Với lịch sử trên 300 năm, làng rèn dao xã Phúc Sen (Quảng Uyên, Cao Bằng) ngày càng khẳng định được "tiếng thơm" trên thị trường. Đối với người dân Phúc Sen, nghề rèn dao là một nghề có lịch sử truyền thống từ lâu đời. Không ai còn nhớ người đầu tiên mang nghề về làng, chỉ biết rằng nghề rèn cứ nối tiếp nhau từ đời này sang đời khác.
Những bậc cao niên gắn bó với nghề cho biết nghề rèn dao cũng có lúc thăng trầm trước thời cuộc, dao làm ra không tiêu thụ được bởi những sản phẩm nhập từ Trung Quốc mẫu mã đẹp bắt mắt giá lại rẻ hơn chiếm được thị hiếu của người tiêu dùng.
Phải mất rất nhiều năm liền, nghề dao ở Phúc Sen mới từng bước khẳng định được thương hiệu và lấn lướt được hàng Trung Quốc. Người dân các huyện thị và các tỉnh lân cận đã biết đến dao Phúc Sen nhiều hơn và nhận thấy rõ chất lượng sắc bén cũng như độ bền cao bởi sản phẩm làm ra 100% là hàng thủ công.
Nói về ưu thế của dao Phúc Sen, anh Long Văn Thắng cho biết: "Các loại dao Thái Lan, Trung Quốc tuy cũng có hình thức bắt mắt nhưng chỉ dùng được một trời gian ngắn là lưỡi tự cùn, mài lại cũng không dùng được, do không được tôi cẩn thận. Vì vậy phần lớn người tiêu dùng lại quay sang dùng dao Phúc Sen vì sản phẩm ở Phúc Sen luôn ý thức đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu"
Làm ồ ạt, bán công khai
Ngoài việc rèn rao và các nông cụ, làng nghề Phúc Sen hiện nay còn sản xuất cả "hàng lạnh". Đặc biệt những mặt hàng này lại được sản xuất ồ ạt và bày bán công khai.
Theo quan sát của chúng tôi, không ít lò rèn sản xuất kiếm, mã tấu, thanh long đao, phớ các loại. Thậm chí các chủ lò còn làm rất chu đáo, kiếm hay đao đều được trang bị thêm cả bao kiếm bằng gỗ để người sử dụng dễ cầm.
Tại lò rèn của anh Đinh Văn Bảng, có thể thấy hàng trăm loại dao đủ kiểu dáng khác nhau từ thái, cắt gọt… Xen lẫn trong đám dao đó là những thanh kiếm sáng choang được bày bán ngay tại tiệm. Không chỉ tồn tại kiếm, mà còn nhiều loại phi tiêu, đao, gậy sắt, mã tấu… cũng được các cánh thợ miệt mài sản xuất.
Một thợ rèn ở Phúc Sen tiết lộ: "Mỗi tháng lò cũng xuất được khoảng trên 100 sản phẩm gồm kiếm và mã tấu. Những hàng này bán chạy gấp trăm lần so với bán dao thông thường. Anh này còn cho biết người đặt mua chủ yếu là những cánh xe tải, người dân thị xã, huyện biên giới như Trùng Khánh và một số khách vãng lai.
Thấy chúng tôi tò mò, một trong những thợ rèn rút ra thanh kiếm đựng trong bao gỗ vừa múa máy vừa nói thẳng thắng: "Chủ nhân của thanh kiếm này là một lái buôn ở thị xã đã trả giá 500 nghìn. Đao kiếm đang thịnh hành, bán dễ, giá cao… Lò nào cũng làm, mình không làm thì thiệt".
Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, các chủ lò ở Phúc Sen thường làm tập trung theo kiểu mắt xích. Khi có mối đặt hàng với số lượng lớn, cánh thợ rèn lại quy tụ nhau lại cùng làm để đảm bảo tiến độ thời gian. Bên cạnh việc sản xuất theo nhu cầu của người mua thì các thợ rèn này đều làm dự trữ một số "hàng lạnh" để tiện việc trao đổi và xem hàng. Nếu có khách trả giá cao họ sẵn sàng bán luôn.
Nguy cơ bùng phát "thảm họa"
Dọc quốc lộ 3, cách cửa khẩu Tà Lùng vài chục cây số là hàng trăm lò rèn lớn nhỏ đang rực lửa với những tiếng búa đập inh tai, tiếng máy mài rẹt rẹt, tiếng kim loại đập vào nhau chát chúa. Hàng nghìn con người lớn nhỏ miệt mài lao động để cho ra mắt bộ sản phẩm bằng dao, kiếm, thanh long đao các loại…
Nếu như trước làng rao Phúc Sen từng có thời kỳ bị hàng Trung Quốc áp đảo thì ngày nay trên khắp các thị trường Việt và Trung có thể thấy sản phẩm Phúc Sen ngày càng chiếm ưu thế hơn. Một thợ rèn cho hay: "Chỉ sợ không có sức, chứ làm ra bao nhiêu là hết bấy nhiêu. Hàng được những thương lái ở huyện vùng biên giới như Trùng Khánh, Phục Hòa tìm về mua và đưa sang Trung Quốc.
Trung bình một ngày các thợ rèn sản xuất ra hàng trăm bộ sản phẩm dao kiếm các loại. Một số lượng hàng lớn khủng khiếp như vậy, với lịch sử bề dày hàng trăm năm nay không thể ước tính được có bao nhiêu "hàng lạnh" được tuồn bán ra thị trường. Những vật vốn "tầm thường" này lại trở thành công cụ tiếp tay cho cái ác hoành hành… Với lợi nhuận lớn thu được từ việc sản xuất "hàng lạnh", các thợ rèn ở Phúc Sen ngày càng lao mình vào sản xuất mà không lường trước được mức độ nguy hiểm của những sản phẩm mà họ làm ra.
Bên cạnh đó, sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng khiến làng rèn truyền thống một thời dần dần phai nhạt và cái tên làng hung khí, làng sản xuất hàng lạnh ngày càng rầm rộ. Nếu không có một biện pháp ngăn chặn kip thời nguy cơ bùng phát bạo lực, bùng phát thành "thảm họa" là điều khó dự báo.
Ông Linh Văn Phù, Chủ tịch UBND xã Phúc Sen: "Nghề rèn ở Phúc Sen tồn trại trên 300 năm lịch sử, nghề đã giúp người dân có việc làm và cuộc sống ổn định hơn. Trên địa bạn xã có tổng cộng 10 xóm, trong đó 7 xóm tham gia nghề rèn. Những em học sinh cấp 1, cấp 2, ngoài giờ học trên lớp cũng tham gia vào nghề phụ giúp gia đình". "Khi chúng tôi đặt về đề về việc bán công khai “hàng lạnh”, ông Phù biện minh: "Việc người dân sản xuất “hàng lạnh” là để treo trên ban thờ hay làm đồ trang trí. Từ trước đến nay chưa có trường hợp nào ở địa phương dùng đao kiếm để sát hại nhau". |