Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201302/26441-lang-nghe-hon-co-cay-trong-tung-vi-thuoc-392436/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201302/26441-lang-nghe-hon-co-cay-trong-tung-vi-thuoc-392436/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lắng nghe hồn cỏ cây trong từng vị thuốc - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 27/02/2013, 14:06 [GMT+7]
26441

Lắng nghe hồn cỏ cây trong từng vị thuốc

Được chúng tôi hỏi về bí quyết nghề nghiệp, Đại úy Tăng Thị Bích Thủy (Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an) thành thật cho biết: “Nói bí quyết thì có vẻ ghê gớm, nhưng thực ra bác sỹ đông y cần phải tìm tòi sáng tạo, tìm được đúng vị thuốc và kết hợp nhuần nhuyễn đông - tây y, để tìm ra phương thức chữa bệnh tối ưu và hiệu quả nhất”.
 
Có năng khiếu về môn sinh học từ khi còn là học sinh phổ thông, học ngành y theo định hướng của gia đình nhưng chắc hẳn cái duyên đưa Tăng Thị Bích Thủy trở thành một bác sỹ chuyên ngành Y học cổ truyền của Bộ Công an không chỉ đơn giản như thế. Chúng tôi cảm nhận trong câu chuyện chị kể một tình yêu nghề tha thiết, một mong muốn cháy bỏng sáng tạo những bài thuốc hay để chữa được nhiều căn bệnh khó.
 
Cô bé chuyên Sinh Trường Amsterdam trở thành bác sĩ CAND
 
Đại úy Tăng Thị Bích Thủy (40 tuổi), thạc sỹ, bác sỹ, Phó trưởng khoa Nội III, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an là một trong 10 gương mặt thầy thuốc trẻ tiêu biểu vừa được Trung ương Đoàn tuyên dương cuối năm 2012.
 
Vẻ ngoài tươi vui, hòa nhã của chị đã xua tan đi khoảng cách giữa những phóng viên và một bác sỹ, chị nhiệt tình trải lòng về công việc, về đặc thù nghề nghiệp và vấn đề y đức đang được cả xã hội quan tâm hiện nay.
 
Bác sỹ Tăng Thị Bích Thủy (bìa trái) đang chăm sóc người bệnh
bằng phương pháp y học cổ truyền
 
Quê gốc ở xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình song bản thân chị được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Bố là sỹ quan quân đội, mẹ là công nhân viên chức ngành thương nghiệp, anh lớn trong quân ngũ, anh thứ hai theo nghề kinh doanh, cô con gái út Tăng Thị Bích Thủy đã có duyên đến với nghề y theo nguyện vọng của một gia đình “ngoại đạo” như thế.
 
Thuở bé chị rất nhát, nhưng được sự định hướng của gia đình, cộng với năng khiếu môn sinh học, ngay từ cấp 3 chị đã theo học lớp chuyên sinh của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ba năm liền đạt giải học sinh giỏi thành phố môn sinh học, chị thi đỗ Đại học Y Hà Nội và theo học chuyên khoa Y học cổ truyền.
 
Năm 1997, sau khi tốt nghiệp đại học được 1 năm, chị được nhận vào Bệnh viện (BV) Y học cổ truyền, Bộ Công an, thỏa mơ ước được làm thầy thuốc và được vào ngành Công an khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Lúc mới chân ướt chân ráo vào viện, là một bác sĩ trẻ mới ra trường còn nhiều bỡ ngỡ, chị cũng gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn như khó khăn trong việc giao tiếp với bệnh nhân.
 
Chị còn nhớ rất rõ, bệnh nhân đầu tiên là chú Hà Nguyên - một cán bộ lão thành cách mạng của Bộ Công an bị bệnh đau lưng. Bác sĩ Nông Văn Cảnh - Phó Giám đốc BV đã cùng khám bệnh và tin tưởng giao cho chị điều trị.
 
Sau quá trình điều trị bệnh tình chú Nguyên đã thuyên giảm nhanh chóng, vừa tạo được niềm tin cho người bệnh và cũng là tạo niềm tin vào công việc cho chính bác sỹ trẻ như chị. Dần dần, với sự chỉ bảo của các đồng nghiệp đi trước, cộng với tinh thần cầu thị của mình, chị đã có được sự tự tin, làm chủ tay nghề.
 
Tuy nhiên, để tồn tại và sống được với nghề thì chắc hẳn ở chị phải có lòng yêu nghề, niềm say mê nghề nghiệp sâu sắc.
 
“Nghề y là một nghề vất vả, phải học hỏi không ngừng, đòi hỏi người thầy thuốc phải vượt qua được chính bản thân mình nên nếu ai không yêu nghề thì không làm được. Khi công việc của mình giúp bệnh tình của người bệnh thuyên giảm rõ rệt khiến mình thấy vui và càng yêu nghề hơn”, chị Thủy tâm sự.
 
Y học cổ truyền điều trị bệnh dựa vào chính cơ thể con người, điều chỉnh từ gốc bệnh và có tác dụng chữa bệnh lâu dài, chị yêu y học cổ truyền là vì thế.
 
Nhuần nhuyễn đông tây y
 
Chia sẻ về đặc thù nghề nghiệp của mình, chị Thủy cho biết, công việc của bác sỹ Đông y đòi hỏi phải đào sâu suy nghĩ, tìm tòi, theo sát người bệnh để điều chỉnh bệnh lý của từng người, đòi hỏi đức tính cần cù, chăm chỉ. Điều quan trọng là phải cảm nhận được hồn cây cỏ trong từng vị thuốc, để điều trị cho đúng và cho trúng từng loại bệnh của bệnh nhân.
 
Đến bây giờ, một bác sỹ Y học cổ truyền như chị khi nhìn cây cỏ là biết ngay để điều chỉnh bệnh gì, chỉ qua màu sắc, mùi vị của mỗi vị thuốc thì sẽ hiểu tác dụng điều trị bệnh lý của tạng phủ nào trong cơ thể để hợp quy luật “âm dương”, “ngũ hành”, “thiên nhân hợp nhất”. Và theo chị, người thầy thuốc phải yêu ngành, yêu nghề thì mới có thể vận dụng được một cách nghệ thuật và hiệu quả các vị thuốc vào việc trị bệnh.
 
Kỷ niệm đáng nhớ đối với chị là công trình khoa học nghiên cứu đầu tiên: “Đánh giá tác dụng lâm sàng của phác đồ thuốc Y học cổ truyền “Kim hoàng giải độc – ATZI” trong điều trị bệnh Zona cấp tính”.
 
Chỉ là một cộng sự trong đề tài cấp bộ do ThS, BS Lại Lan Phương làm chủ nhiệm, nhưng bản thân chủ nhiệm đề tài là người yêu ngành yêu nghề, tận tình hướng dẫn đã tạo được niềm tin cho những người cộng sự trẻ như chị, giúp chị bước những bước vững chắc đầu tiên, tạo tiền đề cho những công trình nghiên cứu về sau.
 
Tiếp theo là đề tài cấp bộ “Nghiên cứu tác dụng điều trị hội chứng Rối loạn Lipit máu nguyên phát - Thể Tỳ hư đàm thấp của viên HCT1” do chị làm chủ nhiệm. Từ bài thuốc cổ phương, với sự vận dụng lý luận và kết hợp với thực tiễn lâm sàng đã đem lại hiệu quả tốt trong điều trị chứng rối loạn lipit máu.
 
Để thực hiện một công trình nghiên cứu như trên, chị và các cộng sự phải mất từ 2 - 3 năm, đi từ quy trình sản xuất thuốc, thử nghiệm lâm sàng, đến đánh giá kết quả. Đề tài về rối loạn lipit máu đã thu về kết quả xuất sắc, được vận dụng, sản xuất thành chế phẩm Y học cổ truyền (dạng viên nén bao phim) sử dụng rộng rãi trong điều trị cho người bệnh.
 
Chị Thủy cho biết, trong nghề y không thể tránh nhiều ca bệnh khó, những lần điều trị không thành công. Nhưng đó cũng chính là lúc chị trăn trở nhất, và khó khăn không làm chị nản lòng hay chùn bước, chính khó khăn đã tạo động lực để chị cố gắng hơn nữa, trau dồi tay nghề hơn để cứu giúp những người bệnh của mình.
 
“Có những bệnh nhân điều trị hàng năm trời ở nhiều nơi nhưng bệnh không khỏi, khi đến với mình thì bệnh tình đã được điều trị ổn định và luôn có những lời cảm ơn, nhớ đến mình trong những ngày lễ Tết khiến mình rất vui”, chị Thủy kể về bệnh nhân Quang (54 tuổi), hiện công tác ở một Cục nghiệp vụ của Bộ Công an bị bệnh gút nặng đã điều trị rất nhiều phương pháp mà bệnh vẫn không thuyên giảm.
 
Đến điều trị tại khoa và được chị tận tình chăm sóc, kiên trì điều trị 3 tháng bằng thuốc y học cổ truyền, kết hợp với chế độ ăn uống thích hợp, đã 3 năm nay bệnh tình anh không hề tái phát. Hay bệnh nhân Thắng, cán bộ Công an tỉnh Tuyên Quang bị viêm da dị ứng, mùa đông bị ngứa liên tục không làm việc được. Sau 3 tháng được bác sỹ Thủy điều trị, bệnh của anh đã được chữa trị dứt điểm.
 
Được chúng tôi hỏi về bí quyết nghề nghiệp, chị thành thật cho biết: “Nói bí quyết thì có vẻ ghê gớm, nhưng thực ra bác sỹ đông y cần phải tìm tòi sáng tạo, tìm được đúng vị thuốc và kết hợp nhuần nhuyễn đông - tây y, để tìm ra phương thức chữa bệnh tối ưu và hiệu quả nhất”.
 
Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an vừa được công nhận bệnh viện hạng 1, đó là niềm tự hào nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm lớn đặt lên vai những người thầy thuốc như chị. Phải nâng cao tay nghề hơn nữa, nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân hơn nữa để xứng đáng với niềm tin yêu mà người bệnh trao gửi. “Chính niềm tin của bệnh nhân là động lực để người thầy thuốc giữ được y đức của mình, chỉ khi có niềm tin, họ mới sẵn sàng giao phó tính mạng của mình cho bác sỹ”.

CAND
.