(Congannghean.vn)-Với những tiện ích như thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng, tốc độ di chuyển nhanh, không bắt buộc phải có giấy phép lái xe nên những năm gần đây, xe máy, xe đạp điện đã chiếm lĩnh thị trường tại các địa phương, từ nông thôn đến thành thị trên địa bàn Nghệ An.
Xe đạp, xe máy điện trở thành phương tiện giao thông phổ biến, được ưa dùng, nhất là với thanh niên, học sinh, sinh viên và cả người lớn tuổi. Tuy nhiên, những bất cập trong công tác quản lý và sự hạn chế về ý thức trong việc chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân đã tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn về trật tự ATGT.
Tại Việt Nam hiện nay, mỗi chiếc xe đạp, xe máy điện có giá dao động từ 8 - 15 triệu đồng. Với ưu thế giá cả hợp lý, kết hợp với những tiện ích về thiết kế, không bắt buộc phải có giấy phép lái xe, lại được xem là phương tiện “thân thiện với môi trường” nên đối tượng sử dụng các phương tiện này cũng khá phong phú.
Không chỉ một bộ phận thanh niên, học sinh, sinh viên, ngay cả những bậc phụ huynh hay người lớn tuổi cũng lựa chọn xe đạp, xe máy điện làm phương tiện đi lại. Hơn nữa, khi con em sử dụng loại xe này, phụ huynh cũng cảm thấy yên tâm hơn trong việc đi lại, bởi họ nghĩ rằng, các loại xe đạp, xe máy điện có tốc độ vừa phải nên sẽ có tính an toàn hơn, tránh lạng lách, đánh võng dẫn đến vi phạm pháp luật.
Dù chấp hành việc đội mũ bảo hiểm nhưng tình trạng dàn hàng khi điều khiển xe đạp điện còn xảy ra nhiều ở đối tượng học sinh |
Sự nhận thức hời hợt này vô hình trung có thể gây ra nhiều hệ lụy. Vì trên thực tế, vận tốc của các loại xe này có thể lên đến 40 - 60 km/giờ, gần bằng xe môtô, xe máy; trong khi đối tượng sử dụng các phương tiện này chủ yếu sinh sống tập trung ở thành phố nên mức độ nguy hiểm khi lưu thông của xe đạp, xe máy điện cũng là điều đáng lưu tâm.
Từ những đặc điểm trên, cùng với thực tế một bộ phận người điều khiển phương tiện còn thiếu kỹ năng, hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật nên xe đạp, xe máy điện đã và đang trở thành mối lo, nguy cơ tiềm ẩn gây mất trật tự ATGT.
Luật Giao thông đường bộ tại Khoản 19, Điều 3 quy định, xe đạp điện (xe đạp máy) được coi là phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, khi tham gia giao thông phải chấp hành đúng quy tắc giao thông và đội mũ bảo hiểm đúng quy cách.
Trường hợp người điều khiển xe đạp điện và người ngồi trên xe đạp điện đi trên đường mà không đội mũ bảo hiểm đúng cách hoặc có đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách sẽ bị xử phạt theo Nghị định 171/2013 của Chính phủ, với mức phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.
Tuy nhiên, khó khăn nhất trong quá trình xử lý chính là đối tượng điều khiển thường là học sinh phổ thông, chưa đủ tuổi thành niên nên nhận thức còn hạn chế. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội không đúng quy cách, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách trên các tuyến đường trong thành phố. Trong khi hiện nay, chế tài xử lý vi phạm người điều khiển và người ngồi trên xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm còn nhiều hạn chế, chưa đủ tính răn đe.
Theo một cán bộ CSGT, với những lỗi này, chỉ áp dụng mức xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng đối với người hơn 18 tuổi; từ 16 - 18 tuổi, phạt 50% của mức phạt đối với người hơn 18 tuổi và dưới 16 tuổi phạt cảnh cáo và giữ xe 10 ngày. Thực tế, đối tượng sử dụng xe đạp điện trên địa bàn thành phố chủ yếu là thanh niên, thiếu niên nên chỉ áp dụng mức phạt tối đa nhưng xem ra vẫn quá thấp, dễ xảy ra tình trạng đối tượng tiếp tục tái phạm.
Do đó, để hạn chế tình trạng này, các cấp, các ngành, từ xã hội đến gia đình, nhà trường cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức tham gia giao thông khi sử dụng xe đạp, xe máy điện cho bộ phận học sinh, sinh viên. Về lâu dài, cần hạn chế việc nhập khẩu các loại xe đạp, xe máy điện không đảm bảo quy chuẩn, đặc biệt cần có biện pháp xử phạt nghiêm, góp phần hạn chế những bất cập của loại phương tiện này, từ đó hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.