Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201209/23182-rao-ban-con-trot-dai-hay-bang-hoai-dao-duc-395034/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201209/23182-rao-ban-con-trot-dai-hay-bang-hoai-dao-duc-395034/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Rao bán con, trót dại hay băng hoại đạo đức? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 27/09/2012, 10:43 [GMT+7]
23182

Rao bán con, trót dại hay băng hoại đạo đức?

Rao bán con, trót dại hay băng hoại đạo đức?
Vì mẽ bề ngoài cùng với những lời yêu đương có cánh, Lê Thị Mai (Vũ Thư, Thái Bình) đã đem lòng yêu thương gã trai mang mác sinh viên Đại học Mỏ Địa Chất chỉ sau 2 tháng quen biết. Thứ đảm bảo duy nhất chỉ là số điện thoại di động. Thế nên khi Mai thông báo mình mang bầu, gã người yêu họ "Sở" đã lặn không sủi bọt và bỏ luôn sim điện thoại đang dùng.
 
Thân gái một mình nơi đất khách quê người, nuôi thân còn khó nói chi đến nuôi con. Có lẽ vì đã lường trước được những khó khăn mà mình sẽ phải trải qua nếu nuôi con đơn thân nên Mai đã nhờ anh trai rao bán con mình lên mạng ngay từ lúc nó chưa kịp chào đời. Dù với bất kể lý do gì thì đó vẫn là hành động trái với luân thường đạo lý và không thể tha thứ.
 
Tình yêu mù quáng
 
Tìm thấy mẩu tin rao "cho con" trên một trang web hiếm muộn tôi đã tìm cách liên lạc với Mai. Tuy nhiên, số đăng trên trang web đó lại không phải là của Mai mà là của anh trai cô. Sau những lời hỏi han ở mức độ dè chừng đầy cảnh giác, cuối cùng thì anh trai Mai cũng đã tin tôi là người đang có nhu cầu tìm con nuôi thực sự. Người đàn ông đó đã cho tôi số điện thoại của Mai. Có lẽ vì đã được anh trai làm công tác tư tưởng trước nên Mai đồng ý gặp chúng tôi hai ngày sau đó.
 
Vận bộ quần áo rộng thùng thình để che đi bụng bầu vừa sang tháng thứ 5. Dáng vẻ mộc mạc hằn in những dấu ấn lam lũ cộng với những lo lắng trong những ngày tháng vừa qua khiến Mai trông già dặn hơn rất nhiều so với cái tuổi mười tám của cô. Mai bỏ học từ lớp 9 với lý do "học không vào".
 
Không chấp nhận cuộc sống chân lấm tay bùn, Mai xin bố mẹ lên Hải Phòng làm ăn. Sau khi chuyện chẳng may dính bầu xảy ra, Mai đã bỏ xưởng may lên Hà Nội để tránh những cái nhìn soi mói, dò xét của những người quen biết. Mai chia sẻ với chúng tôi: "Em mới xin vào làm tại một cửa hàng giặt đồ thuê. Nếu giờ họ biết chắc chắn sẽ đuổi việc em. Em toàn phải mặc đồ rộng và không nghe điện thoại trong giờ làm việc. Em chỉ liên lạc với anh trai em thôi".
 
Trước thái độ chân thành và cảm thông của chúng tôi Mai có vẻ đã yên tâm tin rằng chúng tôi là những người thực sự thiện chí muốn nhận nuôi con Mai khi nó được sinh ra. Thế nên cô đã không e ngại mà kể cho chúng tôi nghe về mối tình mà khi mới bắt đầu cô tin là vĩnh cửu. Một năm trước, cô gái quê mộc mạc lên thành phố Hải Phòng làm may.
 
Lần đầu tiên xa nhà, xa bố mẹ với biết bao điều lạ lẫm. Rồi cô cũng có bạn mới, tuổi trẻ nhanh chóng hòa đồng với cuộc sống nơi phố thị. Trong một lần tình cờ đi chơi cùng bạn, Mai có quen một gã thanh niên, hắn nói là cùng quê Thái Bình. Không biết có phải vì gã đó là đồng hương hay vì cái mác sinh viên đại học với vẻ ngoài điển trai mà Mai thấy cảm tình ngay từ lần đầu gặp gỡ.
 
Mai nói: "Ngay sau khi nói chuyện với nhau được vài câu, anh ấy đã xin số điện thoại của em. Anh ấy bảo là dù chỉ mới gặp em lần đầu nhưng rất có cảm tình với em. Anh ấy còn tự giới thiệu đang là sinh viên năm thứ 4 trường Mỏ Địa Chất ở Hà Nội".
 
Vậy là cô thợ may quê mùa đã sập bẫy gã trai với vẻ bề ngoài hào nhoáng. Người trong mộng của Mai tên Liêm, cùng tỉnh nhưng khác huyện (theo lời kể của Mai), sinh năm 1988. Với cặp kính cận đầy trí thức, tương lai tươi sáng mà hắn vạch ra, Mai chẳng hề mảy may nghi ngờ "nguồn gốc xuất xứ".
 
Mai kể lại: "Anh ấy nói, khi nào ra trường sẽ về nhà em nói chuyện với bố mẹ xin cưới em về làm vợ. Anh ấy nói chỉ yêu mình em thôi. Lúc đó bọn em tuy ở xa nhau nhưng cuối tuần nào Liêm cũng từ Hà Nội xuống Hải Phòng thăm em". Và khi chúng tôi hỏi Mai có biết nhà Liêm ở đâu không? Hắn có đưa cô về nhà chơi chưa? Hoặc có đưa cô lên trường chơi không thì Mai cúi mặt cùng với những cái lắc đầu và những giọt nước mắt.
 
Mai lí nhí: "Lúc ấy em yêu anh Liêm nên tuyệt đối tin anh ấy. Thế nên em cũng chả thắc mắc nhà anh ấy ở đâu. Bố mẹ như thế nào nữa!". Thật lạ, Mai yêu một người đàn ông mà không cần biết nhà anh ta ở đâu, gia cảnh ra sao. Chỉ sau vài lần hò hẹn Mai tự nguyện hiến dâng cái "ngàn vàng" cho anh ta. Dù bây giờ Mai đang là nạn nhân của gã họ Sở ấy nhưng cũng không thể không trách Mai khi cô quá khờ khạo, cả tin. Hay nói đúng hơn cô đã sống quá phóng túng để đến nỗi rước họa vào thân.
 
"Em cũng vì thương con"...
 
Sau những câu chuyện đời, chuyện tình lê thê của "kẻ bán con" chủ đề chính cuối cùng cũng được hai bên đưa ra đàm phán. Trong vai đôi vợ chồng hiếm muộn, chúng tôi ngỏ ý muốn "xin" đứa con trong bụng Mai. Cứ tưởng Mai sẽ rất ngại ngùng khi nói đến chuyện đó nhưng không ngờ cô rất thẳng thắn: "Em cần một gia đình tốt cho con em sau này. Gia đình đó phải có điều kiện nuôi nấng, dạy dỗ con em như con ruột. Em hứa sẽ không bao giờ hỏi han, làm phiền và tìm gặp lại cháu. Cũng vì bất đắc dĩ nên mới dứt ruột bán con". Buổi trò chuyện giữa chúng tôi và Mai bỗng bị ngắt quãng bởi một cuộc điện thoại gọi vào máy của Mai. Kết thúc cuộc ngã giá bằng một lời nhắn ngắn gọn: "Có gì em sẽ chủ động liên lạc với anh chị trong thời gian sớm nhất".
 
Quả đúng như dự đoán, khoảng 21h chúng tôi nhận được một tin nhắn dài của Mai với nội dung: "Điều kiện của em là gia đình anh lo cho em cho tới lúc em sinh em bé. Và khi sinh xong, em lấy 20 triệu, nếu được thì ok". Đọc xong dòng tin nhắn của Mai chúng tôi không khỏi xót xa cho một sự đổi chác, bán mua thật rẻ mạt, đớn đau. Chỉ với 20 triệu thôi Mai chấp nhận lìa xa giọt máu của mình.
 
Chỉ 20 triệu thôi cũng đủ để Mai cắt đi tình mẫu tử. Chẳng biết câu chuyện tình cảm sướt mướt kia có thật được bao nhiêu phần trăm nhưng đứa con trong bụng Mai vẫn đang lớn lên từng ngày từng tháng. Nó sẽ sống ra sao? Đối mặt với cuộc sống thế nào khi người đáng lẽ phải yêu thương nó nhất đã sẵn sàng "chối bỏ" nó vì nhiều lý do mà họ cho là… chính đáng?
 
Thực hư trào lưu rao bán con trên mạng?
Những mẩu tin rao bán con trên mạng đa phần đều có một mẫu số chung, đó là: chẳng may mang thai ngoài ý muốn khi chưa lập gia đình, vì lý do kinh tế và quan niệm không thể nuôi con đơn thân nên mới đành rao bán.
 
Với dòng tin nhắn ngắn ngủi trên một diễn đàn, cô gái có nick name khoc-dem cho biết: "Hiện tại em mang thai 29 tuần và dự định tháng 9 này sẽ sinh. Em không có khả năng nên muốn tìm người nhận con nuôi. Con em là trai. Em ở Hà Nội. Ai có ý định muốn xin con thì alo cho em theo số 0973...", cô gái viết. Theo thông tin mà cô gái cung cấp kết quả siêu âm, em bé đã được 1,3 kg và là bé trai. "Chuyện tiền nong, anh (chị) bồi dưỡng bao nhiêu thì tùy”.
 
Trang web hiemmuon.vn là nơi nhiều cô gái đã rao bán con mình.
 
Cũng trong trang web hiếm muộn, mục "cho con", một nick name khác viết: "Hiện tại em đang mang thai tháng thứ 8, dự kiến 12/10/2012 sinh con. Do hoàn cảnh và điều kiện em không thể giữ lại bé để nuôi được. Vậy anh (chị) hoặc gia đình nào có nhu cầu thì liên hệ với em qua địa chỉ Traitim_mongmanh90".
 
Ngay dưới đoạn rao bán đó, là một mẩu tin khác: "Xin chào mọi người, tôi có một người bạn hiện đang mang thai tháng thứ 9. Nhưng do hoàn cảnh và mang thai ngoài ý muốn nên bạn tôi muốn cho em bé. Cô ấy còn nhỏ tuổi, công việc chưa ổn định, bản thân cũng chưa thể lo cho mình thì làm sao nuôi em bé khôn lớn được. Nếu anh, chị, cô, chú nào thực sự có nhu cầu nhận nuôi bé thì liên lạc qua số di động: 090.2362.52X. Gặp Thủy hoặc An. Bạn tôi ở TP Hồ Chí Minh.
 
Xu hướng nhiều bạn trẻ rao bán con là có thật, nhưng độ tin cậy thì quả thực chưa ai dám chắc. Vì thực tế trên một số trang mạng, phía dưới tựa đề "cần cho con" là lời cảnh báo của những nạn nhân từng nhận "trái đắng" vì những thông tin trên mạng. Ví dụ như: "Sim điện thoại này lừa đấy hoặc chẳng có bà mẹ mang thai nào cả".
 
Chị Nguyễn Minh Phương (Nghĩa Tân, Hà Nội) từng là nạn nhân chia sẻ, vợ chồng chị đã lấy nhau gần 10 năm nhưng chưa có con dù đã chạy vạy khắp nơi nhưng cuối cùng vẫn không có kết quả. Sau thời gian vợ chồng bàn tính đã đi đến quyết định xin con nuôi. Một lần chị lang thang trên các trang mạng cho con nuôi và đã làm quen với một mối: Sinh viên trót dại mang bầu 5 tháng, cần cho con. Ngẫm người bán tuổi đời còn trẻ nên con cái khỏe mạnh chị quyết định liên hệ và gặp. Tuy nhiên sau khi lần theo số điện thoại và gọi thì chỉ nhận được câu "thuê bao hiện không liên lạc được…". Thế rồi chị mệt mỏi chán nản với những "bà mẹ ảo" đang ngày ngày tung hoành trên các trang mạng.
 
Nhiều cặp vợ chồng không chỉ mệt mỏi với những dòng quảng cáo bán con trên mạng còn vấp phải "trái đắng" khi nhận con của những "gái làng chơi". Cũng lên mạng rao bán con, với những dòng tâm sự sướt mướt: chuyện tình dang dở, trót dại ăn trái cấm để rồi nhỡ…. Phải bán con để lo cho tương lai. Thực tế đó chỉ là những chiêu trò của gái làng chơi, do nhiều lần đi khách không dùng biện pháp tránh thai nên đã dính bầu.
 
Câu chuyện của nhân vật với cái tên Thìn "ốc" ngụ tại Từ Liêm - Hà Nội với 5 lần bán con. Sau khi phóng viên CSTC xác minh thông tin thì được Công an phường sở tại cho biết: Hiện Thìn "ốc" chỉ tạm trú tại địa bàn, quan hệ của Thìn "ốc" hết sức phức tạp. Qua lại với nhiều người đàn ông, gần đây nhất có xác minh Thìn "ốc" đã nhiễm căn bệnh HIV từ khá lâu. Như vậy, ai dám chắc 5 đứa con mà Thìn đã bán cho người khác không bị nhiễm HIV? Và những người mua con của Thìn có phải đã "rước họa vào thân"?
 
Bất luận vì lý do gì đi chăng nữa việc rao bán con, cho con là việc làm vô cùng bất nhẫn và vô trách nhiệm. Mà theo bác sĩ Lê Thị Thúy (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) đó là hành động mất nhân tính. Bởi khi đứa con mới chỉ là cục máu và chưa kịp chào đời thì người mẹ đã lạnh lùng rao bán. Cho thì dễ nhưng nhận mới khó! Biết đâu sau này những cô gái buông thả đó lại phải đi xin những đứa con không phải máu mủ của mình về nuôi dưỡng. Đây là một thực trạng hết sức đau lòng của xã hội hiện đại.
 
Trả lời báo chí, Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình chia sẻ:
 
Việc "rao bán con" không phải đến nay mới có. Tuy nhiên ngày nay nó xuất hiện ngày càng nhiều và như một trào lưu, mốt của giới trẻ, biến họ thành những người sống buông thả. Đó là một hành động thiếu trách nhệm và vô cùng tàn nhẫn.
 
Vị Tiến sĩ này cũng cho biết thêm chuyện "rao bán con" không có gì bảo ồn ào. Đó là nhu cầu, tức là có cầu ắt có cung. Những bà mẹ hiếm muộn muốn nhận con nuôi, còn những cô gái muốn rao cho con lại tương đối ẩn danh. Việc "rao cho con" cho phép người ta "trốn thoát" một số nghĩa vụ.

CSTC
.