Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201811/bao-ve-quyen-va-loi-ich-chinh-dang-cua-nguoi-lao-dong-826309/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201811/bao-ve-quyen-va-loi-ich-chinh-dang-cua-nguoi-lao-dong-826309/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 29/11/2018, 08:48 [GMT+7]

Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động

(Conganghean.vn)-Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp vì nhiều lý do khác nhau đã thực hiện không đúng chế độ, chính sách với người lao động (NLĐ). Phổ biến là cho thôi việc trái pháp luật, bị chủ sử dụng lao động lợi dụng công sức, cắt xén quyền lợi… Các doanh nghiệp này còn viện dẫn nhiều lý lẽ để NLĐ không nắm được quy định, khiến họ phải chịu thiệt thòi. Trước thực trạng đó, các cấp công đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống cho NLĐ.
 
Giải quyết tốt tình trạng tranh chấp, đình công
 
Nghệ An là tỉnh có số lượng công nhân lao động khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đông, điều kiện tập trung khó khăn, lao động có đặc thù riêng. Tổng số công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An tính đến nay là hơn 178.000 người, trong đó, số lao động khu vực doanh nghiệp là 95.014 người. Mấy năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước thì mối quan hệ lao động cũng bắt đầu phức tạp, trên địa bàn liên tiếp xảy ra các cuộc đình công, cho thấy nhu cầu được phổ biến, giải đáp pháp luật của NLĐ ngày càng đòi hỏi mạnh mẽ. 
Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức truyền thông pháp luật lao động,  phòng, chống ma túy tại huyện Kỳ Sơn
Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức truyền thông pháp luật lao động, phòng, chống ma túy tại huyện Kỳ Sơn
Để các chính sách, pháp luật lao động được thực hiện tốt, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ đạo sát sao Công đoàn các cấp trong việc chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm, thu nhập, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Qua đó, báo cáo, đề xuất với các cấp chính quyền những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, NLĐ. Công đoàn cơ sở đã chủ động đề xuất với người sử dụng lao động nhiều giải pháp để duy trì, phát triển ổn định sản xuất, kinh doanh, chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, tạo việc làm, tăng thu nhập và giải quyết chế độ, chính sách cho NLĐ theo quy định. 
 
Nhờ sâu sát tình hình, các cấp Công đoàn đã chủ động phối hợp giải quyết kịp thời các cuộc đình công của NLĐ. Trong năm 2018, LĐLĐ Nghệ An đã tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho 9 cá nhân về thủ tục khởi kiện, lập hồ sơ khởi kiện vụ án lao động ra Tòa án nhân dân để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Trong số đó, LĐLĐ tỉnh nhận đại diện theo ủy quyền cho 5 lao động trong 5 vụ án tranh chấp lao động cá nhân, liên quan đến đòi nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), nợ lương, đòi tiền đặt cọc ký hợp đồng lao động (HĐLĐ). 
 
Điển hình như vụ án lao động giữa bà Trương Thị Bích Hà với Công ty CPSXTM Quyết Thành, về việc đòi tiền đặt cọc ký HĐLĐ. Qua hòa giải tại Tòa án, Công ty CPSXTM Quyết Thành buộc phải hoàn trả cho bà Hà số tiền 20 triệu đồng. Hay như trường hợp của chị Nguyễn Thị Nhàn, được LĐLĐ tỉnh hỗ trợ pháp lý về thủ tục tố tụng  khởi kiện Bệnh viện Thành An - Sài Gòn, đòi 100 triệu đồng tiền đặt cọc ký HĐLĐ. Ngoài các vụ việc trên, trong năm 2018, LĐLĐ tỉnh đã tích cực hỗ trợ pháp lý, giải quyết 4 vụ tranh chấp lao động tập thể trên địa bàn và giải quyết thành công 4 vụ án lao động cho 4 công nhân gồm: Lê Ngọc Cường, Dương Đình Phượng, Nguyễn Văn Đông, Đậu Đình Hiếu khởi kiện Công ty CP 482 về nợ BHXH, các bên tự hòa giải và rút đơn, Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án lao động.
 
Tăng cường giám sát, tuyên truyền
 
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức công dân trong giai cấp công nhân và NLĐ nhằm giải quyết cái gốc của tình trạng đình công trái pháp luật, khiếu nại, tố cáo. 
 
Cụ thể, trong năm 2018, Công đoàn cấp trên cơ sở đã khảo sát 21 huyện, thành, thị, 1 Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo về Thông  tư số 08/2016/TT-BGDĐT, quy định chế độ giảm định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên  làm công tác Công đoàn không chuyên trách, trong các cơ sở giáo dục công lập. Tham gia với BHXH Nghệ An thanh tra liên ngành tại 10 doanh nghiệp nợ BHXH của NLĐ. Qua thanh, kiểm tra, giám sát, Công đoàn các cấp đã phát hiện những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật... từ đó, đề xuất nhiều giải pháp tích cực để bảo vệ quyền lợi của NLĐ; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý vi phạm; đồng thời trực tiếp hướng dẫn, giải đáp về pháp luật, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực lao động, Công đoàn. LĐLĐ tỉnh Nghệ An đã chủ trì tổ chức Hội nghị gặp mặt Giám đốc và chủ tịch Công đoàn 26 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có đông công nhân lao động trên địa bàn. Thông qua Hội nghị, giúp giải quyết một số vướng mắc nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
 
Để đưa kiến thức pháp luật đến NLĐ, tổ chức Công đoàn phải lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc thù, ngành nghề, đơn vị. LĐLĐ tỉnh Nghệ An tiến hành nhiều hình thức tổ chức như: Tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật lưu động, kết hợp với đối thoại thực hiện chế độ, chính sách tại doanh nghiệp; truyền thông pháp luật bằng hình thức sân khấu hoá, tổ chức trò chơi giao lưu tìm hiểu một số quy định về pháp luật; Truyền thông về chế độ chính sách lao động nữ, bình đẳng giới, dân số - kế hoạch hoá gia đình. 
 
Trong năm 2018, LĐLĐ tỉnh đã thực hiện tư vấn trực tiếp tại văn phòng cho 101 trường hợp. Tư vấn trên Báo Lao động Nghệ An hàng tuần cho 48 trường hợp; tư vấn pháp luật trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cho 10 trường hợp; phối hợp với Đài tuyên truyền pháp luật trên trang Truyền hình Công đoàn, nội dung: Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; quy trình xử lý kỷ luật lao động; lao động bị sa thải có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không; hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động bao gồm những nội dung gì? chế độ trợ cấp thôi việc; quyền của đoàn viên công đoàn là gì; mức hưởng trợ cấp thất nghiệp...
 
Cũng trong năm 2018, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức tuyên truyền pháp luật lưu động cho 1.180 lao động tại 8 đơn vị, doanh nghiệp. Tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu về quyền của công nhân lao động" với sự tham gia bằng bài viết của 2.000 lượt công nhân. Ngoài ra, LĐLĐ còn triển khai các Đề án Thí điểm tư vấn pháp luật tại khu công nghiệp, bằng hình thức Điểm tư vấn Pháp luật Công đoàn Nghệ An; Thí điểm tuyên truyền pháp luật qua hệ thống tin nhắn điện thoại; Thí điểm mở trang LĐLĐ tỉnh Nghệ An trên facebook. 
 
Việc tuyên truyền, tư vấn và đối thoại cho công nhân lao động được thực hiện vào ngày nghỉ, giờ tan ca, giờ nghỉ giữa ca. Trước khi buổi tư vấn được diễn ra, cán bộ tư vấn phối hợp với chủ tịch Công đoàn tại các doanh nghiệp, tiếp xúc với công nhân tại cơ sở sản xuất, tập hợp những thắc mắc của công nhân về chế độ chính sách. Sau đó, lựa chọn thời gian phù hợp, cán bộ Công đoàn phối hợp với chủ sử dụng lao động doanh nghiệp tổ chức buổi tuyên truyền. Trong các buổi tư vấn, nhiều câu hỏi đã được NLĐ đưa ra, xung quanh các nội dung về Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm, An toàn vệ sinh lao động - PCCN. Các câu hỏi đã được cán bộ tư vấn giải đáp thoả đáng. Các buổi tư vấn đã tạo được không khí gần gũi, chia sẻ giữa người hỏi và người tư vấn. Qua đó, đã giải đáp trực tiếp các vướng mắc, kịp thời tư vấn, tổ chức đối thoại tại chỗ, hướng dẫn cho doanh nghiệp và NLĐ thực hiện đúng các quy định pháp luật, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
 
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch, Trưởng ban Chính sách pháp luật LĐLĐ tỉnh Nghệ An chia sẻ: Qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật cho NLĐ đã góp phần củng cố, xây dựng được quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động với NLĐ; nâng cao được ý thức trách nhiệm của tổ chức Công đoàn các cấp, với người sử dụng lao động trong việc phối hợp, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; giải quyết các chế độ, chính sách cho công nhân lao động; quan hệ phối hợp giữa các bên ngày càng được tăng cường; từng bước làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc tham gia giải quyết tranh chấp lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; NLĐ đã thấy được sự cần thiết phải tìm hiểu, học tập các chính sách pháp luật. Bên cạnh đó, NLĐ cũng cần phải tự nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật để thực hiện đúng và tự mình giám sát việc thực hiện các chính sách lao động của chủ sử dụng lao động là đúng hay sai. Khi đã am hiểu, nắm rõ các quy định của pháp luật, NLĐ sẽ tự tin, bản lĩnh để trực tiếp thương lượng, đối thoại, đề nghị mức lương, các quyền lợi của mình với chủ sử dụng lao động.
.

Cao Loan

.