Thứ Tư, 06/11/2019, 08:27 [GMT+7]

Ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên

(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, cùng với sự gia tăng của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tình hình thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, là mối quan tâm lo lắng của toàn xã hội.

Cần sự phối hợp của các cấp, ngành để ngăn chặn vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên (Trong ảnh: Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh bắt đối tượng vi phạm)
Cần sự phối hợp của các cấp, ngành để ngăn chặn vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên (Trong ảnh: Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh bắt đối tượng vi phạm)

Theo thống kê gần đây của Bộ Công an, tỉ lệ gây án theo độ tuổi ở tuổi vị thành niên trên địa bàn cả nước là 5,2%, đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Các sự việc trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, danh dự của giáo viên và học sinh; tác động xấu đến môi trường giáo dục trong nhà trường và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tại Nghệ An, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 23 vụ bạo lực học đường, trong đó có nhiều vụ việc khá nghiêm trọng như vụ đánh nhau giữa nhóm học sinh nữ với một học sinh khác ở Trường THCS Diễn Kim và Diễn Hùng, vụ học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Cửa Nam 1 dùng dao đâm bạn... Cũng trong thời gian này, lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý khoảng 600 trường hợp cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về TTATGT, 10 vụ liên quan đến ma túy và 13 vụ trộm cắp tài sản, 1 vụ giáo viên tham gia “tín dụng đen”.

Theo phân tích của cơ quan chức năng, hầu hết các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền án, tiền sự, đang còn trong độ tuổi tới trường, tuy nhiên hành vi phạm tội lại hết sức manh động, nguy hiểm. Trong đó, đáng chú ý là những hành vi như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Lý giải cho thực trạng này, các nhà giáo dục cho rằng, trẻ vị thành niên là lứa tuổi đang trải qua quá trình biến đổi tâm, sinh lý, nhân cách chưa hình thành, muốn khẳng định bản thân, không thích bị phụ thuộc, bị ảnh hưởng bởi môi trường sống, những thói hư tật xấu dễ dẫn đến bị sa ngã, lôi kéo. Bên cạnh đó, mối quan hệ lỏng lẻo giữa trẻ vị thành niên với gia đình - nhà trường - xã hội khiến trẻ dễ sa ngã vào tệ nạn xấu. Trong gia đình, nếu bố mẹ thường xuyên quát mắng, đánh đập hay thờ ơ, mải lo cuộc sống mưu sinh mà không quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của con cái cũng dẫn đến tâm lý chán ghét, lầm lỳ, là mầm mống cho xu hướng bạo lực và lệch lạc trong nhận thức của các em.

Về phía nhà trường, chương trình học thường chỉ chú trọng về giảng dạy kiến thức trong sách vở mà thiếu đi những hoạt động, môn học giúp các em trang bị những kỹ năng, kiến thức thực tiễn, cách ứng xử. Những yếu tố từ môi trường xã hội cũng là một trong những lý do trực tiếp dẫn đến việc vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên. Ngoài những ảnh hưởng xấu của tệ nạn xã hội, văn hoá phẩm đồi truỵ,… việc quản lý trẻ em lang thang, không nơi nương tựa ở các địa phương đến nay vẫn chưa triệt để. Đây chính là những đối tượng rất dễ bị dụ dỗ vào những hành vi vi phạm pháp luật. Việc tạo điều kiện cho các em tham gia hoạt động học tập, làm việc và vui chơi cũng sẽ làm giảm tỉ lệ phạm tội ở trẻ vị thành niên.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa lực lượng Công an các cấp và các cơ sở giáo dục có lúc chưa kịp thời, gây khó khăn cho công tác tham mưu, giải quyết các vấn đề; một số cơ sở giáo dục còn thờ ơ, chưa dành đủ sự quan tâm tới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật,... nên việc chỉ đạo, triển khai một số chuyên đề công tác an ninh hiệu quả còn hạn chế cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình hình gia tăng số vụ phạm tội của trẻ vị thành niên. Để giảm thiểu và ngăn chặn thực trạng này, lực lượng Công an cùng các cơ sở giáo dục đào tạo cần tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát thích hợp đối với trẻ vị thành niên, đưa chương trình pháp luật vào giảng dạy ở nhà trường để các em có kiến thức phòng ngừa, cảnh giác trước các hành vi phạm tội, tệ nạn xã hội.

Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh (Trong ảnh: Công an huyện Đô Lương tuyên truyền Luật ATGT trên địa bàn)
Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh (Trong ảnh: Công an huyện Đô Lương tuyên truyền Luật ATGT trên địa bàn)

Nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT về tăng cường các giải pháp phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ bạo lực học đường, đảm bảo an ninh, an toàn trường học tại các cơ sở giáo dục. Chỉ thị 993 giao nhiệm vụ cho các trường xây dựng và triển khai Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục theo quy định của Bộ; thực hiện xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Thủ trưởng là người chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong cơ sở giáo dục.

Trước đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, Luật Giáo dục 2005, Luật Trẻ em 2016 quy định các quyền của trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ khỏi bạo lực học đường. Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định, 1 chỉ thị liên quan đến nội dung này.

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất và dân số đứng thứ 4 cả nước, có quy mô cơ sở giáo dục khá lớn và phủ rộng. Ý thức được điều này, những năm qua, cấp ủy, chính quyền nói chung, ngành Công an nói riêng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo thế hệ tương lai của đất nước. Công an tỉnh và Sở GD&ĐT Nghệ An đã ký kết quy chế phối hợp về “Công tác đảm bảo ANTT trong các cơ quan quản lý và trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, qua đó đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo nhằm nâng cao nhận thức của hai đơn vị về công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng ngừa ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật trong môi trường giáo dục.

Trong thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vị thành niên vi phạm pháp luật diễn ra rất quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà tình trạng tội phạm vị thành niên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Đến nay, công tác ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường đang là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của ngành Công an mà còn của cả hệ thống chính trị, cần có sự chung tay phối hợp của ngành Giáo dục, gia đình và toàn xã hội.

.

Nhật Quang

.