(Congannghean.vn)-Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012, qua gần 4 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, việc quản lý vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) tại một số nơi vẫn chưa thực hiện tốt.
Khó thực hiện
Từ khi Luật ATTP có hiệu lực đến nay, các đơn vị liên quan đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về vấn đề ATTP đến người dân. Ý thức của các cơ sở kinh doanh thực phẩm đã có sự chuyển biến rõ rệt trong việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại cơ sở mình. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên, qua đó kịp thời xử lý nhiều trường hợp vi phạm.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chất lượng hàng hóa tại chợ Vinh |
Tuy nhiên, trên thực tế, tại một số địa phương, vấn đề đảm bảo VSATTP vẫn chưa được thực hiện tốt. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân liên quan đến vấn đề ATTP còn nhiều hạn chế.
Ông Đào Trọng Dũng, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Việc thực hiện Luật ATTP còn gặp phải một số khó khăn như: Do việc thanh, kiểm tra chỉ có thể thực hiện theo từng thời điểm nhất định nên dẫn đến tình trạng nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tìm mọi cách đối phó với lực lượng chức năng. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác VSATTP nói chung, cán bộ làm công tác thanh tra về vấn đề VSATTP nói riêng còn thiếu.
Tại các huyện, cán bộ làm công tác VSATTP phần lớn kiêm nhiệm, trong khi phải quản lý số lượng lớn cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Ngoài ra, công tác kiểm tra vấn đề đảm bảo VSATTP hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý Nhà nước về VSATTP còn có sự chồng chéo; hành lang pháp lý cũng như hệ thống dụng cụ, phương tiện chuyên dụng phục vụ công tác kiểm tra còn thiếu.
Luật ATTP giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP chủ yếu cho 3 Bộ: Y tế, NN&PTNT, Công thương và thực hiện quản lý theo chuỗi thực phẩm.
Trên thực tế, việc đảm bảo VSATTP phải được thực hiện trong cả quá trình xuyên suốt, từ khâu nuôi trồng, thu hái, đánh bắt, giết mổ (phụ thuộc vào giống, thức ăn chăn nuôi, hóa chất bảo vệ thực vật…) đến khâu sơ chế, sản xuất, chế biến, kinh doanh (phụ thuộc vào các điều kiện về cơ sở sản xuất, về con người, về sử dụng phụ gia, hóa chất dùng cho sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm).
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế trong công tác phối hợp liên ngành trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tập thể, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về VSATTP.
Tăng cường thanh, kiểm tra
Rau, thịt là các thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, các loại thực phẩm này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nitrat trên rau; tồn dư chất cấm, thuốc kháng sinh trên thịt; nhiễm vi sinh trên rau, thịt…
Sản phẩm rau, thịt không đảm bảo VSATTP có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, gây ra các bệnh đường ruột, bệnh mãn tính, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khỏe người tiêu dùng. Những thông tin về thực phẩm rau, thịt không an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua đang gây bức xúc và hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Để nâng cao công tác quản lý Nhà nước về vấn đề đảm bảo VSATTP trong những tháng cuối năm, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát việc thực hiện Luật ATTP, các quy định về VSATTP cho cán bộ quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, quản lý làm công tác VSATTP.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vấn đề VSATTP. Đơn cử như: Củng cố hệ thống quản lý từ tuyến tỉnh đến cơ sở, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành liên quan; tổ chức thanh, kiểm tra thường xuyên và đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm về VSATTP; nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, tư vấn và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong lĩnh vực VSATTP; quan tâm tới công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng các thành tựu khoa học vào lĩnh vực VSATTP; xã hội hóa công tác đảm bảo VSATTP; tăng cường đầu tư các nguồn lực cho công tác này.
Các cơ sở chế biến thực phẩm cần thực hiện nghiêm Luật ATTP và các văn bản liên quan, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân và vật lực cho việc sản xuất, kinh doanh, lưu thông thực phẩm; tăng cường việc cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về VSATTP do các cơ quan chức năng tổ chức.
Về phía người tiêu dùng, kiên quyết không mua, không sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện nguy cơ gây mất VSATTP, cần kịp thời cung cấp thông tin cho chính quyền sở tại và các cơ quan liên quan; đồng thời cần tìm hiểu rõ thông tin về các loại thực phẩm an toàn để trở thành người tiêu dùng thông thái.