Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201303/26880-long-tham-va-bi-kich-tu-chay-an-392100/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201303/26880-long-tham-va-bi-kich-tu-chay-an-392100/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lòng tham và bi kịch từ... 'chạy án' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 18/03/2013, 16:27 [GMT+7]
26880

Lòng tham và bi kịch từ... 'chạy án'

Trùm ma túy Vũ Ngọc Sơn.
Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT - C47) Bộ Công an vừa kết thúc điều tra đường dây ma túy "khủng" tại Bắc Giang do Vũ Ngọc Sơn cầm đầu. Từ một đối tượng bị bắt giữ quả tang, sau gần 2 năm điều tra, đến nay Cơ quan CSĐT đã khởi tố 46 bị can về 10 tội danh: Mua bán trái phép ma túy; Giết người; Chống người thi hành công vụ; Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Môi giới hối lộ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Không tố giác tội phạm.

 

Đặc biệt, bên cạnh việc khai thác, xử lý triệt để các đối tượng trong vụ án buôn bán ma túy lớn này, Cơ quan CSĐT đã phát hiện và đưa ra ánh sáng 3 đường dây "chạy án" cho những kẻ phạm tội ma túy. Phía sau lòng tham, sự lọc lừa của không ít kẻ "chạy án", có cả những bài học đau xót cho những cán bộ nhà nước vì một phút yếu mềm đã tự đánh mất bản thân.

Đường dây buôn bán trên 200 bánh heroin

Đầu mối chính trong đường dây ma túy liên tỉnh này là Vũ Ngọc Sơn tức Vũ Đình Sơn (35 tuổi, ở thôn Núi Ính, Ngọc Vân, Tân Yên, Bắc Giang). Sơn và một người chị là Vũ Thị Hương được hai ông bà Vũ Đình Viết, Thân Thị Mận nhận làm con nuôi từ ngày còn đỏ hỏn. Bản tính từ nhỏ đã khó bảo, ngang tàng, luôn tỏ ra anh chị, nên khi lớn lên ở một làng có "truyền thống" về ma túy, Sơn nhanh chóng bập vào thứ hàng chết người. 20 tuổi, Sơn có tên trong danh sách những con nghiện ma túy nặng của xã Ngọc Vân. Sơn trở nên "nổi tiếng" sau khi lấy con gái của Nguyễn Thị Ca - "bà trùm" ma túy xã Ngọc Vân.

Tiếng tăm của bà Ca nổi như cồn trong giới tội phạm  buôn ma túy của đất Bắc Giang  không chỉ bởi "đại gia đình" của bà này đều có người dính dáng đến ma túy mà bà Ca còn được coi là  người đầu tiên đưa ma túy về xã Ngọc Vân, giúp nhiều người trong xã làm giàu bất chính từ ma túy. Thậm chí, những kẻ buôn "cái chết trắng" còn điên rồ tôn sùng người đàn bà tội lỗi này lên làm "thành hoàng" của làng(?!).

Năm 2009, sau khi chấp hành bản án 60 tháng tù giam về tội mua bán trái phép ma túy, Sơn ly hôn với con gái của "thành hoàng" làng ma túy, cặp kè với một phụ nữ bỏ chồng ở tận Đồng Nai. Một thời gian lang thang, Sơn đưa cô này về Bắc Giang chung sống như vợ chồng và bắt đầu quay trở lại con đường buôn ma túy với vai trò một "ông trùm". Sơn trực tiếp lái xe ôtô lên Sơn La, vào các bản móc nối với những đầu nậu ma túy như Tráng A Lầu, Sồng A Cở, Sồng A Trang… để buôn ma túy về xuôi, cấp cho các "đại lý" ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang.

Trong một thương vụ "một thương một ngựa" lên Sơn La buôn hàng, ông trùm ma túy Vũ Ngọc Sơn đã bị lực lượng phòng chống ma túy của Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47) Bộ Công an và Công an hai tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang vây bắt. Bị truy đuổi đến xóm Đôi, xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc, Hòa Bình, Sơn liều lĩnh lao ôtô vào tổ công tác trên đường rồi điên cuồng nã đạn trong đêm tối làm một chiến sĩ Cảnh sát  cơ động bị thương. Sau nhiều giờ cố thủ trong rừng, Sơn đã bị lực lượng công an cùng người dân bắt giữ, thu giữ xe ôtô và 8 bánh hêrôin.

Sau gần 2 năm tích cực điều tra, Cơ quan CSĐT đã lần lượt bóc tách các "vòi bạch tuộc" trong đường dây ma túy của Vũ Ngọc Sơn. Nhiều "trùm" ma túy bị bắt giữ, trong đó có Nguyễn Thị Thịnh (34 tuổi, ở Ngọc Vân, Tân Yên, Bắc Giang). Thịnh  là một trong những đầu mối mua bán, vận chuyển ma túy lên Lạng Sơn, "tuồn" cho các "đầu nậu" thân quen để đưa ma túy ra nước ngoài tiêu thụ. Cơ quan CSĐT có đủ tài liệu kết luận Thịnh đã tham gia mua bán 56 bánh hêrôin.

Ở Bắc Giang, Thịnh được đánh giá là một "đại gia" làm giàu nhanh từ buôn bán ma túy. Trong vụ án này, tổng số tiền tang vật mà Cơ quan điều tra thu giữ là trên 10 tỉ đồng, thì trong đó có tới 5,6 tỉ đồng thu của Nguyễn Thị Thịnh. Ngoài ra, Thịnh còn bị thu giữ 2 xe ôtô Yaris và Fortuner. Bị thu nhiều tài sản, xót của, gia đình Thịnh đã tìm cách "chạy án".

"Chạy án" - tiền mất tật mang

Sau khi "bà trùm" ma túy Nguyễn Thị Thịnh bị bắt, phần vì xót con, phần vì xót số tài sản lớn đã bị thu giữ, Bùi Thị Giang (mẹ đẻ của Thịnh) chạy đôn chạy đáo tìm cách chạy chọt. Giang tìm đến Dương Thị Khang (55 tuổi), ở cùng xã Ngọc Vân, Tân Yên, Bắc Giang để nhờ vả. Bùi Thị Giang đặt vấn đề xin giảm nhẹ tội cho Thịnh và xin lại tài sản bị thu giữ.

Do trước đây nhiều lần làm ăn với Thịnh, có lần Thịnh mang mấy quyển sổ đỏ đến nhờ Khang sang tên, biết bà Giang là người có tiền nên mặc dù không có quan hệ gì để có thể "chạy án", Dương Thị Khang "chém gió" rằng quen biết nhiều người có thể can thiệp vụ việc cho Thịnh. Khang đòi Giang đưa 1 tỉ đồng để chạy tội cho Thịnh nhưng sau khi nhận tiền, thị dùng để chi tiêu cá nhân. Đợi mãi nhưng không thấy có tín hiệu gì từ phía con gái, Bùi Thị Giang đến đòi tiền Dương Thị Khang. Viện cớ đã đưa tiền cho người này người nọ lo việc cho Thịnh, Khang chỉ trả lại 470 triệu đồng.

Cuối năm 2011, khi làm rõ các hành vi "chạy án" trong đường dây ma túy của Vũ Ngọc Sơn, Cơ quan CSĐT đã bắt giữ Dương Thị Khang về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi Khang bị bắt, một số người nhà phạm nhân phạm tội về ma túy ở xã Ngọc Vân đã viết đơn tố cáo hành vi lừa đảo "chạy án" để chiếm đoạt tiền của Dương Thị Khang.

Bị lừa nhiều tiền nhất là gia đình của Hà Văn Nhạy, đối tượng bị bắt giữ từ tháng 11/2009  trong một đường dây  mua bán trái phép ma túy với số lượng lớn. Phán đoán khả năng Nhạy sẽ bị xử tội  với mức án rất cao, nghe đồn  Khang có khả năng chạy tội, anh trai Nhạy là Hà Văn Bập tìm đến nhờ vả Khang. Sau khi hỏi tình hình hôm Nhạy bị bắt Cơ quan điều tra không thu giữ gì, Khang "phán" rằng sẽ chạy được cho Nhạy 3 tháng sau về nhà với giá là 300.000 USD và 500 triệu đồng. Quá vui mừng, chỉ chưa đầy một tuần, người nhà Nhạy thu xếp, dồn góp được đủ số tiền trên đưa cho Khang. Thế nhưng, sau 3 tháng vẫn không thấy động tĩnh, tìm thị Khang để hỏi thì Khang vẫn trấn an gia đình đang tìm cách lo lót.

Cho đến hôm xét xử, Hà Văn Nhạy vẫn bị tuyên án tử hình, Khang vẫn liến thoắng bảo vẫn đang "chạy án" và  hướng dẫn người nhà Nhạy viết đơn xin tha tội chết gửi Chủ tịch nước, nếu Nhạy bị tử hình thì Khang trả lại tiền. Đến phiên xử phúc thẩm, Hà Văn Nhạy vẫn bị tuyên tử hình, gia đình Nhạy nhiều lần đòi tiền Khang nhưng thị  khất lần, bảo rằng đã chuyển tiền cho nhiều người giúp chạy án nên không đòi được. Vậy là gia đình của Hà Văn Nhạy mất toi số tiền trên 6 tỉ đồng mà không dám kêu ai bởi lo lộ chuyện "chạy án" thì chính họ cũng bị xử lý. Cho đến khi Khang bị bắt, uất ức vì bị mất không số tiền quá lớn, Hà Văn Bập làm đơn tố giác tới Cơ quan Công an.

Trở lại vụ "chạy án" của Nguyễn Thị Thịnh. Sau khi nhờ Dương Thị Khang lo chạy tội cho con không được, Bùi Thị Giang rất lo lắng, ngày đêm dò hỏi các mối quan hệ để tìm người tiếp tục chạy chọt. Đương lúc Giang quẫn trí vì không tìm ra người nào thì Dương Ngô Sơn (47 tuổi), thợ xây nhà cho Thịnh trước khi bị bắt khoe có "quan hệ hay lắm". Sơn yêu cầu Bùi Thị Giang đưa 3 tỉ đồng để chạy tội cho Thịnh. Giang đồng ý rồi bàn với Triệu Văn Đời (31 tuổi), người tình "phi công trẻ" của Nguyễn Thị Thịnh xách ngay túi tiền, vàng trị giá 3 tỉ đồng đến giao cho gã thợ xây.

Sở dĩ Dương Ngô Sơn dám tuyên bố có khả năng "chạy án" cho gia đình Nguyễn Thị Thịnh, là bởi Sơn chơi thân với Trần Quang Nho (), ở cùng xã. Nho chỉ là một nông dân nhưng quá trình giao lưu với mọi người, anh ta nghe kể có một ông "giáo sư, tiến sĩ" luật ở Hà Nội "chạy án" rất giỏi, từng chạy tội cho nhiều người phạm tội ma túy ở Bắc Giang. Vậy là Nho và Sơn bàn nhau sẽ đi tìm ông "giáo sư, tiến sĩ" chuyên chạy án trên để nhờ việc của Thịnh. 

Người mà Sơn và Nho tìm đến là Nguyễn  Thế Quyền (41 tuổi), Tiến sĩ luật, giảng viên Trường đại học Thương mại. Thời gian trước, khi ngành giáo dục chưa có quy định cấm, Nguyễn Thế Quyền vừa làm giảng viên đại học, vừa "tranh thủ" công việc luật sư, nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhiều bị cáo, trong đó có người phạm tội ma túy nên có mối quan hệ với thân nhân của họ. Sau khi xin được địa chỉ nhà của Nguyễn Thế Quyền,  hai tên  mò lên Hà Nội gặp Quyền đặt vấn đề chạy tội và xin tài sản. Cả ba thống nhất chi phí "chạy án" là 1 tỉ đồng.

Để lo việc xin tài sản cho Thịnh, Nguyễn Thế Quyền tới Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang, gặp Hoàng Văn Phái là Trưởng phòng Khiếu tố đặt vấn đề. Quyền thống nhất với cán bộ của Cục Thi hành án cách lấy lại tài sản cho Nguyễn Thị Thịnh bằng cách làm giấy Thịnh bán chiếc ôtô Fortuner cho Nguyễn Thế Quyền trước thời điểm Thịnh bị bắt và tìm cách nhắn tin cho Thịnh đang bị giam giữ biết cách khai báo hợp pháp về số tiền 5,6 tỉ đồng thu giữ và chiếc ôtô Yaris.

Vì có nhiều người tham gia "chạy án" cho Nguyễn Thị Thịnh nên số tiền  đòi hỏi chi phí chạy tội được các đối tượng tăng dần theo từng cấp nhằm trục lợi. Như Dương Ngô Sơn nhận của gia đình Thịnh tổng số 3,5 tỉ đồng nhưng chỉ đưa lại cho Trần Quang Nho 1,6 tỉ đồng. Nho đưa lại cho Quyền 1,25 tỉ đồng. Sau này Quyền khai đã đưa hối lộ lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Bắc Giang 1 tỉ đồng nhưng không có căn cứ để chứng minh lời khai này. 

Kết cục của vụ "chạy án" này, kẻ như Nguyễn Thị Thịnh thì tiền mất tật mang, Dương Ngọc Sơn, Trần Quang Nho, Nguyễn Thế Quyền, Hoàng Văn Phái lần lượt bị bắt giữ và đề nghị truy tố về tội môi giới hối lộ.

Đại úy Ngô Trung Hiếu, Phó trưởng phòng 6 - C47, điều tra viên chính thụ lý vụ án nói rằng, "chạy án" là tâm lý thường có của thân nhân những người phạm tội bị bắt giữ, tìm mọi cách để mong nhẹ tội  cho người nhà mình theo kiểu "có bệnh thì vái tứ phương" vậy. Cũng vì lẽ đó, đã xuất hiện những kẻ tham gia "chạy án" để trục lợi, thậm chí nhiều kẻ lừa đảo còn nhân cơ hội này để kiếm tiền của các gia đình. Mở rộng điều tra mảng "chạy án" trong đường dây ma túy của Vũ Ngọc Sơn mới thấy đúng là "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", nhiều kẻ tội phạm ma túy hết sức tinh vi, thủ đoạn nhưng khi tham gia "chạy án" đã bị những đối tượng khác lừa đảo một cách dễ dàng.

Như trường hợp Nguyễn Xuân Hòa, một "đầu nậu" chuyên lấy hàng của Sơn cũng  gặp phải kẻ lừa đảo khi ôm tiền đi chạy án. Năm 2004, bố  Hòa là Nguyễn Xuân Hợp và mẹ là Đào Thị Huế bị Công an tỉnh Hòa Bình bắt về tội buôn ma túy, qua ông chú ruột, Hòa đã cầm cố  nhà cửa, tài sản được 2 tỉ đồng đưa cho Nguyễn Ngọc Quý nhà ở Cầu Giấy, Hà Nội, nghe nói là "làm to ở Bộ Công an". Sau này, khi biết được việc nhờ ông Quý chạy án cho bố mẹ Hòa không đạt kết quả theo yêu cầu, cũng không lấy được giấy tờ nhà đất nên Hòa đến đòi lại tiền, nhưng Quý nói đã đưa hết cho người ta rồi không có tiền trả nữa. Chuyện vỡ lở, Hòa mới biết Nguyễn Ngọc Quý chỉ là cán bộ hưu trí.

Bản thân ông trùm Vũ Ngọc Sơn trước khi bị bắt giữ từng  ôm 550 triệu đồng nhờ Nguyễn Văn Tới, Trưởng Công an xã Ngọc Vân, Tân Yên, Bắc Giang hỏi Công an Lạng Sơn xem Hoàng Trọng Quân bị bắt có liên quan gì đến Sơn không vì Quân cũng là bạn hàng của Sơn. Nguyễn Văn Tới, sau này đã chuyển sang làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Vân cũng không thoát tội.

Đại úy Ngô Trung Hiếu, không khỏi trầm ngâm nói rằng, những vụ án ma túy lớn mà anh đã từng tham gia điều tra, có liên quan đến "nội bộ" các cơ quan thực thi pháp luật như Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an, đều để lại những bài học đau xót. Trong đường dây ma túy của Vũ Ngọc Sơn cũng vậy. Áp lực nặng nề nhưng cũng rất  đau lòng khi đối mặt không phải là tội phạm mà lại là chính những người từng là đồng chí, đồng đội của mình. Trách nhiệm phải làm, nhưng điều tra viên không tránh khỏi tâm tư, xót xa bởi có những cán bộ công an nhiều năm đấu tranh với tội phạm ma túy, do hoàn cảnh khó khăn, trước cám dỗ vật chất đã không vượt qua bản thân dẫn đến  vi phạm nguyên tắc và trở thành tội phạm.

Như Nguyễn Viết Hòa, nguyên cán bộ Phòng PC52  Công an Thái Nguyên, đã bị khởi tố về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” để chiếm đoạt số tiền 2 tỉ đồng khi thực hiện bắt giữ Trần Văn Hưng, một đối tượng ma túy liên quan trong đường dây.  Rồi Ma Khánh Linh, nguyên cán bộ Phòng PC45 - Công an Thái Nguyên,  từng là một cán bộ giỏi, bắt giữ nhiều tội phạm nguy hiểm. Thế nhưng chỉ vì một phút hám lợi, Mã Khánh Linh đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tạo chứng cứ giả nhằm thay đổi bản chất sự việc trong vụ việc bắt giữ Trần Văn Hưng.

Việc Cơ quan điều tra  khởi tố, bắt giữ những cán bộ này, không chỉ thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy mà còn là bài học cảnh tỉnh những người đang công tác tại các cơ quan thực thi pháp luật trước những cám dỗ vật chất…


CSTC
.