Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn
Một nghiên cứu đã ghi nhận, những lái xe sử dụng rượu, bia thì nguy cơ bị tai nạn giao thông (TNGT) cao hơn nhiều so với người không sử dụng. Khi nồng độ cồn trong máu đến mức 10 mg/100 ml máu, nguy cơ TNGT cao gấp năm lần so bình thường, còn khi nồng độ cồn trong máu ở mức 240 mg/100 ml máu, nguy cơ TNGT cao gấp 140 lần. Có từ 5 đến 8% nguyên nhân dẫn tới các vụ TNGT ở nước ta là do bia, rượu. Tỷ lệ này càng tăng cao vào thời gian cao điểm như các dịp lễ, Tết. Theo thống kê tại Bệnh viện Việt Ðức trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, con số này lên đến 40%. Cũng theo các bác sĩ, bệnh nhân TNGT do bia, rượu khó cứu chữa hơn các trường hợp tai nạn khác, vì phần lớn mức độ chấn thương rất nghiêm trọng, chủ yếu bị thương ở phần đầu.
Kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông |
Tác hại là thế, nhưng số lượng người sử dụng rượu, bia ở nước ta đang có xu hướng ngày càng tăng, với tỷ lệ hơn 67,8% ở nam giới và 12,6% ở phụ nữ. Một nghịch lý hiện nay là việc uống bia, rượu đôi khi lại trở thành "thước đo" để đánh giá con người, là "sự bảo đảm" cho kết nối làm ăn, hay "cơ hội" khẳng định năng lực công tác,... Trong các cuộc vui, mọi người thường quên lãng những nguy cơ tiềm ẩn. Qua khảo sát cho thấy, gần 80% số nam giới điều khiển phương tiện giao thông ngay sau khi uống rượu, bia, bất chấp những nguy hiểm rình rập. Khi được hỏi vì sao vẫn lái xe máy về nhà sau chầu nhậu, anh Lê Thành Nam, một công chức chia sẻ: Không phải không biết nguy hiểm, mỗi lần trước khi uống rượu, anh em đều dặn nhau nếu say thì bỏ xe lại đi ta-xi về. Nhưng khi đã vào cuộc nhậu, càng say uống càng hăng, càng thấy mình tỉnh. Nhiều người ăn nhậu xong vẫn thấy mình tỉnh táo, nhưng ngồi lên xe mới thấy loạng choạng, lúc đó thì muộn rồi. Biết bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm xảy ra.
Tuyên truyền đi kèm cưỡng chế
Ðánh giá tình hình ATGT dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời điểm này, các lễ hội Xuân diễn ra ở nhiều nơi và kéo dài, nguy cơ mất ATGT luôn rình rập. Do vậy, các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt, áp dụng mức phạt cao nhất đối với những trường hợp sử dụng phương tiện không bảo đảm an toàn, người điều khiển phương tiện uống rượu, bia...
Theo Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Trọng Thái, để hạn chế TNGT do rượu, bia, trước hết phải tuyên truyền rộng rãi về những tác hại cũng như hậu quả của bia, rượu để người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm với chính sự an toàn của bản thân. Tiếp theo, phải quản lý tốt thị trường bia, rượu, nghiêm cấm hoàn toàn việc quảng bá các sản phẩm rượu mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Áp thuế cao hơn cho việc sản xuất bia, rượu, để có thêm nguồn thu tái đầu tư vào công tác phòng chống tác hại của đồ uống có cồn. Song song với đó, phải kiểm soát chặt chẽ thị trường, ngăn chặn có hiệu quả hiện tượng hàng lậu, hàng giả. Các mức xử phạt cần nghiêm khắc hơn, tăng mức phạt tiền trực tiếp sẽ có hiệu quả răn đe cao, vì đôi khi việc thu giữ bằng lái xe cũng không gây cản trở nhiều cho người tham gia giao thông.
Khi lạm dụng rượu, bia dẫn đến say xỉn, như dân gian thường gọi là "rượu uống người", không chỉ gây hại về sức khỏe, tổn thất kinh tế, mà còn mang theo bao hiểm họa. Sử dụng rượu, bia điều độ, đúng cách, có "văn hóa", nhất là khi tham gia giao thông "phải nói không" với bia, rượu nghĩa là chúng ta đang sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Không lái xe sau khi uống rượu,bia
Theo thống kê, trong năm 2012, cả nước phải chi khoảng 3,5 tỷ USD (tương đương 2,6% GDP) vì TNGT liên quan rượu, bia. Vì thế, việc cấm lái xe sau khi uống rượu, bia là hoàn toàn hợp lý trong tình hình hiện nay. Ủy ban ATGT Quốc gia đã đưa ra thông điệp "Ðã uống rượu, bia thì không lái xe". Ngoài ra, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng tổ chức vận động cán bộ, công chức Nhà nước gương mẫu chấp hành các quy định về việc cấm sử dụng rượu, bia vào buổi trưa và trong giờ làm việc. Ủy ban xác định việc giảm hiện tượng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là một trong những nội dung trọng tâm và thường xuyên trong các kế hoạch hoạt động.