Rồi những câu chuyện được kể ra, nếu không phải người trong cuộc thì chẳng mấy ai tin. Tất thảy cơm ăn, áo mặc, thoát nghèo, làm giàu, chuyện thật như bịa đều được sinh ra từ… rác.
Có người nhặt được bọc vàng to, có bác vớ cánh tay của ai đó bị chém cụt rồi bọc trong bao tải, đặc biệt là xác các hài nhi xấu số. Có về đây tận mắt chứng kiến cuộc sống ngột ngạt của người dân xung quanh bãi rác Nam Sơn mới thấy cái giá của sự thoát nghèo là quá đắt!
Giàu vì rác, khổ cũng vì rác
Trong đội ngũ khoảng một nghìn người thường xuyên có mặt ở bãi rác Nam Sơn hằng đêm thì có đến bảy tám mươi phần trăm là người thôn Lương Đình, xã Bắc Sơn. Hơn một nghìn khẩu trong độ 340 nóc nhà thì có đến hai phần ba số người và số gia đình "đi bãi" (nhặt rác). Vào Lương Đình, thứ lúc nào cũng đập vào mắt chúng tôi là xanh, đỏ, tím, vàng của túi nilon: nilon phơi ở ngoài đường, vắt trên những bờ rào, rác tràn từ cổng ngõ vào trong sân nhà, rác bịt kín các khoảng đất trống trong vườn, rác nằm vắt vẻo trên các cành cây, rác nổi lều bều mặt ao và chất đống trên bờ.
Thời gian nhặt rác trong một ngày chỉ gói gọn trong 4 tiếng, từ 3 giờ sáng đến 7 giờ sáng. Hai giờ hằng ngày là những người đi bãi đã lục tục thức dậy để chuẩn bị lên đường. Người phóng xe máy, kẻ đạp xe đạp nhưng những dụng cụ hỗ trợ cho công việc bới rác thì ai cũng giống ai: một đôi găng tay, một đôi ủng cao su, khẩu trang, một chiếc cào, một móc sắt và một chiếc đèn pin đeo trên đầu, bên ngoài lớp mũ vải như dân chuyên… soi nhái. Hàng nghìn con người đứng trước cửa Khu liên hợp xử lý chất thải để… chờ đợi.
Một cán bộ xã Bắc Sơn còn khẳng định: "Nếu không có nghề đi bãi thì chắc dân tôi chết". Đúng là nhờ rác mà người dân thoát khỏi cảnh nghèo đói, và cũng nhờ rác mà những ngôi nhà cao tầng ở Lương Đình mọc lên mỗi ngày một nhiều. Vợ chồng anh Tân chị Lễ được người dân Lương Đình xếp vào bậc giàu có nhất làng. Cả hai mới ngoài bốn mươi tuổi nhưng đã có nhà cao cửa rộng, lại còn có một khoản tiền kha khá gửi tiết kiệm. Cả hai vợ chồng đều là những người đi bãi từ những ngày đầu. Và đến cả bây giờ khi kinh tế đã vào bậc khá giả nhưng anh chị vẫn không từ bỏ nghề kiếm cơm ấy.
Rác, từ bao giờ đã trở thành nơi bám víu duy nhất của mấy trăm gia đình nơi đây. Rác thành miếng… ngon của người nghèo nên ai ai cũng muốn mình phải là người bới được nhiều nhất. Là rác nhưng không phải hễ muốn là vào đào bới xới lộn được, tất cả những người đi bãi phải được sự đồng ý của hơn hai chục… ông cai, họ đã phân chia địa bàn với nhau, mỗi ông cai lại quản một đội đi bãi. Để được vào bới rác, người dân mỗi tháng phải đóng 200 nghìn cho ông cai đội mình và phải bán rác giá rẻ cho cai, loại rác nào thì tùy mỗi cai quy định. Còn người bới được cấp thẻ vào bãi, được chia một luống rác, việc ai nấy làm, địa bàn ai người đó hoạt động, các ông cai thì bảo đảm cho người đi bãi tha hồ bới rác mà không còn canh cánh nỗi lo tranh cướp.
Trước đây, khi còn nhiều rác "thơm, ngon" (nhôm gang sắt vụn, nhựa, bao bì sạch) và chưa có hệ thống quy củ, những chuyện đánh nhau sứt đầu mẻ trán vì tranh giành rác là chuyện xảy ra như cơm bữa. Xe rác vào bãi là cả đoàn người lao đến chen, tranh cướp, cãi cọ, chửi bới để tranh nhau cắm que, phủ nilon đánh dấu địa bàn bất khả xâm phạm. Sau khi bãi rác Nam Sơn không cho người dân đi rác ban ngày, mọi hoạt động chỉ được diễn ra trong bốn tiếng đồng hồ từ 3 đến 7 giờ sáng thì cuộc cạnh tranh, giành giật nhau càng ác liệt.
Cũng chỉ vì tranh nhau… rác mà máu đổ không biết bao nhiêu bận. Những người đi bãi lâu năm còn nhớ như in cái chết của ông Nguyễn Văn Oánh (SN 1965). Hôm ấy, sau khi đã cắm que, phủ nilon lên địa bàn của mình, Nguyễn Văn Dũng (SN 1984) đến bới thì thấy vợ chồng ông Oánh đang bới rác trên phần của mình từ lúc nào. Dũng đuổi thì vợ chồng ông bảo rác là của chung, tao muốn bới đâu thì bới. Sẵn cái móc sắt dùng bới rác, Dũng vụt mạnh vào sườn trái ông chồng, bà vợ xông vào giúp chồng thì bị đạp vào bụng ngã luôn xuống bãi rác. Người cùng đi bãi đã vào can ngăn, khuyên nhủ, rồi cả nói lý nữa mà vợ chồng ông Oánh vẫn không đi. Đang cái tuổi bẻ gãy sừng trâu, hăng tiết, Dũng nhặt một thanh sắt và nửa viên gạch đến đập vào đầu ông Oánh, nửa đêm hôm ấy ông Oánh chết.
Bên cạnh những tai nạn đáng tiếc ấy thì không thể phủ nhận nhiều người đi bãi đã đổi đời nhờ may mắn. Chị Ngô Thị Ngà, người xóm Trại (Bắc Sơn) là một minh chứng điển hình. Giáp tết năm 2009, trong một lần bới rác, chị Ngà đã nhặt được 11 cây vàng SJC. Kể chuyện cho chúng tôi nghe, chị Ngà vẫn không giấu nổi niềm vui: "Tôi bới được cái túi nilon màu xanh trong đấy đựng toàn giẻ rách và những thứ vớ vẩn. Khi xé cái túi ấy ra tôi thấy mười một miếng màu vàng, trên mặt có in rõ chữ SJC 9999. Sợ đó là vàng giả, ông tôi dùng dao gọt một tí ở bên cạnh thì biết đó là vàng thật. Lúc đó tôi mừng chảy nước mắt rồi cất 11 cây vàng đó vào bao tải và vẫn đi bới rác đến hơn một giờ sáng mới về nhà". Nhờ vận may ấy mà gia đình chị Ngà đã được đổi đời. Đang nằm trong diện nghèo của xã, nhà cửa lụp xụp, nay có nhiều tiền vợ chồng chị đã xây được những gian nhà khang trang rồi chuyển sang làm ăn lớn bằng cách mua thuyền hành nghề hút cát.
Từ sau sự kiện chị Ngà may mắn nhặt được 11 cây vàng khiến nhiều người đi bãi không thôi nuôi cho mình hy vọng. Ai cũng nghĩ biết đâu đấy người may mắn tiếp theo sẽ là mình. Có những thứ sau khi bới được, mở ra khiến người ta cười sung sướng. Nhưng cũng có những thứ bới ra khiến người ta chết ngất: Nào chuột chết, gà chết, chó mèo chết… đang phân hủy. Kinh hãi hơn, có người vừa dốc ngược cái bao tải rác thì một cánh tay rơi ra. Nhưng đó cũng chưa phải là điều kinh hoàng nhất. Điều mà những người đi bãi sợ gặp phải nhất chính là xác của những hài nhi xấu số. Thế nên mới có chuyện Ban quản lý khu liên hiệp xử lý rác thải đã dành ra một góc riêng để mai táng cho những hài nhi ấy. Có cháu dưới tã còn có tiền và một mảnh giấy viết tay nhờ chôn hộ.
"Vẫn biết là độc hại nhưng vì miếng cơm…"
Giữa cái nắng như nung, nhiệt độ ngoài trời xấp xỉ 40 độ C, mùi hôi thối, mùi hóa chất bốc lên nồng nặc. Ít ai tưởng tượng được cái nơi gọi là "Hà Nội" này hàng ngày, hàng giờ phải chịu đựng cảnh ô nhiễm môi trường nặng như vậy. Bãi rác cao ngút ngất như một dãy núi khổng lồ chứa hàng nghìn thứ rác hỗn tạp. Nước rỉ ra lênh láng khắp nơi. Khắp các con sông, cánh đồng nồng nặc một thứ mùi hôi thối, bốc lên cách xa bãi rác cả cây số. Chỉ đứng cạnh cổng bãi chừng mươi phút, chúng tôi đã xây xẩm mặt mày, choáng váng với đủ thứ mùi chực xộc lên tận óc. Ông Nguyễn Văn Đợi lắc đầu: "Độc hại lắm! Chúng tôi còn biết làm gì ở cái vùng đất này nữa. Nhiều nhà bị lấy đất ruộng, không đi làm "bãi" thì chết đói. Mùa mưa còn đỡ chứ mùa hanh khô thì không thể nào chịu được. Đắp chăn, bật quạt cũng chẳng ăn thua".
Giặt rác ở bờ mương
Theo phản ánh của người dân, ở đây không chỉ có mùi hôi thối của các loại rác thải mà còn cả mùi hóa chất. Hơn chục năm nay cuộc sống bị đảo lộn vì mùi, vì ruồi muỗi. Chính vì vậy hàng nghìn người dân hàng ngày phải sống chung với bệnh tật và độc hại. Chỉ tay về phía người vợ đang ủ bệnh nhiều năm nay, ông Đợi buồn bã: "Bà nhà tôi kia kìa, trước đây cũng là dân đi "bãi", bây giờ con cái lớn ở nhà bế cháu. Mới có hơn 60 tuổi mà cứ như 80 rồi ấy, người cứ gầy rộc đi, đủ thứ bệnh. Nào là ho, đau đầu, đau lưng, ăn bao nhiêu cũng chẳng lại. Chúng tôi sống được mấy nữa đâu. Mong cơ quan chức năng sớm giải quyết vì thế hệ con cháu thôi".
Khi người dân mắc bệnh, ốm đau cũng chẳng ai biết vì lý do gì, người thì nói do không khí ô nhiễm, người thì nói do đi "bãi" nhiều, có người còn bảo do nguồn nước quá bẩn. Tất cả những xã lân cận khu bãi rác mà chúng tôi đến và hỏi ai nấy đều kể vanh vách danh sách những người bị nhiễm khuẩn, nhẹ thì hô hấp, tiêu hóa mà nặng thì ung thư. Nhiều gia đình có điều kiện khoan giếng sâu cả trăm mét nhưng cũng không hết được mùi hôi tanh của nước. Nhiều lúc nước giếng đen ngòm như thuốc độc. Nhiều khi tắm còn bị ghẻ lở, mẩn ngứa khắp người. Ông Đợi bức xúc nói: "Thỉnh thoảng cũng có mấy anh đến lấy mẫu nước nói là đi xét nghiệm nhưng cũng chẳng có kết quả. Hôm nào mùi nặng quá, nước bẩn quá họ lại cho người rắc vôi bột, đổ hóa chất".
Cũng vẫn phải thừa nhận người dân Bắc Sơn thoát khỏi cái đói, cái nghèo, rồi làm giàu nhờ bãi rác Nam Sơn, song cái sự kiếm miếng ăn nhờ… rác đó thật hãi hùng và thương cảm.
Ông Nguyễn Văn Tân, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bắc Sơn:
Những người mắc bệnh về đường hô hấp như mũi, họng và bệnh ngoài da trong toàn xã là rất nhiều. Hàng ngày cứ tầm từ 7 giờ tối đến 10 giờ đêm là không khí trở nên ngột ngạt, rất khó thở. Hầu hết các gia đình trong cữ thời gian đó đều phải đóng kín cửa hạn chế mùi bốc vào. Vấn đề ở chỗ, mùi ở đây không đơn thuần là mùi hôi thối, xú uế mà còn là mùi hóa chất rất khó chịu. Không khí trên địa bàn bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Tạ Hồng Thái Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết:
Dự án giúp hạ tầng của 3 xã được cải thiện hơn nhưng mùi hôi thối từ bãi rác vẫn gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người dân. Vì vậy, người dân đề nghị thành phố đánh giá lại tác động môi trường của bãi rác tới đời sống dân sinh.
|
Nguồn: CSTC
.