(Congannghean.vn)-Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có 2.920 tuyến giao thông nông thôn (GTNT) với tổng chiều dài 14.296,3 km, trong đó: Bê tông nhựa 42,6 km, chiếm 0,3%; bê tông xi măng 2.112,4 km, chiếm 14,77%; đá dăm nhựa 3.083,4 km, chiếm 21,56%; đá dăm 210,5 km, chiếm 1,47%; đường cấp phối và đất 8.847,5 km, chiếm 61,66%. Hầu hết các tuyến GTNT đều được đầu tư xây dựng đã lâu với quy mô nhỏ, chủ yếu là cấp V, cấp VI và chưa đạt cấp nên khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải lớn để kết nối giữa các cụm công nghiệp với các khu công nghiệp chưa cao.
Một cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATGT tại Nghệ An |
GTNT là một trong những mắt xích thiết yếu kết nối các vùng nông thôn với hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, khu đô thị, khu kinh tế; thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, mạng lưới đường bộ GTNT chiếm trên 70% tổng chiều dài mạng lưới đường bộ cả tỉnh.
Trong những năm qua, cùng với công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), hệ thống GTNT đã đạt được kết quả vượt bậc. Từ năm 2010 đến nay, chiều dài đường GTNT đã tăng 3.172 km; 242 cầu lớn, nhỏ trên đường huyện, đường xã được xây mới; 58 cầu được cải tạo sửa chữa đảm bảo ATGT.
Tuy nhiên, mạng lưới GTNT của tỉnh Nghệ An vẫn trong tình trạng yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển KT-XH của địa phương, nhất là đối với các xã, thị trấn vùng sâu, vùng xa.
Địa bàn các xã khu vực miền núi có diện tích khá rộng, dân cư thưa thớt, các tuyến giao thông dài. Quy mô đường GTNT còn nhỏ hẹp, hệ thống cầu, cống thiếu về số lượng, chất lượng và tải trọng còn hạn chế, đặc biệt là ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tỉ lệ mặt đường bê tông, nhựa còn thấp, chủ yếu mặt đường vẫn là cấp phối và đường đất.
Bên cạnh đó, do nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hạn chế, vừa thiếu hoặc không có, dẫn đến tình trạng đường xuống cấp ngày càng nghiêm trọng; nhiều tuyến tải trọng bị hạn chế do cầu yếu hoặc thiếu các công trình thoát nước. Hiện trạng hệ thống GTNT của tỉnh so với chỉ tiêu giao thông của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thì khối lượng cần nhựa hóa hay bê tông hóa là rất lớn.
Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) khu vực nông thôn ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. TNGT xảy ra tại các tuyến đường nông thôn chiếm 10,93% số vụ, 12,67% số người chết và 11,63% tổng số người bị thương, trong đó TNGT liên quan đến xe môtô chiếm tới 80%.
Từ thực trạng trên, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2490/QĐ-UBND ngày 1/6/2016 về phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự ATGT nông thôn từ năm 2016 – 2020, với mục tiêu định hướng các giải pháp nhằm giảm thiểu TNGT nông thôn đến năm 2020; tăng cường đảm bảo trật tự ATGT nông thôn nhằm giảm TNGT khu vực nông thôn một cách bền vững; đảm bảo ATGT thông suốt từ mạng lưới giao thông toàn tỉnh đến đường tỉnh, đường huyện, đường thôn, xã nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh và nhu cầu đi lại của nhân dân; nâng cao điều kiện sống, giảm ảnh hưởng về KT-XH do TNGT gây ra cho người dân sống ở khu vực nông thôn.
Phấn đấu 100% đường huyện, đường xã đi lại thông suốt quanh năm; tỉ lệ mặt đường được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa và có đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ đối với đường huyện đạt 100%, đường xã tối thiểu 70%; đưa dần hệ thống đường GTNT vào cấp kỹ thuật và đảm bảo các yêu cầu về an toàn theo quy định; hoàn thành giai đoạn II xây dựng các cầu dân sinh thuộc Đề án xây dựng cầu dân sinh tại các huyện; xóa bỏ 100% các điểm đen TNGT trên hệ thống đường huyện, đường liên xã; từng bước bố trí các nguồn vốn để bảo trì hệ thống đường GTNT: 100% đường huyện và tối thiểu 45% đường xã được bảo trì.
Loại bỏ 100% các phương tiện quá niên hạn sử dụng, các phương tiện không đảm bảo an toàn bị cấm theo quy định của pháp luật; 100% các tuyến đường huyện, đường liên xã được tuần tra, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT thường xuyên, đặc biệt vào các thời điểm như trước, trong và sau Tết Nguyên đán, các dịp lễ hội...
Với mục tiêu trên, Đề án cũng đề ra 8 nhóm giải pháp tổng quan và cụ thể như: Nâng cao điều kiện an toàn cho kết cấu hạ tầng GTNT; tăng cường công tác quản lý chất lượng phương tiện giao thông và công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT khu vực nông thôn thông qua trường học và tại cộng đồng khu dân cư; tăng cường giải pháp về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, tăng cường vai trò của lực lượng Công an xã trong việc tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nâng cao hiệu quả sơ cấp cứu sau tai nạn trên cơ sở tăng cường hệ thống y tế hiện tại từ cấp huyện xuống cấp xã; về nguồn nhân lực được huy động các lực lượng tham gia đảm bảo trật tự ATGT khu vực nông thôn, nòng cốt là lực lượng Công an huyện, Công an xã, thị trấn; đồng thời huy động người dân, đoàn viên, hội viên là lực lượng chủ chốt.
Về nguồn vốn được huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau như vốn từ Ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ; từ các dự án, chương trình đầu tư phát triển xây dựng nông thôn; đóng góp của nhân dân, cộng đồng xã hội bằng tiền, vật tư, lao động...
Cùng với 9 nhóm giải pháp đột phá như: Tiến hành rà soát và cải tạo điều kiện ATGT tại các giao cắt của GTNT với các giải pháp cơ bản: Cải tạo tầm nhìn, lắp đặt biển báo, gương cầu lồi, làm gờ giảm tốc; triển khai đồng loạt việc xử lý đảm bảo an toàn tại các giao cắt giữa các tuyến giao thông.
Giải pháp cần ưu tiên trước hết là xây dựng các gờ giảm tốc tại các giao cắt, nên dùng bằng bê tông nhựa hoặc đá trộn nhựa và có sơn phản quang cho gờ giảm tốc. Yêu cầu bắt buộc đối với các dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo đường GTNT phải có đầy đủ hệ thống báo hiệu và cảnh báo. Đảm bảo 100% các tuyến đưa vào sử dụng có đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo ATGT.
Tăng cường bố trí các nguồn lực đảm bảo công tác bảo trì hệ thống đường GTNT hiện có, đặc biệt kêu gọi xã hội hóa trong công tác bảo trì và nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác bảo trì giao thông nông thôn ở địa phương. Ưu tiên cải tạo các điểm đen TNGT và các điểm nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT.
Loại bỏ hoàn toàn các phương tiện quá niên hạn sử dụng, các phương tiện tự chế không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông theo quy định. Hỗ trợ người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn trong việc bảo dưỡng xe máy và thay thế một số phụ tùng, đặc biệt là phanh xe. UBND các huyện, thành, thị dành một phần kinh phí; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xe máy cùng tham gia.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân khu vực nông thôn thông qua các hình thức: Loa phát thanh xã, tuyên truyền lưu động, xây dựng hòm thư công bố các trường hợp vi phạm trật tự ATGT ở địa phương; đưa nội dung tuyên truyền ATGT vào các sinh hoạt tôn giáo, tại các lễ hội, các phiên chợ; các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… tham gia tuyên truyền đến từng gia đình, từng đối tượng; xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên cơ sở.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT, trong đó đặc biệt phát huy vai trò của lực lượng CSGT huyện và Công an xã; thành lập các đội kiểm tra xử lý chéo giữa các xã trong huyện; thành lập các đội “Tự quản về ATGT” ở địa phương; bố trí kinh phí hỗ trợ cho lực lượng Công an xã tham gia tuần tra, kiểm soát. Thành lập các đội xe máy cấp cứu y tế tại các khu vực hay xảy ra TNGT trên hệ thống đường huyện, đường liên xã…
Với sự chỉ đạo quyết liệt cùng với các giải pháp vừa mang tính dài hạn và có tính cụ thể đột phá như trên, tin rằng, Đề án đảm bảo trật tự ATGT nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 được UBND tỉnh phê duyệt sẽ là liệu pháp toàn diện, hiệu quả cho công tác đảm bảo trật tự ATGT nông thôn nói riêng và công tác đảm bảo trật tự ATGT nói chung trong thời gian tới.