(Congannghean.vn)-Theo Thông tư 01/2016 của Bộ Công an, kể từ ngày 15/2/2016, CSGT trong lúc làm nhiệm vụ được trưng dụng tài sản của người dân theo quy định của pháp luật. Vậy, quy định này được hiểu như thế nào?
Trong trường hợp nào CSGT được trưng dụng tài sản của nhân dân
Trước đó, vào ngày 4/1/2016, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 01/2016/TT-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/2/2016 và thay thế Thông tư 65/2012/TT-BCA; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn; trang bị, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ; hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính; phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT.
Theo quy định của Thông tư, đối tượng áp dụng là: Sỹ quan, hạ sỹ quan CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ; Công an các đơn vị, địa phương có liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam.
Từ ngày 15/2, CSGT được trưng dụng tài sản khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Chủ tịch UBND tỉnh |
Theo Thông tư, cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ có một số quyền hạn nhất định, trong đó có quy định: “Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”. Trước hết, cơ sở pháp lý của quy định này là căn cứ vào Luật Công an nhân dân (CAND) năm 2014.
Trước đó, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 bãi bỏ quyền trưng dụng của Công an theo Luật CAND năm 2005, nhưng thay thế bằng quyền huy động. Do vậy, Luật CAND mới có sự phát triển và không mâu thuẫn với Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản khi quy định Công an có hai quyền trưng dụng và huy động tài sản. Ngoài ra, Khoản 18, Điều 2, Nghị định số 106/2014 của Chính phủ; Điều 13, Luật CAND và Điều 30, Luật Giao thông đường bộ cũng nêu rõ, quyền hạn của CAND được trưng dụng tài sản.
Cụ thể, Khoản 15, Điều 15, Luật CAND quy định Công an có nhiệm vụ, quyền hạn: “Huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra”.
Khoản 18, Điều 2, Nghị định số 106/2014 của Chính phủ nêu rõ: “Trong trường hợp cấp thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, được huy động, trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển sử dụng phương tiện đó”.
Điều 13, Luật CAND và Điều 30, Luật Giao thông đường bộ cũng quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; khi xảy ra tai nạn giao thông phải dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn; người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu”.
Trưng dụng khi có quyết định của Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND tỉnh
Cần hiểu rằng, trưng dụng ở đây được hiểu là Nhà nước mượn tài sản của người dân trong thời gian nhất định, thông qua quyết định hành chính và quy trình chặt chẽ. CSGT chỉ được phép trưng dụng tài sản của nhân dân khi có quyết định bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh, xảy ra trong các trường hợp vì an ninh quốc gia.
Nói cách khác, Thông tư 01 của Bộ Công an chỉ nhắc lại quyền được trưng dụng tài sản của CSGT, còn quyền, trình tự, nguyên tắc thực hiện trưng dụng vẫn phải thực hiện theo các quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản. Đối với người dân có tài sản được CSGT trưng dụng theo đúng quy định và trình tự thì phải chấp hành, nếu không sẽ bị cưỡng chế và bị phạt hành chính hoặc hình sự. Đối với tài sản được trưng dụng, nếu sử dụng gây thiệt hại thì Nhà nước sẽ bồi thường về vật chất lẫn tinh thần. Hai bên thỏa thuận, nếu không đồng ý thì người dân có quyền kiện ra tòa.
Trong một số trường hợp, người dân có quyền từ chối bởi các quyền tài sản của người dân là không thể xâm phạm song trong một số trường hợp, người dân có thể bị chế tài. Đơn cử như CSGT huy động phương tiện là xe ôtô cá nhân hoặc taxi đưa người đi cấp cứu nhưng tài xế không chấp hành dẫn đến chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cũng theo quy định, các trường hợp cụ thể CSGT được huy động tài sản như khi đuổi bắt người phạm tội, người gây tai nạn nhưng bỏ chạy, chở người bị nạn đi cấp cứu, sử dụng phương tiện giải tỏa vật cản gây ùn tắc giao thông, giải phóng hiện trường tai nạn… Trong các trường hợp này, tài sản được huy động có thể là xe hoặc điện thoại di động. Trường hợp sử dụng tài sản huy động vào mục đích cá nhân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi thì có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Người dân cũng có quyền kiểm tra thông tin của CSGT thông qua thẻ tuần tra, kiểm soát hoặc giấy chứng nhận ngành Công an. Nếu cảm thấy những giấy tờ đó bị làm giả, người dân có thể yêu cầu được liên lạc với chỉ huy của CSGT đó để kiểm tra hoặc liên hệ đến Công an gần nhất.