(Congannghean.vn)-Để thuận tiện cho việc khai thác cát, sỏi dưới lòng sông, một số doanh nghiệp không được cấp phép vẫn lén lút khai thác chui. Một số doanh nghiệp khác được cấp phép thì ngang nhiên đắp đê, chặn dòng chảy để phục vụ cho việc khai thác.
Thời gian vừa qua, người dân xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An, bức xúc trước việc Công ty TNHH Thành Phát (Công ty Thành Phát), địa chỉ tại xóm 6B, xã Nghĩa Đồng, ngang nhiên đắp một con đê chặn gần hết dòng sông để đưa máy móc thiết bị ra khai thác cát, sỏi tại khu vực mỏ khai thác cát, sỏi làng Ga trên địa bàn.
Con đê doanh nghiệp tự đắp, chặn dòng để khai thác cát tại xã Nghĩa Đồng |
Cụ thể, theo thông tin từ UBND xã Nghĩa Đồng, thì mỏ khai thác cát, sỏi làng Ga trên địa bàn được cơ quan chức năng cấp phép khai thác cho Công ty Thành Phát. Từ khi đưa vào hoạt động khai thác đến nay, doanh nghiệp này đã mang lại nhiều hệ lụy cho người dân trên địa bàn. Trong đó, việc sử dụng nhiều xe trọng tải lớn để vận chuyển cát, sỏi từ vị trí khai thác đến khu vực tập kết đã gây khói bụi, hỏng đường, mất an toàn giao thông khiến người dân bức xúc. Để ngăn chặn tình trạng này, xã Nghĩa Đồng đã cho đổ hai trụ bê tông chôn hai bên đường để ngăn cấm xe tải chạy qua khu dân cư. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp này tự tu sửa một tuyến đường khác để vận chuyển cát, sỏi.
Đặc biệt, từ năm 2019, đoạn cuối mỏ cát làng Ga đã bị doanh nghiệp ngang nhiên đắp một con đê, chặn gần hết dòng sông để đưa máy móc thiết bị ra giữa lòng sông khai thác cát, sỏi. Việc đắp đê ngang sông khiến dòng sông Con bị nắn dòng, chảy xiết về một phía, nguy cơ gây sạt lở đất nông nghiệp là rất lớn, đe dọa trực tiếp đến diện tích sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, đồng thời ảnh hưởng đến quá trình di chuyển của tàu, thuyền trên sông. Liên quan đến vấn đề này, chính quyền cấp xã cho rằng không đủ thẩm quyền để xử lý. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Kỳ cho biết, việc doanh nghiệp tự ý ngăn sông để khai thác tài nguyên khoáng sản là sai, không có bất cứ cơ quan chức năng nào cho phép làm như vậy. Huyện Tân Kỳ chưa nhận được báo cáo từ xã Nghĩa Đồng, nhưng qua phản ánh sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý, yêu cầu doanh nghiệp phá bỏ để khơi thông dòng chảy, trả lại nguyên trạng như ban đầu.
Tương tự, hành vi ngăn sông, chặn dòng chảy để khai thác cát, sỏi xảy ra tại dòng sông Hiếu, đoạn qua xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu. Tại vị trí này, Doanh nghiệp tư nhân Trường Linh được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản vào tháng 11/2017. Thay vì tiến hành khai thác đúng quy trình, mốc giới thì doanh nghiệp này đã ngăn sông, mở đường để ra bãi nổi giữa sông khai thác. Bởi theo người dân, đoạn sông Hiếu doanh nghiệp này được cấp phép bị ngăn dòng có 2 nhánh, ở giữa có một cồn cát sỏi lớn, kéo dài hàng trăm mét, trữ lượng rất lớn. Khi xảy ra sự việc Doanh nghiệp Trường Linh ngăn sông, lo sợ việc thay đổi dòng chảy sẽ làm sạt lở đất nên người dân đã phản ánh lên chính quyền địa phương.
Kiểm tra thực tế đúng như kiến nghị, ngày 24/12/2019, UBND xã Châu Hạnh có Báo cáo số 298/BC-UBND gửi UBND huyện Quỳ Châu để báo cáo sự việc doanh nghiệp tự ý chặn dòng sông Hiếu. Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, phía Doanh nghiệp tư nhân Trường Linh đang cho máy múc và xe tải đào đất và sỏi đá để ngăn dòng chảy phía bờ khối Tân Hương, thị trấn Tân Lạc nhằm mục đích dồn nước chảy theo một dòng chính về phần bờ phía bản Kẻ Bọn.
Ngay sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã kịp thời vào cuộc, yêu cầu Doanh nghiệp tư nhân Trường Linh phục hồi nguyên trạng, khơi thông dòng chảy tự nhiên nhánh sông Hiếu đoạn qua khối Tân Hương, thị trấn Quỳ Châu đã bị đào đắp trong thời gian qua. Được biết, hành vi tự ý đắp kè đê trên sông là vi phạm các quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy tự nhiên, gây sạt lở bờ bãi, sẽ bị xử phạt tại Điều 24, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Cụ thể, mức thấp nhất phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi gây thu hẹp dưới 20% mặt cắt ngang sông, suối, kênh, rạch và cao nhất là phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng đối với hành vi gây thu hẹp từ 50% mặt cắt ngang sông trở lên. Đồng thời, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra; buộc tháo dỡ công trình, dỡ bỏ, di dời các vật gây cản trở dòng chảy.
.