(Congannghean.vn)-Thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật ở lứa tuổi vị thành niên đang có chiều hướng gia tăng. Trong số đó, có không ít trường hợp là học sinh phổ thông. Xu hướng trẻ hóa trong các vụ vi phạm pháp luật đã làm dấy lên những lo lắng, quan ngại trong dư luận xã hội.
Có thể nhận thấy, ngoài những nhân tố như hoàn cảnh, môi trường sống, phương pháp giáo dục của gia đình, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là những khoảng trống chưa được khỏa lấp trong công tác giáo dục pháp luật cho học sinh.
Chính những nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, mơ hồ đã dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt, thậm chí là có những hành vi coi thường pháp luật. Chỉ đến khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì mọi sự đã muộn, những hậu quả đáng tiếc đã có thể xảy ra.
Đội CSGT Công an TP Vinh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh - Ảnh: Đức thắng |
Trong chương trình giáo dục ở các bậc học phổ thông từ tiểu học đến THPT, những kiến thức cơ bản về pháp luật đã được đưa vào giảng dạy. Từ bậc tiểu học đến THCS, học sinh đã được làm quen với một số biển báo và những kiến thức cơ bản cần thiết khi tham gia giao thông. Mặc dù vậy, do hạn chế về thời lượng, cùng với đó là phương pháp truyền thụ của giáo viên chưa thực sự sinh động, hấp dẫn nên thường xảy ra tình trạng “học trước, quên sau”, kiến thức không “đọng” lại được lâu.
Ở bậc học phổ thông, tâm, sinh lý của học sinh đã có nhiều thay đổi. Với tâm lý muốn thể hiện, khẳng định mình đã là “người lớn”, dễ làm phát sinh ở lứa tuổi này những hành động bột phát, nông nổi. Việc trang bị những kiến thức, hiểu biết pháp luật cho học sinh ở bậc học này vì thế là rất cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác giáo dục pháp luật cho học sinh ở bậc THPT vẫn chưa mang lại những kết quả như mong muốn.
Nhiều kiến thức pháp luật quan trọng, gần gũi với cuộc sống đã được đưa vào chương trình môn Giáo dục công dân lớp 12. Mặc dù vậy, trong suy nghĩ của không ít học sinh hiện nay, Giáo dục công dân vẫn được xem là một “môn phụ” nên không mấy quan tâm, mặn mà. Đây cũng là năm học cuối cấp nên nhiều học sinh chỉ tập trung học các môn thi tốt nghiệp và thi đại học nên những kiến thức về pháp luật từ môn Giáo dục công dân có phần bị xem nhẹ. Những kiến thức về pháp luật vốn khô khan, trừu tượng, cần những hình thức tuyên truyền sinh động, linh hoạt để người học dễ tiếp thu.
Tuy nhiên, tình trạng thầy đọc - trò chép vẫn còn diễn ra, học sinh tiếp thu kiến thức thụ động, một chiều, tiết học vì thế trở nên nặng nề, kém hiệu quả. Do không “ngấm” được những kiến thức cần thiết, cơ bản về pháp luật, nhiều hành vi vi phạm của học sinh, nhất là ở những lớp cuối của bậc học phổ thông vẫn “vô tư” diễn ra.
Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cho học sinh phổ thông, trước hết, cần xác định rõ mục đích của công tác đặc biệt quan trọng này. Theo đó, giáo dục pháp luật cho học sinh trong nhà trường phổ thông phải xuất phát từ nhu cầu giáo dục toàn diện, giúp học sinh nắm được những kiến thức cơ bản về pháp luật. Giáo dục pháp luật cho học sinh không chỉ chú trọng trang bị những kiến thức về luật pháp, cần quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục thái độ và hành vi tự giác thực hiện pháp luật của học sinh.
Nhằm thực hiện tốt vấn đề này, công tác giáo dục pháp luật cho học sinh phải phù hợp với lứa tuổi và nhận thức của học sinh từng bậc học, từng vùng, miền. Trong quá trình giáo dục, cần coi trọng việc vận dụng tổ chức hình thức dạy học linh hoạt theo hướng tích hợp. Bên cạnh đó, còn có thể tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh bằng các hình thức sinh động như: Kể chuyện pháp luật, xây dựng các tiểu phẩm, sân khấu hóa, xem hình ảnh, phim tư liệu…, vừa gây hứng thú, vừa tác động tích cực tới nhận thức của học sinh một cách sâu sắc hơn.
Sự hình thành, phát triển nhân cách của học sinh nói chung, việc tiếp thu các kiến thức pháp luật nói riêng không chỉ chịu tác động từ quá trình giáo dục trong nhà trường mà còn bị chi phối từ gia đình, môi trường xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng… Do đó, giáo dục pháp luật cho học sinh nhất thiết phải có sự đồng thuận, thống nhất từ gia đình, nhà trường đến cộng đồng nhằm xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, từ đó, ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của mỗi học sinh.