Thứ Sáu, 13/03/2020, 14:51 [GMT+7]

Gia tăng tình trạng khai thác đất san lấp trái phép

(Congannghean.vn)-Trong khi các mỏ đất được cấp phép làm vật liệu san lấp trên địa bàn Nghệ An đang còn quá ít so với nhu cầu thực tế của các công trình xây dựng thì tình trạng “đất tặc”, “đất  lậu” ngang nhiên lộng hành lâu nay là điều khó tránh khỏi. Nhiều đơn vị thi công công trình xây dựng cho rằng, nếu không sử dụng “đất lậu” thì không biết lấy đất ở đâu để san lấp, kịp tiến độ công trình đã đề ra. 

Lợi dụng cải tạo ao hồ, vườn đồi để khai thác đất trái phép           là tình trạng đang diễn ra lâu nay ở một số địa phương
Lợi dụng cải tạo ao hồ, vườn đồi để khai thác đất trái phép là tình trạng đang diễn ra lâu nay ở một số địa phương
Chiêu bài “đất lậu”
 
Những năm gần đây, hoạt động xây dựng trên địa bàn Nghệ An khá nhộn nhịp, trong đó đáng chú ý là các công trình, dự án cầu đường giao thông, công trình xây dựng hạ tầng tái định cư các dự án, công trình khai thác quỹ đất ở các địa phương... Kéo theo đó là nhu cầu cần đất làm vật liệu san lấp mặt bằng tăng đột biến. Trong khi đó, thực tế hiện nay, các mỏ đất được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép khai thác làm vật liệu san lấp lại đang còn quá ít so với nhu cầu. Do vậy, các “đầu nậu” đất sử dụng mọi phương cách để khai thác đất, bán lại cho các công trình xây dựng hưởng lợi.
 
Chia sẻ câu chuyện khai thác “đất lậu”, một “đầu nậu” đất cho biết, trước khi muốn lấy đất, cần tìm hiểu nhu cầu cải tạo vườn đồi của một vài hộ gia đình, sau đó yêu cầu một hộ gia đình nào đó làm đơn trình bày gửi chính quyền địa phương cấp xã, huyện xin “cải tạo vườn”, tận dụng đất dư thừa san lấp công trình trên địa bàn. Khi đơn xin cải tạo vườn được chính quyền địa phương chấp thuận chủ trương, “đầu nậu” sẽ triển khai khai thác đất, chủ yếu bán lại cho các công trình xây dựng có nhu cầu. Tất nhiên, khối lượng đất khai báo cần cải tạo vườn sẽ ít hơn rất nhiều so với lượng đất được “đầu nậu” khai thác mang bán lại cho các công trình. Tình trạng này thường thấy ở các huyện Thanh Chương, Hưng Nguyên, Yên Thành, Đô Lương, Anh Sơn...
 
Một cách  khai thác “đất lậu” khác cho các công trình là lợi dụng việc bóc phong hóa hay còn gọi là bóc tầng phủ của các mỏ đá đã được cấp phép để lấy đất. Thường thấy, phương thức này được các doanh nghiệp vận tải lớn và các nhà thầu thực hiện công trình xây dựng cần lượng đất san lấp lớn triệt để tận dụng. Một số huyện có mỏ đá như Thanh Chương, Yên Thành, Nghi Lộc, Hưng Nguyên... đã từng diễn ra tình trạng này.
 
Hệ lụy “đất lậu”
 
Cái được của “đất lậu” là người dân cần cải tạo vườn, đồi ngoài việc cải tạo được vườn, đồi bằng phẳng sẽ có thêm một khoản thu nhập từ việc “đầu nậu” lấy đất mang ra khỏi địa bàn. Thứ hai là các nhà thầu xây dựng có vật liệu để san lấp, đảm bảo tiến độ công trình đề ra. Cuối cùng là Nhà nước thu được một khoản thuế tài nguyên, tùy thuộc vào khối lượng đất đã khai báo và đánh giá. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh một số ưu điểm trên thì hệ lụy của “đất lậu” để lại là không hề nhỏ. Đó là, thất thoát nguồn tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản; vật liệu san lấp cho các công trình chưa được kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng; thất thoát nguồn thu thuế tài nguyên rất lớn; các vấn đề liên quan đến giao thông, môi trường...
 
Trao đổi với phóng viên vấn đề này, một lãnh đạo huyện Nam Đàn cho hay, tình trạng khan hiếm mỏ đất làm vật liệu san lấp cũng gây khó khăn trong quản lý tài nguyên cho địa phương, trong khi nhu cầu về vật liệu san lấp không có thì doanh nghiệp bằng mọi cách để mua đất. Do vậy, mới có việc lợi dụng cải tạo vườn đồi, xây dựng nông thôn mới để lấy đất mang đi san lấp mặt bằng. Dù Nhà nước có thu thuế hoạt động khai thác đất khi cải tạo vườn đồi, nhưng thất thoát tài nguyên đất là rất lớn.
 
Hiện nay, do khan hiếm nguồn đất san lấp mặt bằng nên nhiều dự án khi được phê duyệt, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã tạo điều kiện cho nhà thầu bằng cách cho sử dụng vật liệu san lấp, nếu đảm bảo chất lượng, mua đất tại chân công trình hoặc phê duyệt khoảng cách lấy đất san lấp, để nhà thầu tự chọn...
 
Tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, trên địa bàn Nghệ An hiện nay, không chỉ khan hiếm nguồn đất san lấp công trình xây dựng mà ngay cả nguồn đất làm vật liệu phụ gia cho các nhà máy xi măng, đất nguyên liệu cho các nhà máy gạch... cũng rơi vào tình trạng “đói nguyên liệu” đầu vào.
 
Về lâu dài, UBND tỉnh và các ngành chức năng có liên quan, cần khảo sát, quy hoạch các mỏ đất hợp lý, trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động mỏ cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Đảm bảo công tác quản lý tài nguyên, nguồn thuế của Nhà nước và quyền lợi của doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng tài nguyên.
.

Đ. Thắng

.