Thái Tây Bắc và khác với rượu cần Tây Nguyên là không cần ông Cham. Còn người Thái miền Tây Nghệ An muốn uống rượu phải có ông Cham, còn gọi là trọng tài. Ông Cham được chọn bao giờ cũng phải là một người linh hoạt, tháo vát, am hiểu về tục uống rượu cần. Đồng thời, cũng là người biết ứng xử, công minh, công bằng với mọi người trong cuộc rượu. Một cuộc rượu trọn vẹn, đầy tình nghĩa, ông Cham nắm giữ vai trò rất quan trọng. Tục ngữ Thái có câu: "Cham lầu cầu phong". Có nghĩa là, ông Cham sai phải chịu phạt uống 9 phong rượu, còn người uống sai chỉ bị phạt 1 phong. Chính vì thế mà người Thái thường chọn con rể thông qua việc làm Cham để xem xét, đánh giá năng lực và sự khéo léo của người con rể tương lai. Ông Cham là trọng tài tổ chức cuộc rượu vui, rượu thi, công bằng và hiếu khách. Cham giỏi là người mời rượu giỏi, làm cho ai cũng uống hết mình, vui hết mình.
 
Rượu cần có ở hầu hết các cuộc vui, buồn của đồng bào Thái. Mỗi cuộc rượu có một cách uống khác nhau, như rượu trong lễ cưới, hai cần rượu bắt chéo vào nhau, trên cần rượu buộc hai cuộn tơ, ý nói đôi vợ chồng sẽ sống với nhau cho đến đầu bạc răng long. Trong lễ hăng vắn, lễ buộc chỉ cổ tay, bên cạnh mâm cúng thần linh thì vò rượu cần cũng không thể thiếu trong lễ cúng, sau khi làm lễ xong, mọi người lại quây quần bên vò rượu, uống chung một nguồn nước, đắng, ngọt đều có nhau… Trong lễ hội vui của bản mường, rượu cần cũng không thể thiếu được. Sau cuộc vui ném còn, các trai làng, gái bản lại trở về nhà uống rượu cần do cô gái chuẩn bị từ trước, đây còn gọi là "ky lầu bao xáo", hay "ky lầu nờ con", có nghĩa là uống rượu trao trả kỷ vật cho nhau. Từ đây, rượu cần là cầu nối nhân duyên cho trai, gái thành vợ, thành chồng sau những ngày lễ hội.
 
Có thể nói, văn hoá rượu cần là một nét đẹp trong đời sống thường ngày của đồng bào Thái. Ngày nay, có nhiều loại rượu khác ngon hơn, tốt hơn, dễ làm hơn, nhưng đồng bào Thái không thể không làm rượu cần. Công nghệ làm rượu cũng không mấy thay đổi, chỉ có những lời chào, lời mời ngắn đi, lời nhuôn, lời suối đang ít dần, các ông, các bà còn giữ được, còn thanh niên đang hoà nhập với cuộc sống mới, rất ít người hiểu sâu sắc về rượu cần và nét đẹp văn hoá này đang dần bị mai một. Đây là loại hình văn hoá phi vật thể của đồng bào Thái đang được phục dựng, giữ gìn để cho con cháu mai sau.
.

Ngọc Bích