Trong quá trình thu thập cứ liệu về nhà Hồ, tôi tình cờ gặp anh Đinh Quang Phú một cán bộ Công an (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) người cũng nặng tình với triều đại nhà Hồ và vua Hồ Quý Ly. Biết tôi đang thực hiện đề tài liên quan đến họ Hồ, anh Phú nhiệt tình giới thiệu cho tôi một nhân vật, được cho là hậu duệ đời thứ 18 của vua Hồ Quý Ly. Hiện đang ở Hà Đông, ông cũng là người nắm giữ khá nhiều câu chuyện về nhà Hồ.
Qua điện thoại hẹn trước, ông cụ chờ đợi với tâm trạng hồ hởi. Dù cuộc gặp chỉ vỏn vẹn 4,5 giờ đồng hồ, trong gian phòng đạm bạc, xong tôi lại vội quay vào TP Hồ Quý Ly ngay. Nhưng đó là cuộc gặp hết sức thú vị giữa tôi với người được xem là con cháu của vị vua từng có cuộc cải cách vĩ đại trong lịch sử dân tộc.
Ông cụ nay đã ngoài tuổi 80 nhưng vẫn minh mẫn đến lạ. Cụ tâm sự: “Ban đầu biết tôi là con cháu của vua Hồ Quý Ly, nhiều người cũng ngạc nhiên. Vì theo sử sách ghi lại, dưới bàn tay hiểm độc của nhà Minh, vừa bắt tù binh, vừa triệt tiêu nòi giống, thì dòng dõi vua Hồ Quý Ly không còn ai. Thế nhưng chúng đâu ngờ được rằng, trong cơn đại biến đó con cháu họ Hồ đã có người trốn thoát”.
Nói rồi ông lục chiếc tráp, đưa cho tôi xem 2 cuốn gia phả, viết bằng chữ Hán trên giấy dó đã ngã màu ố, những nét chữ có từ hàng trăm năm rành rọt ghi lại nguồn gốc của dòng họ.
Cụ Phúc và cuốn gia phả cổ ghi lại nguồn gốc là
hậu duệ đời thứ 18 vua Hồ Quý Ly
|
Ông Phúc giở một trang của cuốn gia phả đã được ông chú mình kỳ công dịch rồi đọc cho tôi: “Cụ Hồ Quý Ly là đời thứ 14 trong dòng họ chúng ta, ông lên ngôi vua năm 1400, sinh ra cụ Hồ Hán Thương. Cụ Hồ Quý Ly làm vua được 1 năm thì truyền ngôi cho con trai, vua Hồ Hán Thương trụ được 6 năm thì giặc Minh sang xâm lược nước ta, chúng bắt cả 2 cha con cùng dòng tộc về Trung Quốc để sung quân (đi lính). Đây kể cho biết ngọn nguồn tổ tiên là thế, chứ xa đời rồi thì con cháu không theo tìm hiểu được. Là vì chi Đệ Tam ta đã đến thứ Đệ thập bát rồi (đời thứ 18). Cho nên chép từ cụ cai Tư Công trở xuống cho dễ tham khảo”.
Điều này đối chiếu với sử sách thì hoàn toàn chính xác. Ông cho biết, 2 cuốn gia phả cổ này truyền từ thời cụ kỵ, có từ hàng trăm năm trước. Do cụ Phúc là người nối dõi dòng họ, nên được phép lưu giữ.
Cụ Hồ Sỹ Phúc bảo rằng, hằng năm vẫn về huyện Quỳnh Đôi (Nghệ An) đi họp họ, là vì tổ tông ông khởi phát từ làng Quỳnh Đôi xưa. Khi giặc Minh xâm lược, nhà Hồ thất thủ, người họ Hồ đổi họ, tứ tán khắp nơi, sau đó một chi họ Hồ chạy ra vùng Nông Cống (nay là huyện Nông Cống, Thanh Hóa), rồi sinh con đẻ cháu ở đây.
Ông bảo, dòng họ mình tuy nghèo nhưng học giỏi, nhiều người đỗ khoa bảng và thông hiểu Nho học. Cụ Phúc sinh ra ở Nông Cống, thuở nhỏ được học hành, lớn lên đi theo cách mạng, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó là công chức ngành kiến trúc, ngân hàng, rồi cuối cùng về Hà Đông ở cho đến nay.
Cụ Phúc bảo, các đời cụ kỵ ngày xưa thường kể lại rằng, những người mang họ Hồ trong dòng tộc thường không dám xưng là hậu duệ của vua Hồ Quý Ly. Vì người đời thường bảo vua Hồ Quý Ly là vua cướp ngôi, tàn bạo, sau khi lên ngôi chuyên quyền, độc đoán, sẵn sàng tiêu diệt những ai chống lại triều đình. Thế nhưng, nếu xét một cách công bằng mà nói, bất cứ vương triều nào cũng vậy, để giữ vững chế độ mình thì tất thảy phải dùng những biện pháp cần thiết để bảo vệ thể chế của mình mà thôi, huống hồ ông trấn áp với mục đích giữ vững chính trị, tạo điều kiện cải cách đất nước.
Thanh kiếm lạ và hàng chữ bí ẩn
Cụ Phúc kể cho tôi câu chuyện có thực rằng, những năm còn khỏe, cụ và người con trai đã cố gắng điền dã tìm dấu tích của vua Hồ Quý Ly ở một số di tích tại Hà Nam, rồi gặp vô vàn điều bất ngờ. Đó là chuyện gặp một thanh kiếm cổ khắc chữ Hán và một con rắn lạ, mà đến nay cụ và con trai mình vẫn tin rằng, có sự hiển linh của vua Hồ Quý Ly.
Cụ kể, đó là lần đi vào chiếc hang sâu thuộc thôn Đồng Ao (xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, Hà Nam). Nơi này ngày xưa gọi là thôn Ô Cách, núi đá vôi bốn bề hiểm trở, trong đó có ngọn núi mà dân gian vẫn gọi là núi Kho, có một hang gọi là hang Vua. Tương truyền là nơi ngày trước vua Hồ Quý Ly thường luyện tập quân sỹ, rồi phải lòng với cô thôn nữ tên Nguyễn Thị Dầm và lấy làm vợ. Lịch sử có ghi nhận, đời sau bà được triều đình sắc phong, hiện nay ngôi đền bà Nguyễn Thị Dầm vẫn còn được người dân hương khói tại gần núi Kho.
Cụ Phúc bảo, tên núi Kho gợi cho người ta nghĩ đến nơi mà vua để lại cái gì đó. Những năm bao cấp kinh tế gia đình khó khăn, cha con cụ Phúc một mặt đi tìm dấu tích vua, một mặt nghĩ, nếu trong hang Vua có để lại vàng bạc thì lấy về bán kiếm tiền mua gạo. Nhưng trong một lần cụ và con trai mình chui vào hang lần tìm dấu tích, thì gặp một chuyện bất ngờ, đó là con rắn lạ mà đời cụ chưa từng thấy.
Cụ kể: “Chuyện đã cách nay hơn chục năm, tôi và thằng con trai vừa chui vào một ngách nhỏ trong hang Vua, thì bất ngờ một con rắn từ đâu chui ra chặn ngang lối đi. Con rắn lạ khoanh tròn như cái nong, kêu “túc, túc, túc…” đời tôi chưa từng thấy, nó giương đầu đứng im nhìn 2 chúng tôi, điều lạ là tuyệt nhiên không tấn công người. Nhưng con trai tôi sợ quá bèn lấy đá ném xua đi, vậy mà khoảng cách chỉ chừng 2m, nó cố gắng ném mấy cũng không trúng, quá sợ cha con tôi bàn nhau bỏ chạy ngược ra cửa hang. Vừa ra đến nơi, chưa hết hoàng hồn thì con rắn lại đứng ngay trước mặt, chúng tôi không hiểu bằng cách nào nó trườn nhanh thế, quá hoảng chúng tôi đành bỏ về”. Đến nay cụ Phúc vẫn tin rằng, con rắn đó là điềm linh ứng gì đó từ vua Hồ Quý Ly.
Một lần khác, cụ và con trai rủ một người bạn cùng đi, lại là chiếc hang cũ, lần này không có rắn. Đường vào hang sâu, hiểm trở và nhiều ngách, phải dùng đèn pin soi thì cụ bắt gặp những dấu tích có con người từng lui tới. Lối đi được đục thành bậc đã mọc rêu, trên vách hang còn có một số chữ nho. Hết đoạn ngoài cửa hang thì đường hẹp dần.
Đến một ngách hang hình chữ y, cụ và con trai quyết định chui vào ngã hang nhỏ chỉ lọt người, thì bắt gặp một cái dốc có bậc dẫn lên. Cụ Phúc trèo lên thì gặp một mỏm đá bằng phẳng như chiếc bàn nhỏ, trên đó có khắc 2 chữ nho, cụ ghi lại rồi tiếp tục đi. Được mấy bước thì lại gặp một thanh kiếm không còn cán, đã han gỉ do bị ẩm ướt, cắm sâu vào một lỗ hang nhỏ. Lúc đó cụ Phúc có mang theo chiếc thước dây nên tiện thể đo và ghi lại.
Cụ kể: “Thanh gươm cong hình lưỡi liềm, tôi đo và ghi lại cẩn thận, dài 82 phân, rộng 4 phân. Quan sát kỹ lại thấy trên thân có 2 chữ nho, nhưng không hiểu nghĩa, nghi vấn là kiếm vua, nhưng sợ nên chúng tôi đặt lại chỗ cũ, không dám mang về. Sau này người dân sống gần núi kể, có người tìm vào, thấy kiếm tưởng đồ cổ giá trị, mang về nhà đã gặp vô số trắc trở nên mang trả lại. Tuy nhiên, thật buồn là năm sau tôi quay lại thì thanh kiếm không còn nữa”.
Để chứng minh, cụ Phúc đưa trang giấy mà cụ đã cẩn thận vẽ hình gươm và ghi lại chữ trên thân gươm ngày đó cho tôi xem. Cụ bảo, dù đã mang đi hỏi rất nhiều người biết chữ Nho, nhưng chỉ đọc được chữ “Xuất”, còn chữ còn lại thì không ai hiểu được. Điều đau lòng là, những năm gần đây có một nhà máy xi măng mọc lên, hậu quả làm núi Kho và chiếc hang Vua đã bị san bằng phẳng, cùng những chữ bí ẩn trên đá, khi cụ chưa kịp giải mã. Cụ Phúc nghi vấn rằng đó có thể là ấn kiếm của vua Hồ Quý Ly.